Ca khúc ‘The Track Of My Tears’ của Smokey Robinson: Vết dấu của đau thương tình ái
Ở đâu đó, ngược về vô cùng thời gian, người nhạc sĩ đầu tiên nào đó đã viết nên ca khúc đầu tiên. Dù sự tiến hóa trong ngôn ngữ của loài người được cho là nhờ thói ngồi lê đôi mách nói xấu nhau nhưng chắc đó không phải điều xảy ra với âm nhạc.
Phải là một cảm xúc dâng trào nỗi niềm. Không ai biết ca khúc đầu tiên là về điều gì, nhưng còn xúc cảm nào nhiều cung bậc hơn nỗi đau ái tình?
“Nhiều người viết về các vấn đề xã hội và chính trị. Tôi viết về tình yêu: Tình yêu không bao giờ lỗi thời” – Smokey Robinson nói trong một buổi phỏng vấn năm 1992, nhiều năm sau thiên lệ sầu The Tracks Of My Tears ra đời.
Vết dấu
Mỗi người đang yêu, trong mỗi ngày của cuộc sống từ hàng triệu năm,ngôn ngữ đều phải tìm cách hoa mỹ để nói về tình yêu. Và như thế, có đến hàng ngàn tỷ lần? Những nhạc sĩ kỳ tài nhất biết rõ thử thách này: Làm mới diễn đạt về tình yêu. Nhưng thay vì sợ hãi, họ sẵn lòng dấn thân.
Smokey Robinson và ban nhạc The Miracles
Hãy xem Smokey Robinson, người nói thế này trong một cuộc phỏng vấn với Billboard năm 1989: “Từ khi tôi học cách viết các ca khúc, tôi nhận ra sự thật rằng chúng không có từ mới nào. Cũng như không có nốt mới nào trên đàn dương cầm hay guitar. Và thật sự cũng không có ý tưởng gì mới. Thế nên, anh phải làm việc trong khuôn khổ của những gì đã diễn ra trong hàng nghìn năm qua kể từ khi ngôn ngữ bắt đầu. Anh phải làm việc trong tham số đó. Mẹo của tôi là hãy thử và nói cùng một thứ theo cách khác nhau”. Bằng mẹo đơn giản đó, Robinson đã hoàn thành kỳ tích hết lần này tới lần khác trong sự nghiệp lừng lẫy hơn 4.000 ca khúc của mình. Nhưng có lẽ, không lần nào sâu đậm như The Track Of My Tears.
Thật ra, nguồn gốc của ca khúc là từ tay guitar Marv Tarplin – cộng sự viết nhạc tuyệt vời và sung mãn nhất Robinson có được trong đời. Cách làm việc của Tarplin cũng rất đơn giản là ghi các đoạn riff guitar vào băng rồi đưa cho Robinson, kỳ tới khi nào bạn nghĩ ra ca khúc. Với The Tracks Of My Tears cũng vậy. Robinson nghe nó mỗi ngày và sau một tuần, viết ra được 3 câu: “Nhìn sâu vào gương mặt anh/Thấy một nụ cười lạc lõng/Nhìn kỹ đi em sẽ dễ nhận ra”.
Tuy nhiên, Robinson sau đó gặp trở ngại về tinh thần và không thể nghĩ ra gì thêm ngoài 3 dòng đó. Nhưng vì không bao giờ ngừng nghĩ tới nó, ý tưởng kỳ diệu đã hiện ra vào một lần ông đang cạo râu. “Tôi nhìn vào khuôn mặt mình và tự nghĩ: Sẽ thế nào nếu một người khóc quá nhiều tới mức những giọt nước mắt thật sự để lại vết dấu trên khuôn mặt họ? Chính là nó”. Phải, chính là The Tracks Of My Tears (Vết dấu nước mắt anh).
