Cá mặn
Không biết tự bao giờ khi nói đến cá mặn, người ta thường liên tưởng đến cá sửu muối. Thật ra cá muối mặn còn có cá chét, cá thu.
Cá mặn- món ăn rất “bắt cơm” (ảnh internet)
Cá chét là loài cá biển, đầu lớn vừa, hơi dẹp, thân cá thon dài. Cá sửu là loài cá nước ngọt có vảy nhỏ, mình vàng nhạt, có nguồn gốc từ Biển Hồ (Campuchia), xuôi theo dòng Mê Kông xuống các tỉnh miền Tây. Muốn giữ cá để dành ăn lâu, người Việt thường đem cá phơi khô hoặc ủ mắm, trong khi người Hoa dùng phương pháp muối làm thành cá mặn. Nguyên liệu là cá gì thì cũng đều phải thật tươi, đánh bắt lên là muối nguyên con rồi đem phơi nắng độ năm sáu ngày. Bí quyết chính là lượng muối dùng vừa đủ cá thấm để dành lâu không hư, nhưng cũng không quá mặn làm mất hương vị cá. Cá muối xong, thịt cá săn và đỏ hồng, khứa miếng cá ra nghe mùi thơm thoang thoảng chẳng hôi tanh tí nào. Cá mặn ngon không cứng như cá khô, cũng không ướt như mắm mà vẫn còn mềm ẩm, vị ngọt cá vẫn đậm đà.
Trong các loại cá mặn, cá sửu được ưa chuộng nhất do thịt ngon ngọt, ít xương, không có xương vụn và beo béo. Món ăn từ cá mặn không nhiều, chỉ có vài ba món nhưng món nào cũng… hao cơm, ăn một lần rất khó quên cái hương vị đậm đà đó. Đơn giản nhất là đem cá rửa sạch, để ráo rồi chiên vàng, rưới thêm chút giấm pha đường cho có vị chua ngọt là ăn đến quên no. Hoặc có thể kho cá với thịt ba rọi, gừng, không cần nêm gia vị, chỉ cho chút nước đường, kho liu riu một lát, thịt cá trở nên ngậy, thơm và mềm.
Nức tiếng nhất là món cá mặn chưng với gừng. Cá rửa với nước ấm pha tí muối cho sạch. Thịt heo lựa ba rọi cho có nạc có mỡ, khi chưng, vị béo của thịt thấm vào cá mới ngậy thơm. Rửa sạch thịt rồi đem bằm nhuyễn. Lấy cái tô sành để cá dưới cùng, xếp thịt ba rọi băm nhuyễn lên mình cá, rắc chút bột ngọt, đường và tiêu, trên cùng để gừng cắt sợi, hành lá cắt nhỏ, hành tím cắt lát, vài lát ớt tươi, thêm ít mỡ nước, nếu muốn cá chưng có thêm mùi thơm đặc biệt thì cho thêm ít ngò rí cắt nhuyễn. Nguyên liệu chính là cá thịt, nhưng những thứ gia vị “không tên tuổi” này mới làm nên hương vị độc đáo và hấp dẫn cho món cá mặn chưng. Nước trong nồi hơi sôi lăn tăn là thả tô cá mặn vào đậy kín nắp. Chừng một lát đã “nghe” tỏa mùi thơm phức. Hít một hơi là bụng dạ cồn cào. Lấy đũa xắn một miếng cá chưng cho vào miệng, vị thơm béo cay nồng của gia vị làm miếng cá trở nên hấp dẫn không cưỡng được. Với nhiều người, ăn cá mặn chưng đệm thêm rau lang, rau muống, đậu bắp, đậu rồng hay đậu que luộc, hoặc cùng với tô canh rau tập tàng là không còn gì ngon bằng. Riêng người Hoa thường chỉ tô cá mặn chưng là đủ, không cần rau gì cũng thấy ngon.
