Các bộ võ công lừng lẫy trong truyện Kim Dung
“ Hàng Long thập bát chưởng”, “Đả cẩu bổng pháp”, “Nhất dương chỉ”, “Độc Cô cửu kiếm” ghi dấu ấn sâu đậm với nhiều thế hệ yêu võ hiệp.
Sau khi Kim Dung qua đời ngày 30/10, người hâm mộ nhớ lại trải nghiệm của mình khi đọc sách, xem phim chuyển thể từ truyện của ông. Xuyên suốt loạt tác phẩm của Kim Dung, những chiêu thức võ thuật được khắc họa đa dạng và tỉ mỉ. Trong đó, không ít môn để lại ấn tượng sâu đậm với nhiều thế hệ người xem.
Hàng long thập bát chưởng
Môn chưởng pháp được Kim Dung ưu ái cho xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của mình, giúp Tiêu Phong ( Thiên long bát bộ), Quách Tĩnh, Hồng Thất Công ( Anh hùng xạ điêu) uy chấn giang hồ. Nó bao gồm 18 chiêu theo lối cương mãnh, phù hợp với các bậc anh hùng chính trực. Sau đời bang chủ Gia Luật Tề (con rể Quách Tĩnh), các chưởng bang tiếp theo không đủ ngộ tính để học hết. Trong Ỷ thiên đồ long ký, bang chủ Sử Hỏa Long chỉ học được 12 chiêu trước khi bị ám hại, khiến môn võ thất truyền. Tên gọi của một số chiêu trong Hàng long thập bát chưởng như Kháng long hữu hối, Phi long tại thiên quen thuộc với nhiều người.
Đả cẩu bổng pháp
Cùng Hàng long thập bát chưởng, Đả cẩu bổng pháp là tuyệt chiêu võ thuật của Cái bang. Đây là môn đánh gậy gồm 36 đòn, theo luật chỉ có bang chủ đời trước chân truyền cho đời sau. Những người nổi tiếng từng dùng nó là Hồng Thất Công và Hoàng Dung ( Anh hùng xạ điêu). Võ công này gắn liền với trích đoạn cảm động trong Thần điêu hiệp lữ. Trước khi chết ở vùng núi tuyết, Hồng Thất Công và kình địch Âu Dương Phong vẫn muốn so võ thuật nhưng sức đã yếu. Hồng lão dạy Đả cẩu bổng cho Dương Quá, để chàng biểu diễn cho Âu Dương Phong tìm cách phá giải, coi như cách tỉ thí gián tiếp.
Nhất dương chỉ
Nhất dương chỉ xuất hiện trong Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ. Đây là tuyệt kỹ điểm huyệt cách không của hoàng gia họ Đoàn nước Đại Lý, giúp họ gây dựng tên tuổi. Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Minh, Đoàn Diên Khánh, Nam Đế Đoàn Trí Hưng (sau thành Nhất Đăng đại sư) là những người nổi bật dùng môn này. Trong đó, Nam Đế nhờ nó mà trở thành một trong năm cao thủ đệ nhất thiên hạ (võ lâm ngũ bá).
Lục mạch thần kiếm
Ngoài Nhất dương chỉ, Lục mạch thần kiếm là tuyệt học thứ hai của họ Đoàn với uy lực lớn hơn, phóng kiếm khí vô hình từ đầu ngón tay. Trong Thiên long bát bộ, nhiều cao tăng ở chùa Thiên Long (vốn là người hoàng tộc Đại Lý xuất gia) học cả đời cũng chỉ thành thạo một trong sáu đường kiếm. Do ngộ tính và nội lực thâm hậu, Đoàn Dự luyện được cả sáu mạch nhưng chưa thể thu phát tùy ý. Chuyện Đoàn Dự lúc bắn được, lúc không gây ra nhiều tình tiết dở khóc dở cười.
