Các chuyến bay đến Long Thành và Tân Sơn Nhất sẽ được phân chia thế nào?
Đơn vị tư vấn và Cục hàng không có đề xuất khác nhau về quyền khai thác của hai cảng hàng không lớn phía Nam.
Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông Vận tải hai phương án phân chia khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Theo đó, đầu tiên, Cục đề xuất sân bay Long Thành sẽ khai thác toàn bộ đường bay quốc tế trên 1.000 km; Tân Sơn Nhất khai thác các đường bay quốc tế dưới 1.000 km; riêng các đường bay nội địa ở hai sân bay do hãng hàng không lựa chọn. Phương án 2 là bố trí đường bay ngoài ASEAN ở Long Thành, trong nội vùng ASEAN ở Tân Sơn Nhất.
“Tiêu chí phân chia sẽ được xem xét lại sau 5 năm đầu khai thác thực tế”, lãnh đạo Cục hàng không nói.
Về phía hãng hàng không, Vietjet và Jetstar Pacific cơ bản nhất trí phương án 2 của Cục Hàng không. Tuy nhiên, Vietjet đề nghị xem xét mở rộng phương án 2 theo hướng bỏ hạn chế kết nối quốc tế Tân Sơn Nhất với nội vùng ASEAN mà cho phép kết nối tới các quốc gia bất kỳ.
Vietnam Airlines đề xuất một phương án khác là các hãng được khai thác toàn bộ hoạt động quốc tế thường lệ và các đường bay nội địa tùy chọn tại Long Thành; Tân Sơn Nhất chỉ khai thác nội địa.
Phối cảnh thiết kế nhà ga sân bay Long Thành.
Video đang HOT
Trước đó, tại báo cáo đầu kỳ công tác khảo sát sân bay quốc tế Long Thành, liên danh Tư vấn Nhật Bản – Pháp – Việt Nam (JFV) đã nêu phương án khác với đề xuất của Cục hàng không.
Cụ thể, theo đơn vị tư vấn, các hãng hàng không nước ngoài có dịch vụ đầy đủ sẽ khai thác ở Long Thành, hãng chi phí thấp khai thác ở Tân Sơn Nhất. Các hãng hàng không Việt Nam khai thác các đường bay quốc tế dài ở Long Thành, đường bay quốc tế ngắn ở Tân Sơn Nhất.
Dự kiến Long Thành sẽ đảm nhiệm 85% chuyến bay quốc tế (gồm các chuyến bay của Vietnam Airlines và các hãng hàng không nước ngoài) và 12% chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines (đường bay TP.HCM – Hà Nội và TP.HCM – Đà Nẵng). Các hãng hàng không khác như: Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways, Vasco sẽ chỉ khai thác ở Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng hệ thống pháp luật không có tiêu chí phân biệt giữa hãng hàng không dịch vụ đầy đủ và hãng hàng không chi phí thấp. Do đó, phương án phân chia các hãng hàng không theo tiêu chí dịch vụ của đơn vị tư vấn là không phù hợp. Hơn nữa, phương án phân chia khai thác đường bay quốc tế của hãng hàng không theo tiêu chí ngắn – dài là không cụ thể, khó lượng hoá để tính toán công suất cảng hàng không.
Từ quan điểm này, trong văn bản gửi Bộ Giao thông, Cục Hàng không đã đề xuất phương án với tiêu chí duy trì khai thác cả quốc tế, quốc nội tại cả hai sân bay; đảm bảo cơ hội khai thác cân bằng, không phân biệt đối xử; phù hợp với quy mô đầu tư của sân bay Long Thành.
Một chuyên gia hàng không nhận định, các hãng đều muốn hoạt động ở Tân Sơn Nhất vì sân bay này có lượng khách lớn, gần thành phố trong khi sân bay Long Thành ở xa hơn, giao thông kết nối chưa hoàn thiện, hành khách sẽ mất hơn một giờ để di chuyển về trung tâm. Do đó, Bộ Giao thông cần có quyết định hành chính để phân bổ tuyến bay với mục tiêu giảm tải cho Tân Sơn Nhất, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Ngoài ra, việc phân chia sân bay Long Thành là quốc tế hay Tân Sơn Nhất là quốc nội là khó khả thi, vì hàng ngày máy bay của các hãng được luân chuyển hoạt động cả trên đường bay quốc nội và quốc tế nên không thể bay rỗng từ Tân Sơn Nhất đến Long Thành.
