Cá biển chết hàng loạt, trường học “gồng mình” lo bữa trưa cho học sinh
Từ hai tuần nay, bữa ăn trưa của trường Tiểu học Núi Thành ( quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã không còn các món được chế biến từ cá biển.
Thay vào đó, HS được chuyển sang ăn trứng, thịt, tôm sông hoặc thịt bò. Các trường mầm non, Tiểu học ở Đà Nẵng đều tạm thời không có các món ăn từ hải sản trong thực đơn hàng ngày.
Cân đối kinh phí của các bữa ăn để vừa phù hợp với mức thu vừa đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm là bài toán của các trường học trước tình trạng cá biển chết hàng loạt trong những ngày qua.
Phụ huynh “nhấp nhổm”
Gửi con ở một trường mầm non cũng thuộc vào loại có chất lượng trong khu vực, chị Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) suốt tuần nay nhấp nhổm theo chuyện ăn uống của con ở trường: “Hôm qua mình đánh bạo hỏi cô giáo về thực đơn của trường có cá hay không. Theo như cô giáo nói thì mấy hôm nay các bé vẫn ăn cá thu và tôm nuôi, nhưng từ mai thì nhà trường sẽ xây dựng lại thực đơn”.
Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng trường Mầm non Cẩm Vân – cho biết: Từ khi các phương tiện truyền thông đưa tin về hiện tượng cá biển chết hàng loạt, phụ huynh rất quan tâm đến thực đơn các bữa ăn tại trường của con em.
“Dù đã công khai thực đơn hàng tuần tại bảng tin nhưng nhiều phụ huynh vẫn gặp Hiệu trưởng để “hỏi lại cho chắc chắn”. Có những phụ huynh còn gợi ý cho nhà trường một số món ăn được chế biến từ thịt, trứng… để làm phong phú thêm thực đơn bữa ăn cho trẻ”.
Trường Mầm non Cẩm Vân cũng thông báo việc sẽ thay đổi thực đơn trên bảng tin để phụ huynh được biết một cách rộng rãi. “Để đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu trong điều kiện không dùng nguồn thực phẩm hải sản, nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định do có sự biến động trong giá cả, hàng cũng phải đặt gối đầu”.
Vất vả trong khâu chế biến
Chuẩn bị bữa ăn cho trẻ tại trường Mầm non Bình Minh.
Video đang HOT
Theo cô Như Lai, món ăn tôm đất và cua đồng nhà trường phải đặt trước 5 ngày mới có hàng. “Thường thì thực đơn phải lên trước một tháng, đã đặt hàng hết rồi, giờ nhà trường phải đổi trả nên công ty cung cấp thực phẩm cũng gặp khó khăn. Món ăn của trẻ thì không còn phong phú vì trẻ con thích ăn tôm, cá nhưng giờ không có.
Các món ăn từ cua đồng, tôm đất cũng không chế biến được nhiều món và phải thêm công đoạn xay và lọc, chủ yếu lấy nước là chính. Chưa kể là nhiều trẻ cũng khó ăn với những thực phẩm này” – cô Trần Thị Như Lai cho biết.
Từ khi không sử dụng nguồn thực phẩm từ hải sản, trường Mầm non Cẩm Vân tăng thêm món lươn trong bữa ăn của trẻ.
Trường Mầm non Bình Minh cũng đã chuyển từ cá biển sang sử dụng cá hồi trong thực đơn của trẻ: “Trong điều kiện các thực phẩm như thịt, tôm, cá… không thể thiếu được trong khẩu phần ăn của trẻ mầm non thì không còn cách nào khác, nhà trường tạm thời phải cân đối kinh phí để duy trì nguồn thực phẩm từ cá cho trẻ”.
Theo khẳng định của cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng nhà trường, dù cân đối thế nào, nhưng khẩu phần ăn của trẻ vẫn phải đảm bảo, chất lượng bữa ăn vẫn phải duy trì để trẻ đủ dinh dưỡng và ngon miệng.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành – cho biết: “Với thực đơn gồm tôm sông, thịt bò… thay cho cá biển như trước đây, chúng tôi phải tính toán lại để vẫn đảm bảo với mức thu 25.000 đồng/ngày ăn gồm cả bữa trưa, bữa xế và hoa quả tráng miệng cho học sinh.
