Các hãng công nghệ Mỹ ra sao trước thuế cao áp lên Trung Quốc, Mexico?
Bloomberg nhận định cam kết áp thuế quan lên hàng sản xuất tại Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là đòn giáng mạnh vào các hãng công nghệ phần cứng vốn đã gặp khó vì thương chiến Mỹ – Trung.
Dell Technologies, HP và Hewlett Packard Enterprise là ba trong số các hãng công nghệ Mỹ sản xuất sản phẩm tại Mexico. Máy tính và máy in mà họ nhập từ Mexico đến Mỹ sẽ gánh thuế quan 5% bắt đầu từ ngày 10.6, theo sắc lệnh mới của ông Trump. Nhà Trắng tuần trước cho hay thuế quan có thể lên đến 25% trong tháng 10 nếu Mexico không ngăn dòng người di cư và xin tị nạn tại biên giới phía nam nước Mỹ.
Một chiếc iPhone với chip từ Skyworks, Qualcomm – Ảnh: Reuters
Mỹ nhập khẩu 25 tỉ USD giá trị máy tính và 2,5 tỉ USD giá trị phụ kiện máy tính từ Mexico trong năm 2018. Các doanh nghiệp phần cứng lớn phụ thuộc ngày càng nhiều vào sản xuất tại Mexico trong hai thập niên qua nhờ tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Gần đây, họ còn bị buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng để phù hợp với thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với Dell, Mexico từng là nơi an toàn để thoát tác động tệ nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc. Vài tháng qua, công ty có trụ sở ở Texas tái phân bổ một số hoạt động sản xuất máy tính để bàn từ Trung Quốc sang Mexico để tránh thuế quan cao. Công ty cũng sản xuất máy chủ ở đất nước Mỹ Latinh. Giờ đây, họ lại phải nghĩ cách khác để đối phó với thuế áp lên hàng nhập từ Mexico.
“Chúng tôi là những người tin tưởng vào tự do thương mại. Nếu thuế quan được thông qua, có khả năng chúng tôi phải tăng giá. Tin tốt là chúng tôi có chuỗi cung ứng toàn cầu, linh hoạt với hơn 25 cơ sở sản xuất. Đây là lợi thế giúp chúng tôi xoay chuyển nhanh, giảm thiểu tác động lên khách hàng theo cách tốt nhất có thể”, phát ngôn viên Steve Gilmore của Dell cho biết.
HP sản xuất một số máy tính cá nhân và máy in ở Mexico. Công ty cho biết chuỗi cung ứng toàn cầu “đa dạng” của họ giúp giảm rủi ro về thuế quan. “Chúng tôi có cùng lo ngại rằng thuế quan đẩy người tiêu dùng lên hàng đầu giữa cuộc chiến thương mại vì nó làm tăng chi phí hàng điện tử. Chúng tôi tích cực theo dõi tình hình và hợp tác với chính quyền Mỹ để ủng hộ lợi ích tốt nhất của khách hàng cùng đối tác”, phát ngôn viên HP cho hay.
Hải quan Mỹ kiểm tra các thùng chứa màn hình máy tính của Dell được vận chuyển từ Mexico
Hewlett Packard Enterprise, hãng làm máy chủ tách ra từ HP hồi năm 2015, cũng đang tìm cách lách thuế quan nhập khẩu cao mà Mỹ áp đặt. Thuế áp lên hàng nhập từ Mexico sẽ có tác động tệ hơn đến Hewlett Packard Enterprise so với thuế áp lên hàng nhập từ Trung Quốc. Công ty lắp ráp một số sản phẩm ở Mỹ và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thống nhất ở Bắc Mỹ. Hãng dự báo thuế quan gây bất lợi cho ngành công nghiệp máy tính và cả kinh tế Mỹ.
Video đang HOT
Ngoài ba cái tên kể trên, một số doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hãng khác để sản xuất sản phẩm, chẳng hạn như Jabil và Flex, cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ cả Trung Quốc lẫn Mexico. Hai hãng này có nhà sản xuất theo hợp đồng với hoạt động ở Mexico, làm sản phẩm từ điện thoại di động cho đến máy chủ cho nhiều khách hàng như Apple, Cisco Systems và Microsoft.
