Các món ngon từ thịt chuột
Thịt chuột đồng là món ăn mới nghe tên sẽ ‘rùng mình’ nhưng khi đã ‘đúng gout’ thì chỉ muốn ăn mãi không ngừng.
Thịt chuột có thể khiến nhiều người e ngại, thậm chí là rùng mình. Tuy nhiên, đây lại là đặc sản rất hấp dẫn của nhiều địa phương như miền Tây hay đồng bằng Bắc Bộ. Món ăn được mô tả là “ai chưa ăn thì sợ, ăn rồi thì ghiền”. Nguyên liệu dùng để chế biến là chuột đồng, béo mập, chuyên ăn lúa nên thịt khá sạch hơn các loại chuột khác. Thịt chuột đồng sau khi được làm sạch có thể làm được nhiều món ngon như xào, nướng hay rang đều ngon.
Món này không cần nguyên liệu cầu kỳ mà chỉ cần thịt chuột đồng làm sạch và muối. Đầu bếp chặt thịt chuột thành từng phần nhỏ, không nên chặt to để thịt được ngấm gia vị, sau đó ướp với muối, chanh, bột ngọt, ngũ vị hương… và rang trên lửa lớn. Miếng thịt có vị ngọt chắc, vị mặn đậm đà của muối và gia vị, mùi thơm. Đây là một trong những cách chế biến phổ biến nhất của món thịt chuột đồng.
Người miền Tây xa quê thường nhớ món chuột đồng chiên sả ớt bởi hương vị khó quên, thơm mùi sả, cay cay vị ớt. Chuột đồng được làm sạch, ướp với sả ớt băm nhỏ, muối, hành tây, cà ri, nước dừa, hạt tiêu, đường… cho thật ngấm rồi đảo trên chảo cho tới khi thịt chín vàng, thơm nức mũi. Thịt chuột chiên sả ớt có thể xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày, ăn với cơm gạo mới đủ ứa nước miếng.
Một đặc sản khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là chuột đồng quay lu. Dường như chỉ ở vùng đồng quê, người ta mới có đủ dụng cụ và thời gian để làm được món ăn mang đậm hương đồng gió nội này. Thịt chuột được hun khói tầm 15 phút rồi cho vào lu nướng, quay liên tục cho tới khi chín. Khi quay, phải thêm mỡ, gia vị, nướng hơn một giờ mới chín ngon. Món ăn thơm nức từ ngoài vào trong, vị đậm đà, thịt dai ngon, chấm với muối tiêu chanh giản dị và ăn kèm một số món như chuối xanh, khế, dưa chuột, cà chua…
Chuột đồng khía nước dừa
Video đang HOT
Người miền Tây còn ưa chuộng chuột đồng khía nước dừa. Cách làm cũng khá cầu kỳ, ngoài gia vị còn có thêm nước dừa – sản vật của miền sông nước. Nếu khi thịt chuột nướng hay quay có mùi thơm, vị đậm đà thì chuột khía nước dừa lại có vị ngọt béo khó cưỡng. Người ta làm sạch chuột, khoét bụng, lấy ruột ra và nhồi vào gia vị hành tỏi, ngũ vị hương, muối, bột ngọt để át đi vị; sau đó chiên chín. Đầu bếp tiếp tục cho dừa vào nồi nước dừa hầm lửa nhỏ, đun cạn lại đổ tiếp nước dừa cho tới khi sôi và cho lạc rang vào.
Cách chiên nước mắm khá phổ biến ở cả 2 miền. Chuột đồng được chọn là những con béo tròn, chắc thịt. Đầu bếp làm sạch, thui vàng, sau đó mới ướp nước mắm giống ướp các loại thịt lợn, thịt gà khác. Khi thịt chuột đã thấm đều gia vị, người ta đem chiên trong chảo dầu với lửa nhỏ để thịt chín từ từ, đảm bảo mùi hương hấp dẫn. Chuột đồng chiên nước mắm dễ ăn, vị vừa miệng, bên ngoài giòn, bên trong thơm.
Chuột đồng hấp lá chanh là món nhậu quen thuộc của người dân miền Tây. Khác với các loại nướng, chiên, cách hấp lá chanh đảm bảo được hương vị “nguyên bản” nhất của món ăn. Người ăn có thể cảm nhận được vị ngọt thịt rõ rệt hơn mà không bị các loại gia vị lấn át. Ăn kèm lá chanh, chấm muối tiêu chanh giống với cách ăn thịt gà. Lá chanh thơm có tác dụng khử mùi, kích thích vị giác.
