Các kịch bản phá sản ngân hàng?
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ sẽ cho phép thí điểm với những tổ chức tín dụng yếu kém. Vậy, việc thí điểm có thể diễn ra theo kịch bản, dựa trên những tiêu chí nào?
OceanBank được NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau quá trình tự tái cơ cấu không thành công.
Việc phá sản các ngân hàng có thể nhìn từ các vụ giải thể Cty chứng khoán đã diễn ra. NHNN cũng có thể chỉ định 1 ngân hàng lớn tiếp nhận tiền gửi, các khoản huy động tổ chức, cá nhân ở thị trường 1 lẫn các khoản cho vay của khách hàng từ ngân hàng phá sản; giám sát thực thi thanh lý tài sản để trả nợ các chủ nợ của ngân hàng đúng luật; xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm dẫn đến ngân hàng phá sản. Nếu thực thi công khai, minh bạch, có công bố thông tin đại chúng, thị trường sẽ tiếp nhận không bất ngờ và sẽ không bị hoang mang tâm lý.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn – Chuyên gia Tài chính
Vì sao lại là “thí điểm”?
“Thí điểm”, trong định nghĩa tiếng Việt, là một hành động được thực hiện trong phạm vi/ đối tượng hẹp để rút kinh nghiệm. Theo nghĩa đó, thí điểm phá sản đối với ngân hàng nếu được triển khai, có thể sẽ áp dụng với một ngân hàng đầu tiên. Hiệu quả và suôn sẻ, “phạm vi hẹp” sẽ được rút kinh nghiệm để áp dụng với đối tượng/ phạm vi rộng, với ngân hàng thứ 2, 3…
Về cơ bản, dù trong phạm vi hẹp, nếu được thực hiện, đây vẫn là động thái mới và tích cực trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng của VN trong giai đoạn mới.
Nhìn lại kết quả thực chứng từ cuộc đại phẫu hệ thống ngân hàng năm 2011- nay, mà thành tích thu lượm được tuy đã phần nào làm sạch hệ thống, giúp một số ngân hàng yếu kém được quốc hữu hóa và đang đi vào lộ trình tái cơ cấu mới, nhưng những vấn đề cơ bản của toàn ngành như năng lực quản trị vẫn chưa cao, thanh khoản chưa bền vững, nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm và “lấp ló” đây đó vẫn còn những ngân hàng nguy cơ phát sinh yếu kém…
Sẽ thí điểm với tổ chức nào?
Video đang HOT
Mặc dù Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ “đích danh” đối tượng sẽ áp dụng thí điểm phá sản là các ngân hàng 0 đồng, nhưng theo các chuyên gia, trước khi xác định “điểm bắn”, NHNN cần xem lại tổng thể sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
Theo đó, một số chuyên gia xếp nhóm các ngân hàng:
Thứ nhất là những ngân hàng được “mua” 0 đồng bao gồm: Ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu.
Thứ hai là các ngân hàng đang tái cơ cấu, bao gồm các ngân hàng yếu kém mà ở giai đoạn 2012 NHNN đã phê duyệt và thực thi phương án tái cơ cấu theo hình thức sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu lại và cơ quan quản lý vẫn đặt trong cơ chế giám sát chặt hậu tái cơ cấu; hoặc các ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu như: SCB (sáp nhập của 3 ngân hàng); SHB ( nhận sáp nhập Habubank); PVCombank (NH Phương Tây sáp nhập Cty Tài chính Dầu khí), MaritimeBank (nhận sáp nhập Mekong Bank); Tienphong Bank, Quốc dân Bank, Nam Á Bank (tự tái cơ cấu), PG Bank (kế hoạch sáp nhập vào Vietin Bank, nhưng được giữ nguyên mô hình hoạt động)…
Nhiều ngân hàng đã và đang tái cơ cấu của VN đã được hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service xếp hạng tín nhiệm tốt trong công bố mới đây. Theo đó, Moody’s nâng mức xếp hạng tín dụng dài hạn và Xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của MB từ Caa1 lên B2., SHB từ Caa1 lên B3. Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng dài hạn của 5 ngân hàng khác nhưng nâng BCA thêm 1 bậc gồm VietinBank, VIB, ABBank, ACB,Techcombank….
