Các biện pháp ngăn chặn COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu ‘lao dốc’ sâu hơn
Giới chuyên gia nhận định các biện pháp đang được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái sâu hơn và trầm trọng hơn dự kiến ban đầu, ngay cả khi vẫn còn khả năng phục hồi vào năm tới.
Một tuần trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật dự báo về nền kinh tế toàn cầu và đưa ra ước tính thiệt hại ban đầu của dịch COVID-19 kể từ khi nó xuất hiện ở Trung Quốc hồi đầu năm, những số liệu không mấy lạc quan đã xuất hiện.
Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 8/4 đã ước tính rằng nền kinh tế này sẽ suy giảm khoảng 6% trong ba tháng đầu năm 2020 – mức giảm theo quý tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thức hai.
Trong khi đó, các viện kinh tế hàng đầu ở Đức dự báo nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu sẽ thu hẹp gần 10% trong quý II/2020. Con số này gấp đôi so với mức giảm mà Đức phải chịu đựng trong năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.
Theo ông Philippe Waechter, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Ostrum Asset Management, trong hai quý đầu năm 2020, nền kinh tế của các nước phương Tây sẽ lao dốc. Và Mỹ sẽ không thể tránh được tác động từ cuộc suy thoái đang xảy ra ở những nước này, nhất là khi tính đến việc Mỹ đã chậm hơn châu Âu trong việc đóng cửa các doanh nghiệp để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị tại Arlington, Virginia, Mỹ ngày 4/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyên gia này cho rằng dù các số liệu của quý đầu tiên có thể không bị ảnh hưởng, những tác động của dịch COVID-19 có thể sẽ xuất hiện trong số liệu quý II của Mỹ.
Ngoài ra, chuyên gia Waechter nói rằng sự suy thoái lần này nhiều khả năng sẽ kéo dài lâu hơn so với một số dự kiến mới đây, khi không có khu vực nào trên thế giới có thể thoát khỏi dịch bệnh mà không bị ảnh hưởng. Ông hy vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ đạt mức hồi phục tăng trưởng tương tự như trong quá khứ. Nhưng ông cũng thừa nhận đang có quá nhiều yếu tố không chắc chắn xoay quanh dịch bệnh lần này.
Ông Edward Moya, nhà phân tích tại công ty giao dịch ngoại hối trực tuyến OANDA, cho biết khi cân nhắc đến tốc độ sự phục hồi của Trung Quốc đang trở nên chậm hơn, thật khó để tin tưởng rằng các nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ phục hồi nhanh chóng.
Còn nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bà Laurence Boone cho biết việc dự báo đã trở nên rất khó khăn. Các nước có thể dỡ bỏ một phần các lệnh hạn chế đi lại. Nhưng nếu người dân có ít khả năng miễn dịch, các nước này lại có thể phải đối mặt với làn sóng nhiễm bệnh mới.
H.Thủy
EuroCham: 80% công ty cho nhân viên làm việc tại nhà để phòng lây lan Covid-19
Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã giảm xuống mức thấp nhất từ khi thực hiện khảo sát, chỉ còn 26% trong quý I-2020.
Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá Covid-19 gây tác động tiêu cực
Theo EuroCham, cùng với tình hình chung của thế giới, Covid-19 đã ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư quốc tế. BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương mức giảm 51 điểm từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019.
Theo đó, hơn 90% các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho rằng COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của họ; trong đó hơn 50% doanh nghiệp đánh giá tác động tiêu cực là "đáng kể". Đáng chú ý, gần 80% được khảo sát cho rằng việc kinh doanh của họ đã phải chịu chi phí cao hơn do các biện pháp nhằm bảo vệ công nhân và ngăn chặn sự lây lan của virus corona được thực hiện.
Cũng theo EuroCham, phần lớn doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ có thể giữ lại 70% lao động trong các quý tiếp theo; 80% doanh nghiệp đã yêu cầu nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
EuroCham cũng rất hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ trong việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Hà Linh
Giữa dịch Covid-19, doanh nghiệp lo thiếu tôm xuất khẩu Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi tôm vụ mới. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo lịch mùa vụ và khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ, các...