Các hãng công nghệ Mỹ quyết tâm đuổi cổ Huawei ra khỏi thị trường nội địa
Cơ hội để tẩy chay Trung Quốc.
Trong khi các nhà chức trách Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra về 2 công ty sản xuất viễn thông TQ là Huawei và ZTE, các đối thủ viễn thông ở Mỹ cũng không hề ngồi yên, mà cũng muốn tham gia đổ dầu vào lửa.
Đối thủ Mỹ của Huawei là Cisco đang không ngừng “đổ dầu vào lửa”.
Tờ Washinton Post vừa nhận được một bản thuyết trình có độ dài 7 trang với tiêu đề “Huawei và hiểm họa bảo mật cho quốc gia” từ Cisco. Đây được cho là một động thái cạnh tranh của hãng này nhằm loại bỏ Huawei ra khỏi cuộc chơi. Theo văn bản viết ra từ Cisco, hãng này nói rằng: ” Nỗi sợ hãi Huawei đã lan tràn khắp thế giới…..mặc dù hết mình phủ nhận, những Huawei vẫn chưa thể chứng minh rằng mình không có liên quan gì đến chính phủ và quân đội TQ”.
Theo một số nguồn tin giấu tên, các công ty công nghệ của Mỹ khác cũng đang tích cực triển khai những động thái tương tự như trên. Các công ty công nghệ này có thể tận dụng tình trạng “hoảng loạn” của giới chính trị gia, từ đó tạo lợi thế của mình trên thị trường kinh doanh. Sau đó, các hãng nội địa sẽ xoay chuyển các khách hàng trong nước sử dụng các sản phẩm của mình “dưới ngọn cờ những nhà yêu nước”.
Các công ty công nghệ Mỹ sẽ lợi dụng tâm lý “người yêu nước” để tẩy chay Huawei và ZTE.
Video đang HOT
Một nhà phân tích nói rằng: “Các đối thủ cạnh tranh của Huawei đã “bẫy” được các nhà làm luật nhằm triệt hạ đối thủ của mình, trong khi vẫn tiếp tục xoáy sâu vào vấn đề nhức nhối của người Mỹ đó là TQ”.
Hiện tại, Huawei và ZTE vẫn đang hết mình kêu oan và phủ nhân sự liên quan của mình với chính phủ TQ. Tuy nhiên, chắc chắn trong tương lai, khả năng thập nhập vào thị trường Mỹ nói riêng và thị trường thế giới nói chung sẽ là vô cùng khó khăn.
Theo Genk
Tại sao Huawei lại khiến chính phủ Mỹ phải lo lắng đến như vậy?
Đã gần một tuần nay, chính phủ và giới công nghệ của cả Mỹ và Trung Quốc đều hướng phần lớn sự tập trung vào vụ việc: Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra bản báo cáo buộc tội hai hãng viễn thông và thiết bị mạng lớn nhất Trung Quốc là Huawei và ZTE tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc làm gián điệp, đe dọa nền an ninh quốc gia Mỹ. Bất chấp mọi lời giải thích và thề thốt từ phía ban lãnh đạo của hai công ty đến từ TQ, Mỹ vẫn lạnh lùng giữ nguyên lập trường và khuyên các hãng công nghệ cũng như người dân nước mình nên tránh xa bất kỳ giao dịch và sản phẩm nào đến từ hai công ty này vì an ninh quốc gia. Hưởng ứng lời kêu gọi đó của chính phủ, ngay hôm qua tập đoàn Cisco System - hiện là nhà sản xuất thiết bị mạng hàng đầu thế giới - đã đưa ra lời tuyên bố cắt đứt quan hệ làm ăn với ZTE.
Cisco là một trong những hãng công nghệ tiên phong của Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ làm ăn với ZTE.
