Các dự án chống ngập hàng trăm triệu USD tại TP.Hồ Chí Minh: Vừa làm xong đã lạc hậu
Giải quyết tình trạng ngập lụt thường xuyên, TPHCM những năm qua đã đầu tư xây dựng nhiều dự án thoát nước và cải thiện môi trường quy mô lớn với tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thành thì năng lực giải quyết ngập của những dự án này lại trở nên lạc hậu và hậu quả thành phố vẫn ngập nặng.
Người dân Sài Gòn vất vả bì bõm lội nước. Ảnh: M.Quân
Mới làm xong đã quá tải
Những năm qua, bên cạnh hàng loạt dự án nhỏ lẻ mang tính cấp bách, TPHCM triển khai các dự án chống ngập, cải thiện môi trường có quy mô lớn như: Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cải tạo môi trường nước thành phố, nâng cấp đô thị thành phố… Tổng mức đầu tư cho các dự án ước tính khoảng 800 triệu USD. Đến nay các dự án cơ bản hoàn thành với hàng trăm kilômét tuyến cống thoát nước mới được lắp đặt…
Tuy nhiên, hiệu quả chống ngập của các dự án này chỉ phát huy đối với những cơn mưa có vũ lượng nhỏ hoặc vừa; còn với những cơn mưa vũ lượng lớn trên 90mm hoặc mưa vừa kết hợp với triều cường vượt mức báo động 3 (tức trên 1,5m) thì chào thua!
Thấy rõ nhất qua các đợt triều cường mới đây, khi đỉnh triều vượt 1,60m kết hợp với mưa vừa cùng thời điểm đã khiến các tuyến cống đều quá tải, còn người dân thành phố thì vẫn phải vật lộn với cảnh ngập lụt nặng. Ngay cả tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt vừa được đầu tư xây dựng tốn cả nghìn tỉ đồng, vậy mà nhiều đoạn như khu vực cầu Lò Gốm, Rạch Cây… vẫn không thoát ngập.
Đáng nói, năng lực thoát nước của các dự án này được thiết kế dựa trên cơ sở dữ liệu cũng như nhận định tình hình mưa, triều cường của thời điểm cách đây khoảng 10 năm, nên dù mới đưa vào vận hành năm 2012, các dự án đã sớm trở nên lạc hậu. Đó là một thực tế mà các dự án chống ngập quy mô lớn của thành phố như: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cải thiện môi trường nước hoặc một số dự án sắp hoàn thành đang vấp phải.
Không lường hết diễn biến của mưa, triều cường
Hiện nay, hệ thống thoát nước của thành phố được thiết kế với tần suất có khả năng thoát nước đối với vũ lượng mưa 75,88mm trong 3 giờ (tuyến cống cấp 3), vũ lượng 85,36mm trong 3 giờ (tuyến cống cấp 2), 95,91mm trong 3 giờ (kênh, rạch chính cấp 1) và đỉnh triều thiết kế 1,32m.
Video đang HOT
Thạc sĩ Hồ Long Phi -GĐ Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu ĐH Quốc gia TPHCM – cho biết, thời điểm thiết kế các dự án cách đây khoảng 10 năm, mức độ ảnh hưởng của biến đổi về khí hậu khi đó chưa thể hiện rõ, tần suất những cơn mưa có vũ lượng lớn và mực nước triều cường thấp hơn bây giờ. Trong khi đó, thực tế những năm gần đây cho thấy, các cơn mưa có vũ lượng hơn 90mm xuất hiện ngày càng dày hơn (từ năm 2009 đến năm 2013 đã xuất hiện 25 trận mưa có vũ lượng trên 90m đến 143,1mm). Đáng quan ngại hơn là diễn biến triều cũng phức tạp, đỉnh triều năm sau luôn cao hơn năm trước (chẳng hạn năm 2010, 2011, 2012 và tháng 10.2013, mực đỉnh triều tương ứng 1,55m, 1,59m, 1,62m và 1,68m).
Tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố ngày 26.10, ông Tất Thành Cang – GĐ Sở GTVT – nhận định: Các dự án ODA về chống ngập ở vùng trung tâm thành phố đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 (hiện còn dự án Tân Hoá – Lò Gốm sẽ hoàn thành vào năm 2014). Thế nhưng, với tình hình mưa, triều cường, đô thị hóa như hiện nay, nếu không có những giải pháp ứng phó thì tình hình ngập trong những năm sắp tới chắc chắn sẽ không mấy khả quan, kể cả vùng trung tâm khi đã xây dựng hoàn thiện hệ thống cống.
Theo thạc sĩ Hồ Long Phi, để khắc phục tình trạng ngập nước tại TPHCM, bên cạch các giải pháp kỹ thuật công trình đang triển khai với thiết kế phải tính toán đến diễn biến mưa, triều cường có xu hướng tăng cao, đặc biệt chú ý yếu tố biến đổi khí hậu, thành phố cũng đang nghiên cứu đề án triển khai thêm nhiều giải pháp “mềm” khác như: Xây dựng các hồ điều tiết công cộng, hồ điều tiết tại mỗi hộ gia đình (1-5m3)… Các giải pháp “mềm” giúp tạm thời trữ nước mưa khi có mưa lớn và chỉ xả vào cống thoát nước chung khi mưa đã ngừng, tránh hệ thống cống bị quá tải.
