Các bà mẹ Gen Z vấp phải nhiều định kiến từ thế hệ trước
Theo dự báo do Capita đưa ra vào năm ngoái, ước tính sẽ có khoảng 4 triệu bà mẹ Gen Z ở Mỹ vào năm 2025 và tăng lên 17 triệu người vào năm 2060.
Năm nay, những thành viên đầu tiên của Gen Z sẽ bước sang độ tuổi 26. Trong khi đó, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2022, độ tuổi dưới 30 là độ tuổi trung bình khi một người phụ nữ Mỹ sinh con lần đầu. Điều đó có nghĩa là đang có ngày càng nhiều người thuộc Gen Z trở thành cha mẹ.
Theo dự báo của Capita, những bậc cha mẹ này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc họ có ít quyền lực chính trị và ít sự hỗ trợ hơn so với các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, họ cũng phải nỗ lực để bác bỏ những quan niệm sai lầm về việc nuôi dạy con cái mà thế giới đang quy chụp lên họ.
Nhiều người thuộc thế hệ lớn hơn tin rằng Gen Z không đủ khả năng trở thành cha mẹ tốt
Jennifer Hall (24 tuổi), một bà mẹ thuộc Gen Z bị mọi người xem là kém cỏi chỉ vì tuổi còn nhỏ, chia sẻ với Yahoo Life: “Dường như mọi người đang mong tôi thất bại chỉ để chứng minh suy nghĩ của họ là đúng. Quả thật tôi mang thai ở tuổi 22, nhưng thật lạ lùng nếu chỉ vì thế mà họ ngay lập tức cho rằng tôi là một bà mẹ tồi”.
Thêm vào đó, Hall cho biết các thành viên lớn tuổi trong gia đình luôn lảng vảng bên cạnh và liên tục nhắc nhở cô về việc trông con, lo lắng cô sẽ làm phiền con của mình. Ở nơi công cộng, mọi người cũng tỏ ra kỳ lạ khi cô nói rằng bản thân đã là mẹ và có một đứa con 2 tuổi. Thậm chí có người còn thốt lên “tội nghiệp đứa bé” như thể họ chắc chắn rằng Hall không thể nuôi con chỉ vì cô còn trẻ.
Những phản ứng này đã phần nào làm cô không muốn mở miệng ra để yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác. Nhưng Hall không phải là người duy nhất đối mặt với tình trạng đó. Maddie Brown (23 tuổi), cũng nói với Yahoo Life rằng những người xung quanh luôn xem độ tuổi là rào cản khiến cô không thể trở thành một phụ huynh tốt.
Maddie cho hay: “Việc lo lắng của họ là vô căn cứ vì con tôi luôn được cho ăn và chăm sóc tốt cả về vật chất lẫn tinh thần. Đối với họ, vì tôi là một bà mẹ trẻ nên chắc chắn sẽ làm hỏng chuyện”.
Suy nghĩ của mọi người xung quanh khiến cha mẹ Gen Z ngày càng thu mình, không còn muốn nhờ người khác giúp đỡ
Cô gái trẻ cảm thấy như mình bị chỉ trích nặng nề ở bất cứ nơi nào đặt chân đến. “Con tôi bị dị ứng và khi tôi đưa cháu đến phòng khám, một trong những y tá cho rằng tôi đã phản ứng thái quá. Cô ấy cứ nói lẽ ra tôi nên đợi cho đến khi trưởng thành hơn mới có con mà chẳng quan tâm đến việc đứa con 8 tháng tuổi của tôi đang sưng phù lên như quả bóng bay”, Brown kể lại.
Video đang HOT
Đối với bà mẹ 24 tuổi Olivia Fraser, một định kiến của người xung quanh khiến cô khó chịu là khi họ nói cô đang “chăm con bằng iPad”. Cụ thể, Fraser nói: “Mọi người luôn bàn tán về việc Gen Z thường lên mạng nhiều như thế nào, và điều đó đã lan rộng đến các cộng đồng nuôi dạy con cái. Các bà mẹ lớn tuổi hơn tin rằng tôi nghiện điện thoại, và con trai tôi cũng như vậy”.
Trên thực tế, dù Fraser thích sử dụng điện thoại, nhưng cô không hề nghiện chúng. Vì cô có kiến thức sâu sắc về mức độ nguy hiểm của các trang mạng xã hội, nên cô cảm thấy mình được trang bị tốt để giúp con hình thành môi trường sống lành mạnh và cân bằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử. “Mọi người đều chỉ trích các bà mẹ Gen Z, nhưng tất cả chúng tôi chỉ đang cố gắng hết sức mình”.