Lăng ba vi bộ
Môn bộ pháp trong Thiên long bát bộ vốn thuộc về phái Tiêu Dao, sau được Đoàn Dự luyện. Khi bị rớt xuống vực, chàng tìm thấy một pho tượng mỹ nữ và làm theo yêu cầu dưới chân tượng – dập đầu một ngàn lần. Khi đó, bí kíp Bắc Minh thần công và Lăng ba vi bộ lộ ra. Môn này dựa vào 64 quẻ Dịch, giúp người dùng di chuyển linh hoạt khiến đối thủ gần như không thể đánh trúng. Ngoài ra, mỗi khi đi trọn vòng thì nội lực lại tăng tiến. Tên gọi Lăng ba vi bộ lấy cảm hứng từ hai câu thơ trong Lạc thần phú của Tào Thực là “Lăng ba vi bộ – La miệt sinh trần” (Bước đi uyển chuyển đùa trên sóng – Thấp thoáng xiêm y phủ gót hài).
Cửu âm chân kinh
Châu Bá Thông là một những người hoc Cửu âm chân kinh.
Cửu âm chân kinh xuất hiện nhiều lần trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, được xem là bí kíp mạnh nhất, khiến giang hồ không ngừng tranh đoạt. Đây là một bộ võ công tổng hợp, bao gồm nhiều môn khác nhau mà cao thủ có thể lựa chọn để học. Nó do Hoàng Thường – một quan văn – sáng tạo nhằm trả thù cho gia đình. Tuy nhiên, khi rời khỏi nơi luyện công, ông nhận ra đã quá nhiều năm trôi qua, kẻ thù đều chết già, thậm chí con của họ cũng đã cao tuổi.
Trong cuộc so tài giữa võ lâm ngũ bá, Vương Trùng Dương chiến thắng và giành được Cửu âm chân kinh. Sau này, do nhiều cơ duyên, Quách Tĩnh, Chu Bá Thông và Dương Quá học được một phần bí kíp. Trong Ỷ thiên đồ long ký, một cô nương áo vàng – hậu nhân của Dương Quá và Tiểu Long Nữ – sử dụng Cửu âm chân kinh và gây sửng sốt vì trình độ quá cao siêu.
Ám nhiên tiêu hồn chưởng
Môn võ công này chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở đoạn cuối Thần điêu hiệp lữ nhưng để lại ấn tượng mạnh. Nó do Dương Quá sáng tạo trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ và chỉ có mình chàng dùng được. Điểm độc đáo nhất của môn này là chỉ phát huy được khi đau khổ vì tình. Sau khi gặp lại Tiểu Long Nữ, Dương Quá vui sướng và không đánh hết công lực chưởng pháp khi đấu Kim Luân Pháp Vương. Chỉ đến khi sắp bại trận, đối mặt cảm giác tuyệt vọng do sắp lìa xa người yêu, chàng mới phát huy hết sức mạnh và chiến thắng.
Cửu dương thần công
Cửu dương thần công là môn nội lực ghi bên mép cuốn Lăng Già Kinh, được Giác Viễn thiền sư phát hiện và luyện thành. Nó bị hai tên trộm cướp khỏi Thiếu Lâm Tự, sau đó giấu vào bụng con khỉ. Về sau, Trương Vô Kỵ – nhân vật chính trong Ỷ thiên đồ long ký – vô tình gặp con khỉ trong núi và lấy được bí kíp. Nhờ tu luyện, chàng trở thành một nhân vật có nội lực thâm hậu bậc nhất trong thế giới của Kim Dung.
Càn khôn đại na di
Đây là môn võ công tâm pháp gắn liền với Trương Vô Kỵ trong Ỷ thiên đồ long ký. Nó vốn bắt nguồn từ Minh Giáo nơi Tây Vực, giúp người dùng di chuyển nội lực trong cơ thể, chuyển hướng chiêu thức kẻ thù. Khi lạc trong căn cứ Minh Giáo, Trương Vô Kỵ tìm thấy bí kíp và học được trọn vẹn bảy tầng nhờ tư chất và nội công thâm hậu từ Cửu dương thần công. Sau đó, chàng đả bại quần hùng dễ dàng và trở thành giáo chủ Minh giáo.