Theo Ngôi sao
Người Canh Nậu rong ruổi khắp cánh đồng săn chuột
Chẳng biết tự bao giờ, chuột đồng được coi là món đặc sản đồng quê và thường dành cho những thực khách sành ăn. Thế nhưng, để bắt được những chú chuột đồng thơm ngon ấy, đòi hỏi những thợ săn chuột phải có nhiều "món nghề" mà không phải ai cũng biết. Những câu chuyện săn bắt chuột được các thợ săn ở vùng đất cổ Canh Nậu kể lại chắc hẳn sẽ khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác...
Ông Đỗ Đăng Mức một thợ săn có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc săn chuột chia sẻ cách bắt chuột hiệu quả.
"Kỹ nghệ" săn chuột đồng
Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội lại nô nức rủ nhau ra đồng để săn chuột. Việc săn bắt và chế biến chuột đồng không chỉ là thú vui mà nó còn góp phần bảo vệ mùa màng, mang lại thu nhập "khủng" cho người dân nơi đây.
Nhiều người dân cho biết, họ cũng không nhớ rõ nghề săn chuột đồng ở Canh Nậu bắt đầu từ thời điểm cụ thể nào, họ chỉ nhớ việc bắt chuột đồng có từ rất nhiều năm về trước. Ban đầu, việc bắt chuột đồng đơn giản chỉ để cải thiện, thay đổi thực phẩm trong bữa ăn của từng hộ gia đình hay đơn giản là để bảo vệ mùa màng. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ loại thực phẩm này có xu hướng gia tăng nên nhiều người dân mới bắt đầu đi săn bắt để phục vụ mục đích kinh doanh.
Công việc săn chuột diễn ra quanh năm nhưng náo nhiệt nhất là vào độ giữa tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch), thời điểm khi vụ mùa mới thu hoạch xong, nguồn thực phẩm nhiều và chuột phát triển mạnh nhất.
Có mặt tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất vào một ngày đầu tháng 11 Âm lịch, thời điểm được coi là "tháng cao điểm" của những thợ săn chuột, chúng tôi được người dân giới thiệu đến gặp ông Đỗ Đăng Mức (SN 1956, thôn 2, xã Canh Nậu), một thợ săn có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc săn chuột.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Đăng Mức cho biết, hằng ngày ông đi săn chuột ở khắp cánh đồng tại xã Canh Nậu, có khi phải di chuyển hàng chục cây số để săn chuột về bán. Đồ nghề đi săn chuột cũng khá đơn giản, người săn chuột chỉ cần chuẩn bị vài bó rơm khô, chiếc bật lửa, thuổng, vợt để đào hang hoặc chiếc xô để đổ nước vào hang của chuột.
Theo ông Mức, thú săn chuột ở canh Nậu lâu dần thành thói quen. Trước đây ở xã chỉ có vài gia đình làm nghề nhưng sau này, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn nên nhiều người bắt đầu săn bắt, một số hộ gia đình còn mở dịch vụ thu mua, chế biến.
Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi được ông Mức dẫn ra khu đồng ở gần nhà để mục sở thị kỹ năng "sát thủ" của tay săn chuột nổi tiếng tại xã Canh Nậu. Để phát hiện dấu vết của "cu tý" một cách nhanh nhất, ông Mức nói sẽ dẫn theo một trợ thủ đắc lực là chú chó xám của gia đình. Ông Mức cho biết, loài chó có khả năng đánh hơi, phát hiện ra hang chuột rất tốt nên thường được người dân đem đi bắt chuột cùng.
Thịt chuột sau khi làm sạch có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Luộc ép lá chanh, rang khô...
Ông Mức chia sẻ: "Trời càng về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu lại càng đông hơn bởi những tốp người đang hì hụi đào hang, hun chuột. Dân săn chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con ở đây lên 7 đã theo người lớn ra đồng, thậm chí những cụ già ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn còn rất ham bắt chuột. Chuột sau khi bắt về được cạo lông, làm sạch, thui rơm vàng óng, thịt thơm và ngọt, ăn nhiều thành "nghiện", có khi ngon hơn cả thịt gà, thịt lợn".
Di chuyển trên bờ ruộng đất, chốc chốc người thợ săn này lại dừng lại vạch bụi cỏ tìm hang chuột rồi cuốc đất, đào hang, múc nước ổ vào hang cho chuột sặc nước để chạy ra chui vào rọ.
