Cả nước đã giải ngân được 22 nghìn tỷ đồng trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 2/6 về các vấn đề kinh tế – xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22 nghìn tỷ đồng trong gói chính sách 347 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đây là tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc sớm ban hành chương trình này là do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, tổ chức nhiều phiên làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, Chương trình nhận được sự đồng thuận cao. Theo đó, Chương trình đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và quyết tâm chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đến nay, về nhiệm vụ xây dựng chính sách cơ chế, đã ban hành 11 văn bản trong tổng số 14 văn bản theo kế hoạch. Bên cạnh đó, một số văn bản còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do đây là chương trình chính sách phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều cơ quan. Trước những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, các cơ quan cũng có sự thận trọng. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ mới, chưa có trong kế hoạch dài hạn, nhiều công việc chưa được chủ động. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này.
Video đang HOT
Thông tin cụ thể về tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, tổng số tiền của gói hỗ trợ chính xác là 347 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 46 nghìn tỷ đồng dùng quỹ dự trữ, quỹ tài chính hợp pháp với số lượng là 2 tỷ USD để mua vaccine và trang thiết bị y tế. Hiện nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Do đó, việc sử dụng 46 nghìn tỷ này cũng tùy theo tình hình sắp tới xảy ra. Nếu cần, có thể chi và sử dụng ngay.
Như vậy, còn lại là khoảng 301 nghìn tỷ đồng. Cụ thể gồm các gói: 125 nghìn tỷ đồng, gồm 64 nghìn tỷ đồng từ miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ tháng 2/2022. Gói chính sách này đã được triển khai rất nhanh, đến nay đã và đang cơ bản đúng lộ trình.
Bên cạnh đó là 38 nghìn 400 tỷ đồng được thực hiện trong hai năm 2022 – 2023 là chính sách tín dụng thông qua ngân hàng chính sách. Đến nay, cơ bản các cơ chế, chính sách đã được xây dựng xong. Tới nay đã giải ngân được 4.586 tỷ đồng trên 19 nghìn tỷ đồng của năm 2022, tiến độ giải ngân đã được 1/3. Có thể đánh giá, cùng với xây dựng chính sách thì ngân hàng chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và việc giải ngân rất phù hợp, kịp thời.
Về 6 nghìn tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất, Chính phủ đã xây dựng xong 2 Nghị định vào tháng 5 về giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và giảm một số chính sách thuế. “Xem như 6.000 tỷ đồng này từ nay đến cuối năm cũng sẽ thực hiện xong” – Phó Thủ tướng cho biết.
Còn một khoản là 6,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà. Gói này đã giải ngân được gần 2 tỷ đồng và cũng đã ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương chưa rõ nên triển khai còn chậm. “Thời gian tới, Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thống nhất số liệu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, Phó Thủ tướng cho biết.
Về 176 nghìn tỷ đồng đầu tư công, trong đó có hai khoản là hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, trong đó, hỗ trợ qua ngân hàng thương mại là 40 nghìn tỷ đồng. Để triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. “Tuy chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thì được tính vào ngày 1/1/2022. Như vậy, có thể xem là gói này thực hiện được từ ngày 1/1/2022″ – Phó Thủ tướng cho biết.
Cuối cùng là 134 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông khoảng 103 nghìn tỷ đồng. Vì phải dựa theo tiến trình chung thực hiện Luật Đầu tư công cũng như các dự án đầu tư nên gói này giải ngân chậm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Nhìn chung đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới”.
Tăng cường giám sát trong giải ngân vốn đầu tư công
Cũng tại hội trường sáng 2/6, giải trình về thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đầu tư công không những chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn chi phối bởi rất nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản…
“Trong cùng một lúc phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, trong quy trình đó, phải xong cái này mới được làm đến cái kia nên mỗi một khâu phải trải qua các công đoạn và mất nhiều thời gian giải quyết”, Bộ trưởng lý giải.
Trong thời gian tới, giải pháp căn cơ là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như các quyết định, các luật khác liên quan chứ không phải chỉ Luật Đầu tư công. “Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề này trong ngày một ngày hai là vì như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các giải pháp để đạt được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn các đại biểu, các đoàn đại biểu tăng cường công tác giám sát các bộ, ngành, địa phương để giúp Chính phủ trong việc đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân.
Ngày 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Ngày 1/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên họp thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Sau đó thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Tiếp đó thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, ngày 1/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thảo luận về nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Tại phiên thảo luận đã có 50 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 1 đại biểu Quốc hội tranh luận. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên đà phục hồi chậm sau dịch, do tác động mới từ các tháng đầu năm khi siết tín dụng vào bất động sản. Do đó, cần lành...