Theo Laodong
TP.HCM: Triều cường liên tiếp khiến cuộc sống người dân đảo lộn
Chiều tối 21-10, nhiều tuyến đường, nhà dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại ngập sâu trong nước do triều cường đạt mức 1,65 mét.
Cụ thể, triều cường gây ngập nặng ở các tuyến đường phố thuộc các quận 6, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vâp, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh...
Khảo sát của phóng viên tại các tuyến đường như Nguyễn Bình, Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu, đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Lương Định Của (Q.2), Bến Phú Định (Q.8), Kinh Dương Vương (Q.6, Bình Tân), đường An Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm, Đại lộ Võ Văn Kiệt (giáp ranh giữa quận Bình Tân, quận 8).., Bến Bình Đồng (Q.8), đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Kha Van Cân, khu vực dân cư Hiệp Bình Chánh (Q. Thủ Đức)... nước ngập nặng, có nơi hơn 0,5 mét đã khiến dòng phương tiện xe máy chết máy, phải bì bõm lội.
Trên tuyến đường Kinh Dương Vương (đoạn qua P. An Lạc, Q. Bình Tân) triều cường dâng cao khiến đoạn đường kéo dài hơn 2km nước ngập lênh láng trong làn đường xe máy và xe ô tô đã gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân.
Do nước ngập nặng trong làn đường xe máy có nơi lên đến gần 0,5 mét đã khiến dòng xe máy lưu thông vào làn đường ô tô, một số chủ phương tiện liều lĩnh chạy qua thì gặp sự cố chết máy, phải dắt bộ. Bên cạnh đó, tình trạng ngập nước đã khiến xe buýt không dám lưu thông vào các trạm dừng bên trong khiến nhiều hành khách phải khốn đốn đón chờ xe buýt.
Tại tuyến đường An Dương Vương hướng về Cảng Phú Định (quận 8) nước ngập lênh láng, có nơi hơn 0,5 mét đã khiến hàng trăm xe chết máy, chủ phương tiện phải bì bõm lội. Tương tự có tuyến đường Hồ Ngọc Lãm, đoạn qua P.An Lạc, Q. Bình Tân cũng ngập nặng, do nước ngập sâu đã khiến nhiều nhà dân bên đường bị nước tấn công, cuộc sống, sinh hoạt và kinh doanh buôn bán gặp nhiều trở ngại.
Ngoài ra, mực nước trên sông Sài Gòn, Vàm Thuật, sông Phú Xuân... cùng các kênh rạch dâng cao đã khiến hàng trăm hộ dân phải di dời đồ đạc, sơ tán khỏi nhà để tránh nguy cơ ngập nước gây hư hại đồ đạc, tài sản, nhất là tình trạng sạt lở nhà...
Đến hơn 21h cùng ngày, nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu, nước rút khá chậm đã khiến người dân Sài Gòn vật vã lội "sông" để được về nhà.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, đỉnh triều sáng 21-10 là 1,58m, đến 18h30 đỉnh triều sẽ vọt lên 1,65m. Với tình trạng này rất có thể sẽ xảy ra tình trạng nước tràn bờ bao tại các tuyến bờ bao vên các sông, kênh rạch trên địa bàn TP để "uy hiếp" khu dân cư.
Trước đó chiều 20-10, triều cường đạt đỉnh lịch sử với mức 1,68 mét so với mức 1,62 mét (ngày 18-10-2012) đã gây trở ngại rất lớn đến cuộc sống của người dân TP.
Cũng theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày và đỉnh triều luôn ở mức cao.
Ngày 22-10, đỉnh triều cường có hạ chút ít nhưng vẫn vượt mức báo động 3 (1,5mét), đạt 1,54 mét vào 6h30 sáng và 19h tối. Sau đó triều cường sẽ xuống ở mức báo động 2 (1,4 mét) và giảm dần trong các ngày tiếp theo.
Từ ngày 16-10, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã dự báo trên sông Sài Gòn sẽ xuất hiện đợt triều cường. Những bản tin dự báo ban đầu cho thấy đỉnh triều cường chỉ vượt mức báo động 2.
Tuy nhiên, những bản tin sau liên tục được điều chỉnh. Theo đó, triều cường vượt mức báo động 3 và được dự báo đỉnh triều cường sẽ vượt qua các mốc của năm 2012.
Tuấn Kiệt
Theo ANTD
Triều cường gây ngập khắp Sài Gòn Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cường cao nhất ngày 20.10 xuất hiện lúc 17 giờ 30, ở mức 1,64 m tại trạm Phú An. Đây là đỉnh triều cao kỷ lục trong 60 năm qua. Triều cường gây ngập nghiêm trọng trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh vào sáng 20.10 - Ảnh: Mai Vọng Tối...