Cả làng náo loạn với ‘rắn thần’ ở Bắc Giang
“Ông rắn thiêng lắm, là thần tiên giáng trần chứ không phải rắn thường đâu nhé…”.
Kỳ 1: Đủ thứ đồn đại về “ông rắn”
Đầu năm Tỵ, cả nước được dịp xôn xao với “thần xà” ( Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) liên tiếp “nhập” vào người, đòi cúng một cặp bò, rồi được đà lấn tới, tiếp tục đòi cúng… giếng ngọc. Bò thì để “thần xà” xơi, còn giếng ngọc để “ngài” uống nước, tắm rửa, thế là logic quá còn gì.
Sự việc “thần xà” làng Vạn Phúc huyễn hoặc chưa lắng xuống, thì hàng ngàn người khắp nơi tiếp tục rầm rập đổ về Bắc Giang để cúng bái “ông rắn”.
Theo dòng người đông đúc, chúng tôi tìm về làng Tân Sơn (Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang). Vừa rẽ vào con đường mấp mô, lượn dưới chân một quả đồi thấp, đã thấy những chiếc xe khách vài chục ghế ngồi ật ưỡng đi ra.
“Ông rắn” bò lên cạnh mâm lộc do người dân dâng cúng
Chúng tôi dừng xe, chưa kịp cất tiếng hỏi, thì bác chăn trâu đã bảo: “Xem ông rắn hả. Cứ đi thẳng, hết đường thì rẽ trái, rồi hỏi tiếp”. Quả thực, xe cộ và những người lạ mặt vào ngôi làng này, chỉ có thể là đi diện kiến… “ông rắn”.
Ngay đầu làng, dưới gốc cây sấu già của nhà bí thư thôn, có mấy chục người ngồi trú mát. Đậu ngay cạnh là chiếc xe Mercedes 24 chỗ.
Chúng tôi giương máy ảnh chụp, mấy bà nhao nhao ra bắt chuyện: “Các chú là nhà báo hay nhà nghiên cứu rắn thế?”. Rồi mỗi bà một chuyện, bà nào cũng tỏ ra am tường về con rắn, mà các bà kính cẩn gọi là “ông”, vừa mới xuất hiện ở ngôi làng này.
Những người chiêm bái “ông rắn” tụ tập dưới gốc sấu bàn tán
Một bà bảo: “Ông rắn này thiêng lắm chú ạ. Ông mà cho gì, thì dứt khoát là được đó. Ngay con dâu tôi, năm ngoái nộp hồ sơ xin việc khắp nơi mà không được, thế mà vừa mới tuần trước về đây xin ông rắn, y như rằng có công ty của Nhật gọi đi làm.
Tôi chắc chắn rằng ông rắn thương gia đình tôi, độ trì cho nó, mới được công việc tốt như thế. Hôm nay dân làng tôi tổ chức đi chiêm bái ông rắn, nên tôi nhất định phải đi tạ ông. Người ta xin việc thì có khi mất cả trăm triệu, đằng này con dâu tôi chỉ mất có mấy ngàn tiền lễ. Ông rắn thiêng thật!”.
Rồi câu chuyện đổi sang chủ đề đầy màu sắc mê tín dị đoan. Một cụ bà chừng 80 tuổi, miệng nhai trầu bỏm bẻm “cướp diễn đàn” kể với các nhà báo: “Nhà tôi ở đây, cách chỗ ông rắn trú ngụ chỉ có 100 mét, nên chuyện gì mà tôi không biết chứ!
Video đang HOT
Chiêm bái “ông rắn”
Ông rắn thiêng lắm, là thần tiên giáng trần chứ không phải rắn thường đâu nhé. Rắn thiêng giáng trần, thế mà lại có mấy kẻ đòi phá bĩnh, đòi đuổi rắn thần đi, thế mới liều, mới láo chứ lại.
Cái thằng cu ở làng bên là một ví dụ rõ rành rành kia kìa. Thằng ấy vốn thần kinh không ổn định, đã thế lại hay uống rượu, rồi lang thang chửi bới khắp làng trên xóm dưới.
Hôm Tết, mọi người đang khấn vái, thỉnh ông rắn ra tắm nắng, nó dở hơi xông vào đòi bắt ông rắn về làm chả. Mọi người can ngăn, không cho nó phạm thượng, nó tức mình đập vỡ bát hương. Y rằng, hôm sau nó bị thánh vật. Nằm liệt một chỗ rồi. Vài hôm nữa là chết thôi!”.
