Bùng nổ thanh lý ô tô trả góp mùa COVID-19
Ô tô xiết nợ được các ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu.
Cách đây hơn một năm, nhiều người có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xế hộp để đi lại, kinh doanh dịch vụ khi ngân hàng cho vay tới 80%-90% giá trị chiếc xe cùng lãi suất ưu đãi. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người bán tháo xe vì không trả nổi nợ hoặc bị ngân hàng ồ ạt thanh lý để thu hồi nợ.
Đủ kiểu ô tô thanh lý
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng thông báo thanh lý nhiều loại ô tô với giá rẻ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Trong đó nhiều nhất là xe chạy dịch vụ, xe khách, xe tải, xe con… Lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh doanh khó khăn, người vay không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng vay mua xe nên bị thu hồi bán thanh lý.
Đơn cử, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa mới đây thông báo thanh lý 10 chiếc ô tô con năm chỗ hiệu Kia màu bạc, sản xuất năm 2008-2011. Theo nội dung rao bán, những mẫu xe này giá chỉ 60-70 triệu đồng mỗi chiếc. Tương tự, TPBank cũng thông báo bán đấu giá năm ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ tại ngân hàng này. Các mẫu xe được rao bán đợt này có giá khởi điểm từ 207 triệu đến 502 triệu đồng, tùy thương hiệu, năm sản xuất và dòng xe.
Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là chiếc xe hạng sang Mercedes-Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng, hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng. Techcombank thông báo tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ô tô gồm nhiều thương hiệu, dòng xe…
Theo các ngân hàng, phần lớn xe thanh lý là của khách hàng vay mua xe trả góp đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ nên thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ. Trả lời báo chí, đại diện một số ngân hàng giải thích ô tô là nhóm tài sản có thanh khoản khá tốt và thường được xử lý dễ dàng khi đã thu giữ. Song tâm lý của người mua tài sản đảm bảo xe hơi thường lo ngại về các giấy tờ đi kèm vì liên quan nợ xấu, nên nếu đưa ra giá tương đương thị trường sẽ khó cạnh tranh. Vì vậy, một số ngân hàng phải hạ giá ô tô thanh lý.
Ngoài xe do các ngân hàng thanh lý, trước đây nhiều người đua nhau mua xe trả góp kiểu phong trào để vừa phục vụ gia đình đi lại, vừa kinh doanh nhưng hiện nay thu nhập giảm, kinh doanh cũng bết bát nên không trả nợ ngân hàng đúng hạn, bị ngân hàng thu nợ. Anh NQĐ, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi mua ô tô trả góp, mỗi tháng phải trả gốc và lãi lên tới 15 triệu đồng. Tiền chi phí cho chiếc xe mỗi tháng cũng tốn 5-6 triệu đồng nữa, chưa kể mấy lần sửa chữa này nọ. Từ đầu năm đến nay, kinh doanh khó khăn, thu nhập vợ chồng giảm, tôi chạy dịch vụ nhưng ít khách, không đủ sức gánh nợ nữa…”.
Khách hàng mua xe thanh lý cần nhờ người có chuyên môn kiểm tra kỹ chất lượng, khảo sát so sánh với giá thị trường. Ảnh: QUANG HUY
Giá rẻ nhưng hãy cẩn thận
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, ô tô thanh lý có rất nhiều dạng khác nhau và khá đa dạng: Xe có thể đã bị đâm, đụng nặng hoặc rất đẹp, chạy rất ít kilômet. Vì vậy, phía ngân hàng thông thường nhờ một đơn vị thứ ba thực hiện định giá rồi mới đưa ra mức giá cụ thể. Giá xe thanh lý có khi rẻ hơn giá xe cũ cùng dòng, phân khúc… trên thị trường để thanh lý thu hồi nợ nhanh.
Video đang HOT
Vị chuyên gia ô tô này cũng cho rằng người mua xe thanh lý có thể tiết kiệm được khoản tiền lớn so với mua xe mới nhưng xe rẻ chưa chắc đã “ngon”, do vậy cần kiểm tra kỹ nếu không tưởng mua được xe rẻ mà hóa đắt. “Nếu mua phải xe quá cũ, hỏng hóc liên tục … thì chi phí sửa chữa rất nhiều. Tốt nhất là người mua nên nhờ những người có chuyên môn kiểm tra ô tô xem có bị ngâm nước, thủy kích, bị lỗi gì không… trước khi xuống tiền” – ông Đồng khuyến nghị.
