Các món ăn chỉ nghe thôi đã thèm từ con vật vờ – đặc sản trứ danh sông Hồng giá hàng triệu đ/kg
Đặc sản vật vờ chỉ sống vài giờ trong môi trường tự nhiên rồi chết… nhưng xác của nó lại có giá trị, muốn ăn phải đi canh từ 3 giờ sáng mới có món ăn ngon, lưu danh đặc sản trong văn hóa ẩm thực và có giá trị trao đổi.
Những ngày cuối xuân vẫn còn âu lo dịch bệnh, nhưng cư dân châu thổ sông Hồng lại tất bật tươi tắn với mùa canh vật vờ (con vờ), hớt vật vờ làm những món ăn dân dã, thơm ngon tầm đặc sản nhưng ít người biết đến.
Thu hoạch của một dân chài sau buổi sớm đi hớt vật vờ. Ảnh Uyển Hương
Vật vờ chỉ sống vài giờ trong môi trường tự nhiên, giao phối, đẻ trứng là chúng chết. Nhưng xác của chúng lại rất có giá trị để làm món ăn ngon, lại bán được tiền.
Từ xưa tới nay, truyền từ đời này sang đời khác, vật vờ đã là món nhậu khoải khẩu, là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn đặc sản trứ danh vùng châu thổ sông Hồng.
Lẩu cua vật vờ. Ảnh minh họa.
Món ngon từ con vật vờ
Vật vờ là lộc trời ban, là món ăn mộc mạc của cư dân vài khu vực cuối sông Hồng. Người không biết thì chê khô như xác vờ, chê ăn vật vờ khô, xào tốn nhiều mỡ, dầu.
Nhưng với các đầu bếp và phụ nữ ven sông Hồng thì vật vờ là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn đặc sản rất dân dã như vật vờ chiên lá mắc mật, nộm vật vờ, vật vờ xào ngổ, vật vờ xào rau bí, vật vờ xào rau muống, chả vờ chiên trứng, lẩu vật vờ riêu cua, vật vờ om cá ngạnh, canh chua vật vờ…
Các món ăn có vật vờ chế biến đơn giản, phối với các nguyên liệu dễ kiếm như riềng, nghệ, mẻ, lá me chua, tỏi, ớt, hành, lá lốt… thành nhưng món ăn ngon quên sầu.
Món chả vật vờ thì ngoài nguyên liệu chính là vật vờ thì có thêm trứng gà, thịt xay, lá lốt trộn đều rồi rán vàng giòn. Mùi thơm phưng phức của món chả vờ chinh phục cả những thực khách khó tính, chỉ cắn miếng đầu tiên là các giác quan cảm nhận được vị giòn tan, ngọt ngậy, béo bùi quấn quện làm cái bụng sôi réo.
Ngon nhất là món vật vờ om cá ngạnh, canh chua vật vờ cá ngạnh… Ngoài mẻ, cà chua, nghệ, riềng… thì quan trọng nhất là phải có cá ngạnh tự nhiên đánh bắt trên sông Hồng mới thành đặc sản ngon, mới tăng giá trị món ăn lên gấp nhiều lần, mới thành món thời trân phục vụ thực khách khiến họ ăn một lần là nhớ mãi hương vị đặc sắc của nó.
Các nhà hàng chế biến vật vờ thành nhiều món ăn ngon phục vụ khách, có món đặc sản tính ra có giá lên tới cả triệu đồng/kg. Giá cao là bởi 1kg vật vờ tươi sống mua tại bến thuyền đã 300.000 đ/kg, có thể làm được 4 đĩa xào/rang, bán với giá từ 200-300.000 đ/đĩa, tính ra mỗi kg vật vờ đặc sản có giá khoảng 1 triệu đ/kg.
Canh cá ngạnh vật vờ – đặc sản nổi tiếng của cư dân sông Hồng. Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Sau đây là vài cách chế biến vật vờ:
Vật vờ om lá chua me
Nguyên liệu
Vật vờ 0,5kg
Cá ngạnh
Thịt ba chỉ
Lá chua me đất, cà chua, mắm muối, gia vị, riềng, nghệ, mẻ… vừa đủ.
Rau sống ăn kèm tùy ý.
Cách làm
Vật vờ nhặt xác, rửa sạch.
Thịt ba chỉ thái nhỏ, ướp chút mắm muối.