Người tôn vinh tình ái Smokey Robinson
Tình yêu
Như một dòng sông tìm được đường ra biển lớn. Cứ như thế, câu chữ tuôn ra và làm nên những hình ảnh kỳ tích mới. Nó giống như lời tâm tình sau cuối của chàng trai cùng quẫn với tình yêu cũ, dù không biết được cô gái liệu có đang lắng nghe hay hơi tàn đã nguội lạnh. Dù thế nào, anh cũng cảm thấy nỗi thôi thúc phải kêu lên rằng gương mặt anh phô ra trước công chúng chỉ là một màn kịch câm. Không những thế, anh còn cường điệu: “Mọi người nói anh là sức sống của bữa tiệc vì hay kể chuyện hài/Mặc dù anh có thể cười to và nồng nhiệt, nhưng sâu bên trong anh đang buồn”. Ông thậm chí cố đánh lạc hướng nỗi đau bằng các hẹn hò với những cô gái khác, tất cả đều vô ích: “Dù cô ấy có thể thật đáng yêu, cô chỉ là một người thay thế/ Người vĩnh cửu là em”.
Khi nghe nỗi đau tinh tế trong The Tracks Of My Tears , Bob Dylan – nhạc sĩ đoạt giải Nobel Văn học 2016 – đã phải gọi Smokey Robinson là “nhà thơ sống vĩ đại nhất của nước Mỹ”. Pete Townshend của The Who – một tâm hồn lớn vô cùng nhạy cảm khác -đã bị ám ảnh bởi từ “người thay thế” tới mức, như ông nói, “quyết định tôn vinh từ đó với một ca khúc về riêng nó”. Đó là cách hit năm 1966 của The Who Substitute ra đời.
Có nhiều huyền thoại rằng khán giả sẽ cùng nhau khóc tầm tã khi nghe Robinson cất giọng hát The Tracks Of My Tears. Người ta có thể khóc vì nhiều thứ: Vì đồng cảm với nỗi đau của chàng trai, vì tình riêng chua chát của người thay thế hay đơn giản vì vẻ đẹp của tình yêu, dù nó đã đi mất. Như chính Robinson nói: “Đây là thứ tình yêu được làm ra: Rắn, ốc sên, đuôi chó con, đường, gia vị và mọi thứ tốt đẹp”.
Lãng mạn hóa tình yêu bùng nổ vào thế kỷ 19. Nhưng như nhà văn nữ quyền Mary Evans nói: Tình yêu không phải một thực tế vĩnh cửu. Tình yêu lãng mạn gắn chặt với quá trình hiện đại hóa, như nhiều nhà lý thuyết xã hội cổ điển từ Max Weber tới Jurgen Habermas đã nói. Chính hiện đại hóa đã đẩy tình yêu vào nghịch lý trái với cấu trúc quy chuẩn truyền thống của nó: Tình yêu được tự do cá nhân hơn, đậm chủ nghĩa khoái lạc hơn nhưng lại ít được tiếp cận hơn. Sự cuồng loạn của tình yêu trong văn hóa đương đại khiến tình yêu – thứ vốn đầy rẫy phi lý – biến mất. Cách “giải trừ” đơn giản nhất có lẽ chính là nghe The Tracks Of My Tears suốt đêm dài, để tìm lại tình yêu trong những điều mong manh nhất, như giọt nước mắt lăn trên má.
Năm 2012, Robinson tổ chức 2 buổi diễn đặc biệt ở Bắc Hollywood, nơi ông không hát hay nhảy mà chỉ ngâm thơ. Cơn bão lòng hơn 70 năm của một người đàn ông gốc Phi nhưng mang màu tóc vàng và đôi mắt xanh lục lam giờ thâm trầm trong ngôn từ, tráng lệ như khi mặt trời chạm mặt biển.
“Hãy đặt niềm tin vào tôi, hãy để tình yêu này hoài thai. Đây là sự thật, hãy để thời gian ngưng lại”.