Nhóm thứ 3 là những tổ chức tuy chưa bị mua 0 đồng nhưng vẫn bị NHNN đặt vào tầm kiểm soát, giám sát chặt chẽ và được các tổ chức tín dụng lớn như Vietinbank, Vietcombank “viện trợ” cả về thanh khoản lẫn quản trị, tái cơ cấu như Eximbank, Sacombank và Đông Á Bank…
Cuối cùng là nhóm các ngân hàng đã hoặc đang thực hiện tái cơ cấu nhưng cơ bản khỏe.
Trên cơ sở phân nhóm đó, các chuyên gia này cho rằng nếu “khôn ngoan”, cơ quan quản lý cũng sẽ không thí điểm phá sản với các tổ chức bước đầu đã có kết quả tái cơ cấu, ngoại trừ những tổ chức 0 đồng. “Bết bát” rõ ràng nhất trong hệ thống ngân hàng thời điểm này có lẽ là các tổ chức 0 đồng đã bị mua. Hiện đã khoanh vùng 3 tổ chức được mua 0 đồng, mặc dù cả 3 đang nỗ lực thay đổi, nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng nợ âm mất vốn và NHNN vẫn đang phải hỗ trợ thanh khoản, chi phí vận hành, giúp họ vừa tái cơ cấu vừa thúc đẩy thu hồi nợ xấu.
“Ném chuột tránh vỡ bình”
Với những tổ chức đang tái cơ cấu hoặc khoanh vùng giám sát… như Sacombank hay Eximbank, nguy cơ phá sản có xảy ra? Có thể thấy các ngân hàng này đều có đặc điểm: Tổng tài sản, trong đó có tổng vốn huy động lớn, mạng lưới hệ thống không nhỏ nên khả năng xác suất chọn các đối tượng này để thí điểm sẽ thấp hơn. “Ném chuột tránh vỡ bình” là phương châm quản lý, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được duy trì trong nhiều năm qua. Với những đối tượng nhà băng có liên quan rộng đến khách hàng cá nhân, tổ chức gửi tiền trên thị trường thì NHNN sẽ phải quan tâm đến yếu tố tác thị trường và cân đối với bảo hiểm tiền gửi, nguồn lực bảo lãnh và xử lý nợ trước khi đưa ra tiêu chí chọn tổ chức thí điểm phá sản. Theo đó, chọn 1 tổ chức yếu kém mà mạng lưới hệ thống chi nhánh, điểm giao dịch, số lượng khách hàng, quy mô cán bộ nhân viên… đều thấp, tổng tài sản thấp, đồng nghĩa nợ xấu có thể cao nhưng xét trên tổng tài tài sản vẫn thấp” là tiêu chí áp dụng thí điểm an toàn, ít gây tác động hệ thống”, một chuyên gia đánh giá.
Bên cạnh đó, trong một chia sẻ với báo chí diễn ra trước quan điểm “thí điểm ngân hàng phá sản” được nêu, ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc NHNN, từng khẳng định trước mắt, có thể NHNN sẽ cho phá sản các quỹ tín dụng, các Cty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần, sau đó sẽ đến nhà băng nhỏ yếu kém. Đây cũng là một lựa chọn thí điểm phù hợp nếu xét trên diện rộng. Cty tài chính hay quỹ tín dụng cũng cũng là những đơn vị thuộc hệ thống tổ chức tín dụng, tuy nhiên hoạt động của họ không bao gồm nhận tiền gửi (dưới 1 năm) và hoạt động dịch vụ thanh toán, do đó tác động dây chuyền dẫn đến đổ vỡ hệ thống khi người dân ồ ạt đến rút tiền, càng ít xảy ra.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Phá sản ngân hàng yếu kém thế nào?
