Cả khu vực sẽ sát cánh nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ trên Biển Đông
Nếu Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, chắc chắn cả khu vực sẽ buộc phải sát cánh, để xây dựng một mặt trận chung, chống lại sự bành trướng của nước này.
Các quốc gia trong khu vực có khả năng thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc nếu nước này tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Ảnh: Alamy
Ankit Panda, chuyên gia phân tích từ Diplomat, ngày 27/11 bày tỏ quan điểm của ông quanh việc Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, đồng thời liệt kê những trở ngại mà Bắc Kinh sẽ gặp phải nếu ôm tham vọng làm điều tương tự với Biển Đông, trong bài phân tích với tiêu đề: “Một năm sau khi tuyên bố ADIZ, điều gì chờ đợi Trung Quốc”.
Đã một năm kể từ khi Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên một khu vực rộng lớn thuộc biển Hoa Đông. Bắc Kinh đưa ra quyết định này tại thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng bởi những tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Hiện tại tranh cãi vẫn chưa dứt khiến đôi bên tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ xung đột. Những câu hỏi từng được đặt ra về việc tại sao Trung Quốc lựa chọn cách thiết lập ADIZ và điều này sẽ đưa an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như quan hệ Trung – Nhật tới đâu, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặt khác, nhiều nghi vấn mới lại hình thành, trong đó, liệu Trung Quốc có tiếp tục áp đặt ADIZ trên Biển Đông hay không là câu hỏi khiến giới phân tích quan tâm hơn cả.
Bắc Kinh thời gian gần đây gửi đi nhiều tín hiệu gây nhiễu quanh khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Một tướng quân đội cấp cao Trung Quốc từng kêu gọi thực hiện nước đi này với lý do “điều đó cần thiết cho lợi ích lâu dài của quốc gia”. Trái lại, các phát biểu từ Bộ Ngoại giao lại nhấn mạnh Bắc Kinh không hề có ý định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Video đang HOT
Những tuyên bố chủ quyền phi lý hiện nay khắc họa khá rõ nét tham vọng về một mức độ kiểm soát tối đa của Bắc Kinh tại khu vực. Nếu áp đặt ADIZ, Trung Quốc sẽ phải lo lắng về vấn đề thi hành nó như thế nào dù hải quân và không quân nước này hiện được xem như lực lượng mạnh mẽ nhất trong vùng, cả về số lượng và chất lượng.
Khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, các nước như Nhật Bản và Mỹ không những phớt lờ mà còn thể hiện sự thách thức. Nhiều chuyến bay dân sự của Tokyo và các chiến đấu cơ ném bom B-52 của Washington vẫn qua lại vùng trời này mà không cần khai báo hay xin phép Bắc Kinh.
Nếu lập ADIZ ở Biển Đông và gặp phải những phản ứng tương tự từ Việt Nam, Philippines hay các bên liên quan, Trung Quốc sẽ chỉ phơi bày một sự thật rằng Bắc Kinh không đủ khả năng để quản lý những khu vực mà nước này tuyên bố làm chủ một cách vô lý và phi pháp. Hơn nữa, những lợi thế về pháp lý mà Trung Quốc tìm kiếm ở ADIZ tại Hoa Đông sẽ khó đạt được hơn đối với Biển Đông.
Trong khi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) chưa thể thống nhất một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), việc tuyên bố ADIZ trong khu vực là một hành động kém khôn ngoan về chiến lược của Bắc Kinh. Nó chỉ khiến các quốc gia có liên quan trong tranh chấp chủ quyền nỗ lực hơn nữa hoặc tiến tới xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Trong khi triển vọng về một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông vẫn còn rất xa vời, điều quan trọng hơn mà Bắc Kinh nên thực hiện là đưa ra lời giải thích rõ ràng về việc thiết lập ADIZ trên Hoa Đông. Hành động này vấp phải rất nhiều phản đối cũng như sự hoài nghi quanh tính đúng đắn về mặt pháp lý của nó. Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) từng nhấn mạnh yêu cầu này trong một bản báo cáo trình Quốc hội Mỹ. Bắc Kinh tương lai vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan đến ADIZ ở Hoa Đông trong quan hệ ngoại giao song phương với những cường quốc cùng chia sẻ lợi ích tại khu vực, đặc biệt là Mỹ.
Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc đưa ra trên biển Hoa Đông (màu đỏ). Ảnh: Japan Ministry of Defense.
Vũ Hoàng
Theo Diplomat
Trung Quốc nói đảm bảo an toàn trong ADIZ ở Hoa Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đảm bảo an ninh trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông cách đây một năm, nhưng các chuyên gia cảnh báo tình hình có thể thay đổi.
Máy bay quân sự của Nhật Bản bay quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông - Ảnh: Reuters
Ông Geng Yansheng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 27.11 đã bác bỏ những chỉ trích cho rằng ADIZ làm kích ngòi căng thẳng trong khu vực, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 28.11.
"Trong năm qua, chúng tôi đã duy trì an toàn hàng không và ổn định ở biển Hoa Đông và đảm bảo trật tự trong khu vực", ông Geng nói trong một buổi họp báo. Ông Geng cho biết Trung Quốc đã tăng cường giám sát những máy bay nước ngoài đi qua ADIZ trên biển Hoa Đông.
Nhưng ông Geng đã phớt lờ câu hỏi của phóng viên về việc liệu Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ tương tự trên biển Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và những nước láng giềng Đông Nam Á. Ông Geng cho hay: "Chúng tôi tự tin về sự ổn định ở biển Đông và quan hệ giữa chúng tôi với các quốc gia láng giềng".
Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào ngày 23.11.2013, đề nghị tất cả những máy bay qua ADIZ này phải khai báo với chính quyền Trung Quốc.
ADIZ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập bao trùm gần hết biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư, chồng lấn ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ, Nhật, Hàn cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích gay gắt ADIZ của Trung Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói việc Trung Quốc thiết ADIZ trên biển Hoa Đông là một hành động "hết sức nguy hiểm".
Các chuyên gia cho hay mặc dù vẫn chưa có những vụ xung đột nào giữa Trung Quốc và Nhật bản liên quan đến ADIZ, nhưng nguy cơ xung đột vẫn tiềm tàng nếu Bắc Kinh quyết định sử dụng vũ lực ở ADIZ. "Hiện tại chúng ta vẫn chưa chứng kiến bất kỳ những vụ đụng độ nào và dường như ADIZ ở biển Hoa Đông vẫn chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia khác", ông Zhang Baohui, chuyên gia an ninh thuộc Đại học Lĩnh Nam (Trung Quốc), cho hay.
Tuy nhiên, ông Mathieu Duchatel, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), nhận định Bắc Kinh vẫn chưa thực thi những quy định, như khai báo khi bay qua ADIZ, nhưng có khả năng thi hành kèm với sử dụng vũ lực trong tương lai. Trung Quốc từng tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào qua ADIZ mà không khai báo với chính quyền nước này.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Nhà nước Hồi giáo áp đặt 'luật khủng bố' ở Syria Liên Hợp Quốc khẳng định phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang gieo rắc tội ác chiến tranh và áp đặt "luật khủng bố" tại các khu vực chúng kiểm soát ở Syria. Các tay súng Nhà nước Hồi giáo diễu hành tại Raqqa, trung tâm đầu não của nhóm khủng bố ở Syria. Ảnh: AP Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)...