Các chuyến xe trung chuyển miễn phí vào bến xe Miền Đông mới chính thức lăn bánh
Sáng 1-12, tại bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), các xe trung chuyển miễn phí hành khách từ bến này đến các quận, huyện ở TP.HCM đã bắt đầu lăn bánh.
Việc này nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người dân.
Khoảng 4h30 ngày 1-12, các xe trung chuyển lần lượt lăn bánh – Ảnh: CHÂU TUẤN
Từ sáng sớm 1-12, có khoảng 40 chiếc xe trung chuyển (thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines) được điều động đến bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). Sau khi tiếp nhận trung chuyển cho một số hành khách vừa đến bến này, khoảng 4h30 các xe lăn bánh.
Theo phương án của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines, đơn vị này sẽ đưa đón hành khách tận nơi từ các quận, huyện ở TP.HCM (trừ huyện Cần Giờ) đến bến xe Miền Đông mới và ngược lại (cho tất cả các tuyến xe cố định có đăng ký hoạt động tại bến xe mới) với giá 0 đồng.
Thời gian trung chuyển hành khách miễn phí là từ ngày 1-12-2022 đến ít nhất là ngày 30-6-2023, khi bến xe mới có phương án kết nối hành khách đi và đến các quận, huyện thuận tiện.
Vừa xuống xe tại bến xe Miền Đông mới, anh Bùi Minh Thuận (hành khách quê tỉnh Phú Yên) đã được hướng dẫn đi xe trung chuyển miễn phí về nhà. Anh Thuận cho biết trước đây, hành khách muốn đi đến bến xe phải chọn xe buýt, taxi, xe ôm…
“TP.HCM tổ chức hệ thống xe trung chuyển miễn phí cho dân đi và đến bến xe Miền Đông mới là rất cần thiết và hợp lý. Xe trung chuyển này có thể đưa đón dân giúp đỡ tốn kém, thuận tiện hơn. Tình trạng đi “xe dù” cho tiện cũng sẽ giảm đáng kể, dân không lo bị xe ngoài “chặt chém” mỗi đợt cao điểm”, anh Thuận nói.
Tương tự, chú Nguyễn Văn Bế – một khách đi xe trung chuyển – chia sẻ khá hào hứng và bất ngờ khi biết mình là một trong những hành khách đầu tiên được trải nghiệm xe trung chuyển ở TP.HCM.
Có khoảng 40 xe trung chuyển của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines tại bến xe Miền Đông mới sáng nay – Ảnh: CHÂU TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Viết Ánh – tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines – cho biết xe trung chuyển phục vụ hành khách hoàn toàn miễn phí từ 4h sáng đến 24h đêm trong ít nhất 6 tháng. Cứ 15 phút sẽ có một chuyến xe trung chuyển, tần suất sẽ điều chỉnh tùy tình hình lượng khách đi lại.
Quy trình đăng ký: khách mua vé sẽ đăng ký với nhà xe hoặc bến xe. Sau đó bến xe tổng hợp và chuyển yêu cầu cho Công ty Phương Trang điều xe phục vụ. Ngoài ra, ở khu vực đậu xe trung chuyển sẽ bố trí nhân viên hướng dẫn hành khách đi lại.
Hiện công ty chuẩn bị 200 – 250 xe để đáp ứng trung chuyển khi bến xe yêu cầu. Đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị số lượng lớn xe vào các dịp cao điểm. Xe trung chuyển là loại xe hiện đại với thiết bị giám sát hành trình đầy đủ. Từ ngày 5-12, thông qua app trên điện thoại, khách dễ dàng nắm được lộ trình xe trung chuyển, tài xế… để chủ động hơn quá trình đi lại.
Theo ông Ánh, việc trung chuyển miễn phí hành khách của tất cả các chuyến xe để giảm tình trạng hành khách phải đón “xe dù”, hạn chế tình trạng “xe dù bến cóc” hoạt động tràn lan, gây mất an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt góp phần hút khách về bến xe Miền Đông mới, khai thác hiệu quả bến này.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM có văn bản ủng hộ đề xuất tổ chức xe trung chuyển miễn phí hành khách đi lại ở bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức).
Theo Sở Giao thông vận tải, hệ thống xe trung chuyển này góp phần tăng cường dịch vụ hỗ trợ hành khách đi và đến bến xe Miền Đông mới. Phương án chở khách phải đảm bảo thuận tiện cho hành khách, đúng mục đích và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Nhiều người dân bày tỏ rất ủng hộ việc này – Ảnh: THU DUNG
Xe trung chuyển là loại xe hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp người dân các quận, huyện ở TP.HCM đi lại bến xe Miền Đông mới thuận tiện hơn – Ảnh: THU DUNG
Mở các tuyến xe trung chuyển khách tới Bến xe miền Đông mới
Phương án tổ chức phương tiện tiếp chuyển hành khách đến Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới và ngược lại vừa được Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) gửi Sở GTVT TP.HCM.
Kết hợp với đơn vị trung gian trung chuyển khách
Theo đánh giá của SAMCO, hiện nay, việc di chuyển của hành khách từ các khu vực trong thành phố đến BXMĐ mới chưa thuận lợi. Theo quy định về tổ chức xe trung chuyển, một số doanh nghiệp vận tải sẽ gặp khó khăn khi phải bố trí phương tiện vận chuyển hành khách từ trung tâm thành phố đến bến xe mới.