Độc Cô cửu kiếm
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung tao ngộ đại cao thủ Phong Thanh Dương và được truyền Độc Cô cửu kiếm. Môn này do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo dựa trên tư tưởng Đạo giáo với triết lý “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Người dùng Độc Cô cửu kiếm không còn bị bó buộc trong động tác, quy củ mà đánh linh hoạt đến mức không còn chiêu thức. Môn này bao gồm chín thức, phù hợp với những người lãng tử, phong trần như Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung.
Bắc Minh thần công – Hấp tinh đại pháp
Trong Thiên long bát bộ, Bắc Minh thần công là môn nội công có khả năng hút nội lực của kẻ khác cho mình. Đoàn Dự học được nó nhưng không sử dụng thuần thục. Tiếu ngạo giang hồ có một môn tương tự là Hấp tinh đại pháp – gắn liền với nhân vật Nhậm Ngã Hành. Tuy nhiên, nó khiến người sử dụng dần tẩu hỏa nhập ma do gây rối loạn nội lực chính mình. Vô tình luyện Hấp tinh đại pháp, Lệnh Hồ Xung trải qua nhiều lần đau khổ trước khi được lãnh ngộ Dịch cân kinh ở cuối truyện để ổn định chân khí.
Quỳ Hoa bảo điển
Quỳ Hoa bảo điển có uy lực cực mạnh, do một thái giám sáng tạo với điều kiện khắc nghiệt là người muốn học phải “dẫn đao tự cung” (tức tự thiến). Pho bí kíp này xuất hiện trong Tiếu ngạo giang hồ với người luyện hoàn chỉnh nhất là Đông Phương Bất Bại – giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo. Hắn trở thành đệ nhất cao thủ nhưng sống như người bán nam bán nữ. Trong trận chiến với nhóm Nhậm Ngã Hành – Lệnh Hồ Xung, Đông Phương Bất Bại chỉ dùng chiếc kim thêu đã đủ chiếm thượng phong. Chỉ đến khi Nhậm Doanh Doanh – con gái Nhậm Ngã Hành – tấn công người tình của Đông Phương Bất Bại, hắn mới mất tập trung rồi bại trận.
Một phần Quỳ Hoa bảo điển được lưu truyền trên giang hồ với tên gọi Tịch Tà kiếm phổ. Trong Tiếu ngạo giang hồ, hai nhân vật Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi tự thiến để học, chấp nhận đánh đổi gia đình. Nhưng rốt cục, họ đều có số phận bi kịch.
Theo vnexpress.net
Đối lập anh hùng - lưu manh giữa Quách Tĩnh và Vi Tiểu Bảo
Quách Tĩnh và Vi Tiểu Bảo là hai nhân vật quan trọng nhất trong sự nghiệp của nhà văn Kim Dung. Ở họ là sự đối lập giữa đại anh hùng và tiểu lưu manh.
Những chiêu thức võ thuật huyền thoại trong chưởng Kim Dung Nhà văn Kim Dung ra đi và để lại cho người hâm mộ kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trong đó, những chiêu thức võ thuật từng là thơ ấu, là ký ức khó quên của bao người.
Kim Dung viết tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục vào năm 1955, sau khi Lương Vũ Sinh mở đầu thời kỳ tiểu thuyết võ hiệp tân phái với Long hổ đấu kinh hoa (1954). Cả Thư kiếm ân cừu lục và Bích huyết kiếm(1956) đều có sự kết hợp khéo léo giữa lịch sử và truyền kỳ, giúp cái tên Kim Dung lập tức vang danh thiên hạ.
Với Xạ điêu anh hùng truyện (1957-1959), bộ tiểu thuyết có quy mô to lớn, kết cấu phức tạp và nhân vật sinh động, Kim Dung chính thức được thừa nhận là "võ lâm minh chủ", vượt lên trên Lương Vũ Sinh. Xạ điêu anh hùng truyện cũng được đánh giá là một cột mốc lớn của tiểu thuyết võ hiệp tân phái.
Còn Lộc Đỉnh ký (1969-1972) là bộ tiểu thuyết võ hiệp cuối cùng trong sự nghiệp của Kim Dung và được nhiều chuyên gia "Kim học" đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của ông, vượt trội Xạ điêu tam bộ khúc, Thiên long bát bộ và Tiếu ngạo giang hồ.
