Cả nghìn người khám sốt xuất huyết mỗi ngày ở Hà Nội
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương kê thêm 20 giường tại hội trường làm khu điều trị cho bệnh nhân vì quá tải.
Thời gian gần đây, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tăng đột biến, đông nhất vào thứ hai và thứ sáu.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay thời gian trước mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám sốt xuất huyết, nay tăng lên 900 – 1.000 bệnh nhân mỗi ngày
Bệnh nhân quá đông nên ngày 7/8, bệnh viện phải kê thêm khoảng 20 giường tại hội trường để làm khu vực điều trị ban ngày. Tại đây, những bệnh nhân chưa phải nằm viện dài ngày sẽ được khám, truyền dịch sau đó về điều trị ở nhà.
Bệnh nhân nằm ghép vì số giường không đủ đáp ứng.
Nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang.
Video đang HOT
Tại Khoa truyền nhiễm, giường bạt được kê thêm để phục vụ số bệnh nhân quá đông.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 người tử vong.
Số bệnh nhân tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam (chiếm 59%). Tại khu vực phía Bắc, lượng bệnh nhân tăng cao tại TP Hà Nội, chiếm gần 74% khu vực.
Nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã quá tải trầm trọng.
Tại bệnh viện Đống Đa, người bệnh đến khám sốt xuất huyết ngồi kín khu vực đăng ký. Bác sĩ Phạm Bá Hiền – Phó giám đốc bệnh viện Đống Đa cho hay, mỗi ngày đơn vị khám cho 400-500 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó khoảng 20% phải nhập viện.
Giang Huy
Theo VNE
Không muốn tốn tiền, bỏ mạng thì nên bắt đầu bằng việc nhỏ này
Một ca điều trị sốt xuất huyết biến chứng có thể tiêu tốn 30-40 triệu đồng. Đã có 17 người tử vong vì căn bệnh mà nhiều người đang chủ quan trong khi bạn chỉ cần làm việc nhỏ là đậy kín lu nước, đổ nước đọng trong chai lọ, dọn rác...
Chiều 24.7, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ và sốt xuất huyết, PGS-TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến giữa tháng 7.2017, cả nước đã có gần 59.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 17 ca tử vong. Số ca mắc ngày càng tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, điểm nóng vẫn tập trung tại một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội...
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh khiến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư bị quá tải, các bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 thậm chí 3 người chung một giường (Ảnh Việt Linh)
Theo PGS Phu, bệnh sốt xuất huyết do virut Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh do muỗi vằn đốt, muỗi truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do đó có thể gây thành dịch. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy. "Người dân đang rất chủ quan với bệnh, luôn cảm thấy đơn giản, vô can. Nhưng nếu bị sốt xuất huyết, bạn có thể tốn hàng triệu đồng điều trị. Có người đã tốn gần 30 triệu đồng tiền viện phí vì điều trị sốt xuất huyết, thậm chí số tiền còn lớn hơn nếu như xuất huyết não, xuất huyết nội tạng. Đã có 17 người tử vong vì căn bệnh mà nhiều người vẫn chủ quan này.
Theo Cục Y tế dự phòng, để phòng bệnh, người dân cần:
Phòng muỗi đốt:
Muỗi truyền virus sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày, cho nên phải tự bảo vệ để tránh muỗi đốt bằng cách:
1. Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.
2. Mặc quần áo dài che kín tay chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi.
3. Sử dụng thuốc diệt muỗi (thận trọng khi sử dụng thuốc này đối với trẻ nhỏ và người già).
4. Dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày.
5. Dùng màn để tránh muỗi đốt trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày. Tác dụng của màn tốt hơn khi tẩm Permethrin (chất diệt côn trùng pyrethroid), rèm (bằng vải hoặc bằng tre) cũng có thể được tẩm chất diệt côn trùng và treo tại cửa sổ hoặc cửa ra vào để xua muỗi và diệt muỗi.
6. Phá vỡ chu kỳ lây truyền muỗi. Muỗi nhiễm virút khi chúng hút máu người bị bệnh. Màn chống muỗi và dụng cụ diệt muỗi sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả để tránh muỗi đốt người và giúp ngăn chặn lây lan của virút sốt xuất huyết.
Thùng, chai lọ, vỏ hộp đọng nước tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng được tìm thấy ở nhiều khu dân cư
Phòng muỗi sinh sản:
Muỗi truyền virút sốt xuất huyết sống và sinh sản ở những nơi có nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà. Do vậy, cần:
1. Đậy kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá để ăn lăng quăng, bọ gậy.
2. Không để ứ đọng nước ở các dụng cụ chứa nước mưa, chum vại vỡ, nếu có thì phải úp xuống. Rác thải như non bia, túi ni lông, vỏ sữa chua, rác thải... phải đem đốt hoặc chôn lấp.
3. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng.
4. Trong giai đoạn dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát, trong thôn, xóm, tổ dân phố phải tổng vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm; khơi thông cống rãnh, những chỗ ao tù nước đọng.
5. Có thể dùng các biện pháp diệt muỗi như: đốt hương diệt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
Theo Danviet
Cận cảnh "vòi rồng" diệt muỗi lúc nửa đêm ở Hà Nội Hằng đêm, chiếc máy phun thuốc diệt muỗi chuyên dụng có công suất cao của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội lại len lỏi khắp ngõ phố để dập dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở các khu dân cư. Đã khoảng 3 tháng nay, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống là chiếc xe phun thuốc muỗi di động...