Cơ sở tại Guadalajara, phía Tây Mexico, của Jabil rộng gần 34.000 mét vuông, sản xuất cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị không dây và viễn thông. Jabil là nhà cung ứng lớn nhất của Cisco. Đầu tháng trước, CEO Cisco Chuck Robbins cho hay doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp dự phòng để giảm thiểu tác động của thuế quan lên thiết bị sản xuất ở Trung Quốc bằng cách chuyển sản xuất đi nơi khác.
Apple, một trong các hãng cung cấp hàng công nghệ lớn nhất thế giới, có ba nhà cung ứng có mối quan hệ với Mexico là Kemet, Skyworks Solutions và CCL Design. Cả ba hãng đều sản xuất linh kiện cho sản phẩm của Apple. Skyworks từ lâu là nhà cung ứng linh kiện không dây chính. Hiện chưa rõ bao nhiêu linh kiện trong sản phẩm của Apple xuất xứ từ Mexico.
Other World Computing, nhà sản xuất linh kiện lưu trữ máy tính với doanh thu thường niên 125 triệu USD, là một trong số các doanh nghiệp chuyển sản xuất từ châu Á sang Mexico. Nhà sáng lập kiêm CEO hãng, ông Larry O’Connor, cho biết thông báo áp thuế của ông Trump là cú sốc. O’Connor cho hay mình hiểu chuyện áp thuế Trung Quốc, nhưng không hiểu vấn đề với Mexico. “Các vấn đề thương mại gây tổn hại cho nhiều người phải đối phó với nó. Nó còn có nguy cơ đẩy việc làm ra khỏi Mỹ và Bắc Mỹ”, ông O’Connor nói.
Theo Thanh Niên
Sau Huawei, những hãng công nghệ nào của Trung Quốc có nguy cơ vào "sổ đen"?
Nhiều thông tin cho biết chính phủ Mỹ sẽ nhắm đến nhiều công ty công nghệ Trung Quốc hơn nữa vì lý do an ninh quốc gia.
Huawei đang gặp phải vô số áp lực xoay quanh việc đối phó với những lệnh giới hạn xuất khẩu mới của Mỹ, khiến hãng không thể chạm tay đến các công nghệ do các công ty Mỹ sản xuất. Động thái này của Mỹ đã khiến Huawei "lên bờ xuống ruộng" và chưa biết khi nào mới vực lại được.
Nhiều thông tin cho biết chính phủ Mỹ sẽ nhắm đến nhiều công ty công nghệ Trung Quốc hơn nữa vì lý do an ninh quốc gia. Dưới đây là một số ngành công nghiệp có thể bị ảnh hưởng.
Drone
Bên cạnh smartphone Huawei, một mảng quan trọng của công nghệ tiêu dùng mà chính phủ Mỹ có thể nhắm đến là drone. Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng đưa ra cảnh báo về những nguy cơ an ninh liên quan đến drone của Trung Quốc. Họ không nêu tên công ty cụ thể, nhưng hơn 70% số drone bán ra tại Mỹ, có giá từ 500 USD trở lên, đều được sản xuất bởi công ty trụ sở tại Thâm Quyến là DJI.
Ước tính gần 80% số drone sử dụng tại Mỹ và Canada do DJI sản xuất
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nhắm đến drone của Trung Quốc. Vào năm 2017, Quân đội Mỹ đã yêu cầu các tổ chức thành viên ngừng sử dụng drone DJI bởi "những nguy cơ ngày càng cao về an ninh mạng liên quan các sản phẩm của DJI".
Yêu cầu này không nêu rõ những nguy cơ an ninh kia là gì, nhưng có vẻ như Mỹ đang đề phòng thái quá. Một nghiên cứu tiến hành bởi Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia, một cơ quan liên bang tại Mỹ, trong đó tiến hành thử nghiệm trên drone DJI S-1000 và không phát hiện ra bất kỳ quá trình truyền tải dữ liệu bất thường nào về DJI cả.
Phản ứng lại lệnh cấm của Quân đội Mỹ, DJI giới thiệu một chế độ riêng tư vào năm 2017 nhằm giảm bớt việc trao đổi dữ liệu trong quá trình bay.