Như vậy, có thể khẳng định Quách Tĩnh của Xạ điêu anh hùng truyện và Vi Tiểu Bảo của Lộc Đỉnh ký là hai nhân vật quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất đối với sự nghiệp của Kim Dung. Và điều thú vị là họ hoàn toàn đối lập nhau, từ tính cách, võ công cho đến lý tưởng sống.
Quách Tĩnh trung hậu, thật thà, là bậc đại hiệp lý tưởng còn Vi Tiểu Bảo là tên lưu manh tham lam hiếu sắc, là hình tượng "phản hiệp" 100%.
Nhưng vì Kim Dung tự giam mình trong khung hiệp khách chật hẹp nên ông lý tưởng hóa Quách Tĩnh đến mức chàng trở thành một hình mẫu khô cứng. Ngược lại, ngòi bút tự do, phóng túng của Kim Dung đã khiến Vi Tiểu Bảo trở nên vô cùng sinh động và sâu sắc, có đầy đủ máu thịt và linh hồn.
Quách Tĩnh - thành công và thất bại của Kim Dung
Bắt đầu từ Xạ điêu anh hùng truyện, Kim Dung áp dụng "mô hình trưởng thành" (coming of age) rất phổ biến trong văn học phương Tây, mô tả quá trình trưởng thành của nhân vật cùng những suy nghĩ, cảm xúc, diễn biến tâm lý.
Quách Tĩnh và Hoàng Dung ở loạt phim truyền hình Anh hùng xạ điêu bản 2017.
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên Kim Dung kết hợp ba yếu tố lịch sử - truyền kỳ (chuyện giang hồ) - nhân sinh (chuyện con người). nhờ đó Xạ điêu anh hùng truyện có chất lượng và quy mô vượt xa Thư kiếm ân cừu lục và Bích huyết kiếm.
Quách Tĩnh cũng có khởi điểm giống như vô vàn nhân vật tiểu thuyết võ hiệp khác: cha bị hại mất mạng, gia đình ly tán, quyết chí phục cừu. Tuy nhiên, Kim Dung là... Kim Dung, chứ không phải một tác giả tầm thường nào khác, nên không có chuyện Quách Tĩnh phong lưu anh tuấn, thông minh sắc bén, đột nhiên tìm thấy bí kíp, qua một đêm trở thành cao thủ võ lâm.
Tác giả mô tả Quách Tĩnh diện mạo bình thường, đầu óc chậm chạp, thậm chí có thể gọi là dốt. Con đường thành tài của Quách Tĩnh là quá trình rèn luyện đầy gian nan, từ lúc bị Giang Nam thất quái thay phiên nhau nhồi nhét, may nhờ Mã Ngọc đạo trưởng khai sáng, rồi được Bắc Cái Hồng Thất Công truyền dạy tuyệt nghệ thực thụ.
Sau đó, chàng học Cửu Âm chân kinh và Song thủ hỗ bác từ Lão Ngoan Đồng, quan sát các bậc tông sư như Nam Đế, Đông Tà và Tây Độc để tự mở mang, để rồi mãi sau này có thể đứng trên đỉnh Hoa Sơn so tài với sư phụ và cha vợ.
Con đường trưởng thành của Quách Tĩnh còn có cả những gập gềnh, chông gai, như chuyện vì đính ước với Hoa Tranh công chúa nên ảnh hưởng tới tình cảm dành cho Hoàng Dung, bị Dương Khang và Âu Dương Phong gài bẫy nên hiểu lầm Hoàng Dược Sư, vì tham gia vào các cuộc chinh chiến đẫm máu của quân Mông Cổ mà đánh mất niềm tin vào con đường hiệp nghĩa.
Bản tiếng Anh của Xạ điêu anh hùng truyện với tựa đề A Hero Born.
Báo thù thành công cho cha, trên đỉnh Hoa Sơn sánh ngang với Đông Tà và Bắc Cái không phải là những thứ khẳng định hình tượng đại hiệp của Quách Tĩnh, mà là việc chàng quyết định vì dân vì nước, tham gia chống giặc ở thành Tương Dương.
