Buốt nhói những tấm bia mộ liệt sĩ được “mã hóa”
Có thể do yêu cầu đảm bảo bí mật trên đường hành quân nên bia mộ của những người lính ngã xuống buộc phải “ mã hóa” bằng những ký hiệu. Giá như bằng cách nào đó có thể giải mã được ký hiệu ấy để trả lại tên cho các anh; để những người lính sớm trở về với quê hương, với người thân đang từng giây từng phút mong tin…
Nhà Tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ tại Bảo tàng Quân khu 4 dành một khu riêng để trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ. Đó là những tấm bia mộ đủ kích cỡ và vật liệu, hình dáng khác nhau. Có những tấm bia cầu kỳ nhưng cũng có những tấm bia chỉ là những nét vạch của lưỡi lê. Cứ mỗi tấm bia được tìm thấy là một người lính đã nằm lại trên đường hành quân hay giữa chiến trường…
Một tấm bia 7 gia đình liệt sĩ nhận người thân
Khu trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng Quân khu 4
Vào khoảng tháng 11/2011, trong khi thi công làm đường giao thông ở chân dốc Mèo ( xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên Huế), các công nhân phát hiện một bộ hài cốt kèm tăng, võng, màn, dép cao su và 1 mảnh sắt nhỏ hình vuông đục chữ Nguyễn Xuân Trạch. Sau khi đưa hài cốt vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ, tấm bia mộ bằng sắt này được bàn giao lại cho Bảo tàng Quân khu 4.
Câu chuyện về tấm bia mộ này sau đó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày 20/2/2002, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được thông tin từ ông Nguyễn Văn Thình (TP Vinh, Nghệ An). Ông Thình xác nhận đây liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch, quê ở xã Thanh Tiên ( Thanh Chương, Nghệ An), là đồng đội thuộc đơn vị D7 công binh với ông.
Những dòng tên liệt sĩ khắc vào đá núi…
Tháng 3/1968, đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải phóng đường sau khi địch đổ bộ để chuẩn bị cho chiến dịch giải phòng Quảng Đà. Khi xuống ngầm ở độ sâu 4m để phá mìn, đồng chí Trạch hi sinh.
Những tưởng đã có thể xác định được danh tính, quê quán cụ thể của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch thì tháng 4/2002, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được 7 bức thư của thân nhân 7 liệt sĩ có tên Nguyễn Xuân Trạch trên cả nước gửi về tìm người thân.
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (thời điểm đó là Phó GĐ Bảo tàng Quân khu 4) đã kỳ công xác minh thông tin về liệt sĩ. Căn cứ vào vị trí tìm thấy hài cốt, thông tin ghi trên giấy báo tử của 7 liệt sĩ có tên Nguyễn Xuân Trạch, xác minh khu vực chiến đấu của D7 vào thời điểm đó tại Bộ Tư lệnh Công binh, đối chiếu với thông tin cựu chiến binh Nguyễn Văn Thình và trực tiếp xác minh tại địa phương, khẳng định hài cốt được tìm thấy ở chân dốc Mèo là liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch, hi sinh ngày 28/3/1968, quê Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An.
… hay được làm từ những mảnh xác máy bay địch, ống pháo sáng.
Trước đó, vào tháng 4/2000, cán bộ Bảo tàng tiếp nhận 50 di vật nằm cùng phần mộ của 148 hài cốt liệt sĩ được Đội quy tập BCH Quân sự tỉnh Nghệ An tìm thấy tại Lào. Đó là những mảnh kim loại hình chữ nhật cỡ 5cm x 8cm khắc họ tên, nhưng không có quê quán và đơn vị. Trong số di vật đó, có một mảnh sắt khắc tên Lương Hồng Canh.
Điều đặc biệt là những tấm bia này có nhiều điểm giống nhau về kích cỡ, nét chữ, hình dáng và chất liệu. Từ đó, có thể phỏng đoán các liệt sĩ hy sinh có thể ở cùng một đơn vị chiến đấu.
