Các nền kinh tế Mỹ Latinh bình tĩnh trước việc Fed tăng lãi suất
Ngay sau khi Ngân hãng Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed) hồi tháng 12 vừa qua điều chỉnh lãi suất, hàng loạt nước Mỹ Latinh đã có biện pháp kịp thời nhằm hạn chế những tác động tiêu cực.
Chính phủ Mexico và Chile đã nhanh chóng tăng lãi suất thêm 0,25% để bắt nhịp với Mỹ, trong khi đó Chính quyền mới ở Argentina cũng đã thống nhất các tỷ giá hối đoái của nước này.
Theo Tổng thống Argentina Mauricio Macri, động thái này là cần thiết dù khiến đồng peso bị mất giá nghiêm trọng, đến mức giới phân tích phải gọi đây là “sự sụp đổ của một đồng nội tệ.”
Sau khi Fed tăng lãi suất, các thị trường hối đoái ở Mỹ Latinh vẫn duy trì sự ổn định tương đối trong khi giá chứng khoán chỉ tăng nhẹ. Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ Latinh cho rằng quyết định này của Fed được nhiều người kỳ vọng và sự gia tăng này chỉ ở mức độ khiêm tốn.
Ngoài Chile và Mexico, các ngân hàng trung ương trong khu vực cũng bình tĩnh đón nhận quyết định của Fed.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC), việc nâng lãi suất này đã không gây ra sự xáo trộn tài chính trong ngắn hạn ở khu vực này. Trái với những lo ngại nợ công nghiêm trọng tại các nước Mỹ Latinh cách đây 30 năm, những rủi ro giảm đáng kể do các khoản nợ nước ngoài của hầu hết các quốc gia trong khu vực này hiện này đều rất nhỏ.
Ngoài ra, bất chấp sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp, hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh đều duy trì được sự ổn định với những nền tảng kinh tế của mình, đồng thời tăng cường khả năng đối phó với các rủi ro tài chính.
Trong một báo cáo mới nhất, ngân hàng Tây Ban Nha BBVA cho rằng “hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh đều có thể kiểm soát được tác động của việc Mỹ tăng lãi suất nhờ việc tích lũy được một lượng ngoại tệ trong thập kỷ qua cũng như sự kiểm soát lạm phát chặt chẽ hơn, cùng với đó là một chế độ hối đoái linh hoạt và một chính sách tài chính thận trọng hơn.”
Video đang HOT
Thêm vào đó, kể từ đầu năm 2015 và cùng với động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất thêm 2,5%, trong khi Colombia tăng 0,75% còn Peru và Chile cùng tăng 0,25%. Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp này đã giúp giảm áp lực từ sự sụt giảm giá các đồng nội tệ.
Tuy nhiên, bất chấp những thuận lợi này, các quốc gia Mỹ Latinh cũng không nên xem nhẹ các tác động trong trung và dài hạn từ quyết định này của Fed. Với tình hình không khả quan trên các thị trường hàng hóa, hầu hết các nước Mỹ Latinh phải đối mặt với một cán cân thương mại đang xấu đi, một nền kinh tế tăng trưởng chậm và áp lực rất lớn từ lạm phát và sự sụt giảm giá đồng nội tệ.
Việc Fed tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế ở khu vực Mỹ Latinh khi quyết định này tác động đến giá cả hàng hóa, các dòng vốn và giá trị các đồng nội tệ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó từng cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ Latinh có thể suy giảm 0,3% trong năm 2015 sau khi Mỹ Latinh tỏ ra quá phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.
Các con số của ECLAC đã chỉ rõ trong năm 2015, giá trung bình của các mặt hàng như dầu mỏ, đồng thau và thép đã giảm gần 30%, thì việc Fed quyết định tăng lãi suất có thể gây ra một sự sụt giá hơn nữa trong năm 2016.
Báo cáo của BBVA nhấn mạnh quyết định của Fed sẽ tác động tiêu cực tới nguồn vốn của Mỹ Latinh. Ước tính trong năm 2015-2017, ước tính làn sóng rút vốn ồ ạt trong khu vực này đã lên tới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực và điều này làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát cũng như sự suy giảm giá trị đồng nội tệ.
Không chỉ vậy, nhiều quốc gia có thể rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi xem xét các chính sách tiền tệ của mình. Dưới áp lực lạm phát, nhiều quốc gia trong khu vực hiện đang chứng kiến nền kinh tế bị suy thoái. Quyết định của Fed sẽ khiến các đồng nội tệ bị giảm giá so với đồng USD, từ đó càng làm lạm phát trầm trọng thêm./.
Theo VietnamPlus
Fed nâng lãi suất ảnh hưởng kinh tế thế giới như thế nào?
Thời kỳ chính sách tiền tệ dễ dàng của các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp diễn, ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất lên phạm vi 0,25% - 0,5%.
Giới chuyên gia dự báo sẽ không có nhiều ngân hàng trung ương đi theo con đường thắt chặt chính sách của Fed - Ảnh: AFP
Theo Bloomberg, mức lãi suất mà Chủ tịch Fed Janet Yellen và các nhà hoạch định chính sách Mỹ vừa tăng lên vẫn còn cách rất xa mức lãi suất trung bình 2% từ năm 2000 và 3,2% trong giai đoạn năm 2000 đến năm 2007.
