Các giải pháp vẫn chưa thể ‘giải tỏa cơn khát thuốc’
Các địa phương đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc, quy định đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng để các cơ sở y tế hiểu, thực hiện thống nhất.
Sau dịch COVID-19, các bệnh viện tiếp nhận trở lại số lượng lớn bệnh nhân, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương. Song tỷ lệ nghịch với số lượng bệnh nhân là tình trạng thiếu thuốc, trong đó một phần do ảnh hưởng bởi đại dịch khiến nguồn cung bị đứt gãy gián đoạn.
Thuốc thiếu, bệnh nhân quá tải
Tại các cuộc họp với Bộ Y tế, lãnh đạo một số địa phương nêu thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra… Một số khó khăn khác là do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm…
(Ảnh minh họa)
Trong cuộc họp ngày 27/9/2022 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc; quy định đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng để các cơ sở y tế hiểu và thực hiện thống nhất; quy định rõ ràng rõ trách nhiệm, thời hạn của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện đối với từng nội dung liên quan.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thực tế vẫn có vướng mắc, cần gỡ rối trong công tác mua sắm trang thiết bị, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt, trong trường hợp có dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh, thì đồng thời có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh và người chịu thiệt thòi trước tiên là người bệnh. Trước vấn đề cấp bách được đặt ra này, Bộ Y tế cho biết, đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và dài hạn.
Trong đó, giải pháp ngắn hạn trước mắt là Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thứ hai là đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế.
Thứ ba là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương. Thứ tư là sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Video đang HOT
Về giải pháp dài hạn, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền để ban hành, sửa đổi, bổ sung các Luật Khám, chữa bệnh; Luật BHYT; Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược…
Theo ý kiến chuyên gia, về dài hạn, cần phải có sự xem xét một cách tổng thể, khi có thuốc có nên để ở Trung ương đấu thầu hay phân cấp về địa phương.
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phân công phân cấp, phân quyền trong đấu thầu cũng cần phải được đặt ra nhưng trong bối cảnh là đáp ứng được năng lực của bộ phận thực hiện công tác đấu thầu. Nếu có phân cấp cũng phải xem xét mặt bằng của thị trường, bởi có thể mỗi nơi một giá khác nhau và họ lại có cơ hội để so sánh và nếu các giải pháp thực hiện được thì công tác đấu thầu thuốc sẽ ngày một tốt hơn”.
Với các thuốc đàm phán giá rõ ràng, thường là các thuốc biệt dược ông Quang cho rằng nên để Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, với các loại thuốc khác gắn với đấu thầu tập trung, nếu cần có xem xét khả năng cung ứng, đáp ứng toàn bộ thị trường thuốc của 63 tỉnh, thành cũng nên để Trung ương thực hiện. Khi có giá nhất định, các địa phương tiến hành ký hợp đồng và thực hiện. Theo ông Quang, đây cũng là bước cải cách cả về tài chính và hành chính.
Chưa thể “ giải tỏa cơn khát thuốc”
Ngày 3/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, với tổng giá kế hoạch hơn 7.630 tỷ đồng, giá trúng thầu là 6.293 tỷ đồng, tiết kiệm được 1.337 tỷ đồng, thậm chí có thuốc chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch.
Ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng “giải tỏa cơn khát thuốc” là phi thực tiễn.
Tại cuộc họp ngày 21/9, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ông Đinh Xuân Huấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam kiến nghị, thời gian tới các doanh nghiệp dược cần được tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn tài chính do hiện nay tỷ lệ nợ tiền thuốc sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh rất lớn, cơ chế đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao cần có sự linh hoạt kết hợp cả sản xuất các loại thuốc thông thường khác.
Lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Nêu những bất cập trong hoạt động đấu thầu, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, việc tháo gỡ, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, như cấp số đăng ký lưu hành thuốc; tiền kiểm, hậu kiểm trong lĩnh vực dược phẩm; cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng sẽ thúc đẩy công nghiệp dược trong nước phát triển.
Bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam đề xuất, cần có các cuộc họp thường xuyên giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp dược để cập nhật, xử lý những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Thiếu thuốc cục bộ nhưng nhiều địa phương chưa mở được gói thầu
Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và những dịch vụ kỹ thuật như máy đặt, máy mượn cung cấp dịch vụ đã ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm y tế như thế nào?
Thông tin tới báo chí về "Danh mục thuốc và các dịch vụ kỹ thuật y tế được quỹ BHYT chi trả - thực trạng và đề xuất nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) dễ tiếp cận trong quá trình điều trị", ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam - BHXHVN) cho biết, thời gian qua, người tham gia BHYT cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và những dịch vụ kỹ thuật như máy đặt, máy mượn cung cấp dịch vụ.
Ông Lê Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách BHYT ngày 8/7.
Có tình trạng thiếu thuốc cục bộ
Nguyên nhân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đã được nêu ra và thời gian qua Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã họp bàn để phân tích, gỡ vướng liên quan đến mua sắm đấu thầu, đặc biệt là cơ chế chính sách. Về phía BHXH Việt Nam, trách nhiệm là phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, để xây dựng các chính sách liên quan đến BHYT.
Về đấu thầu thuốc, ông Phúc cho biết: "Chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các địa phương luôn phải theo dõi xem việc đấu thầu đã sắp hết hạn hay chưa, thuốc men ở các bệnh viện như thế nào... Kịp thời thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh, BHYT về việc này. Theo thống kê, có 7 địa phương đã hết hạn từ năm 2021 mà đến tháng 6, tháng 7 chưa mở được gói đấu thầu cho năm 2022. Vì vậy, khi chậm mở thầu như vậy ảnh hưởng đến chỉ định thuốc. Bên cạnh đó, có những địa phương chỉ đấu thầu theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng...".
Đối với vật tư y tế, ông Phúc cho biết, hiện không nhiều tỉnh thực hiện được đấu thầu vật tư y tế, chủ yếu là các cơ sở khám chữa bệnh, việc mua sắm vật tư y tế khó hơn so với thuốc.
"Vật tư y tế đang thực hiện chủ yếu theo Thông tư 58 của Bộ Tài chính, Thông tư 14/2020 của Bộ Y tế và các quy định này còn đang có vướng mắc, dẫn đến các cơ sở khó khăn trong việc mua sắm vật tư y tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, sớm có sửa đổi để hướng dẫn các địa phương tham gia mua sắm vật tư", ông Phúc nói.
Về vấn đề thuốc men, ông Phúc thông tin thêm, một số tỉnh rất thiếu thuốc như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
Được biết, từ giữa tháng 5/2022, nhiều bệnh viện có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị thanh toán chế độ BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn - đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất sau công văn dừng thanh toán của BHXH.
Thông tin thêm về việc thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, cho biết, hiện vẫn thiếu cục bộ, một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở Trung ương cũng như Sở Y tế các địa phương còn chậm.
"Chúng tôi đã thống kê có những mặt hàng hết hàng nhưng trên 3 tháng chưa đấu thầu, có những tỉnh dồn tập trung ở Sở y tế như: Nghệ An, TP.HCM, Hà Nội..., tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu lại vật tư y tế, khá phổ biến. Qua theo dõi chi phí bình quân một đơn cấp thuốc cho người bệnh thì chưa có sự biến động lớn kể từ tháng 4 đến tháng 6, chênh nhau khoảng dưới 10.000 đồng/1 đơn thuốc, (khoảng 5%), chứng tỏ tình trạng thiếu thuốc vẫn đang cục bộ", ông Đức nói.
Sau thiếu thuốc là thiếu máy đặt, máy mượn
Thực tế, những năm qua người bệnh có BHYT tại Việt Nam được bảo đảm quyền lợi khá tốt, về dịch vụ kỹ thuật hiện có gần 10.000 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT. Các dịch vụ được triển khai, thanh toán từ các trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương... đều được thanh toán.
