Cả khu dân cư kêu cứu vì bị… muỗi tấn công
Cuộc sống của người dân khu dân cư (KDC) ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM bị đảo lộn vì sự xuất hiện dày đặc của muỗi mà nguyên nhân từ dự án ngăn lũ sông Sài Gòn đang thi công.
Báo Dân trí vừa nhận được phản ánh của nhiều người dân trong khu dân cư, chung cư xung quanh rạch Môn, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức về việc khu vực này đang bị muỗi tấn công khiến nguy cơ dịch bệnh đe dọa.
Chiều tối 24/1, PV đã có mặt tại khu dân cư này và ghi nhận cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Mới chập tối, nhà nhà đã đóng kín cửa, trẻ em phải mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Nhiều người lớn tay cầm vợt điện, bình xịt…liên tục diệt muỗi nhưng muỗi chết lớp này lại xuất hiện lớp khác.
Nhiều gia đình trong khu dân cư, chung cư xung quanh rạch Môn, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã đóng kín cửa từ chập tối để tránh bị muỗi tấn công.
Người bảo vệ trường mầm non Hiệp Bình Chánh 2 mới 18 giờ đã giăng mùng để chui vào tránh muỗi. Ông cho biết, hơn một tháng nay muỗi càng ngày xuất hiện càng nhiều nhất là vào thời điểm chập tối.
Người dân phải giăng mùng từ sớm và dùng mọi cách như xịt thuốc, dùng vợt điện…để bắt muỗi.
Chị L., một phụ huynh có con học tại trường mầm non nói trên vô cùng lo lắng chia sẻ: “Ngày nào đi học về trên người con tôi cũng đầy vết muỗi đốt. Cả trường hơn 200 cháu bé học sát con rạch đầy muỗi nên phụ huynh vô cùng lo lắng con em mình nguy cơ bị sốt xuất huyết”.
Video đang HOT
Trường mầm non Hiệp Bình Chánh 2, nơi có hơn 200 cháu nhỏ theo học nằm sát con rạch Môn bị ứ đọng lục bình đầy muỗi. Phụ huynh vô cùng lo sợ cho sức khỏe con em mình.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ quán cà phê cạnh cầu Rạch Môn thì than: Nhiều ngày qua ông buôn bán vô cùng ế ẩm khi suốt cả ngày, khách vừa ngồi xuống ghế chưa kịp gọi nước thì phải “bỏ chạy” vì bị muỗi tấn công. Trong khi đó nhiều gia đình đã phải gởi con em đến các nhà bà con ở nơi khác để tránh muỗi.
Dự án ngăn lũ sông Sài Gòn trên đường số 10, KDC Hiệp Bình Chánh thi công từ cuối năm 2013 đến nay.
Theo quan sát của PV, con rạch Môn (dài gần 1km thông với sông Sài Gòn) đầy rẫy lục bình và chỉ cần vứt cục đá là muỗi bay ra dày đặc. Tuy nhiên ngay trên đường số 10, KDC Hiệp Bình Chánh, một công trình đang thi công đã chặn dòng chảy khiến nước tù đọng không thông dòng ra sông lớn.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết công trình này là dự án ngăn lũ sông Sài Gòn và đó cũng là nguyên nhân gây ứ đọng dòng chảy làm phát sinh muỗi ở KDC.
Đây là nguyên nhân làm ứ đọng dòng chảy rạch Môn…
Gây ra tình trạng phát sinh muỗi khiến cuộc sống cả KDC bị đảo lộn.
“Dự án này được khởi công từ cuối năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Ất Mùi (khoảng giữa tháng 2/2015), tuy nhiên chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư, đơn vị thi công để sớm khơi thông dòng nước không để phát sinh muỗi nữa”, ông Tú cho biết.
Được biết Trung tâm y tế dự phòng quận Thủ Đức cũng thường xuyên phun xịt hóa chất để diệt muỗi. Tuy nhiên do tuyến kênh bị tù đọng lâu ngày nên việc phun xịt hóa chất cũng không thấm vào đâu, vì số lượng muỗi quá lớn.
Vũ Lê
Theo Dantri
Bộ nào có 12 dự án nằm ngoài quy hoạch của Thủ tướng?
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc các Bộ ngành thực hiện hàng loạt dự án không có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sai phạm, nhưng danh tính Bộ ngành đó thì đến nay vẫn chưa rõ!
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ sáng 23/1, phóng viênDân trí đặt câu hỏi: Báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ vừa được Thanh tra Chính phủ công bố đã phát hiện một Bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư hơn 14.600 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản 673 tỷ đồng. Vậy đó là Bộ nào? Thanh tra Chính phủ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu Bộ ngành có sai phạm không?
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trả lời tại cuộc họp báo sáng 23/1.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí, ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I)- Thanh tra Chính phủ, cho biết đây là những nội dung tại báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng đối với các dự án có nguồn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Thanh tra Chính phủ không trực tiếp thanh tra mà chỉ tổng hợp từ kết quả thanh tra được các bộ ngành, địa phương gửi về. "Nếu các nhà báo cần cung cấp chi tiết từng dự án, tên từng chủ đầu tư thì có thể sau cuộc họp này liên hệ để chúng tôi cung cấp"- ông Bảy nói.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, khẳng định việc báo chí quan tâm tới vấn đề này là xác đáng bởi vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản gây bức xúc thời gian qua và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị đối với các trưởng ngành, trưởng cơ quan, UBND các tỉnh rất rõ. "Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cuộc thanh tra diện rộng, nhưng lần này khác với các lần trước là chúng tôi không tổ chức các đoàn để thanh tra các dự án do bộ ngành, địa phương thực hiện mà chúng tôi yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiến hành rà soát, thanh tra theo thẩm quyền về khối lượng, số liệu dự án, số liệu về tổng mức đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh tổng mức đầu tư, nợ đọng,..."- ông Khánh nói.
