Buôn lậu manh động ở biên giới Kiên Giang
Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Kiên Giang thoạt nhìn có dịu hơn so với những năm trước đây với việc không phát sinh điểm nóng, ít vụ việc có quy mô lớn bị lực lượng chức năng phát hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Kiên Giang cứ âm ỉ và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là giai đoạn gần cuối năm. Và trong chuyến đi thực tế đầu tháng 10 vừa qua, phóng viên Báo Hải quan và đoàn công tác của Hải quan Kiên Giang đã đụng độ với các đối tượng buôn lậu vùng biên.
Vận chuyển thuốc lá lậu ở Kiên Giang.
Cuộc đụng độ giữa trưa biên giới
Đầu tháng 10/2018, Phóng viên Báo Hải quan đã có chuyến thực tế tại biên giới Kiên Giang. Vừa đến cửa khẩu Hà Tiên, chúng tôi đã bám theo tổ công tác kiểm soát chống buôn lậu của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hà Tiên, Đội Kiểm soát Hải quan và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hà Tiên phóng nhanh ra quốc lộ 80 nối từ cửa khẩu Hà Tiên về nội địa. 3 xe ô tô và 4 xe gắn máy với 15 cán bộ chiến sĩ lao nhanh ra ngã ba giữa quốc lộ 80 và con đường dẫn ra khu vực bến xuồng (khu vực tập kết hàng lậu mà Báo Hải quan nhiều lần thông tin) khi nhận tin báo có đường lậu đang lên.
Phát hiện một cửu vạn đang vận chuyển 8 bao đường Thái Lan, xe kiểm soát do Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Lê Văn Cường chỉ huy đã áp sát để bắt giữ. Đối tượng ngoan cố tăng tốc bỏ chạy. Kiên quyết bắt giữ hàng lậu, xe chúng tôi truy đuổi đến khu vực chợ xã Mỹ Đức, đối tượng vận chuyển tấp vào lề vì biết không thể trốn chạy được. Các cán bộ Hải quan nhanh chóng xuống hiện trường để giữ tang vật. Số tang vật được đưa lên 2 xe để đưa về trụ sở hải quan làm rõ. Thế nhưng, một xe chở tang vật đã không kịp quay đầu vì các cửu vạn khác đã đến bao vây. Họ la hét, kích động người dân xung quanh chợ đến đập các phương tiện, dùng những lời lẽ thô tục chửi mắng chúng tôi. Do chưa kịp đóng cửa xe, phóng viên Báo Hải quan đã bị một phụ nữ la hét, dọng tay ngay vào mắt, giật tung cúc áo ngực nhằm uy hiếp tổ công tác trả lại đường lậu. Số người đến bao vây phương tiện ngày càng đông. Lúc này có đối tượng bịt mặt, cầm một khúc cây to đến uy hiếp chúng tôi. Thấy chúng tôi cương quyết giữ hàng lậu, các đối tượng càng la hét, kích động người dân bao vây, chặn đường khiến Quốc lộ 80 ngay đoạn này kẹt cứng.
Video đang HOT
Các phương tiện khác trong tổ công tác sau khi đem đường lậu về trụ sở (nhằm đảm bảo có tang vật để xử lý vụ việc) đã quay lại tiếp ứng cho chúng tôi nhưng hoàn toàn bất lực nhìn đám đông bao vây xe. Tiếp đến, một số cửu vạn đem chiếc xe chở đường lậu đến chắn ngang xe ô tô của cơ quan Hải quan, tạo hiện trường như xe của lực lượng Hải quan gây tai nạn để kích động người đi đường. Tình thế nguy cấp, lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan đã phải điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của chỉ huy tổ công tác để xử lý. Bên ngoài xe, các đối tượng tiếp tục la hét, kích động, chửi mắng lực lượng Hải quan bằng những lời lẽ thô tục, khó nghe. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự khu vực nhạy cảm này, lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan buộc lòng phải xuống xe “thương lượng” với đám đông. Lúc này, họ tiếp tục la hét và giật tung cánh cửa xe, một số đối tượng đã lao nhanh lên và giành lại những bao đường tang vật khiến tổ công tác không kịp trở tay. Đám đông bắt đầu tản ra khi tang vật đã bị họ giật lại. Một số đối tượng đã xì hơi bánh xe. Chúng tôi về tay trắng, bỏ lại sau lưng tiếng la hét, kích động với theo. Một cán bộ đi cùng than thở với chúng tôi: “Cuộc chiến không cân sức!”.