Tuy nhiên, trang thiết bị, máy mượn, máy đặt, thời gian qua cũng có khó khăn về cơ chế chính sách, Bộ Y tế vẫn áp dụng cho phép những cơ sở mua sắm đấu thầu vật tư, trúng thầu cho phép được đặt máy, mượn máy tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, ông Phúc cho biết BHXH Việt Nam có văn bản gửi sang Bộ Y tế hướng dẫn, đồng thời đề xuất tới đây sẽ có buổi họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này.
Thông tin thêm với báo chí xoay quanh vấn đề máy mượn, máy đặt và thanh toán dịch vụ này tại các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc, cho biết thêm: "Năm 2007, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15 về xã hội hóa trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập, nhưng trong thông tư này ở thời điểm đó không có hình thức mượn máy đặt. Đến năm 2015, chúng tôi đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh thì phát hiện thấy rất nhiều tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh mượn máy, đặt máy từ các công ty.
Chuyện đặt máy ở thời điểm này còn ràng buộc số lượng dịch vụ kỹ thuật, số lượng hóa chất phải thực hiện ở những máy này. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Y tế đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn. BHXH Việt Nam là đơn vị tư vấn, tổ chức thực hiện còn đơn vị quản lý Nhà nước về BHYT là Bộ Y tế".
Ông Phúc cũng cho biết, sau đó, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh mà trúng thầu hóa chất thì mới được đặt máy, đấu thầu từ hóa chất đi, sau đó đơn nào trúng thầu hóa chất A thì công ty cung cấp máy sẽ cung cấp cho các máy đó.
Tuy nhiên, cũng có vướng mắc là đấu thầu hóa chất thực hiện một năm, hết hóa chất lại phải đấu thầu mới. Nhưng, khi đấu thầu mới thì máy đặt vẫn trúng, vì hóa chất là hóa chất đóng (tức là hóa chất nào thì đi với máy đó) không có chuyện hóa chất của công ty A lại sử dụng được cho công ty B, rất hãn hữu. Với vấn đề này, BHXH vẫn tiếp tục kiến nghị.
Năm 2017, Bộ Tài chính có công văn 16661 gửi BHXH Việt Nam về quy định một số hình thức xã hội hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập không được đặt, mượn máy mà phải chuyển cây máy, hoặc nếu ai cho tặng phải chuyển đổi sang hình thức sở hữu toàn dân.
Sau khi có vấn đề này, BHXH Việt Nam đã gửi văn bản sang Bộ Tài chính xin ý kiến và Bộ Tài chính trả lời khẳng định "không được mượn, không được đặt".
"BHXH Việt Nam có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện và không chấp nhận thanh toán. Sau đó, Bộ Y tế có công văn 2009 cho phép thực hiện tiếp tục thanh toán chỉ với trường hợp máy mượn, máy đặt đã trúng thầu hóa chất trước đó, sau đó mới đặt máy, mượn máy, hết hợp đồng thì gia hạn tiếp tục.
Diễn biến tiếp theo là Bộ Y tế có hủy bỏ công văn 2009, chỉ hủy một phần và BHXH cũng đã có hướng dẫn tỉnh, thành phố thực hiện tiếp tục theo hướng dẫn của Bộ Y tế vướng mắc này, Bộ Y tế đã có văn bản số 3134 ngày 15/6/2022 báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thực trạng của việc mượn máy, đặt máy. BHXH mới đây cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế về vấn đề xử lý việc này như thế nào sau khi có ý kiến từ Bộ Tài chính. Tại cuộc họp mới đây, các đơn vị cũng nêu khó khăn, vướng mắc", ông Phúc thông tin.
Nhận diện rõ dư địa để phát triển bền vững người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế "Nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách bền vững", đây là yêu cầu của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với Bảo hiểm xã hội 6 địa phương phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An...