Chờ đợi “ông rắn” bò ra khỏi hang
Câu chuyện của cụ bà, ở ngôi nhà ngay đầu ngõ, cách nơi “ngự” của “ông rắn” độ 100m, khiến mấy chục người ngồi hóng mát dưới gốc cây sấu nhà bà cứ há hốc ngạc nhiên. Đôi mắt họ bày tỏ sự thành kính tột độ với “ông rắn”.
Tôi hỏi cụ: “Thế cái anh đập vỡ bát hương ấy tên cụ thể là gì hả cụ, để con tìm đến tận nhà hỏi han xem thế nào?”. Cụ bảo: “Thì bà cũng chả biết nó tên là gì. Thấy người ta đồn thế!”.
Sau đó, tôi hòa vào đám đông đang đứng ngồi lố nhố bên khu đất, nơi “ông rắn” ngự, và cũng đều được nghe chuyện ly kỳ như thế, giống hệt bà cụ đầu ngõ kể. Nhiều người thêm mắm dặm muối cho chuyện hãi hùng thêm.
Sắp lễ cúng “ông rắn”
Riêng cụ bà Ngô Thị My, người hương khói ngôi chùa Tân Ninh cổ kính, ngôi chùa mà “ông rắn” đang trú ngụ ở khuôn viên thì bác bỏ chuyện này: “Chuyện cái thằng H., con ông Đ. nổi cơn điên đập bát hương thờ ông rắn là có thật, nhưng đồn đại nó bị thánh vật, nằm liệt sắp chết là chuyện bịa.
Mới hôm qua, tôi vẫn thấy nó lang thang xin ăn ở chợ, chứ có sao đâu. Nó vốn điên từ trước, sau khi đập bát hương, thì có điên hơn, hay vẫn điên thế thì ai mà biết được. Rõ ràng, nó vẫn bình thường, nhưng cháu ra chỗ đó hỏi xem, ai cũng bảo nó đang nằm chờ chết”.
Chuyện này rồi cũng được Phó chủ tịch xã Ngô Khải Hoàn xác nhận với chúng tôi. Anh Hoàn cũng khẳng định anh chàng thần kinh tên H. đập bát hương là có thật, nhưng bị “thánh vật” là bịa tạc, dựng chuyện hoàn toàn.
Không chỉ cụ bà nhà ở ngay đầu ngõ, ngày ngày hóng mát dưới cây sấu già kể chuyện rùng rợn liên quan đến ông rắn, mà những người dân trong làng, đang hương khói, thờ phụng, trông xe… cũng tích cực tuyên truyền cho “ông rắn” thêm phần kỳ bí.
Gieo âm dương để xin lộc
Chuyện rằng, có anh Nguyễn Văn Đ., nhà ở bãi Dĩnh Trì, thấy dân làng kéo đến xem rắn hôm Tết, cũng mò đến xem. Anh này không hương khói gì, lại nhòm “ông rắn” rồi cười cợt, giễu nhại mọi người đi cúng… rắn nước.
Anh Đ. bảo, nhà anh ở ngoài bãi, cỏ mọc rậm rì, cây cối um tùm, cái ngữ rắn này anh bắt làm chả suốt ngày. Anh còn nói vui rằng, nếu dân làng cho phép, xin được bắt sống “ông rắn” về làm bữa nhậu.
Vụ anh Đ. thóa mạ “ông rắn” khiến không ít người tức giận. Thế rồi, bây giờ, ai đến chiêm bái “rắn thần”, cũng được nghe câu chuyện, rằng, có một người tên Đ., nhà ở xóm bãi, vì xúc phạm “ông rắn” mà hóa điên. Anh này sẽ chẳng sống được mấy nả…
Chuyện kể ấy khiến ai cũng kinh hãi, không dám xúc phạm “ông rắn” nữa. Ai đến chiêm bái “ông rắn”, cũng đều phải lễ phép chắp tay thành kính, rồi cúng tiền trên ban thờ.
Thi nhau khấn vái “ông rắn”
Cũng lại cụ Ngô Thị My, người rất cung kính “ông rắn”, nhưng không chấp nhận chuyện xuyên tạc, đã khẳng định lại rằng: “Không có chuyện thằng Đ. xúc phạm ông rắn mà bị điên, bị bệnh gì cả. Nó vẫn bình thường như mọi người thôi”.
Chúng tôi tìm đến tận xóm bãi, tìm gặp anh Đ. Sau một hồi chối đây đẩy tiếp chuyện, anh mới kể: “Khổ lắm nhà báo ạ. Đúng là có chuyện tôi xúc phạm ông rắn. Con rắn đó đúng là rắn nước, tôi bắt ăn thịt suốt ngày, mà mọi người cúng bái, tôi thấy ngộ quá, nên nói chơi vậy thôi.