Video đang HOT
Sau đó 1 thời gian ngắn, thân nhân liệt sĩ có tên Lương Hồng Canh, quê quán Mai Châu, Hòa Bình đăng thông tin tìm kiếm trên báo. Bằng các phương pháp giám định khoa học, Bảo tàng Quân khu 4 và các cơ quan hữu quan đã đi đến kết luận: Hài cốt được tìm thấy có tấm bia mộ mang tên Lương Hồng Canh chính là liệt sĩ Lương Hồng Canh, quê quán Nà Phỏn, Mai Châu, Hòa Bình, thuộc đơn vị Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 165, Sư đoàn F312.
Những tấm bia mộ liệt sĩ làm bằng nhiều chất liệu, kích cỡ, hình dáng khác nhau được tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ. Với những thông tin được khắc trên bia, một số trường hợp đã xác định được danh tính, đơn vị, quê quán của liệt sĩ.
Cũng từ thông tin này và các thông tin từ Sư đoàn 312 cung cấp, bằng phương pháp giám định khoa học và tâm huyết của những người có trách nhiệm, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính, quê quán của 27 liệt sĩ hy sinh cùng ngày với liệt sĩ Lương Hồng Canh. Hài cốt của các liệt sĩ sau đó, thể theo nguyện vọng của gia đình đã được đưa về quê hương an táng.
Những dấu hỏi sau tấm bia mộ
Thiếu tá Bùi Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Trưng bày – Tuyên truyền Bảo tàng Quân khu 4 cho tôi xem tập hồ sơ dày cộp về những tấm bia mộ được Đội quy tập các tỉnh Quân khu 4 bàn giao khi tìm thấy trong quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Phần lớn trong số đó chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị cụ thể.
Bởi vậy, khi các hài cốt được chuyển về nghĩa trang các liệt sĩ ở các địa phương để an táng, những tấm bia mộ này được bàn giao cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, giáo dục truyền thống và góp phần xác minh thông tin.
Tấm bia mộ có khắc dòng chữ Ly A Xa 107. Căn cứ vào thông tin ghi trên tấm bia này có thể người chiến sĩ đã hi sinh vào ngày 30/4/1970. Tấm bia được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Những tấm bia có tên và không tên, như những câu hỏi buốt nhói xoáy vào lồng ngực của những người có trách nhiệm. Nó không phải là vật vô tri mà là nỗi đau, là quá khứ hào hùng, là hi sinh anh dũng, là quãng thanh xuân đẹp nhất và ý nghĩa nhất của mỗi người lính đã chiến đấu và nằm xuống…
Tôi đặc biệt chú ý phiến đá khắc dòng chữ Ly A Xa – 107 – 30/4/70. Nét khắc đã mờ, được tô màu trắng dù không còn liền nét. Theo hồ sơ lưu trữ tại bảo tàng thì đây là tấm bia mộ được Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa tìm thấy khi cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào vào mùa khô năm 2001-2002.
Rất nhiều tấm bia chỉ là những con số. Có thể vì lí do đảm bảo bí mật nên các thông tin về người hi sinh đã không được ghi vào bia. Thông tin về các liệt sĩ sẽ được xác định nếu giải mã được những kí hiệu này.
