Buổi mít tinh khiến Trump thất vọng
Trump tự tin dự đoán buổi vận động tranh cử ở thành phố Tulsa sẽ thu hút hàng chục nghìn người, nhưng những hàng ghế trống khiến ông bất ngờ.
Khi Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 ngồi trực thăng tới căn cứ quân sự Andrew để lên chuyên cơ đến thành phố Tulsa, bang Oklahoma, nơi ông sắp tổ chức buổi vận động tranh cử quy mô lớn đầu tiên sau ba tháng đình trệ, những dấu hiệu không khả quan bắt đầu xuất hiện.
Tổng thống Trump tại buổi vận động tranh cử ở thành phố Tulsa, bang Okalahoma, ngày 20/6. Ảnh: AP.
Lướt qua các bản tin trên truyền hình sáng sớm cùng ngày, Trump thất vọng vì không nhìn thấy hình ảnh đám đông xếp hàng bên ngoài trung tâm Bank of Oklahoma, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề. Vài giờ sau, tin báo về việc 6 nhân viên phục vụ chiến dịch tranh cử ở Tulsa đã nhiễm nCoV khiến Trump vô cùng giận dữ.
Dù vậy, Trump vẫn tự tin có thể thổi sức sống mới vào chiến dịch tranh cử của mình. Ông tin rằng sẽ chứng kiến đám đông người ủng hộ khổng lồ chờ đón mình.
Thời điểm chuyên cơ Không lực Một cất cánh, mọi chuyện vẫn chưa khá hơn. Trump nhận được báo cáo rằng mới chỉ có 25 người xuất hiện tại địa điểm diễn ra cuộc vận động tranh cử, nơi đủ sức chứa tới 40.000 người.
Hai giờ trước sự kiện, những người đã đăng ký tham dự nhận được một tin nhắn khẩn cấp từ chiến dịch của Trump: “Lễ kỷ niệm Sự trở lại Vĩ đại của người Mỹ sắp diễn ra! Vẫn còn chỗ trống!”.
Khi Trump hạ cánh xuống Tulsa vào 17h51, “biển người” mà Tổng thống Mỹ kỳ vọng vẫn chưa thành hình. Trong lúc ông còn ở giữa không trung, ban điều hành chiến dịch tranh cử đã quyết định hủy màn xuất hiện ngoài trời, vốn được lên kế hoạch khi số người tới dự quá đông, bởi không khí kém cuồng nhiệt tại sự kiện.
“Các bạn là những chiến binh. Chúng ta có những người rất xấu xa ở ngoài kia. Họ đang làm những việc rất tồi tệ. Nhưng tôi đánh giá rất cao điều này”, Trump nói với đám đông. Ông dường như đang muốn giải thích việc còn nhiều ghế trống trong hội trường là do “những kẻ côn đồ” đứng chặn bên ngoài trung tâm tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, các phóng viên CNN tại hiện trường nói họ không nhìn thấy bất kỳ nhóm người nào có hành vi bạo lực đứng chặn ở lối vào.
Sau bài phát biểu gần hai tiếng, Trump rời Tulsa trong đêm. 6 nhân viên chiến dịch tranh cử dương tính nCoV vẫn được cách ly trong khách sạn.
Theo giới chuyên gia, ngay từ lúc lên kế hoạch, cuộc vận động tranh cử đánh dấu sự trở lại của Trump sau hơn 100 ngày tạm ngừng để chống Covid-19 đã có vấn đề.
Video đang HOT
Rắc rối đầu tiên nằm ở thời điểm tổ chức sự kiện. Tổng thống Trump đã thay đổi ngày sau khi biết nó trùng với lễ kỷ niệm Juneteenth, vốn được người gốc Phi tổ chức để đánh dấu bãi bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ. Trump phàn nàn rằng việc thay đổi ngày tổ chức khiến lượng người tham dự sự kiện sụt giảm nghiêm trọng.
Dù Trump không coi việc chọn Tulsa làm nơi mít tinh là vấn đề, các cố vấn của ông ngay từ đầu đã tỏ ra lo lắng trước quyết định chọn một thành phố có lịch sử bạo lực liên quan đến phân biệt chủng tộc giữa lúc làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang lan rộng tại Mỹ.
Viễn cảnh hàng nghìn người tụ tập trong một hội trường chật cứng trong bối cảnh tình hình Covid-19 vẫn nghiêm trọng cũng luôn là rào cản khiến người ủng hộ ngần ngại tới dự sự kiện.
