Các kiểu ông hoàng
Không ai như Trọng Tấn, được người ta phong ông hoàng nhạc đỏ, xong lại phải gửi thông cáo cho báo chí đính chính. Trong khi người khác muốn trở thành ông hoàng mà chẳng ai gọi…
Chuyện là ngay trước liveshow Trọng Tấn – Bài ca không quên đầu tháng 11 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội, bỗng xuất hiện một poster giống như poster chính thức, nhưng thêm mấy chữ to và đậm Ông hoàng nhạc đỏ. Được biết, sau đó, bạn diễn quen thuộc của Trọng Tấn là Anh Thơ trả lời báo chí, đại ý nếu đúng là có chuyện Tấn tự xưng ông hoàng nhạc đỏ thì cả anh và ê kíp chương trình phải rút kinh nghiệm. Cứ như thể Trọng Tấn là người của cơ quan đoàn thể nào đó mà phía trên vẫn có những người đáng làm ông hoàng hơn anh.
Đâm ra, một tuần sau đêm diễn, Trọng Tấn phải ra thông cáo gửi báo chí nói rõ, tại họp báo chương trình, anh và đơn vị sản xuất đã ra mắt báo giới poster chính thức hoàn toàn không có dòng chữ ông hoàng nhạc đỏ. Trọng Tấn và ê-kip cũng không hề cho phép và biết tới sự xuất hiện hay tồn tại của poster giả mạo này. Tuy nhiên, sau đó, công ty Đông Đô – đơn vị bán vé cho đêm nhạc lại đứng ra nhận trách nhiệm về poster có chữ ông hoàng được họ thiết kế vào phút chót để gây chú ý. Vì thế, có tờ báo cho rằng Trọng Tấn bị vạ lây và nói poster kia là giả mạo cũng chưa thật thuyết phục. Vấn đề có vẻ bị nâng cao quan điểm đúng kiểu tư duy của miền Bắc: Mọi thứ phải cứ là phải có tôn ti trật tự, trên kính dưới nhường kể cả trong nghệ thuật.
Trong một poster quảng cáo cho một chương trình ca nhạc sắp diễn ra vào dịp Giáng sinh ở Hà Nội hiện rõ các danh xưng, nào là ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng, diva Ý Lan, rồi danh ca Quang Dũng… Cũng có sao! Trong thị trường ca nhạc, dù ngôi sao có được phong hay tự phong là vua chúa gì đi chăng nữa thì nó cũng chỉ có ý nghĩa như một thương hiệu không chính thức tiện cho việc quảng cáo, bán sản phẩm. Ví dụ, Đàm Vĩnh Hưng bằng cách nào đó đã gắn mình với cụm từ ông hoàng nhạc Việt chưa biết đích đáng đến đâu, nhưng sẽ chẳng ai dại gì lấy lại để bị trùng lặp. Nhưng nếu muốn, hoàn toàn có thể dùng những hoàng đế nhạc Việt hay chúa tể nhạc sến gì đó. Miễn đủ can đảm!
Video đang HOT
Ông hoàng bà chúa quyền uy lừng lẫy là chuyện của xa xưa, nói gì đến các vị vua chúa trên sân khấu thời nay, ngày ngày vẫn phải đối mặt với thị phi và cả gạch đá theo nghĩa đen. Đàm Vĩnh Hưng từng bị xịt hơi cay ở Mỹ, hay mới đây Tuấn Hưng bị ném ly lên sân khấu tại quán bar… là ví dụ. Lại nhớ, khi được hỏi làm thế nào để chống chọi với tình cảm của người hâm mộ, một ca sĩ mới nổi đã trả lời: “Khán giả của tôi có văn hóa, biết kiềm chế. Họ ý thức được giá trị của họ”. Vấn đề là ngôi sao không thể kiểm soát được khán giả mà chỉ có thể kiểm soát hành xử và văn hóa của chính mình. Và đó có lẽ là cách tự vệ tốt nhất.
Với những tên tuổi đủ lớn, mọi danh xưng trở nên không cần thiết. Chẳng hạn, ở các cuộc hòa nhạc quốc tế, chẳng cần giới thiệu: “Sau đây là NSND Đặng Thái Sơn”, để rồi lại mất công giải thích loằng ngoằng về danh hiệu trong khi tên nghệ sĩ đủ nói lên tất cả.
