Các cường quốc họp bàn về Syria tại Geneva
Ngày 30/6, các cường quốc thế giới và khu vực bắt đầu cuộc họp kín về tình hình Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, nhằm tìm giải pháp cứu vãn kế hoạch hòa bình của đặc phái viên quốc tế Kofi Annan, cũng như đề ra lộ trình chuyển tiếp chính trị hòa bình cho Damascus.
Đặc phái viên chung LHQ – AL Kofi Annan (giữa) và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (trái) trao đổi với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước cuộc họp.
Cuộc họp có sự tham dự của giới chức 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp – cùng đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Kuwait, Iraq và một số nước Ảrập khác.
Cuộc họp diễn ra theo đề xuất của đặc phái viên chung Liên hợp quốc – Liên đoàn Ảrập (LHQ – AL) Kofi Annan trong bối cảnh tình trạng bạo lực lan rộng tại Syria đang có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến thực sự.
Ông Annan hy vọng thông qua cuộc họp này, các bên có thể đạt được đồng thuận về kế hoạch xây dựng một chính phủ đoàn kết tại Syria, nhằm tránh nguy cơ bạo lực từ Syria lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.
Video đang HOT
Chính vì vậy, trước khi cuộc họp bắt đầu, ông Annan đã đề nghị thành lập chính phủ đoàn kết Syria không bao gồm những người gây phương hại cho sự ổn định đất nước. Tuy nhiên, kế hoạch này không đề cập đến việc liệu Tổng thống Bashar al-Assad có phải ra đi hay không.
Phương Tây cố sức thuyết phục Nga
Để đảm bảo thành công cho cuộc họp, trước khi cuộc họp bắt đầu, cả Anh và Mỹ đều cố gắng thuyết phục Nga thay đổi lập trường về cách thức chấm dứt xung đột tại Syria.
“Một tương lai ổn định cho Syria có nghĩa là Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực”, Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu ngay sau khi đặt chân tới Geneva.
Cũng theo ông Hague, Nga và Trung Quốc nên đồng ý với các nước phương Tây về kế hoạch chuyển tiếp chính trị hòa bình cho Damascus, tuy rằng ông cũng thừa nhận đây là một việc làm khó.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã cố gắng xoay chuyển quan điểm của Nga trong vấn đề Syria nhưng cũng không đạt được mục đích.
Trái lại, chính Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng ông cảm thấy đang có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Washingoton, trong đó không còn sự đòi hỏi bắt buộc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực.
“Tôi nhận thấy Ngoại trưởng Mỹ Hillary đang dần có sự thay đổi lập trường về cuộc khủng hoảng này, cũng như về cách thức chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria”, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga phát biểu, đồng thời nhấn mạnh thế giới vẫn còn cơ hội tìm ra lập trường chung cho vấn đề Syria tại cuộc họp ở Geneva.
Bất chấp sức ép của phương Tây, cho đến nay Mátxcơva vẫn từ chối yêu cầu buộc ông Assad phải từ chức.
Ngoài ra, là một đồng minh lâu đời của Syria và có nhiều quyền lợi gắn liền với sự tồn tại của chính quyền Assad, Nga cũng cho rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng cũng đều phải do chính người Syria quyết định. Nga kiên quyết phản đối mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Syria.
Trung Quốc cũng có lập trường tương tự.
Tuy nhiên, dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, các nhóm đối lập ở Syria lại tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch chuyển tiếp chính trị nào nếu như Tổng thống Assad chưa từ bỏ quyền lực.
Theo giới phân tích, chính sự mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây về vai trò chính trị của Tổng thống Assad trong tiến trình chuyển tiếp hòa bình ở Syria là nhân tố khiến nhiều người cho rằng hội nghị tại Geneva lần này cũng sẽ khó lòng tránh được vết xe đổ như các hội nghị trước, bất chấp thực tế đã có hơn 15.800 người Syria thiệt mạng kể từ khi bùng phát làn sóng bạo loạn chống chính phủ cách đây 16 tháng.
Theo Dân Trí
Tổng thống Syria đã ra sắc lệnh lập chính phủ mới
Ngày 23/6, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ra sắc lệnh thành lập một chính phủ mới, chưa đầy hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội gây tranh cãi bị các nhóm đối lập tẩy chay.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kênh truyền hình nhà nước Syria cho biết theo sắc lệnh của Tổng thống Bashar al-Assad, ba vị trí quan trọng được giữ nguyên trong nội các mới là Ngoại trưởng Walid al-Muallem, Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim al-Shaar và Bộ trưởng Quốc phòng Dawoud Rajiha.Ngoài ra, Tổng thống Bashar al-Assad cũng bổ nhiệm 20 gương mặt mới và tạo ra một số bộ mới, trong đó có Bộ Nội thương và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Kinh tế và Ngoại thương, và Bộ Nhà ở và Phát triển xây dựng.
Trước đó, ngày 6/6 vừa qua, Tổng thống Bashar al-Assad đã chỉ định cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Riad Hijab làm thủ tướng, đồng thời giao trọng trách cho ông này thành lập chính phủ mới.
Ông Hijab 46 tuổi, từng giữ cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp trong chính phủ của cựu Thủ tướng Adel Safar, được thành lập tháng 4/2011, một tháng sau khi khủng hoảng bùng nổ ở Syria.
Chính phủ mới được công bố thành lập trong bối cảnh bạo lực đẫm máu tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với người dân Syria.
Cùng ngày 23/6, ít nhất 15 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và các nhóm vũ trang đối lập tại tỉnh Deir al-Zour, miền Đông Syria.
Trước đó một ngày, xung đột ở nước này cũng làm 116 người thiệt mạng, trong đó có 69 dân thường.
Đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan trước đó đã hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên cả chính quyền Syria và phe đối lập nhằm sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng ở nước này.
Theo các quan sát viên, kể từ tháng 3/2011 đến nay, bạo lực đẫm máu ở Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.000 người./.
Theo TTXVN
Pháp nóng lòng muốn nổ súng đánh Syria Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm qua (13/6) đã đề nghị dùng vũ lực để chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu hiện nay ở đất nước Syria. Theo ông Fabius, thực hiện lệnh cấm bay giống như ở Libya trước đây là một lựa chọn đang được các nước xem xét. Phát biểu trên của Ngoại trưởng Pháp là phát biểu...