Bị giữ chân trong Nhà Trắng nhiều tháng vì dịch bệnh, Trump đã liên tục yêu cầu lên kế hoạch cho một cuộc vận động tranh cử, bất chấp cảnh báo từ giới chức y tế.
Khi các đám đông biểu tình lớn hình thành sau cái chết của George Floyd, việc thuyết phục Tổng thống hoãn tổ chức sự kiện càng trở nên khó khăn hơn. Theo Trump, nếu người biểu tình có thể tụ tập với số lượng lớn thì người ủng hộ ông cũng có thể.
Khi ý muốn của Trump trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đội ngũ phục vụ chiến dịch phải nhanh chóng xác định một địa điểm vừa đảm bảo không gian cho những đám đông lớn vừa nhận được sự hợp tác của thống đốc bang và thị trưởng thành phố, cho phép tụ tập đông người.
Tulsa dường như đáp ứng mọi yêu cầu. Oklahoma có số ca nhiễm nCoV tương đối thấp và việc tụ tập đông người ở một bang nghiêng hẳn về phe Cộng hòa chắc chắn không phải vấn đề, ít nhất là với Trump.
Một người ủng hộ tới dự buổi vận động tranh cử của Tổng thống Trump ở Tulsa ngày 20/6. Ảnh: Washington Post.
Trong một tuần trước sự kiện, cuộc vận động tranh cử đã thu hút mọi sự chú ý của Trump, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. Tổng thống đã mời Thống đốc Oklahoma đến Nhà Trắng hôm 18/6 để thảo luận về sự kiện.
“Chúng ta sẽ có mặt ở Oklahoma. Và đám đông sẽ lớn chưa từng có, tôi đoán vậy. Chúng tôi có lượng đặt vé rất lớn”, ông nói.
Ngày 19/6, Trump không lên lịch cho bất kỳ sự kiện nào, dường như để tập trung cho buổi vận động tranh cử vào hôm sau. Ông đe dọa người biểu tình trên Twitter, cảnh báo họ sẽ không được đối xử nhẹ nhàng nếu tìm cách phá hoại sự kiện.
Khi biết Tulsa sẽ áp lệnh giới nghiêm vào ba đêm trước và sau cuộc vận động tranh cử, Trump đã gọi cho thị trưởng Tulsa để phản đối. Thị trưởng Tulsa đồng ý hủy lệnh giới nghiêm với những người ủng hộ Trump đã cắm trại bên ngoài trung tâm tổ chức sự kiện.
Đến sáng 20/6, mọi thứ bất ngờ diễn ra theo chiều hướng không như ông mong muốn với hàng loạt tin xấu đổ về. Phó tổng thống Mike Pence còn bị chậm trễ trên đường tới Tulsa do giông bão.
“Sự kiện ở Oklahoma thật đáng kinh ngạc. Đám đông thật không thể tin nổi. Họ chưa từng thấy bất kỳ điều gì như thế trước đây”, Trump nói trước khi rời bãi cỏ phía nam Nhà Trắng.
Nhưng ở Tulsa lại là một câu chuyện khác. Một sân khấu rộng ngoài trời đã được dựng lên để đón chờ đám đông hàng chục nghìn người, nhưng nó gần như bị bỏ trống. Bài phát biểu theo kế hoạch của Trump và Pence tại đây cũng đã bị hủy. Bên trong hội trường, ghế trống còn rất nhiều.
Sau khi Trump kết thúc bài phát biểu, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết hai nhân viên Mật vụ đã dương tính với nCoV.
Fan K-pop tuyên bố 'phá' mít tinh của Trump
Fan K-pop và người dùng Tiktok cho biết đã cố tình đăng ký nhưng không tham dự, khiến buổi mít tinh của Trump ở Oklahoma ít người hơn dự kiến.
Mary Jo Laupp, một người dùng Tiktok, được cho là đã dẫn đầu nỗ lực trên mạng xã hội nhằm "phá hoại" cuộc mít tinh của Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Laupp đã đăng một video kêu gọi mọi người đăng ký tham dự sự kiện nhưng không đến.
Lời kêu gọi của Laupp đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi, với hơn 700.000 lượt thích video của cô, cùng sự hưởng ứng của nhiều fan K-pop (nhạc pop Hàn Quốc).