Trước đây, một tuần HS có 3 bữa sữa tươi nhưng giờ được thay bằng sữa đậu nành. Do chi phí của bữa ăn chính tăng lên nên bữa ăn xế cũng phải thay đổi, thay vì món cháo thịt bò, hạt sen và cà rốt thì học sinh sẽ ăn bánh gói. Bộ phận phục vụ bán trú sẽ vất vả hơn nhưng tạm thời trong tình hình này, nhà trường phải chấp nhận”.
Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng) cũng đã lên thực đơn cho 2 tuần tới để gửi cho đơn vị cung cấp thực phẩm, trong đó không có các món ăn được chế biến từ hải sản. Một tuần trước đó, nhà trường đã không sử dụng cá biển trong bữa ăn cho học sinh bán trú.
Theo thầy Hiệu trưởng Đặng Nhứt, điều này có ảnh hưởng đến dự án bữa ăn học đường với thực đơn chuẩn, trong đó có các món ăn chế biến từ hải sản như cá biển, tôm…: “Chỉ với thịt và trứng thì khâu chế biến của bộ phận cấp dưỡng cũng phải hết sức linh hoạt chứ không thì sẽ không hợp khẩu vị của học sinh, các em ăn cũng dễ ngán”.
Phòng GD&ĐT Liên Chiểu cũng đã lưu ý đến CBQL các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn về những thay đổi trong thực đơn để đảm bảo an toàn cho học sinh.
“Sáng nay, trong Hội nghị về An toàn vệ sinh thực phẩm do UBND quận tổ chức, vấn đề cá biển chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung cũng đã được đề cập đến. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường mầm non công lập thông báo đến chủ các nhóm lớp độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình trên địa bàn được biết về tình hình này để tính toán, xây dựng lại thực đơn bữa ăn cho trẻ” – ông Lê Văn Nghĩa – Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu cho biết.
Hà Nguyên
Theo_Giáo dục thời đại
Thủy triều đỏ khiến cá biển chết là do con người gây ô nhiễm?1
Trao đổi với Dân Việt về một trong 2 nguyên nhân chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xác định gây ra tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung, các nhà khoa học đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Tối 27.4, tại cuộc họp do Bộ TNMT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân công bố thông tin về vụ cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, cho biết các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau: Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng "thủy triều đỏ".
Trao đổi với Dân Việt về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Cục phó Tổng cục Biển và Hải đảo - cho rằng, việc đưa ra kết luận do thủy triều đỏ như cơ quan chức năng xác định và họ phải chịu trách nhiệm với kết luận đã đưa ra. Tuy nhiên, theo ông cần phải giải thích được rõ hơn nguồn gốc do đâu mà dẫn tới thủy triều đỏ, là do tự nhiên hay có cả sự tác động của con người.
Ông Hồi đặt nghi vấn, việc cá chết nhiều và trên một diện rộng như thế thì việc cho rằng do thủy triều đỏ liệu có chắc chắn không? Ông cho rằng "nói đó là thủy triều đỏ, nhưng cũng phải có bằng chứng cụ thể thì người dân mới tin được".
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.
"Nếu Nhà nước đưa ra giải thích cá chết hàng loạt là do thủy triều đỏ hoặc ai kết luận như vậy thì phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Nếu sau này doanh nghiệp ở đó vẫn có ống xả thải của nhà máy chĩa ra biển, cá vẫn chết và không phải thủy triều đỏ thì sao?" - ông Hồi nhấn mạnh.
PGS Hồi cho rằng, khi đã có kết luận rồi thì phải đưa được ra những khuyến cáo, có cho dân tiếp tục đánh bắt, nuôi trồng và ăn cá không... Các cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể chứ không chỉ nói chung chung được.
TS Trần Đình Lân - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển: "Thủy triều đỏ" là gì?
Tên gọi "thủy triều đỏ" hay "thủy triều xanh" là những thuật ngữ được gọi cho hiện tượng bung nở hoa tảo, từ đó gây chết nhiều loài sinh vật trên biển, trong đó phổ biến và dễ nhìn thấy nhất và chết nhiều nhất chính là cá biển.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng "thủy triều đỏ" hiện nay đối với các nước trên thế giới vẫn còn là bí ẩn nhưng theo công bố của các nghiên cứu trên thế giới và kết quả nghiên cứu của một dự án do ông cùng đồng nghiệp thực hiện với sự tài trợ của Đan Mạch cho thấy có một số nguyên nhân như: Từ tự nhiên, tức là không giải thích được, có thể do tự nó xảy ra hiện tượng "thủy triều đỏ"; nguyên nhân do ni tơ, phốt pho tăng đột biến hay còn gọi là "phú dưỡng" và thường xuất hiện ở vùng biển kín và nửa kín, làm cho tảo phát triển bất thường nên bung nở hoa. Hai chất ni tơ và phốt pho này cũng có thể do tự nhiên và có thể do con người tác động, tức là đưa vào nước biển các chất "dinh dưỡng" làm cho tảo phát triển đột biến.
