Cá chết tại biển Thanh Hóa liên quan việc súc rửa đường ống dẫn dầu?
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận bước đầu về nguyên nhân cá chết tại vùng ven biển xã Tĩnh Hải và xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia vừa qua. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang đặt ra nhiều nghi vấn về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại địa phương này.
Ngày 10/9 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cá chết. Theo đó, kết luận bước đầu về nguyên nhân cá chết bất thường tại vùng ven biển xã Tĩnh Hải và xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ.
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, qua kiểm tra cho thấy, tại khu vực cảng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng. Hiện tượng nước biển như trên phù hợp với mô tả của ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản phát hiện được trên biển có một mảng lớn nước biển màu nâu đỏ. Đến ngày 9/9 thì khối nước màu nâu đỏ trôi dạt vào bờ và không còn hiện tượng cá chết.
Để làm rõ hơn về nguyên nhân cá chết tại Thanh Hóa, Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ NN&PTNT và Trung tâm quan trắc môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã cử đoàn công tác về làm việc và lấy các mẫu nước để xét nghiệm.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến sự việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành súc rửa đường ống dẫn dầu và xả thải ra biển, theo ông Lê Văn Bình – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, việc này đã diễn ra từ ngày 9/6 và đến ngày 30/8, Bộ TN&MT cũng đã có kết luận số 734/KLKT-TCMT về vấn đề này.
Kết luận cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang thực hiện thử áp lực và súc rửa đối với đường ống tiếp nhận dầu thô từ phao rót dầu không bến vào nhà máy, với chiều dài 35 km. Hoạt động súc rửa nêu trên được tiến hành bằng cách bơm nước biển có hòa thêm hóa chất, gồm: 31.708 lít Hydrosure (O – 3670R) và 1.588 lít chất tạo màu (CH2Na3O4).
Vào lúc 15h, ngày 9/6, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu tiến hành xả trực tiếp ra biển và đến 17h ngày 11/6, thì dừng lại theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, Sở TN&MT Thanh Hóa.
Video đang HOT
Được biết, tổng lượng nước thải của quá trình súc rửa đường ống của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 75.100m3 , đơn vị này đã xả trực tiếp ra biển hơn 42.000m3 , còn lưu giữ lại khoảng 33.000m3 trong đường ống.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì nước làm sạch và thử thủy lực không được thải trực tiếp ra môi trường, mà phải xử lý tách cặn dầu mỡ và xử lý hóa chất bằng cách bơm chất trung hòa vào đường ống nước trước khi bơm xả.
Như vậy, việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tự ý xả nước làm sạch và thử thủy lực đường ống tiếp nhận dầu thô không qua xử lý nêu trên là không đúng quy định.
Bộ trưởng TN&MT yêu cầu phân tích mẫu nước biển
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa giao Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt nói trên; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học phối hợp tham gia lấy mẫu và phân tích mẫu nước biển.
Tổng cục Môi trường cũng được yêu cầu kiểm tra ngay thông tin về việc phát hiện tàu chở bùn thải trong dự án nạo vét ven bờ khu vực cảng Nghi Sơn đổ ra biển; phân tích mẫu bùn thải và làm rõ nguyên nhân có liên quan, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/9.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẩn trương thực hiện cụ thể các nhiệm vụ nêu trên.
Bộ TN&MT cũng yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải có biện pháp xử lý khoảng 33.000m3 nước thải thử thủy lực còn lại và báo cáo về Bộ TN&MT, đồng thời yêu cầu đơn vị này chỉ được phép thực hiện khi có chấp thuận của Bộ.
Cùng trong thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên biển Nghi Sơn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An bắt giữ một tàu vận tải đang đổ chất thải xuống vùng biển giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nghệ An, khiến dư luận hoài nghi về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thi – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa – khẳng định với PV Dân trí là chưa có bất kỳ kg chất thải nào từ Formosa được đưa ra xử lý tại đây.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa khẳng định, không có chuyện chất thải của Formosa được vận chuyển ra Thanh Hóa, đồng thời không liên quan đến vụ việc lực lượng Biên phòng Nghệ An bắt giữ tàu đổ chất thải xuống biển hay tình trạng cá chết trên địa bàn ven biển huyện Tĩnh Gia.
