Các anh sống mãi với vùng biên giới Tổ quốc
Chiều 16/2/2017, cựu chiến binh Lê Minh Thảo, chiến sỹ Trung đoàn 190, Sư đoàn 445, Quân khu 2, từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ thị xã Lào Cai 17/2/1979 tới viếng các đồng đội của ông tại Nghĩa trang liệt sĩ Duyên Hải. Nhiều đồng đội ông ngã xuống khi tuổi đời rất trẻ và gần 40 năm sau, nhiều liệt sĩ vẫn vô danh…
Hàng nghìn con em đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai và nhiều vùng quê khác nhau trong cả nước đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc tháng 2/1979 khi tuổi đời họ còn rất trẻ.
38 năm ngày mở đầu cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979 – 17/2/2017), phóng viên Báo Dân trí đã tới thăm một số Nghĩa trang liệt sĩ và Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc trên dải biên giới Lào Cai, tưởng nhớ những người đã anh dũng ngã xuống vì vùng biên Tổ quốc.
Các bạn trẻ thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ ở nghĩa trang Nam Cường.
Nhà bia thờ các liệt sĩ hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 ở xã biên giới Quang Kim, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) là một trong số hàng chục nhà bia tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước được xây dựng ở các xã biên giới của tỉnh Lào Cai.
Liệt sĩ chưa biết tên – Tên các anh, các chị đã trở thành tên quê hương đất nước.
Nghĩa trang liệt sĩ Duyên Hải (thành phố biên giới Lào Cai) – nơi an nghỉ của các thế hệ liệt sĩ ngã xuống vì biên giới Tổ quốc – được khôi phục xây dựng khang trang sau ngày tái lập tỉnh Lào Cai 1/10/1991.
Danh sách các liệt sĩ hy sinh tại địa bàn xã trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được ghi trong bia đá đền thờ xã Vạn Hòa.
Danh sách các liệt sĩ là con em đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ biên giới Tổ quốc được khắc vào bia đá trong nhà bia xã biên giới Quang Kim.
Video đang HOT
Hình ảnh một số mộ liệt sĩ, trong đó có cả những mộ nữ liệt sĩ hy sinh ngày 17/2/1979 tại biên giới Lào Cai khi tuổi đời của họ chỉ 18 – 20 tuổi.
Nhân dân các dân tộc huyện biên giới Mường Khương thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì biên giới Tổ quốc.
Tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Lào Cai thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Các đồng nghiệp báo Lào Cai và gia đình thăm mộ liệt sĩ – nhà báo – nhà văn Bùi Nguyên Khiết, phóng viên Báo tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) hy sinh anh dũng ngày 17/2/1979 khi đang cùng bộ đội chiến đấu dũng cảm bảo vệ chốt biên giới ở điểm cao 82 xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai).
Chiều ngày 16/2/2017, cựu chiến binh Lê Minh Thảo, chiến sỹ Trung đoàn 190, Sư đoàn 445, Quân khu 2, từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ thị xã Lào Cai 17/2/1979 hiện sinh sống ở phường Lào Cai, thành phố Lào Cai tới viếng các đồng đội hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc đầu năm 1979 tại Nghĩa trang liệt sỹ Duyên Hải (thành phố Lào Cai).
Ông Lê Minh Thảo chia sẻ, Sư đoàn 345 của ông cùng bộ đội biên phòng, công an nhân dân vũ trang, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ tỉnh Lào Cai đã chiến đấu ngoan cường đánh đuổi quân xâm lược… Có những liệt sĩ khi ngã xuống, tuổi còn rất trẻ và đến hôm nay chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng một số liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy hài cốt và nhiều liệt sĩ vẫn chưa rõ tên tuổi.
“Nhân ngày 17/2 – Ngày mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc 1979 những cựu chiến binh chúng tôi trực tiếp cầm súng giữ gìn biên cương đất nước năm xưa mong muốn xây dựng những tượng đài, bia kỷ niệm về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc đầu năm 1979 để đời đời con cháu nhớ về chiến công giữ nước thời đại Hồ Chí Minh”, ông Thảo bày tỏ.