Ngoài dòng chữ trên tấm bia thì không còn thông tin nào khác. Với những thông tin trên bia đá thì liệt sĩ có thể là tên Ly A Xa, hi sinh ngày 30/4/1970. Do chưa xác định được danh tính, đơn vị, quê quán cụ thể nên hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài đá núi thì vật liệu được sử dụng nhiều nhất là những mảnh vỡ từ máy bay địch, được đục lỗ thành tên hay khắc bằng mũi dao. Có tấm bia ghi tên nhưng cũng có những tấm bia chỉ ghi những con số B10, K6, 312, 319, 316…
Những tấm bia bằng đá được đục, khắc rất kỳ công nhưng chỉ có những ký hiệu như B10, K6… Những kí tự này hiện đang là ẩn số cần được giải mã.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành – cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 trầm ngâm: “Căn cứ vào cách thức làm bia mộ thì có thể thấy có những tấm bia được làm rất cẩn thận rất kỳ công, đẽo từ những hòn đá núi, mảnh máy bay vỡ… Như thế có thể khẳng định được rằng đồng đội của các liệt sĩ không phải là không có thời gian để ghi tên người hi sinh mà có thể do yêu cầu đảm bảo bí mật trên đường hành quân buộc phải “mã hóa” bằng những ký hiệu. Giá như bằng cách nào đó, có thể giải mã được ký hiệu ấy để trả lại tên cho các bác, các anh, để những người lính có thể sớm trở về với quê hương, với người thân đang từng giây từng phút mong tin…”.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Ngày trở về của liệt sĩ gần nửa thế kỉ nằm lại đất bạn Lào
Sau 48 năm nằm lại trên đất bạn Lào, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng đã được tìm thấy và đưa về quê hương. Nỗi đau dằng dặc nửa thế kỷ của những người thân yêu nguôi ngoai phần nào khi anh trở về nơi chôn nhau cắt rốn trong những ngày tháng 7 tri ân này.
Người lính phòng không chưa từng biết mặt con gái duy nhất
Đợt quy tập mùa khô 2017-2018, Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, cất bốc được 98 hài cốt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào. Có 12 hài cốt có họ tên nhưng chưa xác định được đơn vị, quê quán và thời điểm hy sinh. Chỉ duy nhất một hài cốt xác định được cả danh tính, quê quán, đơn vị là liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng, sinh năm 1947 nguyên quán thôn Cam Giá, xã Ninh Khánh, huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình (nay là Phố Mía, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng dâng hương tại Lễ an táng 98 chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào được quy tập, đưa về an táng tại Nghệ An hồi tháng 5/2018.
Tháng 5/2018, hài cốt liệt sĩ Quảng và các đồng đội được đưa về an táng trọng thể tại Nghĩa trang huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Chị Nguyễn Thị Kim Nhung (SN 1971) chưa một lần biết mặt cha, ôm di ảnh, nước mắt ướt đẫm... Chị nghẹn ngào không thể nói nên lời, thốt lên "Bố Quảng ơi"!
Ông Nguyễn Đình Doanh (em trai liệt sĩ Quảng) cho biết: "Khi anh tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 5/1970 thì vợ anh mới mang bầu được 1 tháng. Cháu Nhung chào đời được 6 tháng thì gia đình nhận được giấy báo tử của anh Quảng. Cháu chưa một lần được gặp bố. Suốt 48 năm qua, gia đình đã đi tìm nhưng đến hôm nay mới được đón anh về".
Vào thời điểm nhận được giấy báo tử, gia đình chỉ biết anh Quảng hi sinh tại mặt trận phía Tây. Niềm mong mỏi tìm thấy và đưa liệt sĩ Quảng trở về luôn day dứt trong tâm trí người cha già. Đến khi ông nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thực hiện được ước nguyện.
Chị Nguyễn Thị Kim Nhung - con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng ôm di ảnh cha tại lễ an táng.
Tháng 7/2016, nghe thông tin ở Sư đoàn 31 (đóng tại Hoài Nhơn, Bình Định) có thông tin về liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng, ông Doanh vào tận nơi để xác minh. Đúng là ở đơn vị này có lưu hồ sơ của liệt sĩ có tên Nguyễn Đình Quảng nhưng các thông tin khác không trùng khớp với thông tin ghi trên giấy báo tử.