Chỉ sau khi vài xô nước được đổ vào tổ, ông Mức đã "túm gọn" được một chú chuột đồng béo mũm mĩm. Ngay sau đó ông dùng chính lưỡi xuổng để bẻ răng nanh của con chuột vừa bắt được. Ông Mức cho biết việc bẻ răng nanh là rất cần thiết, bởi bẻ như vậy chuột không cắn được nhưng vẫn sống. Chuột phải sống thì thịt mới ngon. Còn chết trước khi làm thì coi như vứt, mất hết độ tươi, giòn thơm, còn có mùi hôi.
Cũng theo ông Mức, ngoài cách đào hố rồi đổ nước vào hang chuột thì dùng bẫy để bắt chuột cũng được nhiều người lựa chọn. Theo đó, người thợ sẽ đặt những chiếc lồng nhỏ được làm bằng lưới thép có hệ thống lò xo và lẫy sập cửa. Vị trí đặt bẫy là giữa lối đi của chuột ở các bụi rậm, bẫy phát huy tác dụng khi chuột chạy vào đạp trúng lẫy làm lò xo kéo sập cửa.
Sau một buổi theo chân ông Mức đào hang, đặt bẫy,... chúng tôi bắt được hơn 5kg chuột đồng. Theo ông Mức, một buổi chiều mà bắt được bằng đó là khá rồi, nếu hôm nào may mắn thì có thể bắt được 15 - 20kg, cũng có hôm thì chỉ đủ cho bữa tối của gia đình.
Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Luộc ép lá chanh, rang khô... trong đó nấu giả cầy ăn kèm với bánh mỳ được người dân lựa chọn là món ăn ngon nhất.
Thu nhập "khủng" từ thú vui
Vào mùa săn chuột, các hàng quán ở Canh Nậu hoạt động tấp nập, thương lái ở địa phương khác đổ xô về đây thu mua ngày càng nhiều. Chuột đồng tự nhiên sau khi chế biến có giá khá cao, giao động khoảng 80.000 - 120.000 đồng/kg. Đây là món ăn bình dân được rất nhiều người dân ưa thích.
Theo chia sẻ của ông Mức, nếu may mắn, một buổi một thợ săn chuột ở Canh Nậu có thể bắt được từ 15 - 20kg chuột. Trung bình mỗi ngày, sau khi trừ mọi chi phí, họ có thể dễ dàng bỏ túi từ 500.000 - 1 triệu đồng, đây được coi là số tiền "khủng" đối với nhiều người dân.
Vừa thoăn thoắt sơ chế chuột bán cho khách, bà Nguyễn Thị Tính (SN 1962, xã Canh Nậu) chia sẻ: Mặc dù có giá khá cao từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, thế nhưng mặt hàng này bán vẫn rất chạy. Chuột đồng thường nhỏ, tròn mình, trung bình mỗi con nặng khoảng từ 2 - 3 lạng. Chuột sau khi sơ chế có thể chế biến thành các món ăn đặc sản như thịt chuột xào sả ớt, chuột luộc, chuột hấp... Món ăn có vị thơm, béo ngậy, được rất nhiều thực khách yêu thích.
"Nhiều người chưa ăn thịt chuột bao giờ thì thấy có vẻ kinh sợ nhưng nếu đã ăn một lần thì sẽ nghiện ngay. Mỗi ngày, sạp hàng của tôi bán được từ 7 - 10kg thịt chuột đồng. Mặc dù có giá đắt ngang với thịt lợn, thịt gà, thế nhưng đây là mặt hàng không bao giờ ế, có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, thậm chí nhiều hôm tôi bày ra chưa đầy 30 phút đã hết sạch hàng" - bà Tính cho hay.
Nghề săn chuột đồng hiện nay đang được xem như một nghề kiếm ra tiền của người dân xã Canh Nậu. Việc đi "săn" chuột vừa là thú vui, vừa diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng, đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.
Theo Doisongphapluat
Những đặc sản nghĩ là thèm của đất mũi Cà Mau Đất mũi Cà Mau không chỉ là địa chỉ cuối cùng của tổ quốc, mà còn là xứ sở của rất nhiều món ngon làm say mê thực khách bốn phương. Chuột đồng chiên sả ớt: Các món ăn từ chuột đồng là món đặc sản đặc trưng của đồng ruộng miền Tây. Món ăn dân dã này được chế biến thành nhiều...