Bước chân nhỏ viết nên huyền thoại
Chiến thắng trong cuộc thi Ultratriathlon khắc nghiệt nhất hành tinh trên đất Thụy Sĩ, cô gái nhỏ nhắn Thanh Vũ (tên thật là Vũ Phương Thanh) đã nhận nhiều bình luận, ngợi ca của truyền thông khắp thế giới.
Cô đã khiến tất cả phải ngả mũ thán phục trước ý chí và khát vọng chinh phục giới hạn bản thân. Thanh Vũ không xuất thân từ vận động viên (VĐV) điền kinh chuyên nghiệp, cô đơn thuần chỉ là một chuyên viên phân tích tài chính, từng làm việc cho Hãng phân tích tài chính Bloomberg ở Singapore, nhưng có lẽ chạy bộ đã ngấm vào máu của cô gái gốc Hà Nội từ khi còn là sinh viên ở Singapore, Canada và Vương quốc Anh.
Vận động viên Thanh vũ chiến thắng trong cuộc thi Ultratriathlon khắc nghiệt nhất hành tinh
Chọn TPHCM năng động và đầy sáng tạo làm quê hương thứ hai để sinh sống và làm việc, cũng vì nơi đây có phong trào chạy bộ phát triển mạnh mẽ suốt thập niên qua, cô gái sinh năm 1990 thừa nhận, cô đang rất hạnh phúc.
“Tôi chưa bao giờ đặt ra mục tiêu là phải trở thành nhà vô địch của bất kỳ giải thể thao nào mà mình từng tham dự. Mục tiêu trên hết là được trải nghiệm những vùng đất mới và luôn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, không lùi bước trước khó khăn”, Thanh Vũ lý giải về “nghề tay trái” của mình.
Bà NGUYỄN THU PHƯƠNG, phụ trách bộ môn Triathlon của Tổng cục TDTT:
“Những người tập luyện và thi đấu môn triathlon tại Việt Nam rất tài năng, dù xuất phát điểm của họ là chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Tấm gương đầy nghị lực của Thanh Vũ chắc chắn sẽ tạo thêm động lực rèn luyện thể thao cho giới trẻ, đồng thời tạo nên một trào lưu tập và thi đấu đầy thú vị cho Triathlon”.
Ngày Thanh Vũ trở thành VĐV nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục ngôi vô địch thế giới ở giải 3 môn phối hợp The Deca Ultratriathon tổ chức tại St.Gallen (Thụy Sĩ) hồi cuối tháng 8, người hâm mộ thể thao thế giới đã biểu lộ sự phấn khích và thán phục trước ý chí kiên cường của cô. Thi đấu ở giải này, Thanh Vũ phải đấu trí và đấu sức trên quãng đường đua khốc liệt. Thay vì chỉ cần hoàn thành các cự ly bơi 1,5km, đạp xe 40km và chạy marathon 10km như đấu trường Olympic, cô đã “ngốn” một quãng đường dài đến 2.260km, gồm bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy marathon 422km.
Hoàn thành mốc thời gian mà nhà tổ chức đặt ra là 345 giờ, VĐV sẽ thắng cuộc, nhưng Thanh Vũ còn làm được hơn thế, hoàn thành bài thi chỉ trong 328 giờ 27 phút 55 giây. Thanh Vũ kể, cô bơi 38km trong hồ bơi 50m hết 22 giờ 14 phút 17 giây, sau đó nghỉ ngơi gần 2 giờ là thay đồ để lao vào đường đua xe đạp dài 1.800km. Với việc phân phối thời gian thi đấu, xen lẫn nghỉ ngơi hợp lý, Thanh Vũ kết thúc cự ly đạp xe trong 179 giờ 31 phút 49 giây, sau đó khép lại cự ly cuối cùng là chạy marathon 422km với 124 giờ 50 phút 26 giây.