Tổng thống Trump xuất hiện tại cuộc mít tinh ở trung tâm BOK, thành phố Tulsa tối 20/6. Ảnh: AP
Hai fan K-pop hôm 21/6 cho biết mỗi người đã đăng ký hai chỗ, nhưng không dùng tên và số điện thoại thật.
"Ban đầu, tôi nghe đến kế hoạch đăng ký ảo này từ các fan của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, rồi sau đó thấy video trên Tiktok và tôi đã ồ lên, mọi thứ sẽ bùng nổ đây", Raq, một sinh viên 22 tuổi và là cử tri của đảng Dân chủ ở bang Minnesota, cho biết.
Raq cho hay lý do chính khiến cô có mặt ở cuộc mít tinh của Trump là vì nó diễn ra ở Tulsa, nơi từng chứng kiến vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Phi đẫm máu nhất lịch sử Mỹ khoảng 100 năm trước.
Em, một học sinh 17 tuổi ở bang Kansas, cũng nói rằng cô biết kế hoạch của Laupp qua video trên Tikok. Nhiều bài viết chia sẻ thông tin này trên Twitter hiện đã bị xóa. "Tôi nghĩ một phần trong số đó là những người dùng Tiktok và fan K-pop, nhưng cũng có những người không thích Trump như ông ấy nghĩ", Em nói.
Các fan của nhạc Hàn Quốc đã bày tỏ ủng hộ với phong trào chống phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội trong những tuần qua. Xô xát đã xảy ra bên ngoài địa điểm tổ chức mít tính của Trump giữa khoảng 30 người biểu tình và một số người ủng hộ ông.
Sự kiện ở Tulsa là cuộc mít tinh vận động tranh cử đầu tiên sau ba tháng của Trump và ban tổ chức ban đầu cho hay có hơn một triệu người đã đăng ký tham dự. Tuy nhiên, trung tâm BOK với 19.000 chỗ ngồi vẫn còn rất nhiều ghế trống tối hôm đó. Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence cũng phải hủy bài phát biểu ngoài trời, vốn được chuẩn bị trong trường hợp hội trường kín chỗ.
Sở Cứu hỏa Tulsa cho biết chỉ khoảng 6.200 người có mặt tại cuộc mít tinh của Trump. Nhiều cử tri đội mũ hoặc mặc áo phông mang khẩu hiệu "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại", nhưng rất ít người đeo khẩu trang.
Khán đài trống trong cuộc mít tinh của Trump ở trung tâm BOK, thành phố Tulsa tối 20/6. Ảnh: AP
Số ca nhiễm nCoV tại Oklahoma đã vượt 10.000 và tăng mạnh trong vài ngày gần đây. Giới chức y tế bang cảnh báo việc tụ tập đông người trong không gian kín có thể khiến Covid-19 lây lan mạnh. Người tham dự sự kiện phải ký giấy cam kết không kiện chiến dịch tranh cử của Trump hay địa điểm tổ chức nếu nhiễm nCoV từ buổi mít tinh.
Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump, cho hay họ đã loại bỏ "hàng chục nghìn" số điện thoại không có thật khi tính toán số người có khả năng tới dự sự kiện. Ban tổ chức đổ lỗi cho truyền thông kích động cử tri không tham gia mít tinh và gây rối bên ngoài trung tâm BOK.
Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez ca ngợi những thiếu niên đã tham gia "trò chơi khăm" Trump trên Tiktok. "Các fan K-pop, chúng tôi đã chứng kiến và cũng đánh giá cao đóng góp của các bạn trong cuộc chiến vì công lý", bà viết trên Twitter.
Chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden bác bỏ cáo buộc liên quan đến kế hoạch phá hoại sự kiện của Trump. "Donald Trump đã từ bỏ vị trí lãnh đạo và không có gì ngạc nhiên nếu người ủng hộ phản ứng bằng cách bỏ rơi ông ấy", một phát ngôn viên nói.
Trump cảnh báo nghiêm trị kẻ phá hoại vận động tranh cử Trump doạ sẽ hành động chống lại bất cứ kẻ phá hoại nào xuất hiện trong chiến dịch vận động tranh cử của ông tại Oklahoma cuối tuần này. "Những người biểu tình, kẻ vô chính phủ, kích động, cướp bóc hay thấp hèn định đến Oklahoma làm ơn hiểu rằng các bạn sẽ không được đối xử theo cách ở New York,...