Nguyên nhân khiến hàng trăm chuyến xe "mất tích" tại BXMĐ mới được cho là do bến xe ngàn tỉ này không thuận lợi về địa điểm và còn nhiều bất cập về tổ chức. Ảnh NGUYỄN ANH
Đơn cử, một xe khách giường nằm có sức chứa 40 chỗ, để trung chuyển hành khách từ khu vực trung tâm đến BXMĐ mới sẽ phải sử dụng ít nhất 3 xe ô tô 16 chỗ ngồi. Chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải sẽ tăng rất cao, đồng thời tạo áp lực cho giao thông thành phố.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, các hợp tác xã không đủ chi phí để đầu tư xe trung chuyển nên có khả năng sẽ bố trí phương tiện vào trực tiếp các khu vực trung tâm thành phố để tổ chức đón trả khách, tạo thành những điểm "xe dù, bến cóc", làm mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông và góp phần ùn tắc giao thông.
Sở GTVT TP.HCM nói không có tuyến xe 'mất tích'; chỉ là chạy sang bến cóc xe dù
Để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách đến với BXMĐ mới cũng như đảm bảo các mục tiêu đã đưa đề ra khi tổ chức di dời các tuyến vận tải hành khách, SAMCO đề nghị Sở GTVT xem xét, báo cáo kiến nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện thí điểm phương án kết hợp với một đơn vị vận tải trung gian để thực hiện tiếp chuyển hành khách từ các khu vực trong thành phố đến BXMĐ mới và ngược lại.
Phát triển các tuyến xuyên tâm
Theo đó, phương án thí điểm dự kiến thực hiện theo 2 giai đoạn:
Từ năm 2022 - 2025: Thí điểm phát triển các tuyến xuyên tâm chính vào trung tâm thành phố có khả năng khai thác hiệu quả (kết nối từ BXMĐ mới tới các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, quận 10, quận Tân Bình, quận Tân Phú... và các bệnh viện, trường đại học trong nội thành TP.HCM).
Giai đoạn sau năm 2025: Hoàn thiện mạng lưới trên cơ sở phát triển các tuyến trung tâm TP.HCM và các tuyến kết nối bến xe với các khu vực còn lại.
BXMĐ mới sẽ thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị vận tải có nhu cầu tiếp chuyển hành khách và đơn vị trung gian thực hiện tiếp chuyển để đảm bảo quyền lợi, vai trò và trách nhiệm của các bên. Đồng thời, bố trí vị trí lưu đậu, chờ đón khách cho các phương tiện tiếp chuyển và khu vực chờ (ghế ngồi, nước uống miễn phí, nhà vệ sinh miễn phí...) cho hành khách chờ phương tiện khi đến bến xe.
Phương tiện sử dụng thí điểm theo phương án là loại xe 16 chỗ, hoạt động dưới hình thức vận chuyển hành khách theo Hợp đồng. Hệ thống quản lý điều hành, ứng dụng cho tài xế đón trả khách, ứng dụng cho hành khách đặt dịch vụ, tích hợp công nghệ bản đồ và nền tảng thông minh để vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hệ thống phần mềm sẽ thông báo mức phí tiếp chuyển dựa trên số lượng hành khách và khoảng cách tiếp chuyển cho các đơn vị vận tải. Quá trình thu phí, đối soát hoàn toàn tự động và có báo cáo chi tiết theo từng chuyến xe, ngày, tháng đã thực hiện.
"Siêu" bến xe lớn nhất nước ế khách. Ảnh NGUYỄN ANH
Trước đó, báo chí đã phản ánh tình trạng hàng trăm chuyến xe "mất tích" tại BXMĐ mới. Tại cuộc họp báo chiều 28.10 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM sau khi tổ chức di dời các tuyến xe từ BXMĐ cũ sang BXMĐ mới, mỗi ngày, tại bến xe mới giảm gần 300 chuyến xe so với giai đoạn hoạt động tại bến cũ. Trong đó, có khoảng 160 chuyến xe chuyển sang một số bến khác như Bến xe An Sương, Bến xe Miền Tây, Bến xe Ngã Tư Ga... 140 chuyến còn lại thuộc một số nhà xe không chấp hành việc di dời, không vào bến mà đón khách tại một số địa điểm tập kết, gia nhập đội "xe dù" hoặc chuyển đổi phương án kinh doanh.
Sở GTVT TP.HCM đang phối hợp cùng các đơn vị triển khai nhiều biện pháp để thu hút hành khách và các hãng xe vào bến mới.
Dự án BXMĐ mới là một quần thể phức hợp có diện tích trên 16 ha, bao gồm khu vực BX chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm. Với mục tiêu phục vụ 7 triệu lượt hành khách một năm, là hạ tầng phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành trong tương lai, BXMĐ mới đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.
Đề xuất cấm xe giường nằm vào trung tâm TP Hồ Chí Minh từ 15/12 Nhằm hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc", Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố về tổ chức giao thông đối với xe ô tô khách giường nằm trên địa bàn; trong đó, đề xuất cấm xe này lưu thông vào nội đô từ 6 giờ đến 22 giờ, áp dụng từ...