Các cuộc lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang gia tăng tinh vi
Các dạng lừa đảo qua mạng phổ biến nhất ở Việt Nam là lừa đảo tài chính, danh tính và tình cảm.
Bên cạnh đó, các loại hình lừa đảo mua hàng online và đầu tư (đặc biệt là qua các ứng dụng) cũng phổ biến.
Người dân mua hàng cần cảnh giác với những lời mời dẫn đường link để lấy mất thông tin cá nhân. Ảnh minh họa: HT/Báo Tin tức.
Liên minh chống lừa đảo toàn cầu ( GASA) mới đây đã công bố một báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu. Theo báo cáo này, số vụ lừa đảo trực tuyến đang bùng nổ mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, số vụ lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu trong năm 2021 là 266 triệu vụ, tăng 90%. Khoảng 50 tỷ USD của người dùng toàn cầu đã rơi vào tay những kẻ lừa đảo trong năm ngoái. Tuy vậy, báo cáo đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi có khoảng 7% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến trình báo với chính quyền.
Đáng chú ý, theo GASA, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao. Số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện có tỷ lệ 0,89 vụ/1.000 dân, với hơn 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận.
Về thiệt hại, báo cáo của GASA ghi nhận con số 374 triệu USD trong năm 2021. Tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3.8 USD nếu tính trên đầu người.
Báo cáo của GASA sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi 2 dự án Chống lừa đảo, ScamVN và công ty bảo mật Group-IB.
Đánh giá của GASA cho thấy, các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang gia tăng và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Các dạng lừa đảo qua mạng phổ biến nhất trong nước là lừa đảo tài chính, lừa đảo danh tính và lừa đảo tình cảm. Bên cạnh đó, các loại hình lừa đảo mua hàng online và lừa đảo đầu tư (đặc biệt là qua các ứng dụng) cũng rất phổ biến.
Báo cáo cũng ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng lớn ở Việt Nam trong năm 2021 đã giảm xuống. Mặc dù vậy, các loại hình lừa đảo trực tuyến lại ngày càng trở nên tinh vi hơn. Chỉ tính riêng về số vụ lừa đảo qua email, Việt Nam hiện xếp hàng đầu trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Để chống lại các vụ lừa đảo này, thời gian qua nhiều cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến nhằm giúp người dùng tìm kiếm và báo cáo khi phát hiện các gian lận trực tuyến.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 113.384 trang web lừa đảo được người dùng Việt báo cáo tới hệ thống của dự án Chống lừa đảo và ScamVN. Đây là hai dự án phi lợi nhuận về phòng chống lừa đảo tại Việt Nam. Trong đó, hơn 22.000 website đã bị liệt vào “danh sách đen” của những đơn vị này.
Dữ liệu của Securelist cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia xếp ở vị trí số 1 về tỷ lệ máy tính dính ít nhất một cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại (8,69%).
“Việt Nam hiện vẫn đứng đầu trong top các nước Đông Nam Á về số cuộc tấn công lừa đảo (phishing), năm ngoái là hơn 4 triệu và năm nay là hơn 5 triệu vụ”, đại diện dự án Chống lừa đảo chia sẻ.
Video đang HOT
Nhận diện những chiêu lừa tinh vi "nở rộ" trên mạng xã hội dịp cận Tết
Những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội hoặc thông qua tin nhắn đang xuất hiện ngày càng nhiều trong dịp cận Tết, đòi hỏi người dân phải cảnh giác để tránh bị mất tiền cũng như thông tin cá nhân.
Dịp cuối năm là thời điểm nhiều người tăng cường mua sắm, đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo tung ra những "chiêu lừa" tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân. Dưới đây là những chiêu trò lừa đảo đang "nở rộ" trên mạng xã hội trong thời điểm cận Tết mà bạn đọc cần nắm rõ để tránh trở thành nạn nhân.