Khô cá mặn chưng thịt (ảnh internet)
Video đang HOT
Nếu cá mặn chưng là món ăn bình dân ở gia đình thì cơm chiên cá mặn được nâng lên hàng đặc sản, “chễm chệ” ở các bàn ăn của nhà hàng, hấp dẫn biết bao thực khách. Cá mặn đem chưng trước với gừng, cho mùi thơm gừng thấm vào cá và thịt cá mềm ra. Bóp nhuyễn cá rồi đem xào sơ với gừng băm nhuyễn. Cơm phải nấu thật tơi, thả vào chiên với cá cho hột cơm săn lại, đánh thêm vài cái trứng trộn đều. Cuối cùng, cái làm nên hương vị thơm ngon cho đĩa cơm chiên cá mặn chính là hành lá và tiêu. Nhấm nháp miếng cơm với vị mằn mặn của cá, vị béo béo của trứng, mùi thơm của hành lá, cay nồng của gừng và tiêu. Món ăn không sang trọng hay cầu kỳ, chi la cái đơn giản dân dã của cá mặn, vậy mà cứ thu hút biết bao người có “tâm hồn ăn uống”, ăn rồi cứ nhớ mãi vị cá mặn.
Theo PNO
Ăn bún ốc xưa ở Sài Gòn
Tô bún ốc dọn ra đủ cả hương của giấm bỗng nồng nàn đặc trưng cuộn theo mùi thơm nhẹ nhàng của hành lá, tía tô và ốc.
Quán ăn Hoa Gạo nằm trên một trong những con đường thưa người nhất của quận 1, và tuy ở ngay mặt đường nhưng lại hơi khuất, nên có lẽ phải là người sành ăn và chịu khó tìm tòi lắm mới biết đến quán ăn đã mở đến gần 1 năm này.
Bù lại, những gì bạn nhận lại là không gian thưởng thức yên bình, nhẹ nhàng trong tiếng du dương của những bản nhạc xưa được lựa chọn kỹ càng và những món ăn ngon. Ở Hoa Gạo có nhiều món ngon, mà phải nói là gần như món nào cũng ngon bởi lẽ nơi đây chỉ có chưa đến 10 món cho bạn chọn.
Bún ốc
Những người Bắc xa nhà có lẽ sẽ chọn ngay bún ốc, bởi ở thành phố 8 triệu dân này, được thưởng thức một tô bún ốc đúng kiểu Hà Nội là một việc rất gần với vô vọng. Bởi lẽ, bún ốc là một trong những món làm rất cầu kì và ngay ở giữa Thủ đô, món ăn thanh đạm này cũng được biến tấu rất nhiều. Tô bún ốc ngày nay ngồn ngộn nào mọc, nào thịt bò, nào giò tai, nào đậu phụ rán, ... đủ thứ hằm bà lằng đến khó hiểu.
Ngược lại, ở Hoa Gạo chỉ có bún, ốc, rau và gần đây có thêm vài miếng đậu phụ trang trí cho đẹp mắt, đầy đặn. Tô bún chưa được dọn ra mà mùi dấm bỗng từ căn bếp nhỏ đã thơm nức lan tỏa khắp phòng khiến thực khách ai nấy đều phải trào nước miếng.
Ẩm thực Bắc là sự cân bằng giữa màu sắc và mùi vị, và bún ốc là một ví dụ điển hình. Tô bún ốc dọn ra đủ cả hương của giấm bỗng nồng nàn đặc trưng cuộn theo mùi thơm nhẹ nhàng của hành lá, tía tô và ốc, đủ cả sắc với sự hài hòa nhưng không kém phần rực rỡ của cà chua, rau thơm và bún. Một gắp bún là tổng hòa của sợi bún mềm mại, trắng nõn, thơm mùi nếp, ốc bươu béo ngậy, giòn sần sật, và nước dùng trong, thanh và có độ cay nhẹ nhàng đưa đẩy. Ai muốn dậy mùi dậy vị hơn một chút có thể cho thêm một thìa mắm tôm và ớt chưng, nhưng không có thì tô bún ốc cũng đã ngon và tròn trịa lắm rồi.