Nếu Mỹ quyết định ban hành lệnh cấm xuất khẩu, đó có thể là một gáo nước lạnh vào DJI, giống như với Huawei vậy. Drone DJI dựa vào các con chip do Mỹ sản xuất, vốn có vai trò trọng yếu trong quá trình hoạt động của những con drone thông minh.
Ví dụ, trên DJI Mavic Pro, một đoạn video mổ xẻ tính năng cho thấy đơn vị xử lý thị giác - vốn cho phép drone phát hiện và tránh các vật thể - được sản xuất bởi công ty Movidius thuộc sở hữu Intel. SoC camera của Mavic Pro đến từ một công ty Mỹ khác là Ambarella. DJI được cho là đang tìm cách phát triển chip của riêng họ để ít lệ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài hơn, nhưng điều đó không thay đổi được thực tế đang diễn ra trong chuỗi cung ứng của công ty hiện nay.
Đến thời điểm này, DJI vẫn đứng ngoài tầm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, cho biết tình hình kinh doanh của họ chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giám sát video
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và đưa nó vào cuộc sống thường nhật của mọi công dân, thì công nghệ giám sát của quốc gia này cũng bắt đầu bị Mỹ để ý nhiều hơn. Hikvision và Dahua, hai gã khổng lồ camera giám sát, có thể bị đưa vào "sổ đen", theo nhận định của tờ New York Times.
Hikvision là nhà sản xuất trang thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới, với số lượng trang thiết bị giám sát bán ra đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai tại Mỹ. Có lẽ điều mà giới chức Mỹ quan ngại hơn cả doanh số của Hikvision chính là việc có đến 42% cổ phần của Hikvision nằm trong tay của 3 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ từ lâu đã lo ngại rằng camera của công ty này có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng để do thám công dân Mỹ. Năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã đề xuất cấm các chính quyền liên bang mua trang thiết bị của Hikvision.
Cơ quan giám sát và nhân quyền nói rằng phần mềm Face của Megvii là một trong những công nghệ được sử dụng trong chương trình giám sát của Trung Quốc đối với người Hồi giáo ở Tân Cương. Tất nheien công ty này phủ định cáo buộc.
Các nhà sản xuất phần cứng giám sát không phải là mục tiêu duy nhất. Nhiều nguồn tin cho biết Megvii - startup chuyên về phần mềm giám sát về nhận dạng khuôn mặt có trụ sở ở Bắc Kinh cũng bị xem xét đưa vào danh sách cấm xuất khẩu của Mỹ.
Megvii có một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Mỹ, nhưng không rõ mức độ phụ thuộc của phần mềm của hãng đối với công nghệ Mỹ.
Nhận dạng giọng nói
Ngoài camera bay và các hệ thống giám sát, một công ty chuyên về nhận dạng giọng nói cũng được cho là đang trong vòng nguy hiểm. Đó là iFlytek - một trong những tên tuổi lớn trong ngành AI Trung Quốc, bên cạnh Baidu, Tencent và Alibaba - công ty AI, đồng thời là nhà phát triển phần mềm và phần cứng nhận dạng và phiên dịch giọng nói, như các thiết bị phiên dịch bỏ túi chẳng hạn. Công ty này kiểm soát hơn 70% thị trường nhận dạng giọng nói tại Trung Quốc.
Một trong những dự án AI của iFlytek ngoài nhận dạng giọng nói là giúp chính quyền quản lý lưu lượng giao thông trong thành phố thông qua big data.
Cổ phiếu của iFlytek đã tụt dốc sau thông tin rằng Mỹ đang cân nhắc đưa họ vào danh sách cấm xuất hiện rộng rãi. Dù Trung Quốc đã là một nhà phát triển công nghệ AI lớn trong nhiều năm qua, cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, nhưng hoạt động nghiên cứu AI lại dựa vào trao đổi thông tin. Bị cách ly khỏi công nghệ Mỹ có thể là một bất lợi lớn đối với bất kỳ công ty Trung Quốc nào.
Theo GenK
Uber báo lỗ lên đến 1 tỷ USD sau IPO Mức lỗ của Uber trong quý vừa rồi tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể hơn, doanh thu của Uber trong quý 1/2019, quý đầu tiên sau khi hãng công nghệ Mỹ trở thành công ty đại chúng là 3,1 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức lỗ ròng của Uber trong...