Nhiều người tin rằng Gen Z nghiện điện thoại, và con cái của họ cũng sẽ như vậy
Bên cạnh việc nghiện điện thoại, mọi người cũng tin rằng các bà mẹ Gen Z chỉ thích tiệc tùng, chơi bời. Trước quan niệm đó, Amy Rose (25 tuổi) nói rằng mặc dù cô thỉnh thoảng thích tham gia các bữa tiệc, các buổi hòa nhạc, những điều ưu tiên nhất với cô vẫn là con cái.
Một bà mẹ Gen Z khác, Stephanie Ellis (22 tuổi), cũng bày tỏ quan điểm: “Họ nghĩ rằng tất cả những gì chúng tôi làm là trang điểm và nhảy nhót trên mạng xã hội, rằng chúng tôi không đủ thông minh để xây dựng một gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh”. Ellis luôn cảm thấy tồi tệ khi bị các thế hệ đi trước đối xử như thể cô là đồ ngốc, đồng thời phán xét chỉ vì cô là một bà mẹ trẻ có đứa con 1 tuổi.
Mặc dù các định kiến này có thể gây khó chịu, nhưng thái độ tiêu cực của mọi người đối với các bậc cha mẹ Gen Z rồi cũng sẽ dịu đi. Tuổi tác không quyết định khả năng của cha mẹ trong việc yêu thương, chăm sóc và hỗ trợ con cái.
Carla Letts, người sáng lập và đồng thời là CEO của My Bump 2 Baby (nền tảng kết nối các gia đình với dịch vụ cho mẹ và bé ở địa phương) cho biết: “Mặc dù những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt khác với thách thức của các bà mẹ thế hệ trước, nhưng sự cống hiến cùng khả năng nuôi dạy đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công của chúng tôi vẫn không hề dao động”.
Nguồn: Yahoo
Sông Thương
Nhà trường làm mới môi trường rèn luyện, nắm bắt 'chân dung' gen Z
Có nhiều cách làm sáng tạo được Đoàn - Hội một số trường vận dụng với mục tiêu biến những cột điểm thô cứng trở nên tích cực, khuyến khích sinh viên chủ động đăng ký thực hiện.
Với các hoạt động có sức hút đông đảo sinh viên, việc tích lũy điểm rèn luyện không làm khó các bạn - Ảnh: C.TRIỆU
Chủ động thiết kế khung điểm phù hợp năng lực và trình độ sinh viên, chuyển đổi số hoạt động Đoàn - Hội, chọn hoạt động gắn với nội dung ngành học... là những việc có thể thấy tại nhiều trường hiện nay.
Sinh viên vào vai công chức
Đã từng có suy nghĩ sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM chắc học khô khan. Nhưng không, các bạn đã có cách mềm hóa việc này. Phó chủ tịch Hội Sinh viên học viện Nguyễn Đặng Anh Thư kể về chương trình "Tập sự phục vụ nhân dân" là cách mà họ áp dụng suốt 5 năm qua.
Hiểu một cách đơn giản, đó chính là hoạt động cộng đồng mà sinh viên cùng góp phần giải quyết những phần việc liên quan đến thủ tục hành chính tại địa phương cho người dân. Các bạn tham gia hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính tại phường, xã, công tác tư pháp tại tòa án một số quận, huyện ở TP.HCM.
Chưa hết, các đội tình nguyện còn hỗ trợ công tác xã hội tại một vài bệnh viện. Dĩ nhiên, các công việc này đều gắn với chuyên môn ngành học của sinh viên. Những đợt hoạt động cao điểm vào chiến dịch tình nguyện, Tháng thanh niên thu hút hơn 250 bạn tham gia mỗi đợt.
5 năm duy trì chương trình đã ghi nhận nhiều con số ấn tượng. Chỉ riêng năm 2022, các bạn đã hỗ trợ tại 117 cơ quan hành chính nhà nước, tòa án và bệnh viện. Hơn 49.400 lượt hồ sơ thủ tục hành chính; sắp xếp, tống đạt, nhập liệu và lưu trữ hơn 8.000 hồ sơ tư pháp; hỗ trợ trên 100.000 lượt người khám chữa bệnh tại các bệnh viện... là những con số đo đếm được từ chương trình.
Sinh viên rất hứng thú khi hóa thân thành công chức viên chức nhà nước, hỗ trợ giải quyết những phần việc, thủ tục hành chính. Các chương trình luôn vượt chỉ tiêu đăng ký và việc tích lũy điểm rèn luyện không làm khó được các bạn.
