Cá dét đồng quê, ai đi xa cũng nhớ
Đứa bạn vừa xuống sân bay Phú Bài liền gọi: “Mi kiếm cái quán mô hay hay ngồi chút. Mà phải có cá dét đó nghe, tau thèm cái món ni quá chừng!”. Cũng may là món cá dét ở Huế không khó tìm…
Mùa gặt. Khi những thửa ruộng sát với con đường làng vừa cắt lúa xong. Chân ruộng vẫn còn đọng nước, sền sệt bùn non là nơi trú ngụ của loài cá dét. Cá dét là loài cá da trơn sống dưới bùn giống mấy loại cá lấu, cá măng ở suối.
Cá dét làm lẩu ở nhiều quán nhậu. Ảnh: Lê Thọ
Video đang HOT
Quê mình không gọi là đi bắt cá dét mà là đi đào cá dét bởi cứ dùng tay đào bùn là cá dét hiện ra cứ thế dùng hai tay bụm lại cho vào oi. Cá dét sống nhiều nhất ở những thửa ruộng sát với đường làng có bóng cây che mát cả ngày. Con to khoảng bằng ngón chân cái màu vàng ươm, con nhỏ cũng bằng ngón tay… Ai nhanh tay, “sát ngư” thì khoảng một tiếng đồng hồ là đã có gần rổ cá dét đầy. Cá dét được chế biến thành nhiều món ăn từ cá dét kho khô với ớt, cá dét chiên tẩm bột chấm nước mắm. Nhưng ngon nhất vẫn là món canh chua cá dét. Đó là món khoái khẩu đồng quê ai đi xa cũng nhớ và sau này nó đã phát triển thành món lẩu cá dét nơi các quán nhậu đó đây từ quê đến phố…
Những người dân làng Kế Môn cạnh làng mình là những người sành ăn với hai món đặc sản của quê hương là con dông trên độn và con cá dét dưới đồng. Họ làm bẫy bắt dông về nấu canh với mướp đắng và dùng rổ xúc cá dét về nấu canh chua. Trẻ con làng tôi hay đọc câu vè: “Phù Lai đan rổ đan tràn- Kế Môn xúc cá hai làng ăn chung” mỗi khi thấy những phụ nữ người làng Kế Môn về tận làng mình mang oi, cầm rổ đi xúc cá.
Họ thường đi xúc cá vào buổi trưa đến chiều, tay cầm rổ, bên hông đeo một cái oi để đựng cá. Cái rổ xúc cá được đan thiệt sâu, thiệt chắc để người xúc cá có thể đặt vào các chỗ nước ngang bắp chân rồi dùng chân kia xủi nước, bùn cho cá chạy vào rổ. Tất nhiên mỗi lần xúc có đủ loại cá tôm cua cáy; nhưng quý nhất vẫn là cá dét… Mình nghe nói người dân làng trên còn phơi khô cá dét đóng bao bì gửi cho người làng ở phương xa như là một món quà quý của quê hương. Đặc biệt, họ còn biết cách dự trữ cá dét cho bằng cách xay cá dét khô thành bột cho vào hũ. Mùa đông đến, mỗi khi nấu canh, bà nội trợ chỉ bỏ vào vài muỗng là món canh chua có vị cá dét ngon tuyệt…
Lâu rồi không còn thấy lại hình ảnh những người đi xúc cá ở những chân ruộng, ao hồ. Có lẽ cái nghề xúc cá ở quê đã không còn nữa vì cá ít dần và cả những phương tiện đánh bắt thủy sản hiện đại và hủy diệt hơn đã làm cho bao nhiêu loài cá cứ xa dần đồng ruộng, ao hồ. Không biết bữa ni sau mùa gặt cá dét có còn ẩn nấp nhiều dưới những lớp bùn non chân ruộng không nhỉ? Hay cũng như lũ trê, rô, cá dét đã thành của hiếm của đồng quê rồi?
Trưa ni, thưởng thức món lẩu cá dét ở quán cùng người bạn mà răng không có cái vị béo bùi như xưa nên cứ ngờ ngợ là cá dét nuôi chứ không phải cá dét đồng quê tự nhiên như vẫn thường được ăn trong mỗi buổi cơm mạ nấu nên cảm giác không được ngon cho lắm…
Rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh
Trưa đi làm về, thấy bên khe cửa có bó rau tàu bay, biết là bạn lại ghé nhà mà không gặp. Nắm rau tàu bay tươi roi rói, chắc là bạn mới hái trên đồi chiều hôm trước.
