Buôn lậu qua biên giới Việt Nam-Campuchia phức tạp
Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia ở An Giang diễn biến khá phức tạp và có tổ chức.
Phối hợp ngăn chặn, điều tra phòng chống buôn lậu. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Với gần 100km đường biên giới giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia), An Giang có địa hình vùng biên giới với đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở bằng cả đường bộ lẫn đường sông nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng để gia tăng hoạt động buôn lậu.
Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình buôn lậu tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia diễn biến khá phức tạp và có tổ chức. Các đối tượng buôn lậu hoạt động manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối khi bị phát hiện.
*Chảo lửa luôn nóng
Tại An Giang, tuyến địa bàn trọng điểm buôn lậu hoạt động là từ Gò Tà Mâu theo các đường mương về các bến cặp kênh Vĩnh Tế thuộc khóm Vĩnh Chánh và khóm Vĩnh Phú, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc; từ biên giới Campuchia theo đường cống Ông Cần về các bến cặp kênh Vĩnh Tế thuộc huyện Tịnh Biên; khu vực biên giới giáp ấp 2, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú theo kênh Tà Suông – Campuchia ra rạch Chắc Ri hoặc ngọn Cả Hàng và khu vực biên giới giáp xã Khánh An, huyện An Phú về các kho cặp sông Bình Di, Khánh An, huyện An Phú và tuyến quốc lộ 91.
Ông Võ Nguyên Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang) cho biết: Tại tuyến biên giới An Giang, hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thuốc lá và đường cát được các đối tượng buôn lậu tập kết sát biên giới.
Khi thời cơ thuận lợi, đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện vỏ lãi, xuồng máy, xe môtô hoặc thuê người đai vác để vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới theo các đường mòn, lối mở, dòng sông chung, cánh đồng giáp biên.
Sau khi qua được biên giới, các đối tượng nhanh chóng tập kết lại và đưa lên xe gắn máy, ôtô tải, ôtô khách.. đang neo đậu chờ sẵn để đưa vào nội địa tiêu thụ.
“Để đối phó lực lượng chức năng, các đường dây vận chuyển được tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp; hàng lậu khi đưa qua biên giới tập kết, giao nhận, sang xe được cái đối tượng thực hiện rất nhanh chóng và luôn cử người canh 24/24 để kịp thời thông báo cho nhau né tránh.
Cùng đó, các đối tượng đầu nậu còn gắn trách nhiệm bồi thường cho các đối tượng vận chuyển chủ yếu là đối tượng có tiền án hay bị nghiện ma túy, . . . nên sẵn sàng chống, đe dọa tính mạng, giành giật hàng hóa với lực lượng chức năng khi bị phát hiện”, ông Nam chia sẻ.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 6, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện vi phạm trên 1.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá và đường cát (tăng 11,8% so cùng kỳ 2018) với tổng trị giá hàng hoá bị bắt giữ gần 37 tỷ đồng; trong đó, cơ quan điều tra khởi tố 18 vụ với 17 bị can về hành vi “Mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hoá nhập lậu”, với giá trị tang vật bị khởi tố trên 1,5 tỷ đồng.
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang khẳng định: Các mặt hàng nhập lậu từ Campuchia về An Giang chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo cũ, vải, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu như bọc nilon, giấy, vỏ chai, lon, sắt… và hàng tiêu dùng khác.
Video đang HOT
*Gia tăng nhập lậu phế liệu
Theo Cục Hải quan tỉnh An Giang, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo về việc siết chặt thủ tục nhập khẩu mặt hàng phế liệu qua các cửa khẩu nhưng gần đây tại biên giới tỉnh An Giang lại nổi nên tình hình nhập lậu phế liệu với số lượng lớn và đang có chiều hướng gia tăng.
Đáng lưu ý, các đối tượng buôn lậu lợi dụng đường biên giới là dòng sông chung, mùa nước nổi, kênh rạch trên tuyến biên giới và các cơ sở thu mua nội địa để vận chuyển, hợp thức hóa hàng phế liệu nhập lậu.