Không ít người có nhu cầu tìm việc làm thêm vào dịp cận Tết hoặc trong Tết Nguyên đán, bởi lẽ tiền lương chi trả trong thời điểm này sẽ cao gấp nhiều lần so với những ngày làm việc bình thường. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này để lấy cắp thông tin cá nhân, thậm chí lừa tiền của không ít người.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ đăng lên Facebook những bài viết có nội dung tuyển người làm trong dịp Tết, với mức lương hấp dẫn. Nhiều người có nhu cầu tìm việc sẽ liên hệ để ứng tuyển, lúc này, những tên lừa đảo yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, gửi ảnh căn cước công dân, bằng lái xe... với lý do cần nắm thông tin để sắp xếp công việc.
Trên thực tế, mục đích của những kẻ lừa đảo này là nhằm lấy cắp thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ cả tin, sau đó yêu cầu họ phải trả cho chúng một khoản tiền (từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng), với lời đe dọa sẽ sử dụng những thông tin cá nhân có được (bao gồm số điện thoại, hình ảnh của thẻ căn cước...) để vay tiền thông qua các ứng dụng cho vay, với mức lãi suất rất cao.
Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lỗ hổng của những ứng dụng cho vay tiền, khi chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân và ảnh thẻ căn cước công dân là đã có thể vay được tiền. Lo sợ bản thân sẽ phải mang những khoản nợ lãi suất cao, nhiều nạn nhân đã chấp nhận trả tiền cho những kẻ lừa đảo để chuộc lại thông tin cá nhân của mình.
Người dùng cần làm gì để tránh chiêu trò lừa đảo này?
Để tránh chiêu trò lừa đảo này, bạn tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt ảnh chụp thẻ căn cước công dân, ảnh chụp bằng lái xe... cho những người mà mình không quen biết, cũng như không đăng tải công khai những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị người khác lấy cắp và lợi dụng cho những mục đích xấu.
Đây là chiêu trò lừa đảo đã từng diễn ra nhiều lần trước đây, nhưng đặc biệt "nở rộ" trong dịp cuối năm. Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ gửi đến số điện thoại người dùng những tin nhắn mạo danh tổng đài của các ngân hàng lớn, với nội dung yêu cầu họ truy cập vào trang web của ngân hàng để nâng cấp hoặc xác nhận tài khoản... kèm theo đó là một đường link trang web.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây là tin nhắn lừa đảo và trang web cũng là giả mạo, với địa chỉ "nhái" theo tên miền chính thức của các ngân hàng, mà nếu người dùng không để ý có thể dễ dàng bị nhầm lẫn.
Khi truy cập theo đường link trong tin nhắn, người dùng sẽ được dẫn đến một trang web có giao diện gần giống với trang web chính thức của các ngân hàng. Tại đây, người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin bao gồm tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản ngân hàng. Nếu khai báo thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng tại trang web giả mạo này, những kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng của người dùng, từ đó lấy cắp tiền từ tài khoản.
Phương thức chung của hình thức lừa đảo này là mạo danh ngân hàng bằng dịch vụ SMS Brandname. Đây là dịch vụ tin nhắn với thông tin người gửi sẽ hiển thị tên các tổ chức, doanh nghiệp... thay vì số điện thoại cụ thể. Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng của dịch vụ này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp và ngân hàng để gửi tin nhắn lừa đảo đến người dùng.
Đáng chú ý, do smartphone sẽ gộp chung các tin nhắn có chung tên người gửi vào chung một luồng tin nhắn, do vậy, các tin nhắn mạo danh ngân hàng sẽ bị gộp chung vào trong luồng tin nhắn cũ trước đây được gửi đến từ ngân hàng thật, điều này khiến nhiều người dùng bị qua mặt và mắc bẫy những kẻ lừa đảo.
Người dùng cần làm gì để tránh chiêu trò lừa đảo này?