Nghệ giã nhỏ. Riềng xay nhỏ, mẻ lọc lấy nước. Tỏi giã nhỏ.
Cá ngạnh sơ chế sạch, ướp nghệ vàng, riềng xay, mẻ lọc.
- Thịt ba chỉ rang cháy cạnh, nêm nếm vừa vị thì cho vật vờ vào xào cùng rồi bắc xuống.
- Phi thơm hành mỡ, cho cà chua vào xào chín thì thêm lượng nước đủ bữa canh, đun sôi thì đổ cá ngạnh đã ướp nghệ vàng, rềng, mẻ vào om chín với cà chua.
- Khi cá ngạnh chín tới thì cho vật vờ và thịt ba chỉ đã xào vào om cùng.
Trước khi bắc xuống cho thêm tỏi và lá chua me đất thái nhỏ vào.
Món om có vị ngọt của cá ngạnh, vị chua dịu của mẻ, quyện với vị thơm bùi, béo ngậy của vật vờ.
Canh chua vật vờ. Ảnh minh họa.
Vật vờ nấu canh cá ngạnh
Chuẩn bị các gia vị và sơ chế vật vờ, cá ngạnh như món om. Cách nấu canh như sau:
Cá ngạnh ướp muối, mẻ, nghệ, cà chua, tỏi… 15 – 20 phút cho thấm gia vị rồi xào lên.
Vật vờ cũng ướp gia vị rồi xào với mỡ (hoặc xào cùng thịt ba chỉ).
Đổ nước vào nồi đun sôi thì thả cá ngạnh và vật vờ vào nấu. Khi cá ngạnh chín thì nêm nếm vừa ăn thì cho rau thìa là, ngổ trước khi bắc xuống (muốn ăn canh chua thì cho lá chua me vào).
Nồi canh vật vờ – cá ngạnh thơm phức, hấp dẫn, có bao nhiêu mỡ ngấm cả vào con vật vờ nên ăn càng béo, càng bùi.
Dọn bát canh lên, húp một ngụm canh, gắp một con vờ, một miếng cá ngạnh béo thấy thơm phức mùi riềng, mẻ, vị vật vờ bùi bùi, vị nghệ chan chát, vị chua của lá me… quyện thành hương vị thơm ngon kỳ lạ.
Món canh vật vờ ăn ghém, nếu thêm vài cái lá lốt thì vừa thơm, vừa cân bằng âm dương.
Đơn giản nhất là món vật vờ ướp riềng mẻ chiên giòn. Ảnh minh họa.
Vật vờ nấu chua
Không có cá ngạnh thì món canh chua vật vờ dân dã cũng rất ngon miệng.
Nguyên liệu
0,5kg vật vờ
Lá chua me
Dầu ăn, mắm muối, bột ngọt vừa đủ
Rau sống tùy thích.
Cách làm
Vật vờ rửa sạch, cho vào xào với mắm muối bột ngọt vừa miệng.
Đun sôi nồi nước, đổ vật vờ vào đun tiếp cho tới sôi thì cho lá chua me vào. Đun sôi lại là thành nồi canh chua vật vờ có đơn giản nhưng ngon và ngọt lịm
Vật vờ còn được đem xào rau muống non, vật vờ xào rau ngổ, vật vờ rang tỏi, vật vờ xốt cà chua, vật vờ chiên lá mắc mật, nộm vật vờ… tùy món mà gia giảm thêm mẻ, riềng, nghệ… hay gia vị khác. Nếu vật vờ làm lẩu riêu cua thì lúc ăn nhúng thêm hoa chuối thái sợi, rau bí.
Mùa vật vờ đang rộ, chế biến kiểu gì thì miếng vật vờ trong miệng cũng béo, bùi, ngon ngọt và đậm hương vị phù sa. Vì thế người ta mới mua để nấu ăn, để bán, còn cấp đông để dành gửi cho người thân xa quê, hoặc lúc trái mùa làm món ngon đãi khách. Nhưng dù chế biến kiểu gì thì vật vờ vẫn là những món ăn dân dã, đậm dư vị đồng quê trù mật.
Ngọt ngào bánh thuẫn
Trong số các đặc sản ở Quảng Ngãi như kẹo gương, bánh thuẫn, đường phèn, đường phổi... Thì bánh thuẫn bao giờ cũng chiếm "đầu bảng" vào dịp Tết đến Xuân về.
