Các điểm du lịch biển phía Nam hút khách
Phú Quốc, Nha Trang, các điểm du lịch biển từ Đà Nẵng đổ vào chứng kiến sự gia tăng lượng khách trong đợt hè năm nay.
Trao đổi với Zing, các đơn vị lữ hành xác nhận điểm đến hàng đầu của người Việt mùa hè năm nay vẫn là biển. Bất chấp những dự đoán trên thế giới về việc xu hướng của du khách sẽ thay đổi sau dịch. Thực tế, mùa hè này, lượng du khách Việt khổng lồ vẫn sẽ đổ về các vùng biển.
Theo đó, các điểm đến biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) hay Đà Nẵng vẫn sẽ chiếm ưu thế.
Tiềm năng khai thác quanh năm
Ngoại trừ mùa hè, các điểm du lịch phía Bắc khó khai thác quanh năm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra do vấn đề địa lý, biển miền Bắc thường đục, nhiều phù sa. Trong khi đó, biển miền Nam lại trong xanh, đẹp hơn.
Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố tương đối nhỏ. Bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, cho biết: “Quan trọng hơn là dịch vụ ở các vùng biển từ Huế, Đà Nẵng đổ vào trong được đánh giá tích cực hơn”.
Đại diện đơn vị này nhấn mạnh vấn đề “chặt chém” từng bị xem như “đặc sản” ở các khu vực biển phía bắc như Sầm Sơn (Thanh Hóa) hay Hạ Long (Quảng Ninh). Dù vậy, vấn đề này đã được cải thiện khá nhiều.
Thanh Hóa có biển Sầm Sơn nổi tiếng hút khách. Tuy nhiên, như các bãi biển khác ở khu vực miền Bắc, Sầm Sơn cũng không thể thu hút khách quanh năm. Ảnh: Thạch Thảo.
Vấn đề lớn ở chỗ du lịch biển miền Bắc mang tính thời vụ. Du lịch biển không kéo dài cả năm vì thời tiết lạnh. Vì vậy, những người làm dịch vụ ở khu vực biển miền Bắc chỉ đón được khách từ tháng 4 đến tháng 8 – trong điều kiện thời tiết tốt.
Ví dụ, năm nay, mùa hè miền Bắc đến tương đối muộn. Gần cuối tháng 5, thời tiết Hà Nội vẫn hơi lạnh. Có những năm, đôi khi thời tiết tháng 8 cũng dần chuyển lạnh.
Video đang HOT
“Đợt này, chúng tôi bán phòng khách sạn, tour biển miền Bắc chưa tốt lắm bởi mùa hè đến muộn. Bình thường, vào giai đoạn này, không có chuyện khách sạn ở Hạ Long, Sầm Sơn lại trống phòng cuối tuần”, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nói.
Do không khai thác du lịch được suốt năm như các vùng biển phía nam, tình trạng quá tải ở Sầm Sơn, Hạ Long liên tục diễn ra trong mùa hè.
“Một số trường hợp kinh doanh tư nhân tăng giá quá đáng. Ví dụ, phòng ngày thường chỉ khoảng 600.000-700.000 đồng/đêm. Họ tăng tới 1,5-1,8 triệu đồng/đêm vào dịp hè. Dĩ nhiên, các cơ sở du lịch của những tập đoàn lớn sẽ không xảy ra tình trạng này”, bà Tuyết chia sẻ thêm.
Xu hướng thay đổi
Năm nay, xu hướng du lịch của khách miền Bắc có thay đổi. Đa số đơn vị lữ hành nhận xét người dân phía bắc không còn ưu tiên đi gần. Họ sẵn sàng đi xa hơn, đến Đà Nẵng hay Phú Quốc, Nha Trang.
Tuy nhiên, không nhiều khách miền Nam chọn du lịch biển phía bắc. Phần lớn vẫn tập trung ở Nha Trang, Phú Quốc hay Mũi Né (Bình Thuận).