Điều này cũng có nghĩa là lãi suất trung bình của 8 nước phát triển và khu vực đồng euro do ngân hàng JPMorgan Chase theo dõi sẽ kết thúc năm 2016 với 0,36%. Đây là mức thấp hơn 3 điểm phần trăm so với mức trung bình của những năm từ 2005 đến 2007.
Trong trường hợp Fed tăng lãi suất cơ bản lên 1,5% kể từ thời điểm này, các nhà phân tích thuộc ngân hàng JPMorgan Chase vẫn dự đoán lãi suất của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt là dưới 1% trong tháng 12 năm sau, vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vẫn không tăng lãi suất.
Kết quả cuối cùng cho nền kinh tế thế giới, như Thống đốc Ngân hàng Anh (BOE) Mark Carney mô tả trong tuần này, là một môi trường "lãi suất thấp trong thời gian dài", ngay cả khi Mỹ nâng lãi suất. Tình hình lạm phát yếu và triển vọng tăng trưởng mờ nhạt sẽ khiến chính sách tiền tệ toàn cầu phải duy trì lỏng lẻo.
"Con đường Fed đi sẽ là từ tốn và không có bất cứ ai đi sau họ. ECB và BOJ chắc chắn sẽ không tăng lãi suất trong tương lai gần", David Hensley, chuyên gia về kinh tế toàn cầu của JPMorgan ở New York nhận định.
Trong 12 tháng tới, thậm chí có thể còn có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hệt như tăng lãi suất. Trong số 31 ngân hàng trung ương đang được quan sát, JPMorgan dự báo sẽ có 9 ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, bao gồm ngân hàng ở các nước Trung Quốc, Thụy Điển, New Zealand và Malaysia. Việc số lượng các thị trường mới nổi neo nội tệ của họ với đồng đô la Mỹ bớt đi cũng đồng nghĩa với chuyện sẽ không còn nhiều thị trường phải xuôi theo Fed như họ đã từng.
Thế giới với lãi suất cận 0% vẫn tiếp tục: Biểu đồ thể hiện mức lãi suất trung bình của các nền kinh tế phát triển - Ảnh: Bloomberg
Dù vậy, vẫn có 10 ngân hàng trung ương, ngoài Fed, đã và đang thắt chặt chính sách tiền tệ. BOE đã thắt chặt chính sách trong quý 2 và Ngân hàng Canada thì thắt chặt trong quý 4. Chuyên gia Hensley cũng cho rằng ông có thể sẽ nhìn thấy nhiều thị trường mới nổi tăng lãi suất hơn so với những gì bản thân dự báo.
Bất kể lãi suất là bao nhiêu, vẫn sẽ có nhiều bảng cân đối "bội thu" sau những năm áp dụng biện pháp nới lỏng định lượng. Bank of America cho hay 4 ngân hàng trung ương lớn sẽ mở rộng đến 13.500 tỉ USD vào cuối năm 2017 từ mức 11.000 tỉ USD của năm nay.
"Một lượng khá lớn thanh khoản sẽ được thêm vào các thị trường trên toàn thế giới trong hai năm tới, nếu không muốn nói là lâu hơn, ngay cả khi vài ngân hàng trung ương đang từ từ nâng lãi suất. Sự kết hợp đó duy trì lập trường chính sách trên toàn cầu, có thể giúp kéo tăng trưởng kinh tế thế giới, đưa ra mức sàn cho lạm phát và hỗ trợ nhu cầu các tài sản rủi ro", nhà kinh tế Michael Hanson của Bank of America nói.
Song Steve Barrow, chuyên gia về chiến lược cho Group-of-10 (nhóm 10 nước gồm Bỉ, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ...) của Standard Bank ở London (Anh), không tán đồng với quan điểm trên. Ông Barrow cho rằng thế giới đang ở "điểm uốn". Lãi suất hạ và chuyện mua trái phiếu ở những nơi khác sẽ không có trọng lượng tương tự như động thái từ Fed, vì USD vẫn là một đồng tiền quốc tế và sẽ tiếp tục mạnh.
"Điểm mấu chốt ở đây là chuyện thế giới từ bỏ việc đi theo chính sách tiền tệ của Fed sẽ khó khăn, ngay cả khi ban đầu chẳng có tín hiệu nào thể hiện điều này. Chúng tôi được chuẩn bị cho biến động lớn hơn và đồng bạc xanh mạnh hơn, nhưng giá cả thấp hơn cho các tài sản rủi ro".
Nếu nước Mỹ một lần nữa trượt vào suy thoái xét trên một số mặt, cuộc đua lãi suất về 0 sẽ một lần nữa diễn ra, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nói trên Bloomberg. Ông dự báo 50-50 khả năng có sự sụt giảm nói trên diễn ra trong vòng hai năm. "Chúng ta chưa tạm biệt mãi mãi với chuyện lãi suất quay về 0 hoặc thấp hơn", ông Summers nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Giá dầu chạm 'đáy' mới trên thị trường Mỹ do dự trữ dầu tăng cao Trong phiên giao dịch ngày 16/12, giá dầu thế giới chạm đáy mới của nhiều năm qua, sau khi báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho thấy dự trữ dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới tăng mạnh trong tuần trước, đồng thời nguồn cung các chế phẩm dầu mỏ cũng có xu hướng đi lên....