Quách Tĩnh của Xạ điêu anh hùng truyện là thành công đột phá của Kim Dung, giúp ông khẳng định tầm vóc và tài năng. Nhưng đáng tiếc là chính ông lại phá hỏng nhân vật này trong Thần điêu hiệp lữ. Khi đó, Quách Tĩnh đã trưởng thành, là bậc đại hiệp danh tiếng lừng lẫy.
Nhưng Quách Tĩnh đó thật nhạt nhẽo, vô vị và phi thực tế. Bị đóng chặt trong cái khung anh hùng nghĩa hiệp mang tính lý tưởng hóa quá nặng, Quách Tĩnh trở thành một người không có ham muốn, không có tình cảm riêng tư, hoàn toàn hi sinh tự ngã, mọi hành động và suy nghĩa chỉ quanh quẩn ở chuyện bảo vệ thành Tương Dương.
Quách Tĩnh trở thành một nhân vật hoạt hình nông cạn, khô cứng. Chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài chôn vùi hình tượng Quách Tĩnh là cảnh chàng đòi lấy tay con gái Quách Phù để đền bù cho Dương Quá. Trên đời này, liệu có một người cha tử tế nào "hăng hái" làm tổn thương con mình như vậy?
Khi viết về các nhân vật hiệp khách của Lương Vũ Sinh, nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc, tác giả cuốn Võ hiệp ngũ đại gia (NXB Trẻ - 2003), nhận định danh gia họ Lương đã "đeo gông xiềng mà nhảy múa", nên rốt cuộc chỉ toàn viết về người tốt việc tốt trong lịch sử. Với Quách Tĩnh, có lẽ Kim Dung cũng đã tự đeo gông xiềng "hiệp nghĩa", khiến nhân vật bị trói buộc theo, rơi vào suy thoái.
Quách Tĩnh là thành công lớn mang tính đột phá của Kim Dung, nhưng đồng thời cũng là thất bại lớn của ông.
"Đệ nhất chân nhân" Vi Tiểu Bảo
Cũng thật lạ là khi tự tay phá hủy nhân vật Quách Tĩnh trong Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung cùng lúc sáng tạo nên một Dương Quá giàu tình cảm, đầy cảm xúc, đậm chất con người. Kể từ Dương Quá, các nhân vật chính của Kim Dung đều có sự chuyển biến lớn.
Giống như Dương Quá, các nam chính gồm Trương Vô Kỵ, Địch Vân, Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Thạch Phá Thiên và Lệnh Hồ Xung đều không đi theo hình tượng đại hiệp mẫu mực kiểu như Quách Tĩnh. Và đến Lộc Đỉnh ký, sự thay đổi của Kim Dung diễn ra triệt để. Vi Tiểu Bảo là "phản hiệp", đối lập hoàn toàn với Quách Tĩnh, giống như sự đối lập giữa chính và tà.
Lưu ý là tà ở đây không phải là ác, mà là sự đối lập với tinh thần hiệp khách chính nghĩa. Đầu tiên là xuất thân. Quách Tĩnh gia cảnh trong sạch, thân thế rõ ràng. Còn Vi Tiểu Bảo là con của một cô gái điếm, sinh ra và lớn lên trong kỹ viện, không hề biết cha mình là ai.
Hàn Đống vào vai Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký phiên bản năm 2014.
Quách Tĩnh là đại hiệp vì dân vì nước, còn Vi Tiểu Bảo hoàn toàn vì bản thân mình, đầu tiên là sinh tồn tại kỹ viện, sau đó là sống sót ở hoàng cung và chốn giang hồ. Tất cả những Vi Tiểu Bảo làm đều là vì bản thân mình.
Quách Tĩnh đầy khí phách, không hề e sợ hiểm nguy, coi thường cái chết. Còn Vi Tiểu Bảo là kẻ nhát gan, tham sống sợ chết, gặp nguy hiểm thì run rẩy đến mức muốn tè ra quần, biết môn võ duy nhất là khinh công chạy thật nhanh.