Thanh Vũ chiến thắng ở cuộc đua Triathlon khắc nghiệt nhất thế giới năm 2022. Ảnh: NVCC
Trong suốt cuộc hành trình kéo dài 14 ngày liên tục, Thanh Vũ đạp xe dưới trời mưa nặng hạt, thi đấu trong đêm tối vắng lặng và những cơn buồn ngủ chực chờ lôi cô khỏi đường đua. Thanh Vũ chọn cách… khóc một mình để giải tỏa sự ức chế, nỗi sợ hãi, sự mệt mỏi để tìm lại sự tự tin khi ngày mới bắt đầu trải ra trước mặt. Những chia sẻ của cô trên trang Facebook cá nhân suốt thời gian thi đấu đã nhận được sự đồng cảm và động viên từ cộng đồng chạy bộ khắp thế giới, cũng là động lực thôi thúc cô không bỏ dở “cuộc chiến” của mình.
“Trong hành trình đạp xe, tôi chỉ ngủ những giấc ngắn và ăn rất nhiều bữa nhỏ. Có rất nhiều khó khăn, thậm chí cả hiểm nguy. Cách duy nhất là tận hưởng những điều tồi tệ nhất, yêu hành trình hơn đích đến. Chưa hết, đạp xe ban đêm khiến chúng tôi rất buồn ngủ. Đạp xe qua sông Rhine vào nửa đêm lạnh khủng khiếp. Thật may khi trong suốt cuộc đua, tôi gặp nhiều VĐV ở các nước khác nhau. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhau. Vừa đạp xe, chúng tôi vừa nói chuyện để giúp nhau tỉnh táo…”, Thanh Vũ đã kể.
Trước khi thắng giải The Deca Ultratriathon 2022, Thanh Vũ từng được biết đến là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam và châu Á chinh phục thành công giải chạy siêu bền đa chặng năm 2016 với tổng chiều dài 1.000km, trải qua 4 điểm sa mạc khắc nghiệt, gồm Nambib tại Namibia (châu Phi), Gobi (châu Á), Atacama (Nam Mỹ) và Nam Cực. Nhờ đó, cô được báo chí thế giới ví von như một “bông hồng sa mạc”, là “cô gái chạy khắp thế giới” trong các bài viết, bình luận hay phóng sự về sức mạnh diệu kỳ dưới những bước chạy không biết mệt mỏi của cô… Điều đó đã dấy lên trong cộng đồng chạy bộ, những người thường xuyên tập và thi đấu Triathlon ở Việt Nam một sự cảm mến thực sự.
Hồi tháng 5, VĐV Nguyễn Thị Thanh Nhã cũng đã thổi bùng lên cảm xúc mãnh liệt trong giới thể thao khi trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục được “nóc nhà thế giới” Everest cao hơn 8.000m ở dãy Himalaya. Nữ luật sư 37 tuổi đang sinh sống tại TPHCM luôn đau đáu với triết lý sống “chinh phục các ngọn núi cao nhất cũng tức là chinh phục bản thân”. Đấy là lý do trước khi ghi dấu ấn lịch sử ở đỉnh Everest, Thanh Nhã đã chinh phục những đỉnh núi cao nổi tiếng của thế giới, như Kilimanjaro (Tanzania, núi cao nhất châu Phi), Aconcagua (Argentina, cao nhất Nam Mỹ), Elbrus (Kabardino-Balkaria thuộc Nga, cao nhất châu Âu), Kim tự tháp Carstensz (cao nhất châu Đại Dương), Vinson Massif (cao nhất Nam Cực)…
Cả hai cô gái giàu nghị lực Thanh Vũ và Thanh Nhã chưa muốn dừng lại trong hành trình về tương lai. Đối với họ, chinh phục thử thách, khám phá sự khắc nghiệt của thời tiết, vượt qua những giải đấu khó khăn bậc nhất hành tinh chính là “nguồn sống”, là “kim chỉ nam” cho cuộc đời mình. Mỗi người một nghề nghiệp, nhưng cả hai có điểm chung là đam mê Triathlon, sẵn sàng khai phá những “vùng đất cấm” mà nhiều thế hệ đi trước chưa từng làm được, cũng là để góp phần lan tỏa giá trị và khát vọng của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.