Để tránh "sập bẫy" của những đối tượng lừa đảo, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản hay mật khẩu trong bất cứ trường hợp nào. Kiểm tra kỹ đường link trang web trước khi truy cập để đảm bảo rằng đó là trang web chính thức của ngân hàng. Trong trường hợp không may rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, người dùng cần liên hệ ngay với ngân hàng đang sử dụng để nhận được sự hỗ trợ.
Dịp cận Tết, nhiều thương hiệu lớn sẽ có những chương trình khuyến mãi để kích thích thị trường. Lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo sẽ gửi đến người dùng Facebook những tin nhắn thông báo trúng thưởng, với những phần thưởng có giá trị cao như xe máy, TV, tủ lạnh hoặc tiền mặt... kèm theo đó là một đường link trang web, mà sau khi người dùng truy cập sẽ yêu cầu họ đăng nhập vào tài khoản Facebook để được nhận thưởng.
Trên thực tế, đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo để lấy cắp tài khoản Facebook của người dùng. Sau khi đăng nhập vào tài khoản Facebook trên trang web lừa đảo, thông tin đăng nhập Facebook sẽ lập tức bị những kẻ lừa đảo ghi nhận và chiếm đoạt tài khoản.
Khi đã chiếm đoạt được tài khoản Facebook của người dùng, những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản này để liên hệ với những người có trong danh sách bạn bè để mượn tiền hoặc nhờ nộp thẻ điện thoại... nhằm chiếm đoạt tài sản.
Người dùng cần làm gì để tránh chiêu lừa đảo này?
Các thương hiệu lớn thường không liên hệ trực tiếp với người dùng qua Facebook để thông báo về các chương trình trúng thưởng. Trên thực tế, đây là một chiêu trò lừa đảo khá phổ biến và xuất hiện từ lâu, nhắm vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng để trục lợi, do vậy, bạn tuyệt đối không truy cập vào những đường link trang web được gửi đến thông qua tin nhắn trên Facebook, tránh bị mất tài khoản mạng xã hội.
Với chiêu trò này, những đối tượng lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên của nhà mạng, gọi điện đến người dùng để thông báo hỗ trợ nâng cấp miễn phí SIM điện thoại từ 4G lên 5G, kèm theo nhiều quà tặng miễn phí... Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng gửi tin nhắn theo cú pháp để nâng cấp, nhưng thực chất bước này để lừa khách hàng kích hoạt SIM mới trên thiết bị của kẻ lừa đảo và thay thế cho SIM hiện tại của khách hàng.
Nếu người dùng tin tưởng làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn có mã OTP đến số điện thoại của khách hàng để xác nhận thay đổi. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng đọc mã OTP được gửi tới và thuyết phục rằng mã OTP này để nâng cấp SIM điện thoại. Khách hàng làm theo yêu cầu, cung cấp mã OTP cho kẻ lừa đảo và SIM lập tức bị vô hiệu hóa, hoàn toàn không sử dụng được do kẻ lừa đảo đã chiếm quyền sử dụng SIM điện thoại của người dùng.
Trong ít phút sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ liên hệ nhà mạng để truy vấn số CMND của nạn nhân. Do có quyền kiểm soát cả số điện thoại và thông tin số CMND, chúng tiếp tục gọi điện lên tổng đài của ngân hàng để yêu cầu cấp lại tài khoản đăng nhập internet banking qua email, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và chuyển hết tiền trong tài khoản của khách hàng sang tài khoản ở các ngân hàng khác.
Chiêu thức lừa đảo này đã xuất hiện từ vài năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn do nhiều khách hàng có nhu cầu nâng cấp sim 4G, 5G. Các nhà mạng và ngân hàng cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo giúp khách hàng nâng cao cảnh giác, tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp khách hàng bị "sập bẫy" kẻ gian.
Người dùng cần làm gì để tránh chiêu lừa đảo này?