Gỏi tôm đất.
Một món ngon khác không thể không nhắc đến ở đây là gỏi tôm đất. Nếu đi một nhóm, bạn nên gọi một phần lớn để ăn cho đã và... bõ công chờ đợi. Những con tôm to và dày mình chỉ được trụng qua cho vừa chín tới, nằm úp thìa theo hình tròn rồi được phết lên một lớp sốt đặc biệt thơm mùi các hương thảo và ớt xanh xay nhuyễn. Nếu không ăn được cay, bạn có thể dặn đầu bếp gia giảm bớt vị này mà mùi vị của món ăn không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Công đoạn trang trí món này hơi cầu kì tốn thời gian một chút, bắp cải tím được bào sợi nhỏ làm nền cho những chú tôm óng ả sắc cam, ở giữa là chén nước chấm chua ngọt đặc biệt. Để ăn món này, bạn một tay gắp bắp cải và tôm lướt qua nước chấm, xếp gọn gàng lên miếng bánh tráng dừa được chiên vừa đúng độ thơm phức mùi mè đang chờ sẵn trên tay kia, từ tốn đưa vào miệng và cảm nhận. Có lẽ đôi mắt của không ít thực khách phải nhắm hờ để được tận hưởng trọn vẹn sự hòa hợp nhịp nhàng của các mùi vị với độ dai của tôm và âm thanh giòn rụm của bánh tráng. Đây có lẽ là món ngon có một không hai ở Hoa Gạo.
Nem cua bể.
Ngoài bún ốc, bạn có thể thử một món ngon đất Bắc nữa ở đây cũng rất ngon là nem cua bể. Không như các nơi khác chế biến từ cua đông lạnh, nem ở Hoa Gạo được làm bằng cua tươi nên nhân nem không bị khô mà có độ quện, hơi ướt và nồng nàn hương biển. Lớp vỏ được lựa chọn kĩ càng để khi chiên không bị quá giòn và cứng. Cua cũng được "xông hơi" nước dừa trước khi gỡ theo kiểu Bến Tre nên mùi vị cũng đậm đà và ngậy hơn hẳn.
Lẩu vịt nấu chao.
Nếu đi nhóm 4 người trở lên, bạn có thể gọi thêm một nồi vịt nấu chao. Món này được nấu theo dạng tiềm của người Hoa hơn là nấu chao. Thịt vịt ở đây mềm chứ không dai như nhiều chỗ khác, và mì thì được bỏ thêm chút tỏi chiên cho dậy mùi. Vịt được chiên đến khi lớp da vàng ruộm để khử mùi hôi, sau đó nấu cùng chao, khoai môn cho nước đặc sệt sệt và dùng cùng với tía tô và phù trúc chiên giòn khi ăn.
Cơm chiên cá mặn.
Gỏi miến.
Và nếu bạn đã hài lòng với cách nêm nếm của đầu bếp sau khi dùng 4 món trên, các món khác của Hoa Gạo có lẽ đều đáng để thử qua, bởi lẽ đi tìm một quán ăn vừa ngon lành sạch sẽ, vừa phù hợp với khẩu vị của mình là một vận may.
Nhà hàng là sự lựa chọn lý tưởng cho bữa trưa của giới văn phòng khu vực quận 1, hoặc những buổi hội ngộ bạn bè, và cả một bữa cơm gia đình ấm áp. Món ăn có giá từ 38.000 đồng.
Địa chỉ: Quán ăn Hoa Gạo, 28 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM.
Lôi Phong
Theo TTVN
[Chế biến] - Bánh canh cá biển Phú Quốc khá nổi tiếng với món bánh canh cá nhờ sử dụng các loại hải sản tươi ngon của vùng biển nơi này: cá thu, cá diễn, cá nhồng, cá đỏ, cá chuộng... Nếu may mắn mua được cá tươi, mời bạn cùng vào bếp trổ tài làm món ngon cho gia đình. Cá chuộng Phú Quốc Cá để nấu bánh canh...