Ông Tr., chủ một kênh bán combo du lịch, nói: “Kiếm mỏi mắt chắc cũng không thấy khách miền Nam nào mua combo du lịch biển phía bắc. Điểm duy nhất họ chú ý chắc chỉ có Hạ Long. Đa số khách trong nam thích khám phá các vùng núi phía bắc để trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa. Còn biển thì không”.
Đồng quan điểm, đại diện Best Price nhấn mạnh Hạ Long là thành phố biển hút khách ở miền Bắc. Tuy nhiên, khách đi Hạ Long không đơn thuần là tắm biển. Họ thường kết hợp thêm các tour du thuyền, tham quan vịnh Hạ Long nổi tiếng.
Hạ Long là điểm đến hút khách du lịch phía nam nhưng họ không chỉ đến đây để tắm biển. Ảnh: Heritage Cruises.
Ngoài ra, một vấn đề khác được nhiều đơn vị lữ hành nhắc đến là sự đầu tư mạnh mẽ từ các “đại gia”. Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng liên tục thay đổi, chú trọng vào các dịch vụ vui chơi nhờ những nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, sự đổi mới trong dịch vụ du lịch ở vùng biển phía bắc chưa thực sự ấn tượng.
Dù vậy, điều này cũng đang được cải thiện. Dẫn chứng lớn nhất là việc Thanh Hóa đón lượng khách “khủng” nhất trong dịp 30/4-1/5. Các nhà đầu tư đang thay đổi bộ mặt của du lịch tỉnh này. Thay vì chỉ có Sầm Sơn, Thanh Hóa hứa hẹn còn “hot” hơn trong vài năm tới.
Bà Hoàng Tuyết kết luận: “Nhìn chung, các điểm du lịch biển nào có sân bay và được nhiều ông lớn đầu tư sẽ phát triển mạnh mẽ. Kể cả không du lịch biển, khách cũng được trải nghiệm nhiều thứ khác như golf. Tôi đánh giá cao tiềm năng của Mũi Né. Sau khi sân bay được xây xong, sức bật của khu du lịch biển này sẽ rất lớn”.
Không muốn du lịch 30/4-1/5 giá trên trời: đi Đà Nẵng
Đà Nẵng là điểm đến đã khẳng định được vị trí trong mắt du khách Việt suốt những năm qua.
Ngay cả trong dịp 30/4-1/5 sắp tới, mức giá để đi du lịch ở đây cũng khá cạnh tranh.
Chia sẻ với Zing, đại diện một số công ty lữ hành nhận định Đà Nẵng đang dần mất đi vị trí dẫn đầu của mình trong mắt du khách Việt vào tay các điểm đến như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, thực tế, lượng khách đến Đà Nẵng vẫn ở mức cao và luôn duy trì sự ổn định.
Giá tốt, nhiều trải nghiệm
Mọi thứ khách du lịch cần tìm kiếm đều có ở Đà Nẵng. Từ khách sạn bình dân cho tới resort cao cấp hay các khu vui chơi, nhà hàng, điểm check-in đẹp. So với những điểm đến đang bị "đẩy giá" quá cao như Phú Quốc, Nha Trang, mức giá cho chuyến đi Đà Nẵng vẫn ở tầm trung bình.
Theo khảo sát của phóng viên, mức giá tốt nhất cho hành trình Hà Nội - Đà Nẵng (29/4-2/5) vào khoảng 4,5 triệu đồng/người/khứ hồi, bay Vietjet Air, giờ bay khá phù hợp (đi 5h45, về lúc 9h50). Đổi lại, nếu chọn điểm đến là Phú Quốc, du khách từ Hà Nội sẽ phải chi ra khoảng 7-8 triệu đồng/người/khứ hồi với hành trình bay tương tự.
Đà Nẵng là điểm đến với giá tốt trong dịp 30/4-1/5. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Nếu chịu khó tìm kiếm trên mạng, du khách đi từ Hà Nội có thể kiếm những combo với mức giá "mềm" hơn. Với combo 3 ngày 2 đêm (29/4-1/5), ở khách sạn 4 sao, số tiền chỉ vào khoảng 4,9 triệu đồng/người. Combo kết hợp vé máy bay và khách sạn 5 sao có giá chưa tới 5,5 triệu đồng/người.