Còn nhớ lần gần nhất mà các website an ninh của Mỹ bị tấn công bởi tin tặc TQ là hôm 3/10, và nạn nhân là hệ thống quân sự và chỉ huy đơn vị hạt nhân. Trước đó, hồi tháng 7, FBI đã đưa ZTE vào tầm ngắm khi cho rằng công ty này có giao dịch với một công ty viễn thông khác, thuộc sự quản lý của chính phủ Iran. Thế nhưng, trên thực tế thì bản thân chính phủ Mỹ và các cơ quan an ninh Mỹ vẫn chưa lần nào "bắt tận tay, day tận trán" sự vụ gián điệp nào có bàn tay của Huawei và ZTE nhúng vào.
Nhưng nếu chỉ có bằng đó sự việc, thì có lẽ Mỹ đã không phải "làm quá lên" như thế. Thật ra, một cường quốc lâu năm như Mỹ rất có cái cớ để phải nghi ngờ và lo sợ một cường quốc mới nổi như Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân - một chủ đề cực kỳ nhạy cảm với Mỹ từ nhiều năm nay. Và hơn ai hết, Mỹ và các quốc gia đồng minh là những người hiểu được rõ nhất sự nguy hiểm của những sản phẩm điện tử khi chúng được sử dụng như một loại vũ khí kỹ thuật số.
Dưới đây là một số ví dụ:
- Tháng 6/1982 một vụ nổ rất lớn đã phá hủy nặng nề đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Liên Xô cũ chạy qua Siberia. Sau đó, mật vụ Xô Viết đã điều tra ra một lỗi nặng trong hệ thống máy tính mà gián điệp của họ đã lấy về từ Canada. Vấn đề là hệ thống này trước đó đã được CIA chuyển giao cho Canada, với một số công cụ đặc biệt và tối mật, nhằm chống nạn trộm cắp hoặc khủng bố quốc tế.
Hệ thống của CIA có thể điều chỉnh tốc độ bơm dầu, đóng mở các nắp van, thay đổi áp lực đường ống, v.v... Sau khi toàn bộ máy móc lọt vào tay Liên Xô, tình báo Mỹ khởi động hệ thống ngăn ngừa khẩn cấp này. Kết quả là dẫn tới vụ nổ lớn nhất trên thế giới mà nguyên nhân không phải là do bom nguyên tử.
- Trong một diễn biến có liên quan tới vấn đề hạt nhân xảy ra vào năm 2007, không quân Israel đã tiến hành cuộc không kích bất ngờ nhằm vào một địa điểm nằm sâu bên trong lãnh thổ Syria. Nơi đây được Israel cho là có tồn tại một nhà máy nghiên cứu vũ khí hạt nhân đang trong quá trình xây dựng, trong khi phía Syria đã phủ nhận và nói rằng nơi đó chỉ là "một tòa nhà quân sự không còn sử dụng". Tuy nhiên, có một chi tiết rất đáng chú ý nữa, đó là vào năm 2008 tạp chí IEEE Spectrum đã đăng tải một báo cáo cho rằng một công ty sản xuất chip điện tử của Pháp đã là nhà cung cấp phụ kiện cho hệ thống radar của Syria, bao gồm cả một thiết bị có khả năng làm lạc hướng các radar này và giúp cho các máy bay thả bom của Israel không bị phát hiện.
- Cách đây 2 năm, Stuxnet - một loại sâu máy tính do Mỹ chế tạo, có khả năng đột nhập vào các lỗ hổng của HĐH Windows và phá hoại máy tính - đã khiến nhiều chuyên gia tin học của Iran phải điên đầu. Bắt nguồn từ chiếc USB của một gián điệp Israel gốc Iran, Stuxnet đã lan truyền với tốc độ chóng mặt và hậu quả là 5000 máy ly tâm của lò phản ứng hạt nhân Natanz và nhiều nơi khác tại Iran đã bị xâm nhập và làm cho hư hại. Sau đó, đồng minh Mỹ - Israel lại tiếp tục sử dụng cặp đôi virus khác là Flame và Gauss làm vũ khí tấn công các hệ thống máy tính của Iran và một số các quốc gia Trung Đông khác.
