Ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên: Không tin mình sống khỏe 14 năm
Bệnh nhân được ghép gan từ người cho chết não đầu tiên năm nay đã 59 tuổi. “Tôi không thể tin mình sống khỏe mạnh suốt 14 năm qua, sau lần đã kề cửa tử vì tình trạng suy gan giai đoạn cuối”, ông nói.
Mới đây, ông Trần Ngọc Thanh, 59 tuổi, trú tại Điện Biên, người đầu tiên tại Việt Nam được ghép gan từ người hiến chết não đã đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tái khám.
Tại đây, ông đã hội ngộ vị bác sĩ đã thực hiện ca ghép tạng cứu mình khỏi cửa tử cách đây 14 năm, là PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và gặp gỡ TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện.
Ông Thanh chia sẻ, bản thân sống khỏe mạnh suốt 14 năm qua, nhưng nhiều khi ông vẫn “không thể tin” đó là sự thật, mà như giấc mơ (Ảnh: My My).
Trước đó, năm 2010, khi được chẩn đoán mắc bệnh gan giai đoạn cuối, ông Thanh rơi vào tình trạng nguy cấp và cơ hội duy nhất để tiếp tục sống là ca ghép gan đầy thách thức.
Ông Thanh nhớ lại, thời điểm nằm viện để chờ ghép gan, bản thân ông nghĩ số mình sắp tận. Người nhà đau khổ, vật vã vì khi đó ông còn quá trẻ nhưng cuộc sống gắn liền với giường bệnh, có thể ra đi bất cứ lúc nào vì suy gan giai đoạn cuối.
“Nếu không được ghép gan, tôi sẽ không còn cơ hội sống. Ngay cả khi được thông báo có nguồn gan hiến, tôi được chọn vì tương thích, vì tình trạng nặng, thì tâm trạng vẫn 50-50 vì không biết sau ghép sẽ như thế nào.
Video đang HOT
Không ngờ, 14 năm qua, tôi được sống cuộc đời mới, trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh. Dù vẫn phải uống thuốc thải ghép mỗi ngày, nhưng tôi vẫn đi làm thợ xây, rồi nương rẫy, sinh hoạt bình thường”, ông Thanh tâm sự.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, người thực hiện ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não cho biết, ca ghép của bệnh nhân Thanh đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Đây là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, thời gian thực hiện ghép nhanh chỉ trong 5 giờ 20 phút.
Ông Thanh, người đầu tiên tại Việt Nam được ghép gan từ người hiến tạng chết não, vẫn hoàn toàn khỏe mạnh sau 14 năm kể từ ca phẫu thuật (Ảnh: My My).
“Tôi không thể tin rằng mình đã sống khỏe mạnh suốt 14 năm qua, tất cả đều nhờ bác sĩ và những người đã giúp đỡ tôi trong thời khắc sinh tử. Được gặp lại bác sĩ hôm nay, tôi như sống lại giây phút hồi sinh”, ông Thanh xúc động chia sẻ.
Hàng ngày, ông Thanh vẫn đi làm thợ xây, các sinh hoạt của bản thân như người khỏe mạnh bình thường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Cuộc sống lao động vất vả, nhưng nhìn vào, không ai biết bệnh nhân từng được ghép gan. Mỗi tháng, bệnh nhân chỉ mất thêm 300 nghìn tiền thuốc ngoài bảo hiểm y tế”, PGS Quyết nói.
Ông cũng đánh giá, tay nghề bác sĩ Việt Nam trong ghép tạng là điều không phải bàn cãi. Nhưng cái tuyệt hơn nữa, là khâu tổ chức, thực hiện các cuộc ghép tạng của các bệnh viện ngày càng chuyên nghiệp.
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm nay, cả nước có 25 ca chết não hiến tạng (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô tạng), góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép.
“Các kỹ thuật, tay nghề ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém gì thế giới. Nếu có thêm nhiều nguồn tạng hiến từ người cho chết não, sẽ có thêm nhiều cuộc đời được hồi sinh”, PGS Quyết nói.