Với khoảng 50.000 phòng trên toàn thành phố, du khách cũng không khó kiếm được chỗ ở phù hợp với túi tiền của mình nếu đi tự túc. Các khách sạn 3 sao có mức giá khoảng 300.000-400.000 đồng/đêm. Trong khi đó, khách sạn 4 sao cũng chỉ nhỉnh hơn chút, khoảng 500.000-900.000 đồng/đêm. Dựa trên khảo sát trên các trang đặt phòng trực tuyến, lượng phòng trống vẫn còn tương đối lớn.
Vì sao giá tốt?
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - mức giá cạnh tranh của Đà Nẵng đến từ việc nguồn cung khách sạn, nhà hàng, xe cộ dồi dào. Do đó, tính cạnh tranh điểm đến của Đà Nẵng là rất tốt. Chính quyền cũng kiểm soát sát sao chất lượng và giá cả.
"Cộng đồng doanh nghiệp muốn giữ khách nên mức giá luôn ổn định. Trong đợt 30/4-1/5 tới, tôi nghĩ Đà Nẵng vẫn là điểm đến số một của khách Việt Nam.
Có một số thời điểm như sau Tết Âm lịch, thời tiết Đà Nẵng không tốt nên khách chưa đông. Tuy nhiên, với thời tiết hiện tại, tôi không nghĩ Đà Nẵng sẽ kém sức hút so với Phú Quốc hay Nha Trang", ông Dũng chia sẻ.
Đà Nẵng có nguồn cung khách sạn lớn nên mức giá thường cạnh tranh. Ảnh: Booking.
Cũng theo ông Cao Trí Dũng, công ty lữ hành Vietnam TravelMart do ông quản lý đã nhận được khoảng 2.000 lượt đặt từ du khách trong dịp lễ 30/4-1/5. Con số này ước tính bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Khảo sát trên công cụ theo dõi xu hướng du lịch Destination Insights, từ giữa tháng 3 tới 11/4, Đà Nẵng vẫn nằm trong top 4 điểm đến được quan tâm hàng đầu của khách Việt Nam, sau Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang) và TP.HCM.
Trong khi đó, cụm từ "du lịch Phú Quốc" và "du lịch Đà Nẵng" cũng bám đuổi nhau sát sao về mức độ tìm kiếm, theo Google Trends. Đà Nẵng chỉ bị thất thế vào khoảng tháng 3 nhưng đã cân bằng lại vào tháng 4 - thời điểm cận kỳ nghỉ lễ. Điều này chứng tỏ Đà Nẵng vẫn nhận được sự quan tâm lớn cho dịp 30/4-1/5 và là điểm đến dễ chịu hơn cho du khách.
"Đà Nẵng vẫn là điểm nóng nhưng chỉ không nóng như Phú Quốc thôi. Một số người nói du lịch Đà Nẵng giờ bình dân hơn Phú Quốc. Tôi thấy vừa đúng, vừa sai.
Thứ nhất, rất nhiều khách sạn 5 sao cao cấp tập trung ở Đà Nẵng và thường xuyên cháy phòng. Đổi lại, Đà Nẵng cũng có tập khách sạn 4 sao giá chỉ khoảng 900.000/đêm. Với giá này, nếu đi Phú Quốc, bạn chỉ ở được khách sạn 3 sao thôi. Phú Quốc đang nổi lên là điểm đến mới và bản thân nó cũng chịu khó đổi mới", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Best Price, nhận xét.
Ngoài cạnh tranh về giá phòng khách sạn, giá vé máy bay ở Đà Nẵng cũng thường không quá cao do quãng đường bay ngắn (kể cả từ Hà Nội hay TP.HCM).
Ấn Độ kén du khách Việt Ấn Độ không phải điểm đến hàng đầu của du khách Việt trước nay. Tuy nhiên, kể từ sau dịch, quốc gia này được chú ý nhiều hơn. Sau dịch, các điểm đến quen thuộc của du khách Việt gặp những tình trạng khác nhau qua từng giai đoạn. Ví dụ, Thái Lan phải tới gần đây mới gỡ bỏ gần như hoàn...