Từ tháng 8/2018 đến nay, lực lượng kiểm soát của Hải quan An Giang đã bắt giữ và lập hồ sơ chuyển sang xử lý hình sự 3 vụ; trong đó 7 đối tượng sử dụng 3 ghe vận chuyên tổng cộng 157 tấn giấy phế liệu và 25 tấn sắt phế liệu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn xã Vĩnh Hội Đông và xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang (thuộc địa bàn hoạt động của Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông).Ông Nguyễn Tấn Bửu, Phó Cục trưởng, Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết: Tại An Giang, khu vực buôn lậu trọng điểm mặt hàng phế liệu tập trung tại xã Khánh An và xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Đặc biệt, hai khu vực này cũng phát sinh các đối tượng lợi dụng dòng sông chung để vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ mặt hàng phế liệu nhập lậu. Sau đó đưa lên các kho nằm dọc bờ sông Hậu, sông Bình Di rồi hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ nội địa hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở thu mua phế liệu trên tuyến biên giới nên rất khó kiểm soát.
Theo Phó Cục trưởng, Cục Hải quan tỉnh An Giang, thời gian tới, tình hình nhập lậu phế liệu qua biên giới trên địa bàn An Giang còn diễn biến phức tạp, do nhu cầu sử dụng trong nước và vì lợi nhuận.
Các đối tượng buôn lậu sẽ dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để vận chuyển phế liệu trái phép qua biên giới; trong đó, có cả việc lập ra các cơ sở thu mua nội địa để hợp thức hóa phế liệu nhập lậu.
Do vậy, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép và tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu mua này.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn thống kê tang vật vừa thu giữ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
*Ngăn chặn điểm nóng
Địa bàn biên giới rất thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu và đặc biệt các kho hàng bên phía Campuchia vẫn luôn là địa điểm để tập kết số lượng lớn hàng hoá để nhập lậu qua biên giới nhưng pháp luật Campuchia lại không xem đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo dự báo, tình hình buôn lậu tại An Giang thời gian tới còn diễn biến phức tạp; nhất là trong những tháng cuối năm, lễ, tết, hoạt động buôn lậu sẽ gia tăng mạnh, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trên thị trường tăng mạnh.
Do lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu vẫn còn khá lớn, nhu cầu tiêu thụ cao, cho nên dù bị kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhưng bằng mọi cách các đối tượng buôn lậu vẫn lén lút duy trì hoạt động.
Để đấu tranh với tội phạm buôn lậu, tỉnh An Giang tăng cường đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; tập trung kiểm tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới và tình trạng vận chuyển thuốc lá chạy tốc độ cao trên tuyến Quốc lộ 91.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát hàng hoá trên thị trường nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời hàng hoá giả, kém chất lượng và không đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Ông Võ Nguyên Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nhấn mạnh: Tới đây, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra đối với nhóm hàng hoá thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng như: xăng, dầu, gas, mũ bảo hiểm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Cùng đó, các lực lượng ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm; các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; tình trạng xăng dầu giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Để đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn nhập lậu phế liệu qua biên giới, ông Nguyễn Tấn Bửu – Phó Cục trưởng, Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết: Thời gian tới, Cục Hải quan tỉnh An Giang sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng chống hoạt động buôn lậu mặt hàng phế liệu, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng buôn lậu phế liệu.
Ngoài ra, Cục Hải quan tỉnh sẽ lập kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như: biên phòng, công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương, nhất là các trường hợp truy đuổi hoặc phối hợp bắt giữ các vụ buôn lậu phế liệu, kể cả ngoài địa bàn hoạt động của ngành hải quan.
“Cục Hải quan sẽ tập trung đẩy mạnh việc phối hợp trong nội bộ và các ngành liên quan để trao đổi thông tin, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, diễn ra trên tuyến, địa bàn thuộc đơn vị lĩnh vực phụ trách”, ông Nguyễn Tấn Bửu khẳng định./.
Theo Thanh Sang/TTXVN
Càng cận Tết Nguyên đán, buôn lậu càng "nóng" ở An Giang
Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu tại An Giang lại càng gia tăng với 2 mặt hàng chủ yếu là thuốc lá và đường cát.
An Giang có đường biên giới dài gần 100km là địa phương thường xuyên diễn ra các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. ặc biệt, những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu lại càng gia tăng với 2 mặt hàng chủ yếu là thuốc lá và đường cát. Mặc dù, cơ quan chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ nhưng hoạt động này vẫn phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng ngàn gói thuốc lá lậu được các đối tượng chuyển về Việt Nam.
Chỉ trong vòng gần hai tháng giáp Tết nguyên đán, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang bắt hàng chục vụ vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam. Buôn lậu tập trung ở một số địa phương có kênh Vĩnh Tế đi qua thuộc xã Vĩnh Tế, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc và thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Hai mặt hàng chủ yếu là đường cát và thuốc lá. Nhiều vụ hàng lậu số lượng lớn với tổng cộng gần 100 tấn hàng, trong đó có 70 tấn đường cát. Còn đối với mặt hàng thuốc lá, do nhu cầu tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao, nên có những tuần bắt 5 vụ.
Thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn biên giới của thành phố Châu Đốc, đoạn biên giới dài hơn 15km, ở phía ngoại biên có rất nhiều kho tàng bến bãi là những nơi tập kết hàng lậu. Đặc biệt là trong thời gian cao điểm, trước, trong và sau Tết nguyên đán 2019; Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, do đó tình hình buôn lậu qua thành phố Châu Đốc nói riêng và ở địa bàn tỉnh An Giang nói chung tương đối phức tạp.
"Có thể nói rằng, ngay sau khi thực hiện kế hoạch cao điểm một tuần thôi, nhưng đơn vị chúng tôi đã bắt giữ được 3 vụ, trong đó có 2 vụ độc lập và 1 vụ phối hợp", Thượng tá Nam cho hay.
Phương tiện chở thuốc lá lậu là các loại xe máy rẻ tiền để khi bị bắt có thể bỏ luôn.
Do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao dịp Tết, các đầu nậu dùng mọi thủ đoạn, hình thức để thực hiện việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua biên giới như: phân tán, xé lẻ, ngụy trang, trộn lẫn giữa các hàng hóa; thuê mướn người khác vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau...
Mặt khác, do việc kiểm soát gắt gao nên các đối tượng buôn lậu hoạt động vào thời điểm ít người như ban đêm hoặc sáng sớm. Các đầu nậu còn thuê người tổ chức theo dõi lực lượng chống buôn lậu ngay tại trụ sở làm việc. Khi các lực lượng tiến hành tổ chức mai phục là chúng rời địa điểm, thời gian tập kết hàng khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát và xử lý triệt để.
Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang chia sẻ: "Các đối tượng nó lợi dụng vào người dân thiếu hiểu biết, lôi kéo để tiếp tay cho nó; hầu hết số này học hành dang dở, gia đình kinh tế khó khăn, cuộc sống thu nhập thì không ổn định và nhận thức hiểu biết về pháp luật thì rất là hạn chế...Việc đai vác thuốc lá hiện nay đã trẻ hoá về độ tuổi, trẻ thì có sức, nên khi bị lực lượng chức năng mai phục rượt đuổi cũng có thể là chúng chạy thoát. Hai là đối tượng rất ranh ma, lợi dụng đêm tối, địa hình trống trải nhanh chóng vượt ra khỏi tổ mật phục".
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đi thị sát tại khu vực biên giới An Giang.
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, mặc dù công tác chống buôn lậu được tiến hành quyết liệt, tuy nhiên tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn không giảm.
Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đi thị sát và yêu cầu Ban chỉ đạo 389 của An Giang tập trung nắm chắc tình hình, không để bị động; các lực lượng cần phối hợp chặt chẽ, xác định được đường dây, ổ nhóm buôn lậu để ngăn chặn; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, tiếp tay cho buôn lậu.
Phó Thủ tướng yêu cầu "Các lực lượng chuyên trách về phòng chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả...phải chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ; kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức tha hoá tiếp tay cho buôn lậu; cần phối hợp các lực lượng, chia sẻ thông tin, nắm chắc từng đối tượng trên địa bàn; Liên ngành cùng phối hợp để có các chuyên án, chuyêna riêng, chuyên án phối hợp. Phát động các phong trào, toàn dân bảo vệ an ninh biên giới, nói không với tiếp tay cho buôn lậu".
Lực lượng Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra khu vực giữa Việt Nam và Campuchia.
Hoạt động buôn lậu qua tuyến biên giới cả đường bộ và đường sông ở An Giang vẫn sôi động dịp cận Tết đang là thách thức đối với tỉnh An Giang cũng như các ngành chức năng ở đây. Nhiều ý kiến đề nghị, cùng với việc phối hợp chặt chẽ hơn trong đấu tranh, xử lý hành vi buôn lậu cả trên tuyến biên giới và vùng nội địa thì vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân hết sức quan trọng, góp phần đấu tranh, giảm tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại ở địa phương nói riêng và cả vùng biên giới Tây Nam nói chung./.
Theo Phan Ánh/VOV-ĐBSCL
"Lưới lửa" trên biên giới Tây Ninh Chỉ trong 10 tháng của năm 2018, BĐBP Tây Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ 30 vụ với 45 đối tượng liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam; thu giữ trên 30kg ma túy dạng đá và 32.144 viên ma túy tổng hợp. Bài 2: Quyết tâm ngăn chặn buôn...