Để tránh chiêu trò lừa đảo này, người dùng cần chủ động liên hệ và xác minh thông tin trực tiếp với tổng đài hỗ trợ chính thức của các nhà mạng và ngân hàng nếu có nhu cầu thay đổi các dịch vụ. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin như mật khẩu, tên đăng nhập hoặc mã OTP cho người khác. Ngoài ra, người dùng nên sử dụng các ứng dụng để tạo mã OTP xác nhận trên smartphone, thay vì sử dụng hình thức xác nhận OTP thông qua tin nhắn SMS, có thể bị kẻ xấu đánh cắp từ xa bằng cách chiếm đoạt SIM và số điện thoại của người dùng.
Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh trong dịp cận Tết, trong đó nhiều người thường lựa chọn mua hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ lừa đảo đã thực hiện hành vi bán hàng giả hoặc thậm chí tráo hàng cho người dùng.
Theo đó, nhiều kẻ lừa đảo đã lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo để rao bán những sản phẩm mà nhiều người cần trong dịp Tết, như áo quần, bánh kẹo hoặc mỹ phẩm... những sản phẩm này sẽ được bán với giá rẻ hơn đáng kể so với mặt bằng của thị trường. Thông thường, những kẻ lừa đảo này sẽ yêu cầu người dùng trả tiền trước để được hưởng các ưu đãi như miễn phí ship hoặc được tặng thêm quà...
Khi người dùng đặt mua các sản phẩm này, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi những loại hàng không đúng như quảng cáo, với giá trị thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà người dùng đã bỏ ra để mua sản phẩm. Thường những đơn hàng này sẽ không cho phép mở hàng để kiểm tra ngay khi nhận.
Đôi khi, những kẻ lừa đảo còn tinh vi đến mức giả làm người giao hàng để nhận tiền trực tiếp từ người mua, rồi nhanh chóng rời đi ngay sau khi nhận tiền mà không để người mua kịp kiểm tra hàng.
Nhiều người dùng chủ quan sau khi nhận hàng đã không kiểm tra ngay, mà để một thời gian mới mở gói hàng. Lúc nhận ra hàng mình nhận được không đúng như sản phẩm đã đặt mua nhưng khi liên lạc lại với phía người bán thì đã bị chặn mọi liên lạc, từ Facebook đến số điện thoại, lúc này, người dùng mới biết mình đã bị lừa mà không có cách nào để giải quyết do không còn liên hệ được với người bán mà tiền thì đã thanh toán.
Người dùng cần làm gì để tránh chiêu lừa đảo này?
Để tránh kiểu lừa đảo này, người dùng nên đặt mua sản phẩm thông các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín, xem kỹ đánh giá về người bán trước khi mua hàng. Hiện các sàn thương mại điện tử có những cách khác nhau để ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng như cho phép người dùng trả lại sản phẩm rồi hoàn tiền; giữ tiền thanh toán một thời gian trước khi chuyển cho phía người bán đề phòng trường hợp người mua khiếu nại và trả lại hàng do không nhận đúng sản phẩm...
Ngoài ra, người mua cũng nên kiểm tra hàng ngay khi nhận và chỉ trả tiền khi đã nhận đúng sản phẩm mình đặt mua. Để đề phòng, người dùng cũng nên quay video lại quá trình mình mở hộp đựng sản phẩm để có thể khiếu nại nếu cần.
Trên đây là một vài chiêu trò lừa đảo tinh vi được nhiều kẻ xấu lợi dụng để thực hiện trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, bạn đọc nên nắm rõ để không trở thành nạn nhân, tránh trường hợp vừa mất tiền vừa khiến tâm lý trở nên không thoải mái khi Tết đang đến gần.
Nhận diện những chiêu lừa tinh vi "nở rộ" trên mạng xã hội dịp cận Tết https://dantri.com.vn/suc-manh-so.htm
Amazon cảnh báo lừa đảo tuyển dụng tại Việt Nam Kẻ xấu mạo danh Amazon để thực hiện tuyển dụng, song trên thực tế là lừa đảo người nhẹ dạ. Amazon Global Selling gửi thông tin đến báo chí cho hay, doanh nghiệp này nhận được các báo cáo từ cộng đồng rằng một người hoặc một nhóm người đang sử dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của...