Bạn dùng lá chuối xanh cẩn thận gói bên ngoài mớ rau, bên trong còn kèm mảnh giấy ghi mấy chữ. Bạn nói có việc về phố, tiện đường đem cho mình nắm rau, kêu mình kiếm mấy con tôm kho đánh mà chấm, bạn phải về gấp nên chẳng có thời gian gặp mặt chuyện trò. Mình ít thấy ai như bạn, chẳng chịu dùng điện thoại, nên có việc gì bạn đều lôi giấy bút ra dùng.
Rau tàu bay là loại rau dại thường mọc hoang ở lưng chừng đồi, ngoài chợ hiếm lắm mới có người bán. Mình chỉ được ăn khi nào về quê hay những lúc bạn ghé phố rồi tặng cho một ít như hôm nay. Nhìn đám rau xanh mơn mởn trên tay, không dưng lại nhớ ngày xưa mình và bạn thường hay ra sau đồi hái rau tàu bay về chế biến món ăn. Rau tàu bay mẹ thường hay nấu canh với chút ruốc. Chán ăn canh, mẹ lại chuyển sang luộc hoặc xào. Rau luộc thì chấm nước ruốc kho. Rau xào thì thêm tỏi đập dập vào cho thơm.
Mình ghiền món rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh nhất. Ăn ngon đến nhức răng. Chỉ hôm nào ba ra đồng, may mắn kiếm được chục con tôm, mẹ mới làm món này. Những hôm mẹ luộc rau tàu bay chấm nước tôm kho đánh, cả nhà có khi ăn rau thay cơm. Mà những ngày xưa ấy, khi cơm còn bữa đói bữa no, thì việc ăn rau thay cơm chẳng có gì lạ. Chứ chẳng như bây giờ, hôm nào bắt gặp một mớ rau tàu bay bán bên góc chợ, thì mừng như bắt được vàng. Tưởng như cả trời quê hiện hữu nơi góc phố.
Chế biến món rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh đơn giản lắm. Rau tàu bay ngắt lấy lá và đọt non rồi rửa sạch. Khi nồi nước luộc rau sôi to, mới cho rau vào. Mẹ mình truyền bí kíp để luộc rau xanh, là chỉ cho từng nhúm rau thật nhỏ vào nồi nước đang sôi. Đợi cho đến khi nước sôi lại, mới cho nhúm rau kế tiếp vào. Luộc rau cũng phải thong dong từ tốn như thế, thì rau mới giữ được cái nét xanh tươi non mềm như hồi vẫn ở trên cây. Mà cái vị ngọt của rau dại vẫn giữ được nét ban sơ vốn có.
Kế đến là làm nước chấm rau. Tôm rửa sạch, bóc vỏ rồi băm nhỏ, cho tiêu, hành, muối, bột ngọt vào ướp chút xíu. Bắc chảo lên bếp, cho hành băm nhỏ vào phi thơm thì cho tôm đã ướp vào xào chín, rồi đổ lưng lưng chén nước vào nấu cùng. Đến lúc nước sôi lăn tăn thì nêm thêm tí ruốc cho thơm nồng đậm vị. Món tôm kho đánh của mẹ lên màu rất đẹp nhờ gạch tôm, nên không cần phải thêm cà chua hay ớt bột. Muốn chén nước chấm thêm đậm đà, khi ăn xắn thêm trái ớt chỉ thiên chín đỏ là vừa đủ.
Rau tàu bay luộc lên có vị ngọt tươi, non mềm. Là vị ngọt ban sơ của loài rau dại mọc hoang trên đồi, lớn lên cùng sương gió trời đất mà chẳng cần phân, thuốc của bàn tay con người vun xới. Nên cái ngon, cái ngọt của rau thanh tao lắm. Nhai từng cọng rau trong miệng, nghe cái giòn giòn, sật sật của từng cong rau lăn qua lăn lại trên đầu lưỡi, cái vị ngọt của rau tứa ra, vị thơm thơm đong đầy khoang miệng, thiệt là thích. Nước chấm tôm kho đánh cay nồng vị ớt, ngọt lành vị tôm, lại thơm thơm mùi ruốc Huế. Trời mưa bay bay, se se lạnh, bưng chén cơm nóng, ăn với rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh. Thiệt là ngon không gì sánh được.
Lẩu mắm U Minh Cà Mau - Đậm đà tình quê Mùi mắm nồng, thậm chí khá khó ăn nhưng cũng là một mùi gây nghiện, mà nghiện rồi là khó cai. Nếu nó được chế biến khéo như Lẩu Mắm U Minh thì chẳng khác gì liều thuốc kích thích khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác. Toàn bộ giác quan sẽ bị gây tê để đi vào con đường khám phá...