Phạm Ngọc Triển
Theo Dantri
Biên giới tháng 2 năm 1979
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.
Báo Quân đội nhân dân đăng "4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc giội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, khu công nghiệp...".
Các tỉnh nằm trong vòng chiến sự gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Xem đồ họa).
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Khi đó, ông là cán bộ phòng biên tập ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa được tăng cường lên biên giới phía Bắc cuối năm 1978. Từ lúc chiến sự xảy ra đến đầu tháng 3/1979, ông theo chân công an vũ trang đi khắp chiến trường Cao Bằng, ghi lại những hình ảnh chân thực của cuộc chiến 38 năm trước bằng một chiếc máy ảnh và 20 cuộn phim.
Bất ngờ trước sự tấn công của quân Trung Quốc, người dân thị xã Cao Bằng ngược đường quốc lộ, băng rừng di tản về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên. Giữa dòng người tản cư có hai chị em cõng nhau chạy nạn. Hai đứa trẻ vừa đói, vừa mệt nhưng cũng không dám nghỉ ngơi. Nhiều năm qua, ông Trần Mạnh Thường vẫn hy vọng gặp lại hai chị em trong bức ảnh.
Cô bộ đội bế bé gái theo mẹ đi tản cư tại chân cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng). Mẹ của bé trúng đạn quân Trung Quốc bị thương nặng, được bộ đội đưa về tuyến sau. "Tình hình khi ấy rất khẩn trương, ai cũng hoang mang vì không nghĩ Trung Quốc lại đưa quân tràn qua bắn phá", ông Thường kể.
Từ ngày 17/2/1979 đến 18/3/1979 khi Trung Quốc rút quân, nhiều bản làng dọc biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề. Đạn pháo tầm xa phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống, người dân bị giết hại.
Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập.
Nhà trẻ thị xã Cao Bằng chỉ còn là đống đổ nát.
Trâu bò bị giết dọc đường quân Trung Quốc đi qua.
Anh Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh đang mang bầu 6 tháng cùng bốn đứa con, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị giết chết rồi ném xuống giếng.
Chị Nông Thị Ty, người dân thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo còn sống sót sau trận càn quét của quân Trung Quốc trả lời nhà báo Tiệp Khắc. Tại thôn này, 43 dân thường gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai bị giết hại.
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra khi các quân đoàn chủ lực Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế, truy quét quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, chủ yếu bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ.
Đối đầu với đội quân đông gấp 12 lần được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, quân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc chủ động tổ chức chiến đấu ngay tại chỗ cầm chân quân Trung Quốc trong khi chờ quân chủ lực.
Bộ Quốc phòng Việt Nam gấp rút điều động các sư đoàn bộ binh quân khu từ tuyến sau lên, quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam trở về tham chiến.
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên. Báo Quân đội nhân dân số Thứ Sáu, ngày 23/2/1979 đăng "Trong 5 ngày (từ 17 đến 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự".
Súng chống tăng DKZ, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được.
Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ.
Đất nước chuyển mình vào cuộc kháng chiến mới. Hàng hóa nhanh chóng được chi viện cho chiến trường phía Bắc.
Các thiếu nữ dân tộc Tày chuyển lương thực cho bộ đội.
Khi lệnh Tổng động viên được ban bố ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh". Tuy nhiên, suốt 10 năm (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Hoàng Phương
Ảnh: Trần Mạnh Thường
Theo VNE
Chiến tranh Biên giới 1979: Giây phút sinh tử ở Pháo đài Đồng Đăng Địch vây khốn nhiều ngày, chúng đã dùng pháo kích, ốp bộc phá, đổ xăng, phun chất độc... nhưng không một chiến sĩ nào đầu hàng. Tất cả đều quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là những gì chúng tôi được nghe, mường tượng về giây phút sinh tử trong trận chiến ở pháo đài Đồng Đăng, chiến tranh...