Tháng 7/2016, ông Doanh nhận được thông tin đơn vị gốc của liệt sĩ Quảng ở Đoan Hùng, Phú Thọ. "Khi làm việc với ban chính sách Sư đoàn 316, chúng tôi được cung cấp hồ sơ thông tin về liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng với các thông tin hoàn toàn trùng khớp với giấy báo tử. Anh tôi thuộc biên chế Đại đội 1, Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 316, Quân khu 2, sau khi trúng bom hi sinh tại mặt trận Phù Xải, được chôn cất tại phía Tây cao điểm 1188 (tỉnh Xiêng Khoảng, Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
Đơn vị còn cung cấp cho gia đình sơ đồ chi tiết mộ chí kèm thông tin khi an táng, các đồng đội của anh đã dùng lưỡi lê khắc tên anh Quảng trên viên gạch để vào huyệt mộ", ông Doanh thông tin thêm.
Ngày trở về...
Trong số 98 liệt sĩ được Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tìm kiếm cất bốc mùa khô 2017-2018 duy nhất liệt sĩ Quảng xác định được tên tuổi, đơn vị, quê quán cụ thể.
Đầu năm 2018, sau khi thu xếp, đảm bảo các điều kiện, ông Nguyễn Đình Doanh và chị Nguyễn Thị Kim Nhung quyết định sang Lào để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Quảng.
"Tôi đến khu vực Đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đang tìm kiếm. Thời điểm này đã có 85 hài cốt được tìm thấy và cất bốc. Tôi vào khu vực bàn thờ - nơi đang đặt hài cốt các liệt sĩ thắp hương mong các bác phù hộ sớm tìm được anh trai thì thấy viên gạch có ghi tên Quảng ở trên bàn thờ.
Các đồng chí trong đội quy tập cùng gia đình mang sơ đồ ra so sánh với thực địa cũng như khớp nối với các thông tin từ người dân trong bản thì trùng khớp 100% với thông tin đơn vị cung cấp. Gia đình hết sức vui mừng bởi 48 năm trời đằng đẵng chờ đợi cuối cùng cũng tìm thấy anh Quảng...".
Thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng trước phần mộ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
"Các đồng chí trong đội quy tập kể, khu vực này hồi năm 2016 đã tìm kiếm, cất bốc được 7 hài cốt liệt sĩ. Đơn vị cũng mở rộng phạm vi tìm kiếm nhưng không phát hiện thêm được hài cốt nào nên chuyển đến tìm ở địa điểm mới. Sau đó, người dân trong bản tìm đến, cung cấp thông tin vẫn đang còn một ngôi mộ bộ đội Việt Nam, được an táng dưới gốc cây thông đầu bản.
Tháng 11/2017, đội quay lại và tìm thấy một ngôi mộ như người dân mô tả. Khi đào lên, bên trong có một viên gạch ghi tên Quảng ở trên lớp tăng gói bọc hài cốt", ông Doanh kể.
Đầu tháng 5/2017, gia đình liệt sĩ Quảng sang Lào lần thứ 2, cùng với Đội quy tập BCH Quân sự tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng đưa 98 hài cốt liệt sĩ về Việt Nam. Ngày 18/7, theo nguyện vọng của đình, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng được đưa về an táng tại quê nhà Ninh Bình.
Ngày 18/7, Đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập, hài cốt liệt sĩ (Ban chỉ đạo 1237) tỉnh Nghệ An tổ chức lễ bàn giao và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng tại quê nhà Ninh Bình. (ảnh Trọng Kiên)
"Dù đau đớn nhưng gia đình tôi vẫn hạnh phúc và may mắn hơn hàng nghìn, hàng vạn gia đình thân nhân liệt sĩ khác là đã tìm thấy và đưa anh về an táng tại quê hương. Giá như người cha già của chúng tôi còn sống để được chứng kiến giây phút con trai ông trở về...", người lính hải quân như nghẹn giọng chia sẻ.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Phát hiện và cất bốc 9 hài cốt liệt sĩ trong vườn nhà dân Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã phát hiện và cất bốc 9 hài cốt liệt sĩ tại vườn nhà người dân thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trước đó, từ thông tin của một vị quân nhân đã nghỉ hưu và người dân địa phương, Đội Quy tập mộ liệt si Sư đoàn 968 - Quân...