Ai dè, mấy hôm sau, tin đồn tôi bị điên, bị đột tử, bị bại liệt ầm ĩ khắp nơi. Họ hàng đến thăm, điện thoại hỏi han, ai cũng nhiếc móc tôi sao lại xúc phạm ông rắn.
Mẹ tôi sợ quá, bắt tôi phải làm lễ để xin lỗi ông rắn. Tôi chiều ý mẹ mà làm vậy. Tưởng làm thế là yên, nào ngờ, người ta lại đồn rằng, gia đình phải làm lễ, xin lỗi thần rắn, tôi mới hết điên, hết bệnh”.
Theo soha
Sách Tiếng Việt lớp 1 'quên' quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập hai của NXB Giáo dục (tái bản lần thứ 11) có bức ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta.
Sách Tiếng Việt tập hai do bà Đặng Thị Lan Anh chủ biên, chịu trách nhiệm xuất bản là Tổng giám đốc NXB giáo dục Ngô Trần Ái, Tổng biên tập Nguyễn Quý Thao.
Tại trang 78 có bài tập 2: "Điền vần iêt hay uyêt?". Dưới đề bài là bức ảnh minh họa bản đồ Việt Nam, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện rõ.
Bản đồ Việt Nam không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại trang 78 sách tiếng Việt lớp 1, tập 2.
Trả lời phóng viên về vấn đề này, TS. Lê Hữu Tỉnh, Phó TBT NXB Giáo dục cho biết: Diện tích của bản đồ Việt Nam in trong SGK rất nhỏ (3cm x 5cm). Người vẽ bản đồ có ý thức thể hiện quần đảo Hoàng Sa (cụm chấm đen bên tay phải dưới đảo Hải Nam Trung Quốc tương ứng với Đà Nẵng đi ra) và Trường Sa (màu vàng) rất rõ ràng. Vì diện tích của bản đồ quá nhỏ nên không thể hiện, chú thích rõ hơn được.
Tuy nhiên, đối chiếu lời ông Lê Hữu Tỉnh với bản đồ in tại trang 78 thấy rằng: Có hình minh họa điểm vàng cho Trường Sa, tuy nhiên nếu xét theo tỷ lệ thì hình minh họa này được đặt tại vị trí chưa chính xác. Bên cạnh đó, không hề có điểm minh họa (cụm chấm đen) cho Hoàng Sa như lời ông Lê Hữu Tỉnh nói.
Vị trí chính xác của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Hữu Tỉnh: Đây chỉ là hình minh họa cho ngữ liệu cho học sinh điền vần về khái niệm bản đồ Việt Nam, chứ không phải là một bản đồ hành chính thật tường minh để dạy môn địa lý. Vì vậy, với diện tích 3cm x 5cm người vẽ không có "đất" để chú thích rõ ràng cho quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa .
Khi được hỏi, tại sao trong bản đồ, các vùng miền Việt Nam được tô màu, có chú thích, góc bên trái của bản đồ cũng có bảng chú giải thì tại sao quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại không được thể hiện như vậy, ông Lê Hữu Tỉnh cho biết, phần chú giải góc bên trái của bản đồ cũng chỉ là tượng trưng bằng... những hình chấm chấm chứ không phải chữ. Đây là hình vẽ minh họa chứ không phải là một bản đồ thu nhỏ. Ông Lê Hữu Tỉnh khẳng định, sự thể hiện bản đồ như thế là có thể chấp nhận được.
Nói như ông Tỉnh thì có thể hiểu rằng: Vậy một hình minh họa nhỏ thì được phép có sai sót lớn?
Tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của đất nước, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa , không chỉ là vấn đề thời sự cấp bách hiện nay mà còn là vấn đề lâu dài, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà là cho mãi mai sau, đặc biệt là với thế hệ tương lai. Với các em nhỏ, hình thức quảng bá, giáo dục bằng hình ảnh trực quan là hiệu quả nhất. Thế nhưng, những hình ảnh trực quan ban đầu ấy còn không rõ ràng, tường minh thì làm sao có thể cho các em một nhận thức đúng đắn?
Theo soha
'Thiếu gia' tìm đường du học trốn nhập ngũ Trong khi rất nhiều du học sinh do kinh tế khó khăn phải tạm về nước, lại có một làn sóng học sinh THPT đến các công ty tư vấn du học để tìm đường xuất ngoại tự túc với lý do: Khỏi phải nhập ngũ. Sợ con vất vả Chị Nguyễn Hương Giang, cán bộ tư vấn một công ty tư vấn...