Không khí làng quê sực nức mùi bánh Tết, đặc biệt là bánh thuẫn. Chẳng thế mà mùi thơm của loại bánh này vấn vương cả tháng Chạp, vắt luôn qua tháng Giêng, tháng Hai.
Ai không biết chứ riêng tôi thuở nhỏ, bánh thuẫn là bánh... thần tiên. Mùi bánh thuẫn như một lời reo: "Tết sắp về!". Để có những nhả bánh thuẫn đúng chuẩn, mẹ và chị tất bật chuẩn bị cả tuần trước đó. Nào là bột bình tinh, bột năng, bột vani, đường cát trắng, trứng gà... Với tôi, vất vả nhất là khi mẹ bảo đánh trứng gà với đường và bột. Mỏi nhừ cả hai tay, nhưng chị dòm thấy chưa được là phải đánh tiếp, cho tới khi nào hỗn hợp bột - đường - trứng đặc quánh và mịn mới thôi. Hồi hộp nhất là lúc mẹ nhỏ thử giọt bột sệt vô chén nước. Giọt bột không tan. Mẹ gật đầu "nghiệm thu" thì tôi mới thở phào.
Bánh thuẫn. Ảnh: Cao Duyên
Nhớ có lần đánh bột mỏi tay quá, tôi mếu máo nói với chị: "Em mới 12 tuổi mà làm việc nặng!". Mẹ nghe, nói thương chưa. Thôi để đó, con chạy chơi đi. Nhưng chị thì phán một câu lạnh như nước đá: "Khi ăn, em có nghĩ tuổi ít thì ăn ít không?". Tôi nghẹn họng. Chị khéo tay lắm, múc bột đổ vô từng ô bánh, ô nào ô nấy bột vừa tới mép, đều tăm tắp. Tôi bám bếp. Không phải tôi muốn coi cách đổ bánh mà là ngồi chờ... bánh chín. Chị thì mong bánh nào cũng nở. Tôi thì mơ cái nở, cái không. Cái không nở gọi là bánh "thầy tu". Và tôi được cho vài cái bánh như vậy. Đựng bánh trong vạt áo, tôi chạy ra hiên, nghe tim rung lên vì mừng quá đỗi. Tôi ngồi trên thềm nhà, nhấm nháp từng chút bánh.
Tôi nghe một trời xuân ngọt ngào kéo qua mặt lưỡi. Trứng gà ai hổng biết, nhưng trứng "lặn" trong bánh thuẫn thì thơm cái mùi vừa nguyên lành vừa mới mẻ. Bột bình tinh giờ thôi trắng, chuyển sang màu vàng mỡ màng, thơm cái kiểu điệu đàng nhờ phối với bột vani. Tôi cũng hay lăng xăng giúp chị xếp bánh ra nong phơi trước sân. Nắng tháng Chạp "đi" vào từng cái bánh, làm bánh thêm thơm, vỏ bánh khô giòn để khi cắn sẽ cảm nhận được tiếng bánh reo khe khẽ... Phơi như vậy rồi bỏ vô túi ni lông để bánh được lâu, hết tháng Giêng bánh vẫn ngon ngọt đậm đà. Có một điều tôi giấu kín, là ngày đó tôi hay làm siêng trở bánh giữa trưa... Mỗi lần "trở" bánh tôi hay làm rớt một cái xuống đất, nghiêng ngó rồi lượm lên, phủi vài cái, bỏ tọt vô túi quần. Phải "làm rớt" mới an toàn. Có lần chị phát hiện, nhưng thấy bánh dính chút đất nên không nghi ngờ gì, cho luôn. Thích nhất là nghe chị dặn, giọng ngọt ngào còn hơn... bánh thuẫn: "Lần sau em trở bánh cẩn thận nghen".
Bây giờ, trên thị trường có nhiều loại bánh làm bằng công nghệ hiện đại. Nhưng người làng tôi, năm nào vào dịp Tết, trong nhà cũng có đĩa bánh thuẫn thơm ngon.
Gỏi đu đủ - đặc sản vỉa hè đắt khách ở Thái Lan Som tum là bản hòa tấu ẩm thực hoàn hảo của vị cay của ớt, vị mặn của nước mắm, ngọt của đường thốt nốt và chua của chanh. Som tum, hay gỏi đu đủ (nộm đu đủ), là một đặc sản không thể bỏ qua khi nhắc tới ẩm thực Thái Lan. Nó từng nhiều lần xuất hiện trong các bảng xếp...