Các bên đối địch ở Libya nối lại đàm phán tại Cairo
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 12/6, các quan chức Libya đã trở lại thủ đô Cairo của Ai Cập để tham gia vòng đàm phán thứ 3 về sửa đổi hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này một lần nữa rơi vào bế tắc chính trị với hai chính quyền đối địch cùng tồn tại song song.
Binh sĩ được triển khai tại thủ đô Tripoli của Libya ngày 17/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Vòng đàm phán thứ 3 ở Cairo diễn ra sau các cuộc giao tranh dữ dội tại thủ đô Tripoli giữa các lực lượng dân quân đối địch ở Libya.
Các thành viên của Quốc hội Libya và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya đã bắt đầu tiến trình đàm phán tại Cairo do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gây sức ép buộc hai cơ quan này gạt sang một bên những tranh chấp và thống nhất về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia.
Cố vấn đặc biệt của Tổng thống ký LHQ về Libya, bà Stephanie Williams cho biết các cuộc đàm phán tại Cairo sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ngày 19/6, với mục đích thiết lập một khuôn khổ hiến pháp cần thiết để Libya tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia càng sớm càng tốt. Trong hai vòng đàm phán trước đó, các bên của Libya đã đạt được thống nhất sơ bộ về 137 điều trong dự thảo hiến pháp, bao gồm các điều về các quyền và tự do. Theo bà Williams, họ sẽ tiếp tục thảo luận về một số điều khoản gây tranh chấp liên quan đến quyền lập pháp và tư pháp.
Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chủ chốt khiến các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 bị đình hoãn. Sự thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt một thập kỷ hỗn loạn ở Libya. Quốc gia Bắc Phi một lần nữa rơi vào bế tắc chính trị phức tạp, với hai chính quyền đối địch đều tuyên bố họ là chính quyền hợp pháp.
Ngày 10/6, các cuộc giao tranh đã nổ ra ở thủ đô Tripoli giữa các lực lượng dân quân đối địch, khiến dân chúng ở Tripoli lo sợ. Bà Williams đã lên án các cuộc đụng độ, nói rằng những người liên quan phải có trách nhiệm giải trình. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland dọa sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về các cuộc giao tranh. Còn Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ diễn ra ở Tripoli trong các ngày 10-11/6. Ông Aboul Gheit kêu gọi tất cả các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có việc rút tất cả lính đánh thuê và binh sĩ nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya. Tổng thư ký AL cũng kêu gọi Libya tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia càng sớm càng tốt.
LHQ quan ngại về các cuộc giao tranh ở Libya
Sau một đêm nổ súng dữ dội giữa các lực lượng dân quân ở thủ đô Tripoli của Libya, ngày 11/6, Phái bộ của Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya đã bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ.
Ô tô bị phá hủy trong cuộc xung đột tại thủ đô Tripoli của Libya ngày 17/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, cuộc giao tranh mới nhất diễn ra trong bối cảnh Libya tiếp tục bị chia rẽ giữa các chính phủ đối lập - một trong số đó có trụ sở tại Tripoli - bất chấp hơn một năm nỗ lực tiến tới thống nhất. Nguyên nhân của vụ bạo lực ở khu phố ven biển hiện chưa được xác định, nhưng các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các gia đình có trẻ em đang phải trú ẩn và chạy trốn khi đạn pháo dồn dập đổ xuống trong đêm.
Trong một tuyên bố, phái bộ LHQ nêu rõ các cuộc đụng độ gây nguy hiểm cho dân thường và kêu gọi người dân Libya "nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định mong manh của đất nước vào thời điểm nhạy cảm này".
Những diễn biến gần đây tại Libya đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Libya Najla Al-Manqoush ngày 4/6 vừa qua, người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nhấn mạnh giải pháp duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng là đối thoại quốc gia, nêu rõ chỉ đối thoại mới có thể dẫn đến một thỏa thuận chính trị. Cũng theo ông Al Thani, một thỏa thuận chính trị sẽ mang đến sự ổn định lâu dài tại Libya thông qua các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống.
Cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh tại Libya vẫn đang diễn biến rất phức tạp sau khi kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử do LHQ bảo trợ dự kiến vào tháng 12/2021 bị hủy bỏ do các phe phái chủ chốt ở nước này không thống nhất được các quy tắc bầu cử. Hiện Libya có hai chính quyền cùng tồn tại kể từ tháng 3/2022 khi Quốc hội Libya ở miền Đông chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay ông Abdulhamid al-Dbeibah, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) có trụ sở ở thủ đô Tripoli.
LHQ: Libya cần duy trì ổn định, tiến hành bầu cử trong thời gian sớm nhất Theo phóng viên TTXVN tại New York, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Libya, bà Stephanie Williams, ngày 13/2 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì ổn định và tiến hành bầu cử tự do và công bằng trong thời gian sớm nhất có thể ở Libya trong cuộc gặp của bà với các quan chức cấp cao...