Cần mạnh tay với buôn lậu
Liên quan đến việc chống người thi hành công vụ trong công tác chống buôn lậu, Đại tá Hồ Văn Hoàng, Trưởng Công an thị xã Hà Tiên- Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi kiên quyết xử lý các đối tượng manh động, cướp giật hàng hóa là tang vật trong thời gian qua nên tình hình đã lắng dịu. Tuy nhiên, trong quá trình tuần tra kiểm soát có đôi lúc công tác phối hợp chưa thật kịp thời để các đối tượng manh động, uy hiếp lực lượng chống buôn lậu. Trong vụ việc kích động vừa qua, căn cứ theo thông tin, hình ảnh, clip của cơ quan Hải quan và phóng viên Báo Hải quan cung cấp, chúng tôi đã xác định có khoảng 10 đối tượng có hành động cản trở quyết liệt lực lượng Hải quan và tiến hành lập biên bản, xử lý hành vi gây rối, cản trở hoạt động của cơ quan chức năng; tiếp tục xác minh các hành vi của các đối tượng khác để xử lý”.
Trong thời gian gần đây, nhận thấy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, Cục Hải quan Kiên Giang đã chỉ đạo Đội Kiểm soát Hải quan, các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra kiểm sóat để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ. Nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã bị lực lượng Hải quan bắt giữ.
Mới đây nhất, Đội Kiểm soát Hải quan Kiên Giang nhận tin báo có đối tượng đang sử dụng xe gắn máy cải tạo, chạy tốc độ nhanh vận chuyển hàng lậu từ biên giới về nội địa nên đã triển khai lực lượng đón đầu, bắt giữ. Đến khu vực khu phố 5, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tổ công tác đã phát hiện đúng đối tượng nên tiếp cận, yêu cầu kiểm tra. Kiểm tra ban đầu, tổ công tác phát hiện đối tượng đang vận chuyển nhiều bao tổ yến còn tươi, mới khai thác. Đối tượng tên là Nguyễn Văn Phán đã không xuất trình chứng từ nào chứng minh nguồn gốc số tang vật đang vận chuyển nên Đội Kiểm soát Hải quan đã yêu cầu về trụ sở cơ quan Hải quan để làm rõ. Tại cơ quan hải quan, đối tượng Nguyễn Văn Phán khai nhận số tổ yến nói trên nhận từ một người Campuchia tại khu vực đường xuồng, biên giới Hà Tiên vận chuyển về thị xã Hà Tiên cho một người không rõ họ tên với tiền công 1 triệu đồng. Số tang vật nói trên, Đội Kiểm soát Hải quan đã kiểm tra chi tiết, xác định là 53kg. Theo khảo sát của Đội Kiểm soát Hải quan, giá thị trường hiện nay là 20 triệu đồng/kg tổ yến tươi cùng loại tang vật; tổng trị giá lô hàng hơn 1 tỷ đồng. Được biết, cuối tháng 8 qua, tổ công tác của Đội Kiểm soát Hải quan trong lúc tuần tra kiểm soát đã phát hiện tại khu vực đô thị mới Hà Tiên, phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên có một xe ô tô mang biển soát 68A 017.87 đang đi trên quốc lộ 80 theo hướng từ cửa khẩu Hà Tiên về cầu Tô Châu có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu nên đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Kết quả phát hiện phương tiện này cất giấu 2.970 gói thuốc lá ngoại nhập lậu các nhãn hiệu Hero, Ram. Người điều khiển phương tiện tên Ngô Vũ Kha thừa nhận hành vi vận chuyển thuốc lá lậu của mình. Đội Kiểm soát Hải quan đã chuyển hồ sơ sang Công an thị xã Hà Tiên xem xét xử lý hình sự.
Ông Ngô Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Hải quan Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Kiên Giang đã bắt giữ hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, có trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Trong những tháng còn lại của năm 2018 và trước Têt Nguyên đán, Cục Hải quan Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị rà soát lại địa bàn, đối tượng trọng điểm; thu thập thông tin và các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đăng Nguyên
Theo baohaiquan
Buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn và phương thức mới
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả trên khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm 2018 đến nay đã giảm mạnh. Hiện nay, tuy không nhiều, nhưng hàng hóa vẫn thẩm lậu qua biên giới vào mọi thời điểm, với nhiều thủ đoạn và phương thức mới.