Vị chuyên gia cũng cho hay, việc phân bố các đường bay còn phụ thuộc tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không, như Don Muong (Bangkok, Thái Lan) từng là sân bay nội địa sau khi có sân bay Suvarnabhumi, sau đó lại trở thành Cảng hàng không quốc tế do lượng hành khách tăng cao.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn một đến năm 2025 có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD, sẽ đầu tư xây dựng một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Nguồn: VnExpress
Đồng Nai khởi động di dời 5.000 hộ dân khỏi dự án sân bay Long Thành
Đầu năm 2020, người dân nằm trong vùng dự án sân bay Long Thành sẽ được giao đất ở khu tái định cư để xây nhà.
Chiều 12/11, UBND tỉnh Đồng Nai họp giữa các ban ngành để triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là tiểu dự án trong dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vừa được Thủ tướng phê duyệt cách đây một tuần, do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 23.000 tỷ đồng.
Khu vực dự kiến sẽ được giải tỏa đầu tiên thuộc Tổng công ty cao su Việt Nam. (Ảnh: Phước Tuấn)
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ giải tỏa gần 5.400 hecta đất tại huyện Long Thành, trong đó 5.000 hecta diện tích xây sân bay. Ngoài diện tích lớn của Tổng công ty cao su Đồng Nai, sẽ có 5.000 hộ dân với 17.000 nhân khẩu phải giải tỏa trắng.
Hiện nay, hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (gần 300 hecta) và khu tái định cư Bình Sơn III (81 hecta) đang được thực hiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng vào năm sau.
Các khu tái định cư sẽ có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Ngoài đường giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, nhà máy xử lý nước, điện chiếu sáng..., còn có trường học, cơ sở tôn giáo, trung tâm văn hóa để phục vụ cuộc sống mới của người dân di dời.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án xây dựng các khu tái định cư đã được Thủ tướng ủy quyền cho tỉnh cấp phép nên có thể triển khai nhanh, dự kiến quý I/2020, các hộ dân sẽ được bàn giao đất để xây nhà mới.
"Để tiến độ triển khai dự án được nhanh chóng, đúng tiến độ, ngoài nhân lực của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường nhân sự từ các sở ban ngành xuống hỗ trợ các việc kiểm đếm, đo đạc, định giá đền bù...", ông Vĩnh cho biết.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại cuộc họp triển khai dự án chiều 12/11. (Ảnh: Phước Tuấn)
Liên quan đến vấn đề đất đai, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các cơ quan ban ngành quản lý cần quan tâm tới vấn đề "dựa hơi" vào sân bay Long Thành để đầu cơ đất, gây bất ổn an ninh, trật tự địa phương. Đặc biệt là khu vực 5.000 ha trong phạm vi xây dựng sây bay.
"Sân bay quốc tế Long Thành là dự án cấp quốc gia, việc di dời đền bù giải phóng mặt bằng cho 5.000 hộ dân không phải là đơn giản. Chính vì vậy, các ban ngành cần triển khai sớm, đồng bộ. Vướng mắc ở đâu cần báo cáo ngay để Ban chỉ đạo biết, khi ấy mới có thể kịp thời gian bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư", ông Vĩnh nói.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất 3 giai đoạn vào năm 2050. Trong đó, ở giai đoạn I (dự kiến hoàn thành năm 2025), sân bay sẽ khai thác đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ...
Nguồn: VnExpress
Máy bay xin ưu tiên hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất vì khách đau tim Khi máy bay đang giảm độ cao và đi vào khu vực tiếp cận hạ cánh thì một hành khách quốc tịch Mỹ bị đau tim đột ngột. Cơ trưởng chuyến bay mang số hiệu BL664 đã phải xin thực hiện hạ cánh ưu tiên xuống sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM để cấp cứu hành khách kịp thời. Sự việc xảy...