Cá mập bơi hơn 1.100 km để tránh giao phối
Nhóm nghiên cứu của tổ chức OCEARCH cho rằng con cá mập cái nặng gần 1 tấn đang mang thai và bơi xa bờ để trốn những con đực tìm cách giao phối.
Nhóm nghiên cứu đeo thiết bị theo dõi cho cá mập trắng Unama’ki. Ảnh: KATC.
Các nhà nghiên cứu theo dõi một con cá mập trắng tên Unama’ki đang trên đường bơi ra biển khơi cách mũi Cod, bang Massachusetts hơn 1.126 km về phía đông. Họ cho rằng con cá mập có thể đang mang thai và chuyến đi của nó nhằm tránh nỗ lực giao phối từ những con đực.
Tổ chức nghiên cứu đại dương OCEARCH lắp thiết bị theo dõi qua vệ tinh cho con cá mập trắng dài hơn 4,6 m và nặng 907 kg. Thiết bị này sẽ phát tín hiệu khi vây lưng của con cá mập nhô lên trên mặt nước. Tín hiệu thu được cách đây hơn một tuần chỉ ra Unama’ki đang di chuyển nhanh về hướng bắc, dù các tín hiệu trong vài ngày qua cho thấy nó đang nán lại ở một khu vực giữa Đại Tây Dương.
Vào đầu tháng 4, Unama’ki rời khỏi vùng biển phía đông nước Mỹ và bắt đầu bơi xa hơn ra đại dương trong hành trình ra biển khơi. Những con cá mập trắng thực hiện hành trình kiểu này và quay trở lại theo quan sát của OCEARCH thường là cá mập cái trưởng thành kích thước lớn. Theo tổ chức, phương hướng bơi hé lộ Unama’ki và những con cá mập cái lớn khác có thể đang mang thai. Trường hợp của Unama’ki rất đáng quan tâm bởi nó có thể dẫn nhóm nghiên cứu tới nơi nuôi dưỡng cá mập non, theo Chris Fischer, chủ tịch sáng lập kiêm trưởng nhóm thám hiểm của OCEARCH.
Fischer cho biết 3 lý do có thể khiến cá mập cái bơi ra khơi xa trong khi mang thai. “Một là chúng muốn tránh nỗ lực giao phối từ con đực. Hai là chúng có thể tận dụng nhiệt độ ngoài khơi có lợi cho quá trình mang thai. Ba là chúng có thể khai thác nguồn thức ăn rất tốt cho thai kỳ. Đó là tất cả giả thuyết mà chúng tôi đang kiểm tra qua nghiên cứu”, Fischer nói.
OCEARCH tiến hành nghiên cứu từ năm 2007. Dữ liệu họ thu thập trong những năm qua cung cấp nhiều chi tiết thú vị về cuộc sống của cá mập trắng. Dựa trên thông tin, nhóm nghiên cứu của OCEARCH cho rằng Unama’ki sẽ quay trở lại vùng biển ngoài khơi Nova Scotia, Canada, nơi họ đeo thiết bị theo dõi cho nó vào tháng 9/2019.
Từ chối giao phối, cá mập cái suýt bị bạn tình giết
Được bạn tình ve vãn, nhưng có vẻ cá mập cái Wobbegong "ngó lơ" khiến cá mập đực cáu tiết, tấn công liên tục.
Cuộc ẩu đả "vì yêu" giữa hai con cá mập Wobbegong (cá mập thảm) này đã được thợ lặn Dave Wyatt chộp được khi đang khám phá khu vực biển Gold Coast (Australia).
Con cá mập đực Wobbegong tiến tới nhằm ve vãn, tán tỉnh con cá mập cái nhưng bạn tình tỏ ra không muốn giao phối.
Lập tức, con cá mập đực tấn công và cắn vào người con cá cái.
Kháng cự lại, con cá mập cái đã vùng vẫy để đánh bật con cá đực ra. Cuối cùng nó đã thoát khỏi con cá đực.
Dave Wyatt cho biết, trong mùa giao phối cá mập đực Wobbegong còn có thể tiết ra các chất pheromones vào nước để cuốn hút các con cái.
Khi được bạn tình đồng ý, con cá mập đực sẽ cắn vào người cá cái và đưa thùy bám (một cơ quan giống như dương vật) vào lỗ huyệt cá cái để phóng tinh trùng thụ thai.
Minh Trí
Theo Khoa học & Phát triển
Thế giới sẽ ra sao nếu không có cá mập? Nếu không có cá mập, số lượng tảo phát triển mạnh, bao phủ bề mặt đại dương, dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của các sinh vật biển.