Ngày 8-4-2018, Đồn Biên phòng Hải Hòa, BĐBP Quảng Ninh bắt giữ vụ vận chuyển 12.000 bao thuốc lá nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Đồng
"Cuộc chiến" chống buôn lậu ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai từ nhiều năm qua. Các thủ đoạn, chiêu thức của giới buôn lậu và các cung đường vận chuyển hàng lậu đã được lực lượng chức năng bám nắm, theo dõi sát sao, nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách để đưa hàng hóa trái phép vào nội địa tiêu thụ.
Để tránh bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam chia ra nhiều công đoạn cung đường; trong đó phức tạp nhất là ở khu vực dọc sông biên giới Ka Long và sông Bắc Luân, khu vực biên giới thành phố Móng Cái. Hàng lậu chủ yếu là pháo nổ, thuốc lá điếu, gia súc, gia cầm, thủy hải sản, mỹ phẩm, đồ điện tử, các loại mặt hàng có giá trị cao. Trong đó, nổi lên là hoạt động nhập lậu pháo nổ, thuốc lá, gia súc, gia cầm và buôn bán, vận chuyển ma túy. Hoạt động này diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát tại mọi thời điểm trong năm. Các đầu nậu, chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa chờ thời cơ huy động "cửu vạn" gùi, cõng qua biên giới hoặc dùng thuyền máy vận chuyển qua sông Ka Long, Bắc Luân rồi phân tán vào nhà dân trong khu vực biên giới.
Hàng lậu được vận chuyển qua biên giới thành công, các đầu nậu lại tìm cách "qua mắt" các lực lượng chức năng để mang sâu vào nội địa. Từ đây, hàng lậu một lần nữa được bốc lên các loại phương tiện vận tải đường bộ, chờ khi trời chập choạng tối, hoặc những thời điểm thưa vắng lực lượng chức năng sẽ được vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Để thực hiện êm xuôi các phi vụ làm ăn phi pháp, các đối tượng buôn lậu cắt cử người đi quan sát, theo dõi động tĩnh của các lực lượng chức năng, sau đó sử dụng điện thoại di động, bộ đàm để thông tin cho nhau hoặc báo cho nhau bằng tiếng lóng đã được bọn chúng quy ước từ trước. Nếu có động tĩnh gì hay gặp phải những "trục trặc" ngoài ý muốn thì ngay lập tức, chúng thông báo cho đồng bọn tẩu tán, cất giấu hàng "án binh bất động" chờ thời cơ khác hoạt động.
Trước sự tấn công quyết liệt của các lực lượng chức năng, giới buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và hình thành nhiều đường dây buôn lậu quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh, liên quốc gia, có sự tham gia tiếp tay của nhiều thành phần, nhiều đối tượng cả trong nước và nước ngoài. Tinh quái hơn, một số đối tượng sử dụng mẫu mã các mặt hàng tiêu dùng ưa chuộng tại Việt Nam rồi đưa ra nước ngoài đặt sản xuất, sau đó vận chuyển qua biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, chúng còn sử dụng các bao bì, nhãn mác đã được xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, sau đó đóng hàng lậu vào để vận chuyển quay lại Việt Nam để tiêu thụ. Sự ma quái này đã khiến cho cuộc đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng BĐBP chưa có hồi kết.
Mặc dù BĐBP Quảng Ninh đã triển khai rất nhiều phương án đấu tranh ngăn chặn và kiểm soát buôn lậu, song vẫn có không ít đối tượng, hàng hóa lậu vượt biên, "tuồn" vào nội địa bằng nhiều con đường khác nhau. Từ đầu năm 2018 đến nay, BĐBP Quảng Ninh đã phát hiện bắt giữ, xử lý 71 vụ với 84 đối tượng/57 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt, phát mãi hàng hóa và tiêu hủy trị giá gần 3 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Ninh cho biết bên kia biên giới, đối diện với thành phố Móng Cái có nhiều loại hàng hóa giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú... Đây là yếu tố tiềm ẩn phức tạp về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa... có thể bùng lên, trở thành những điểm "nóng", nhất là vào những tháng cuối năm 2018. Vì vậy, BĐBP Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương án tác chiến, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên khu vực biên giới trên đường bộ và trên biển.
"Để đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, BĐBP Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ chủ động phòng ngừa, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, cửa khẩu, vùng biển, mở nhiều đợt đấu tranh cao điểm. Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên khu vực biên giới, cửa khẩu... Qua đó, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hoạt động lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại..." - Đại tá Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.
Lê Đồng
Theo bienphong
Bài cuối: Phòng chống buôn lậu cần bắt đầu từ gốc Để công tác phòng chống buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam có hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các ngành chức năng không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý... mà còn phải lấy dân làm gốc. Nắm chặt các địa bàn trọng...