NGUYỄN ĐẶNG ANH THƯ (phó chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM)
Mềm hóa hoạt động tình nguyện
Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM Nguyễn Thanh Tâm nói họ luôn tìm cách đổi mới hoạt động, phong trào Đoàn - Hội sao cho phù hợp xu thế phát triển chung, gắn với nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên trong thời đại "công dân số".
Ngoài quan tâm nội dung, các hoạt động còn tận dụng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức.
Chị Tâm cho hay các hình thức thủ công, treo biểu ngữ tuyên truyền tại các khu vực sảnh trong khuôn viên trường đối với các hoạt động đã không còn mấy hiệu quả.
Tuy nhiên, khi áp dụng chuyển đổi số vào công tác tình nguyện (Biolink), lập tức có nhiều tín hiệu thay đổi tích cực. Biolink khá phổ biến với gen Z. Trong đó, Bio là viết tắt của Biography (tiểu sử, lý lịch, CV) như cách giới thiệu thông tin tổng quan của một cá nhân, đơn vị, chương trình nào đó.
Chính nhờ triển khai trên nền tảng công nghệ nên các chỉ số về lượt người tiếp cận, thời gian diễn ra được thông tin rộng rãi, công khai và dễ dàng. Hoạt động diễn ra một cách tiện lợi, lan tỏa đến đông sinh viên hơn.
"Trước đây các bạn khó kiểm tra được số chương trình họ đã tham gia thì Biolink sẽ làm việc đó, đồng thời có thể chủ động tìm kiếm chương trình phù hợp để tham gia và tích điểm. Sinh viên còn góp ý về chương trình, thể hiện trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi cho các bạn", chị Tâm nói.
Dù mới triển khai với các hoạt động tình nguyện nhưng Hội Sinh viên trường này nói sẽ đồng loạt áp dụng giải pháp này cho các câu lạc bộ ở trường cũng như liên chi hội sinh viên các khoa.
Mục tiêu về một hệ sinh thái thông tin mọi hoạt động, chương trình đặc trưng của từng khoa, ngành. Qua đó giúp sinh viên có môi trường thực tế rèn luyện bản thân cũng là có lộ trình rõ ràng trong việc tích lũy điểm rèn luyện.
* Chị NGUYỄN THỊ THÙY DUNG (chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM):
Lắng nghe và hiểu rõ "chân dung" thế hệ
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung
Điểm rèn luyện rất cần thiết, có thể gần với khái niệm thang đo hạnh kiểm, giúp sinh viên phát triển toàn diện, bồi dưỡng đạo đức và năng lực hoạt động xã hội.
Cột điểm này tốt thường đi kèm với các quyền lợi về học bổng, khen thưởng cùng việc nhận định về năng lực, thái độ học tập, nỗ lực phát triển bản thân của sinh viên.
Bên cạnh những lợi ích, chúng tôi cũng nhận phản hồi về một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn có những sinh viên y khoa thấy áp lực khi vừa phải học tập ngày đêm vừa lo dành thời gian tham gia hoạt động, phong trào.
Có bạn thấy bản thân không phù hợp nhưng vẫn phải miễn cưỡng tham gia hoạt động vì cần tích lũy điểm rèn luyện.
Thực ra chính mỗi sinh viên cần nhận thức tầm quan trọng và vai trò thật sự của điểm rèn luyện trước đã.
Rồi nhà trường, đặc biệt là Đoàn - Hội, cần tổ chức các hoạt động giá trị, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng sinh viên, đầu tư tổ chức chỉn chu, chất lượng nhất có thể. Đoàn - Hội của trường thường có những buổi gặp mặt, đối thoại để lắng nghe sinh viên, có biểu mẫu khảo sát trực tuyến về nội dung và hình thức hoạt động để sinh viên cùng tham gia đóng góp, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng về các hoạt động, chương trình sắp tổ chức sao cho thích ứng, linh động với thời đại công nghệ số.
Sinh viên thế hệ gen Z, tiệm cận gen Alpha hiện nay có những đặc thù về tính cách, khác biệt so với các thế hệ trước. Do đó, việc hiểu và nắm bắt "chân dung" thế hệ sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút sinh viên tự nguyện tham gia, phản ánh đúng thực chất giá trị của điểm rèn luyện.
Lương bèo bọt nhưng chăm sống ảo: Họ hàng tưởng giàu tìm đến vay tiền "Sống ảo" dường như không còn là chuyện quá xa lạ đối với Cuộc Sống Gen Z. Các bạn trẻ thường xuyên có thói quen "sống ảo", đăng những thứ xa hoa, lộng lẫy lên mạng xã hội. Điều này vốn dĩ không gây hại gì tới những người xung quanh. Thế nhưng, khi tần suất "khoe" ngày càng dày đặc trên mạng...