Theo Zing
Trọng Tấn: Poster in chữ 'ông hoàng nhạc đỏ' là giả mạo
Nam ca sĩ khẳng định không hề cho phép hay biết tới sự tồn tại của tấm poster in chữ "ông hoàng nhạc đỏ" dưới hình ảnh của mình.
Vài ngày gần đây, dư luận bàn tán khá nhiều về thông tin xoay quanh chia sẻ của nữ ca sĩ Anh Thơ về danh xưng ông hoàng nhạc đỏ dành cho Trọng Tấn. Theo đó, nữ ca sĩ phát biểu trong cuộc trò chuyện với một trang tin rằng Trọng Tấn như một người em, một đồng nghiệp mà cô rất quý mến và nếu đúng là có chuyện Trọng Tấn tự xưng "ông hoàng nhạc đỏ" (viết trên áp phích quảng cáo liveshow) thì cả anh và ê-kíp chương trình sẽ phải rút kinh nghiệm.
Bài báo nói trên cũng nêu đưa ra quan điểm với cách xưng hô này, Trọng Tấn đang qua mặt các bậc tiền bối, trong đó có những người là thầy dạy anh ở nhạc viện Hà Nội. Họ xứng đáng nhưng sống khiêm tốn theo chất của những nghệ sĩ lớn.
Khi liên lạc với Trọng Tấn để hỏi về những ồn ào này, anh khẳng định poster chương trình Trọng Tấn - Bài ca không quên có in dòng chữ màu đỏ "ông hoàng nhạc đỏ" như một số báo chí đưa là giả mạo. Anh cũng như đơn vị tổ chức đêm nhạc là Hoa Đăng Entertaiment không hề cho phép và biết tới sự xuất hiện hay tồn tại của poster này.
Trước đó, trong lần trò chuyện cùng Zing.vn ngay trước giờ diễn của show Bài ca không quên, Trọng Tấn tâm sự: "Từ trước đến nay, ở Việt Nam chỉ tồn tại hai danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân được chính thống công nhận và phong tặng như một sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp, công hiến dành cho nghệ sĩ. Tất cả những danh xưng khác đều do truyền thông và công chúng mến mộ dành cho nghệ sĩ dựa vào sự cảm tính, cá nhân".
Trọng Tấn khẳng định poster in chữ "ông hoàng nhạc đỏ" (bên trái) là giả mạo và anh cũng như ê-kíp thực hiện chương trình không biết tới sự tồn tại của hình ảnh này.
Không đưa ra ý kiến hay bình luận gì về danh xưng "ông hoàng nhạc đỏ" mà truyền thông và công chúng dành cho mình, Trọng Tấn chỉ chia sẻ: "Tôi hạnh phúc và trân trọng những đánh giá của giới chuyên môn cũng như tình cảm, dõi theo, khích lệ của công chúng dành cho tiếng hát và bước đường hai thập kỷ ca hát của mình".
"Tôi luôn cố gắng trau dồi kỹ thuật cũng như tri thức, để không ngừng khát vọng, cống hiến những giá trị nghệ thuật để trở thành mãi là người nghệ sĩ trong tình yêu của nhân dân", nam ca sĩ cho biết thêm.
Trọng Tấn và Anh Thơ không chỉ là đồng nghiệp, đồng hương mà còn là bạn thân từ nhiều năm nay. Anh Thơ là một trong những ca sĩ song ca được đánh giá là ăn ý và gắn bó với Trọng Tấn nhất.
Theo Zing
Trọng Tấn run khi hát về tình yêu với Hồ Quỳnh Hương Đôi bạn đã có màn song ca đầy ăn ý trên sân khấu liveshow của Trọng Tấn tại Hà Nội. Hồ Quỳnh Hương là khách mời nữ duy nhất trong liveshow 'Bài ca không quên' của Trọng Tấn, diễn ra tối 21/11 tại Cung văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Cả hai quen biết từ khi cùng tham gia Liên hoan Tiếng hát...