TS Lân cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, ở Việt Nam từng xuất hiện hoa tảo nở hay gọi là "thủy triều đỏ" ở Cát Bà, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc cá chết xuất hiện trên cả một diện rộng ở miền Trung lần này với số lượng hàng chục tấn cá bị chết nếu đúng do "thủy triều đỏ" là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với mức độ rộng lớn đến như vậy.
Cũng theo ông, hiện tượng "thủy triều đỏ" ở trên thế giới rất phổ biến, gần chúng ta nhất có Philippines. Đặc biệt cách đây 10 năm Hong Kong cũng có hàng chục vụ "thủy triều đỏ", trong đó cũng có những vụ cá chết lên tới hàng chục tấn.
Nói về nguyên nhân cá chết khi xuất hiện "thủy triều đỏ", TS Lân giải thích, có 2 nguyên nhân có thể xảy ra gồm: Cá ở tầng nước mặt bị thiếu ôxy do tảo phát triển, nở hoa chiếm hết ôxy và nguyên nhân còn lại là do cá ăn phải tảo độc. Do đó, trường hợp nếu là cá chết do thiếu ôxy thì thường là tảo không độc nhưng cũng không thể khẳng định là người ăn cá chết ở trường hợp này sẽ an toàn vì tảo đó có thể không độc với cá nhưng lại độc với con người. Còn trường hợp thứ 2, nếu cá chết do ăn tảo độc thì người ăn cá chết đó chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nói về giải pháp khi kết luận cá chết là do "thủy triều đỏ", ông Lân cho biết, cần phải biết rõ được nguyên nhân, nếu là do con người tác động tới thì phải giảm ni tơ và phốt pho để hạn chế sự phát triển của tảo.
PGS.TS Đoàn Văn Bộ: Phải làm lại bộ tiêu chuẩn mới
PGS.TS Đoàn Văn Bộ - Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (Đại học Khoa học Tự nhiên) cho hay, năm 1995, Việt Nam đã có tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước biển và đến năm 2008 ban hành lại, có bổ sung thêm một số tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này gần như là "copy" lại của các nước ASEAN, Úc hay Canada.
Ông Bộ nêu ý kiến: "Tôi đề nghị phải làm lại bộ tiêu chuẩn này bởi gần như không có cơ sở khoa học nào về địa lý, môi trường của Việt Nam cả. Có những vùng, theo tiêu chuẩn đấy là an toàn về môi trường nhưng lại có vấn đề. Có những khu vực bảo là bị ô nhiễm rồi nhưng hệ sinh thái vẫn đẹp đẽ, sinh vật vẫn sống tốt. Nghĩa là tiêu chuẩn đấy rất vô lý, không đúng với thực tế ở Việt Nam".
Từ đó, chiếu vào vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung, TS Bộ cho rằng có thể do lỗi tiêu chuẩn chưa sát, có thể là kẽ hở để doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường nước biển.
"Chắc chắn là có chất độc trong nước biển cá mới chết nhiều như thế. Trong vụ việc này, tôi thấy có thể do ảnh hưởng từ con người " - ông Bộ nhận định.
Trước thông tin Sở TNMT phát hiện có kim loại nặng trong nước biển, ông Bộ cho rằng chỉ có những thủy ngân, asen là có độc lực mạnh gây chết cá ngay, còn các loại như đồng, sắt, chì thì ảnh hưởng lâu dài.
Theo_Dân việt
Vụ cá chết: Hơn 20 ngày không có đoàn khách du lịch đến Quảng Bình Hơn 35% khách du lịch đặt tour đến Quảng Bình trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đã hủy tour và con số này ngày càng tăng. Chiều 27.4, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn với hàng trăm chủ nhà hàng, khách sạn, giám đốc các công ty du lịch trên địa bàn để bàn giải pháp tháo gỡ tình...