Trong dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì soạn thảo, việc tiếp tục tái cơ cấu ngành ngân hàng được xem là một nhiệm vụ trọng tâm.
Sau khi sáp nhập thành công vào SHB, thương hiệu Habubank đã biến mất khỏi thị trường mà không hề gây ảnh hưởng gì đến hệ thống, khách hàng...
Điều này được nhiều chuyên gia ủng hộ. Theo đó, việc lựa chọn phương thức cho ngân hàng yếu kém phá sản mà không ảnh hưởng đến hệ thống, khách hàng và nhà nước, thúc đẩy các ngân hàng tốt phát triển là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất.
Phá sản không gây đổ vỡ hệ thống
Theo ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Thống đốc NHNN, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành ngân hàng đã qua nhiều cuộc đại phẫu. Do vậy, từ năm 2016, các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng quy mô vốn còn thấp. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu. Điều quan trọng nhất các ngân hàng phải tăng thêm là vốn phải là "vốn sạch", bởi nếu tăng bằng vốn ảo thì sớm muộn cũng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù tái cấu trúc giai đoạn 3 năm 2012 - 2015 đã hoàn tất, nhưng NHNN vẫn tiếp tục xử lý các TCTD yếu kém, sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Nếu các NHTM yếu kém không tự khắc phục được cũng sẽ dẫn đến việc phá sản. Trước mắt, có thể cho phá sản các quỹ tín dụng, các Cty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần, sau đó sẽ đến nhà băng nhỏ yếu kém - ông Thanh khẳng định.
VN có thể rút kinh nghiệm từ Mỹ, thiết lập một cơ chế và quy trình phá sản hợp lý. Thực tế, có những quan ngại là nếu cho phép phá sản, hệ thống ngân hàng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền và người dân kéo đến rút tiền ồ ạt, dẫn đến việc đưa cả hệ thống vào khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu việc phá sản được lên kế hoạch chặt chẽ và hợp lý - Chuyên gia kiểm toán KPMG Lê Hữu Hòe khẳng định.
Người dân sẽ không kéo đến ngân hàng rút tiền ồ ạt nếu NHNN có thể thỏa thuận với một ngân hàng nào đó tiếp nhận khối lượng tiền gửi của ngân hàng phá sản và bảo lãnh khối lượng tiền gửi đó. Đồng thời, NHNN tìm cách thanh lý tài sản để có tiền mặt bù vào số tiền đã phải ứng ra hoặc đang bảo lãnh. Việc làm này không khác gì biện pháp mà hiện nay NHNN đang áp dụng khi tiếp quản 3 NHTM đã mua với giá 0 đồng.
Hiện tiền gửi tại các ngân hàng này không được NHNN bảo lãnh, nhưng người dân cảm thấy an tâm khi những ngân hàng này trở thành một ngân hàng của nhà nước. Vậy, khi VN cho phép ngân hàng phá sản, ngoài việc cơ quan bảo hiểm tiền gửi bồi thường cho người gửi tiền, việc NHNN bảo lãnh tiền gửi của người dân tại những ngân hàng bị NHNN đóng cửa sẽ làm họ an tâm và tránh được hiện tượng rút tiền ào ạt. Với những tiền đề này, đã đến lúc NHNN cần phải đẩy mạnh áp dụng Luật Phá sản các ngân hàng với các phương thức và một trình tự hợp lý, không gây đổ vỡ hệ thống...