Ca khúc “The Tracks Of My Tears” qua tiếng hát của Smokey Robinson:
3 ngôi sao của 'cỗ xe tăng' Đức gây sốt khi đàn hát 'What's up'
Khoảnh khắc Joshua Kimmich, Serge Gnarbry và Kevin Volland của tuyển Đức vừa chơi guitar vừa hát bài Whats up đang gây sốt mạng xã hội.
Khoảnh khắc Joshua Kimmich, Serge Gnarbry và Kevin Volland đàn, hát gây sốt
Robin Koch của đội tuyển Đức vừa gây sốt mạng xã hội khi đăng tải khoảnh khắc 3 đồng đội Joshua Kimmich, Serge Gnarbry và Kevin Volland vừa chơi guitar vừa hát bài "What's up".
Trong đoạn video chưa đầy 3 phút, 3 ngôi sao của "cỗ xe tăng" Đức đang ngồi ở trung tâm huấn luyện Herzogenaurach đồng ca đoạn điệp khúc nổi tiếng của bài hát đã tạo nên tên tuổi của nhóm nhạc 4 Non Blondes cách đây gần 30 năm: "Hey yeah yeaaah! Hey yeah yeah. I said hey, Whats going on?".
Kevin Volland
Serge Gnabry
Joshua Kimmich (áo trắng)
Trong khi các đồng đội trẻ nghê ngao hát, ở phía sau, trung vệ đàn anh, Mats Hummels đang ngồi trên võng và có vẻ thích thú thưởng thức màn trình diễn âm nhạc. Trong khi đó, thủ môn dự bị Kevin Trapp cũng hưởng ứng bằng những cú nhịp chân đều đặn vào ghê. Còn, Kevin Volland vốn chơi chân trái khá tốt cũng cầm đàn và "quạt chả" đàn guitar đổi dây cho người thuận tay trái.
Dù chất giọng chưa thực sự xuất sắc như các ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng khoảnh khắc vui vẻ của các tuyển thủ khiến cư dân mạng thích thú. Đoạn video nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội.
"Whats Up?" là đĩa đơn thứ 2 trong album đầu tay "Bigger, Better, Faster, More!" phát hành năm 1992 của ban nhạc rock Mỹ 4 Non Blondes. Ca khúc này do thành viên trụ cột ban nhạc là Linda Perry sáng tác và David Tickle sản xuất. Thời điểm đó cả ba "ca sĩ" tuyển Đức đều... chưa ra đời.
Tuyển Đức vừa có một trận đấu hay khi thắng 4-2 trước Bồ Đào Nha hôm 19/6
Ở bảng F EURO 2020, Đức bị đánh giá thấp nhất trong số 3 ông kẹ tại bảng tử thần là Pháp, Bồ Đào Nha và Hungary. Tuy nhiên, sau lượt trận thứ 2, Pháp tạm dẫn đầu bảng F với 4 điểm. Đức và Bồ Đào Nha chia nhau hai vị trí tiếp theo với cùng 3 điểm (nhưng Đức xếp trên nhờ chỉ số phụ tốt hơn). Xếp cuối bảng là Hungary (1 điểm).
Ở lượt đấu cuối cùng, Pháp gặp Bồ Đào Nha, còn Đức đụng độ Hungary. Tuyển Đức nắm trong tay quyền tự quyết khi chỉ cần thắng Hungary là chắc chắn đi tiếp mà không cần quan tâm đến kết quả trận Pháp - Bồ Đào Nha.
Ca khúc 'Heroes' của David Bowie: Từ cặp tình nhân dưới Bức tường Berlin... Nghệ thuật đôi khi may mắn là một phút thăng hoa của nàng thơ, nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, như triết gia Maurice Blanchot nói, là "sự lưu đày trong công việc". Một thứ tưởng chừng chỉ thuần túy là cảm xúc như âm nhạc cũng không phải ngoại lệ. Nhưng không phải vì những quy tắc, phương pháp ngặt nghèo...