Ông Khánh mong muốn báo chí hợp tác với Thanh tra Chính phủ để khai thác những con số trong bản tổng hợp kết luận thanh tra này để hướng tới việc chấn chỉnh đối với các đơn vị liên quan. "Đây là tự các Bộ, UBND các tỉnh tự tổ chức thanh tra, kiểm soát, nhưng chúng tôi hướng dẫn họ kiểm tra và tổng hợp kết quả. Tới đây xử lý như thế nào thì chúng tôi đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng và chắc chắn sẽ có đề xuất xử lý từng việc. Do khối lượng công việc lớn quá nên nói ngay ở đây chưa được"- ông Khánh phân trần.
Ông Khánh khẳng định Thanh tra Chính phủ "có trong tay" đầy đủ tên các dự án vi phạm, thuộc sự quản lý của các bộ ngành nào và hiện nay tình trạng ra sao. "Ở đây có rất nhiều Bộ vi phạm như thế. Thời điểm phê duyệt dự án chưa có điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng, còn sau này có hay chưa có (quy hoạch) thì lại là chuyện khác. Đề nghị anh Bảy xem ngay, những nội dung gì liên quan tới diện rộng, Vụ I cộng tác với báo chí để thông tin chính xác trên tinh thần cởi mở hết toàn bộ tài liệu"- ông Khánh chỉ đạo.
Ông Ngô Văn Khánh giải thích thêm: "Do chúng tôi không trực tiếp thanh tra, mà chỉ tổng hợp kết quả. Quá trình tiến hành từ đầu năm, cập nhật từ các cấp trở lên; từ cấp tỉnh phải liên quan đến dự án ở cấp huyện. Con số mà chúng tôi cập nhật lên, dạng sai phạm mà chúng tôi hướng đến thời điểm này đã xử lý hay chưa, trách nhiệm thế nào vẫn phải kiến nghị xử lý đúng mức, đến nơi đến chốn. Chắc chắn chúng tôi sẽ công khai đầy đủ nhưng khối lượng, tư liệu lớn vậy nên ở đây chúng tôi không thể thông tin đầy đủ được".
Kết thúc buổi họp, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đã đi theo ông Lê Sỹ Bảy tới văn phòng của Vụ I để xin báo cáo tổng hợp chi tiết về cuộc thanh tra này. Tuy nhiên cán bộ được giao phụ trách tổng hợp kết quả thanh tra của Vụ I lấy lý do "Tổng Thanh tra Chính phủ chưa ký duyệt" nên chưa thể cung cấp cho báo chí.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, báo cáo của 15 Bộ ngành đã cho thấy hàng loạt những thiếu sót, sai phạm từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khâu xác định nguồn vốn, phân bổ vốn đối với các công trình, dự án đã được phát hiện. Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện dự án làm tổng mức đầu tư của dự án thay đổi. Chủ đầu tư chưa xác định rõ về quy mô, công năng sử dụng và thời gian thực hiện dự án ngay từ khi lập dự án nên khi triển khai thực hiện phải phê duyệt lại quy mô dự án vì không phù hợp, phải điều chỉnh thiết kế hoặc thay đổi toàn bộ thiết kế.
Đơn cử, do còn có những tồn tại, thiếu sót ở khâu chuẩn bị đầu tư lên giá trị của dự án phải bổ sung tăng so với quyết định phê duyệt ban đầu là 21.316 tỷ đồng; bổ sung giá trị các hạng mục thiếu trong thiết kế là 11.533 tỷ đồng; trượt giá tăng do thời gian thực hiện dự án thay đổi, kéo dài làm tăng giá trị vật liệu... là 27.887 tỷ đồng;
Đặc biệt có Bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư là 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền là 673 tỷ đồng. Có Bộ còn một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được bộ thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Nhiều dự án thiết kế xong không sử dụng, có dự án do thiết kế không sử dụng được phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí 60,5 tỷ đồng; nhiều dự án do lập tổng mức đầu tư chưa chính xác nên phải thay đổi nhiều lần (có dự án thay đổi tới 4 lần), có dự án do lập dự án chưa chính xác phải loại bỏ tới 192,8 tỷ đồng.
Có 9 dự án xây dựng trường học ở một bộ được chủ đầu tư phê duyệt nhưng không có vốn đối ứng với tổng số tiền là 68,47 tỷ đồng dẫn tới dự án dở dang không đưa vào sử dụng được; có bộ chủ đầu tư chưa thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoản tạm ứng trước vốn cho nhà thầu tại các dự án bị đình hoãn với tổng số tiền là 521,353 tỷ đồng....
Thế Kha
Theo Dantri
Đề xuất bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội - Tô Văn Động vừa đề xuất UBND thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân. Cầu Nhật Tân được khánh thành từ 4/1/2015, là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á và là điểm nhấn của Thủ...