Theo các chuyên gia tài chính, trong kinh doanh, mọi DN đều bình đẳng, các ngân hàng thương mại cũng là một DN, vì vậy việc kinh doanh thua lỗ dẫn đến chấm dứt hoạt động là chuyện rất bình thường. Lúc kinh tế khó khăn, hàng nghìn DN thua lỗ phá sản, còn nhiều ngân hàng lại báo cáo lãi hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng khi các ngân hàng yếu kém, thua lỗ lại được nhà nước đứng ra bảo đảm tính thanh khoản là điều rất vô lý.
Kinh nghiệm từ Mỹ
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc phá sản của ngân hàng cũng là chuyện bình thường ở nhiều quốc gia khác. Nếu nhà nước muốn cứu thì hãy cứu hàng trăm nghìn DN khó khăn hiện nay, vì khi họ phá sản, hàng loạt người sẽ phải thất nghiệp. Cho nên, ngân hàng nào kinh doanh tốt thì phát triển, nếu không hiệu quả, không sáp nhập, thì mạnh dạn cho phá sản. Người dân cũng phải lựa chọn ngân hàng tốt, tạo được lòng tin, để gửi tài sản của mình vào đó.
TS Hiếu phân tích, việc đóng cửa một ngân hàng ở Mỹ được thực hiện với trình tự rất chuyên nghiệp, trật tự và an toàn cho hệ thống. Theo đó, một ngân hàng nếu được các cơ quan thanh tra, giám sát thẩm định là có khả năng phá sản thì các cơ quan quản lý như FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation - Cty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang) sẽ lên kế hoạch đóng cửa và thường tìm những ngân hàng khác có thể mua lại toàn bộ hay từng phần của ngân hàng sẽ bị đóng cửa, hoặc chính FDIC là cơ quan tiếp quản và thanh lý tài sản.
Việc đóng cửa được chuẩn bị trong bí mật tuyệt đối để tránh khách hàng kéo đến rút tiền ồ ạt và tránh thất thoát tài sản do cán bộ ngân hàng có thể biết trước hành động của FDIC.
Khi đóng cửa ngân hàng, một đội ngũ đồ sộ các nhân viên công lực của FDIC lập tức tiếp quản ngân hàng đó và tuyên bố sa thải hoặc bắt giữ các cán bộ cao cấp của ngân hàng có hành vi vi phạm. Cơ quan quản lý thường đóng cửa ngân hàng vào chiều thứ 6 và dùng 2 ngày cuối tuần để kiểm soát và thay đổi toàn bộ ngân hàng rồi mở cửa lại vào ngày thứ 2 sau đó. Các món tiền gửi được FDIC bảo hiểm (cho đến 250.000 USD) sẽ được thanh toán rất nhanh trong vòng vài ngày nếu khách hàng có yêu cầu. Những người có tiền gửi trên 250.000 USD sẽ phải chờ FDIC bán tài sản của ngân hàng bị đóng cửa.
Số tiền FDIC có từ thanh lý tài sản sẽ được thanh toán cho những đối tượng mà ngân hàng đã nợ theo một thứ tự ưu tiên, bao gồm trả lại FDIC số tiền mà FDIC đã trả cho khách hàng gửi tiền, trả thuế cho chính phủ (nếu nợ), tiền lương nợ nhân viên, các đối tác cung cấp phương tiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng, các khách hàng gửi tiền trên mức được bảo hiểm, ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng, các đối tác cho vay khác và cuối cùng là các cổ đông.
Với một trình tự phá sản trật tự và an toàn như vậy, Mỹ đã cho phá sản hàng trăm ngân hàng mỗi năm mà không hề gây khủng hoảng cho hệ thống. Ngược lại, hệ thống ngân hàng của Mỹ ngày càng mạnh mẽ và ổn định hơn.
Theo Diên đan doanh nghiêp
Hơn 10,5 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế: "Kế hoạch tốt cũng cần truyền thông" Đánh giá Đề án tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020 thực sự là "một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay" với các bước đi và hành động rất cụ thể, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, có thiếu chăng ở đề án này đó là "thiếu công đoạn truyền thông chính sách để mọi người có...