Trong khi đó, Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh về việc thanh lý hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý 400 tấn bùn thải. Đây là đơn vị xử lý chất thải nguy hại đã được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại lần 3 ngày 30/5; là đơn vị có đủ chức năng và năng lực để xử lý các loại chất thải nguy hại trong đó có bùn thải nguy hại.
Hiện nay, Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn đã ký kết hợp đồng để xử lý khoảng 400 tấn bùn thải của Cty Formosa. Tuy nhiên, theo phía Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn thì số bùn thải này Formosa đã giao trái phép cho Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và đang bị cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh thu giữ, niêm phong tại xưởng của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà.
Tính đến thời điểm ngày 5/9, Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn vẫn chưa tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý đối với 400 tấn bùn thải nói trên do số lượng bùn thải này đang là tang vật của vụ án bàn giao trái phép chất thải và hiện chưa có kết luận chính thức của cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh về vụ án.
Vì vậy, Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn xin đề nghị chấm dứt hợp đồng và tiến hành thanh lý đối với hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý đối với 400 tấn bùn thải nói trên.
Duy Tuyên – Thế Kha
Theo Dantri
Hội nghề cá loại trừ nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ
Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản cho rằng nguyên nhân cá chết có thể là do chất độc, không phải do thủy triều đỏ (tảo nở hoa).
Chiều 28/4, Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về hiện tượng cá chết hàng loạt tại biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Theo Hội Nghề cá, nguyên nhân do thủy triều đỏ như bị loại trừ, vì những biểu hiện đặc trưng của thủy triều đỏ không được ghi nhận trong thực tế. Chẳng hạn, lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển; cá tầng mặt chết hàng loạt; xác tảo trôi dạt vào bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối...
Hội Nghề cá đồng tình với nguyên nhân cá chết có thể do chất độc. Lý do là đa số cá chết ở tầng đáy, phát hiện lần đầu ở ven biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Chất độc theo dòng hải lưu chảy từ Bắc xuống Nam tiếp tục gây chết ở Quảng Bình, tiếp đó là Quảng Trị và phía Bắc Thừa Thiên-Huế. Tại đây, chất độc đã được pha loãng nên không thấy hiện tượng cá chết.
Liên quan việc truy tìm nguyên nhân gây ra chất độc, Hội Nghề cá cho biết, đến nay, không có bằng chứng nào (động đất, sóng thần, núi lửa...) dẫn tới nhận định đáy biển sinh ra chất độc làm chết cá tầng đáy. Do vậy, giả thiết chất độc do con người gây ra là tương đối có cơ sở.
Hội cũng đề nghị làm rõ, kết quả phân tích chất độc của mẫu đất lấy ở cuối nguồn các ống xả và kết quả phân tích, chất độc của mẫu lấy từ mang và dạ dày cá chết. Từ hai kết quả phân tích đó, có thể kết luận cá chết có phải vì chất độc không. Nếu cá chết do chất độc, thì chất độc đó có phải do nguồn xả thải của các nhà máy tại huyện Kỳ Anh không.
Theo Hội Nghề cá, trong khi chưa xác định được nguyên nhân cá chết, các bộ cần chỉ đạo các tỉnh bố trí lực lượng hằng ngày thu gom cá chết để tiêu hủy, không để xảy ra tình trạng người dân tự do gom cá mang đi nơi khác bán cho người ăn tươi, chế biến thành cá khô, cá mắm hoặc nước mắm.
Ngoài ra, cần hỗ trợ những hộ nuôi trồng thủy sản ven biển, nuôi cá biển, ngư dân khai thác thủy sản ven bờ 4 tỉnh trên bị thiệt hại. Hỗ trợ họ ít nhất 15 kg gạo/tháng, tính từ tháng 4 đến khi có giải pháp khôi phục sản xuất.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Hội nghề cá lên tiếng về nguyên nhân thuỷ triều đỏ gây chết cá Cho rằng các biểu hiện đặc trưng của tảo nở hoa (thuỷ triều đỏ) đều không có trong thực tế, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị làm rõ có bao nhiêu ống xả thải ra vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hai hướng điều tra nguyên nhân cá chết là chất độc...