Quách Tĩnh trung hậu đàng hoàng, còn Vi Tiểu Bảo gian manh, háo sắc, một lần nhìn thấy A Kha là điên đảo thần hồn, cuối cùng lấy tới bảy người vợ. Hắn còn tham lam vô độ, một ngày làm quan ở Đài Loan đã vơ vét của dân, kiếm chác được cả trăm vạn lượng bạc, nhưng khôn khéo đến mức khi đi rồi vẫn được người dân ca tụng là quan thanh liêm, đúng là "tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả".
Vi Tiểu Bảo tình cờ lọt vào hoàng cung, trở thành người bạn thân thiết của hoàng đế Khang Hy. Hắn sinh ra và lớn lên tại lầu xanh ở Dương Châu, rất giỏi lấy lòng và bợ đỡ người khác. Trong sách, Kim Dung dùng cụm từ "vỗ mông ngựa" để mô tả khả năng tâng bốc và xu nịnh, và đó là công phu lợi hại nhất của Vi Tiểu Bảo.
Nhờ công phu đó, Vi Tiểu Bảo không chỉ tỏa sáng nơi hoàng cung, trở thành hồng nhân bên cạnh hoàng thượng, mà còn thành danh chốn giang hồ khi trở thành hương chủ Thiên Địa hội và Bạch Long sứ của Thần long giáo.
Lộc Đỉnh ký bản tiếng Anh, có tựa đề là The Deer and the Cauldron.
Rốt cuộc thằng lỏi con sinh ra từ kỹ viện, một chữ bẻ đôi không biết lại trở thành Lộc Đỉnh công của triều Thanh kiêm em rể hoàng đế, hương chủ Thiên Địa hội, thậm chí thành tình nhân của công chúa nước Nga. Tưởng như thật vô lý nhưng lại đầy thuyết phục, bởi tất cả đều phù hợp với tâm lý và tính cách của Vi Tiểu Bảo.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong cuốn Võ hiệp ngũ đại gia, nhà nghiên cứu Trần Mặc khẳng định Vi Tiểu Bảo là "đệ nhất kỳ nhân" kiêm "đệ nhất chân nhân" trong tiểu thuyết Kim Dung. Thậm chí ông còn cho rằng Vi Tiểu Bảo thể hiện "quốc dân tính" (tính cách dân tộc) của người Trung Quốc, giống như nhân vật AQ của Lỗ Tấn.
"Chính tác giả đã viết trong bài Hậu ký: 'Ở thời Khang Hy, con người như Vi Tiểu Bảo là hoàn toàn có thể có'. Há là có thể thôi sao? Phải nói tất nhiên là có. Và há chỉ ở thời Khang Hy sao? Trong lịch sử Trung Quốc, thời đại nào cũng có con người như thế", nhà nghiên cứu Trần Mặc nhấn mạnh.
Quách Tĩnh và Vi Tiểu Bảo là sự đối lập của đại anh hùng và tiểu lưu manh, của chính và tà, của sự ước lệ công thức và sống động, chân thực. Từ Quách Tĩnh, Kim Dũng đã liên tục đổi mới, không chịu lặp lại chính mình, đi sâu vào phân tích tâm lý con người, để cuối cùng tạo ra một Vi Tiểu Bảo "đệ nhất chân nhân".
Đó là lý do Kim Dung trở thành "võ lâm minh chủ" của văn học võ hiệp tân phái, xếp trên Lương Vũ Sinh và Cổ Long, được thừa nhận là bậc đại sư nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc.
Theo zing.vn
Kim Dung tạo nên "võ lâm giang hồ", giới làm phim nợ ông... "vũ trụ điện ảnh" Thế giới "võ lâm giang hồ" mà Kim Dung tạo nên rộng lớn, sâu sắc và tiềm năng chẳng khác gì vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng của Marvel hay DC. Tại sao chưa có một "vũ trụ điện ảnh võ hiệp" tạo nên từ tiểu thuyết Kim Dung? Trong văn hóa phương Tây, Kim Dung chưa phải một nhân vật được...