Cà đắng lên mâm
Loại quả dùng làm nguyên liệu quen thuộc cho tô súp cay nồng đậm đà hương vị sơn cước của đồng bào nhiều dân tộc khắp vùng Đông – Nam Á, là cà đắng.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không quên món cà đắng trong mọi dịp vui đãi khách với món gỏi trộn cá cơm khô hay nấu súp. Cà đắng có nhiều loại: Cà hạt nút nhỏ xíu bằng đầu ngón tay mà trẻ em Ê Đê, Mơ Nông chấm muối ớt ăn sống giòn tan như trẻ người Kinh ở phố nhai kẹo; Loại hình ôvan to bằng quả cà pháo, mầu xanh đậm đắng thường mọc hoang trên rẫy; Loại thuôn dài như cà vú dê được nhà thơ Văn Công Hùng hào hứng giới thiệu trong tiểu phẩm văn hóa ẩm thực Gia Lai. Các loại cà này cây chỉ cao vài tấc đến một mét. Riêng loại sum suê chót vót như cây cổ thụ phải bắc giàn mà đỡ thì lần đầu tiên tôi thấy trong vườn nhà cố nhạc sĩ Phạm Cao Đạt ở phố núi Kon Tum. Đó là giống cà đắng ở tỉnh Atôpư – Nam Lào. Ông A Đôi cán bộ tỉnh Kon Tum sang công tác phát hiện được, mừng lắm xin cả túi quả khô về làm quà cho buôn làng. Nhạc sĩ Cao Đạt điền dã nghiên cứu văn hóa dân gian, nấu ăn ngon, đến đâu cũng thủ sẵn túm quả tươi để tự tay làm bếp và mớ hạt cà tặng gia chủ. Thế là giống cà lạ nhanh chóng bén rễ xanh tốt trên khắp Tây Nguyên với cái tên mới là “cà ông Đạt”.
Chỉ cần gieo hạt trên đất ngày tưới hai lần, ba tháng sau lùm cà đã chi chít quả. Chỉ đôi ba trái và nắm đọt lá non đủ ninh thành món súp. Cà đắng hợp với cá. Cá suối, cá khô, cá hộp đều được nên thật dễ nấu. Kỹ hơn thì châm thêm nước xương hầm cho ngọt. Bổ đôi quả cà, lát cắt trắng tinh tỏa mùi thơm mát dễ chịu! Rửa sạch, bỏ cuống, xắt miếng vuông rửa qua nước muối cho ráo nhựa. Phi mỡ với củ nén đập dập cho thơm, thả cà vô xào, châm vài muỗng nước, nêm ít nước mắm ngon, vài quả ớt giầm, đậy vung chờ cà mềm rồi châm vào một hộp cá, đảo cho thấm nhuyễn, nêm nếm lại tý gia vị, thế là xong. Ai không quen cay đắng đành chỉ ngồi nhìn thực khách xì xụp chan húp, hít hà khen ngon mà thèm.
Nghệ sĩ Trương Ân, người đầu tiên chế tác ra bộ đàn đá san hô độc đáo, chả biết vì sao tự nhận tên thường gọi là “anh Cà”. Dù là khách phương xa hay dân bản địa Tây Nguyên, được thưởng thức một lần những món cà đắng đậm đà do anh Cà hái từ góc vườn nhỏ của Đoàn Ca múa Đắk Lắk tự nấu chiêu đãi, sẽ nhớ hoài không quên.
Theo MNSG
Video đang HOT
Lạ lùng gỏi cà đắng cá khô Tây Nguyên
Những trái cà đắng được thái lát, trộn chung với cá khô cùng các loại rau và gia vị cho vừa ăn, đây là món gỏi rất nổi tiếng ở vùng đất Tây Nguyên.
Cà đắng là một loại cây hoang dại có nhiều ở vùng đồi núi Tây Nguyên. Có hình dáng gần giống cà pháo nhưng quả cà đắng lớn hơn một tí, vỏ có vân màu xanh và khi ăn thì có vị đắng. Không những là một món ăn ngon, cà đắng còn rất bổ dưỡng vì giúp đồng bào ở đây tránh được các bệnh thấp khớp, đau nhức xương.
Quả cà đắng có da màu xanh với những đường vân dọc, lớn hơn quả cà pháo một tí và có vị đắng. Ảnh: N.T.
Trước đây, cà đắng là một thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người dân tộc Ê đê. Ngày nay, những món ăn từ cà đắng đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng đặc sản Tây Nguyên, với nhiều món ăn nổi tiếng như cà đắng hầm giò heo, canh cà đắng, cà đắng nướng dầm nước mắm... Nhưng món ăn được nhiều người ưa thích nhất phải kể đến là gỏi cà đắng cá khô vì giữ được vị đắng đặc trưng của loại quả này.
Gỏi cà đắng là một món ăn bình dị của đồng bào Ê đê, ngày nay, nó trở thành đặc sản trong các nhà hàng Tây Nguyên. Ảnh: Khánh Hòa.
Món gỏi đơn giản với cà đắng, cá khô cùng một ít gia vị. Người Ê đê chế biến món này bằng cách rửa sạch quả cà, đặt từng quả lên thớt, dùng dao to bản đập dập nát, ngâm vào dấm chua khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Tuy nhiên, khi chế biến trong các nhà hàng, đầu bếp ở đây không đập dập mà thái cà thành từng lát mỏng, để món ăn được đẹp mắt và thấm đều gia vị hơn.
Cá khô để trộn gỏi chung với cà rất phong phú như: cá cơm, cá trích... Cho cà đắng vào một cái thố lớn, trộn đều với cá khô, nêm gia vị cho vừa ăn. Sau đó bạn cho vào ớt tươi và lá lốt thái nhỏ, trộn đều, vị cay của ớt, hương thơm của lá lốt đem lại hương vị độc đáo cho món ăn.
Cá cơm khô là nguyên liệu chính để trộn với món gỏi này, ngoài ra có thể dùng cá trích, cá nục.... Ảnh: Khánh Hòa.
Gắp một miếng gỏi cho vào miệng và thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được sự tổng hòa của các hương vị. Đó là vị đắng của cà, vị mặn của cá khô, cái cay xé lưỡi của ớt, hương thơm của rau... Tất cả hòa quyện vào nhau làm nên món ăn đậm đà, ngon miệng mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây Nguyên.
Khánh Hòa
Theo VNE
Canh cà đắng Nhiều người bảo, thú ẩm thực của người Việt dường như đã có sự đổi ngôi lạ lùng. Vào nhà hàng, quán nhậu sang trọng, những món ăn trước kia bị cho là quê mùa, dân dã nay trở thành "đặc sản", từ động vật như cua đồng, ốc, ếch..., đến các loại rau "đỡ đói lòng" như rau bí, rau khoai, rau...