Số ca chết não hiến mô, tạng đạt mức kỷ lục
Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.
Chia sẻ tại chương trình Tập huấn về hiến mô, tạng từ người chết não vào chiều 15/11 do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tổ chức, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 28 ca chết não hiến mô, tạng, tăng gấp đôi so với năm 2023. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Song so với thế giới, con số này còn quá ít ỏi. Trong khi các nước, hiến tạng từ người cho chết não là chủ yếu, thì ở Việt Nam, nguồn tạng hiến vẫn là từ người cho sống.
Trong 28 ca hiến tạng chết não có 26 ca tại 10 tỉnh, TP ở phía Bắc, 2 ca tại TP Hồ Chí Minh, còn 52 tỉnh trên toàn quốc không có ca nào hiến mô, tạng chết não. Đây là khoảng trống đòi hỏi công tác vận động hiến mô, tạng phải được đẩy mạnh trên toàn quốc, đặc biệt tăng cường các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện tham gia vào công tác vận động.
PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ tại buổi tập huấn.
TS.BS Phạm Gia Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, ghép tạng của Việt Nam đi sau thế giới 40 năm, nhưng đến nay kỹ thuật ghép tạng của nước ta đã tiếp cận được với thế giới. Tính từ tháng 6/1992 đến tháng 8/2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.089 ca ghép tạng, trong đó có 8.536 ca ghép từ người cho sống, chiếm 94%; 533 từ người cho chết não, chiếm 6%.
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, đến nay, Bệnh viện Việt Đức mới có trên 100 ca chết não hiến tạng, chủ yếu là chấn thương sọ não. Trong khi ở nước ngoài, người chết não hiến tạng chủ yếu là mắc các bệnh lý về não như đột quỵ, tai biến mạch máu não...Tại Việt Nam, chủ yếu người hiến tạng chết não là do chấn thương sọ não, các bệnh viện đa khoa chưa tập trung vào các ca đột quỵ chết não hiến tạng.
ThS Phạm Thị Đào, Phụ trách Phòng tư vấn điều phối ghép tạng, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết, Quảng Ninh nằm trong top 10 tỉnh có người chết não hiến tạng nhiều của cả nước. Đến nay, đã có 4 ca chết não là người Quảng Ninh hiến tạng. Một người chết não hiến tạng, có thể lấy được 20 mô, tạng cứu nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Một ca ghép phổi từ người hiến chết não.
Theo đánh giá PGS.TS Đồng Văn Hệ, Quảng Ninh có lực lượng cấp cứu ngoại viện lớn, việc tổ chức lớp đào tạo cho các bác sĩ cấp cứu 115 nói riêng và bác sĩ các bệnh viện trong hệ thống y tế Quảng Ninh nói chung, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh sẽ làm tốt công tác vận động người chết não hiến mô, tạng cứu người.
Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, Sở Y tế đã giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Bãi Cháy thành lập hội đồng đánh giá chết não, cử bác sĩ của các bệnh viện này đi học tập về kỹ thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi học xong, có thể sẽ tiếp tục học tập ở nước ngoài để về triển khai ghép tạng vào năm 2025.
"Quan trọng nhất là nguồn tạng ở đâu? Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chết não hiến mô, tạng. Để làm được điều này, việc quan trọng là phát hiện những người chết não tiềm năng để tổ tư vấn tiếp cận với người thân, gia đình của họ và vận động. Hy vọng sẽ có nhiều người chết não hiến tạng, bởi mỗi bệnh nhân chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống từ 8-10 người", BS Diện cho biết.
Nam công nhân chết não hiến tạng cứu 4 người Sau 9 ngày anh S. điều trị đột quỵ không cải thiện, gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để cứu 4 người bệnh khác. Ngày 28/10, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, đơn vị tiếp nhận trường hợp người bệnh L.T.S (SN 1988, nghề nghiệp công nhân lái xe máy xúc) đến...