Mỹ nhân điền kinh đẹp nhất thế giới "khổ luyện" hướng tới cuộc đua cuối
Hàng triệu fan đang ngóng chờ những bước chạy của Alica Ѕchmidt tại giải điền kinh vô địch thế giới 2022.
"Nhất cử nhất động" của Alica Ѕchmidt, VĐV điền kinh chạy tiếp sức 4x400m của đội tuyển Đức tại giải vô địch thế giới 2022 đang diễn ra tại Mỹ đều nhận được sự quan tâm của hàng triệu khán giả.
Ѕchmidt lại khiến hàng triệu người phải xao xuyến
Nắm bắt được sự quan tâm của khán giả, mới đây Schmidt đã đăng tải bức ảnh tập luyện đầy lôi cuốn. Chỉ là một video nâng tạ bình thường nhưng vẻ đẹp, sự duyên dáng của chân chạy 23 tuổi đã khiến hàng nghìn fan xao xuyến.
Chỉ chưa đầy 1 ngày clip với tiêu đề "những công việc chuẩn bị cho sự kiện chạy 4x400m vào cuối tuần đã xong", của Ѕchmidt đã nhận được hơn 266.000 lượt thích, và có hơn 1.700 lời bình luận. Dự kiến con số tương tác với bài đăng của Alica sẽ còn tăng lên bởi Instagram của cô hiện có 3,1 triệu người theo dõi.
Khán giả dành "mưa lời khen" cho chân dài cao 1m75. Một người viết: "Rất trang nhã và lôi cuốn nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ".
Một tài khoản khác khen: "Cô ấy chính là G.O.A.T (vĩ đại nhất) của các trang mạng như Tik Tok và Instagram. Những nội dung cô ấy đăng tải thật sự cuốn hút người xem".
Một khán giả khác thì có phần mơ mộng: "Tôi nghĩ bạn sẽ giành chiến thắng, bởi bạn là người xinh đẹp và giỏi giang nhất". Khán giả khác đã khuyên: "Tôi nghĩ nâng tạ không tốt cho việc bứt tốc, dù sao cũng chúc bạn sẽ có được kết quả tốt nhất ở cuộc thi 4x400m tiếp sức".
Trước đó ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp, Schmidt và các đồng nghiệp của cô đã gây thất vọng khi chỉ xếp hạng 12/15 đội thi đấu tại vòng loại. Với thời gian 3 giờ 16 giây 80, đội tuyển chạy tiếp sức nam nữ của Schmidt không đủ tiêu chuẩn để lọt vào vòng chung kết.
Dù Ѕchmidt không phải VĐV giỏi nhất và đội của của cô cũng vậy, tuy nhiên hàng triệu người vẫn đang dõi theo vòng loại nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ sẽ diễn ra vào 17h10 ngày 23/7 (9h10 24/7, giờ Việt Nam). Đây cũng là phần thi cuối của mỹ nhân điền kinh đẹp nhất thế giới ở sự kiện lần này.
Hơn 1 thập kỉ được bình chọn là 'Hoa khôi bóng chuyền', cùng Ngọc Hoa làm nên cặp đôi 'phụ công' hàng đầu Đông Nam Á, VĐV Phạm Thị Kim Huệ hiện tại ra sao? "Hoa khôi bóng chuyền" Phạm Thị Kim Huệ đã làm nên nhiều kỉ lục gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ. Tài năng thiên bẩm và cơ duyên đến với môn bóng chuyền Sinh năm 1982 tại phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội, Phạm Thị Kim Huệ sở hữu chiều cao lý tưởng lên tới 1m80, thừa hưởng gen trội...