Như vậy, có thể thấy Mỹ là một quốc gia lão làng trong vấn đề sử dụng vũ khí kỹ thuật số. Thế nhưng cũng chính vì thế mà họ cũng không thể tránh khỏi việc phấp phỏng lo sợ một ngày nào đó sẽ bị "chơi lại" bởi những quốc gia "ngoài mặt thì hữu hảo mà trong tâm thì khó lường", điển hình như TQ. Với tâm lý thà "giết nhầm còn hơn bỏ sót" đó, Mỹ đã không ngần ngại thẳng tay loại trừ những mối nguy hiểm mà họ cho là rất có khả năng phát tác trong thời gian sắp tới. Thử nghĩ xem, với vị thế là công xưởng lớn nhất thế giới hiện nay, TQ đang là nơi sản xuất của rất nhiều những linh phụ kiện và thiết bị điện tử.
Thêm vào đó, rất nhiều tập đoàn viễn thông và thiết bị mạng lớn của thế giới như Cisco Systems và Juniper Networks (Mỹ), Alcatel-Lucent (Pháp), Ericsson (Thụy Điển)... cũng đều có những bộ phận phần cứng được gia công tại TQ. Ai mà biết được liệu các nhà máy TQ có tranh thủ "làm gì" với các thiết bị được đặt hàng gia công đó hay không?
Trở lại vấn đề hiện tại của Mỹ và công ty Huawei. Trong khi đa số những nhân viên người Mỹ làm việc cho Huawei đều thống nhất quan điểm rằng công ty của họ hoạt động " như một cuốn sách mở", thì bản thân nhà sáng lập kiêm chủ tịch Ren Zhengfei - một cựu sỹ quan quân đội TQ - lại chưa từng tham dự một cuộc phỏng vấn nào của báo chí phương Tây.
Không phải ngẫu nhiên hay bất chợt mà Huawei lại trở thành một trong những hãng thiết bị mạng lớn nhất thế giới như hiện nay. Tại châu Phi, nhờ có chính sách trợ giá (với giá bán nói chung thấp hơn các đối thủ từ 5% đến 15%) mà Huawei luôn dễ dàng hất cẳng những hãng công nghệ phương Tây khác. Lợi thế này là một trong những điểm khiến giới chức Mỹ càng thêm nghi ngờ về sự tham gia của chính phủ TQ giúp đỡ cho các doanh nghiệp nước mình mở rộng thị trường.
Châu Phi - một thị trường béo bở của Huawei.
Tất nhiên, trước những cáo buộc trên, Huawei (và cả ZTE) không chấp nhận ngồi yên chịu trận. Họ cũng đưa ra những lời phản pháo, rằng bản báo cáo dài 52 trang được thực hiện sau 11 tháng điều tra trên " đã thất bại trong việc cung cấp những thông tin rõ ràng hoặc những bằng chứng để chứng minh tính hợp pháp của những lời buộc tội từ Ủy ban Tình báo"và rằng " nó chứa đựng rất nhiều tin đồn và sự suy đoán nhằm chứng minh cho một lời buộc tội không đúng sự thật". Thậm chí, phía TQ còn đưa ra lời đe dọa ngược đối với Mỹ, rằng hành động này của họ sẽ khiến cho bản thân các công ty công nghệ của Mỹ gặp khó khăn khi làm ăn trên đất Trung Quốc. Thế nhưng, thật khó để những tiếng nói phản kháng trên có thể làm thay đổi quan điểm của người Mỹ trong trường hợp này. Hiện tại, ngoài Mỹ, đã có Úc và sắp tới rất có thể sẽ là Canada cùng tham gia tẩy chay hàng công nghệ của các công ty Trung Quốc.
Theo Genk
Apple muốn thâu tóm Fancy Hãng công nghệ Mỹ Apple đang đàm phán để mua lại Fancy, trang thương mại điện tử mạng xã hội được dẫn dắt bởi các nhà đồng sáng lập của Facebook và Twitter, tờ Business Insider đưa tin. Theo đó, mục tiêu mà Apple hướng đến với thương vụ đầy tính chiến lược này là củng cố hơn nữa vị thế của hãng...