Chủ một đại lý ô tô cũng nhìn nhận ô tô thanh lý thường rẻ hơn thị trường khoảng 10%-15%. Tuy vậy, trong một số trường hợp giá ô tô thanh lý không rẻ hơn so với giá ngoài thị trường. Lý do là các đại lý ô tô cũ sau khi mua xe thanh lý còn phải chịu phí sang tên, bị truy thu phí bảo trì đường bộ, phí sửa chữa…Các chi phí này khiến giá xe thanh lý bị đội lên.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho biết trường hợp xét thấy khách hàng không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn…, ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ. Ô tô thanh lý thường được các đại lý chuyên kinh doanh xe cũ thu mua vì họ rành về chất lượng xe và nắm rõ về các thủ tục. Trong khi các cá nhân lại e ngại về thủ tục và không rành kiểm tra chất lượng xe nên ngại mua ô tô thanh lý.
“Thực tế cho thấy ô tô xiết nợ được ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu. Song khi muốn mua xe thanh lý, khách hàng phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, kiểm tra, so sánh giá xe trên thị trường. Còn thủ tục thì rất đơn giản, khách hàng ký hợp đồng mua xe rồi làm thủ tục sang tên” – ông Hiếu nói.
Cẩn thận với xe mới bên ngoài, hỏng bên trong
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng mua xe cũ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thậm chí có thể mua được chiếc xe chất lượng như mới, đầy đủ phụ kiện với giá hời. Nhưng để mua được xe cũ với giá hợp lý, trước hết khách hàng phải chọn các đại lý kinh doanh ô tô cũ uy tín hoặc chọn mua xe chính hãng đã qua sử dụng còn bảo hành theo tiêu chuẩn của hãng trong thời hạn một năm hoặc 20.000 km cho động cơ và hộp số.
“Người mua nên ưu tiên chọn lựa kỹ lịch sử xe, điểm kỹ thuật, sử dụng không quá 4-5 năm hoặc chạy trên 50.000 km” – ông Đồng khuyến nghị.
Đồng quan điểm, đại diện một số đại lý ô tô cho rằng xe thanh lý thường được các đại lý mua bán xe cũ gom về, tân trang lại rồi bán ra thị trường. Mặt khác, không ít xe dạng thế chấp ngân hàng là xe dịch vụ, xe cho thuê, xe chạy đường dài… chạy liên tục nên đã xuống cấp nhưng được đại tu lại. Những xe này nhìn bên ngoài đẹp nhưng máy móc bên trong đã rệu rã. Do vậy, khách hàng cần hết sức cẩn trọng.
Vay nợ mua ô tô, sống bất an vì bị xiết nợ, cẩu mất xe
Số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ đang tăng lên do không có khả năng thanh toán. Khách chậm trả nợ nhiều tháng, xét thấy không còn khả năng thanh toán nên ngân hàng buộc phải thu hồi xe về bán.
Ô tô bị xiết nợ gia tăng
Chiếc xe ô tô 24 chỗ ngồi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mới đây bị một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là chủ nợ thu giữ.
Ngày 14/3/2019, vợ chồng ông Cường ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng mua chiếc xe này để kinh doanh chở khách và dùng chính chiếc xe làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Từ đó đến hết năm 2019, vợ chồng ông vẫn trả vốn vay ngân hàng đúng hẹn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ tháng 1/2020, công việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, vợ chồng ông Cường chỉ thu xếp để thanh toán đủ và đúng hạn các kỳ tháng 1 và tháng 2.
Nhiều người bị ngân hàng thu hồi xe do không có tiền trả góp khi vay mua ô tô (ảnh minh họa)
Ngày 29/5, nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho ông Cường, nói đem xe lên định giá để làm hồ sơ giãn nợ theo quy định. Khi lái xe của ông Cường đưa xe đến, được nhân viên ngân hàng yêu cầu lên văn phòng để viết đơn. Xong việc, xuống thì không thấy xe đâu nữa, ngân hàng đã thuê cẩu xe đi. Tìm hiểu ông Cường mới biết, ngân hàng này đã chuyển khoản vay mua xe của vợ chồng ông thành nợ quá hạn và thu giữ tài sản bảo đảm.
Gần đây, số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ đang tăng lên do không có khả năng thanh toán. Nhân viên một ngân hàng TMCP có nhiều hợp đồng tín dụng mua xe trả góp cho biết, số khách hàng không có khả năng trả nợ và bị thu xe của ngân hàng này hai tháng lại đây cao gấp 1,5 lần so với trước.
Nhiều nhất là xe tải và xe chở khách. Dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, giảm sút, dẫn đến kinh doanh vận tải gặp khó khăn, không có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Nhiều khách hàng đã chấp nhận để ngân hàng thu xe về.
Tiếp đến là xe của các gia đình. Nhiều gia đình trước đây mua nhà, mua xe, mua đồ gia dụng,... trả góp cùng lúc. Bình thường có công việc, thu nhập đều đặn thì thanh toán đúng hẹn, nhưng nay mất việc, giảm việc làm nên thu nhập cũng giảm theo và không có tiền thanh toán đúng hẹn, đã bị các ngân hàng thu hồi nợ.
Anh Lê Hồng Nam, xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, kể rằng gia đình anh vay mua chiếc xe 5 chỗ cỡ nhỏ, trả góp ngân hàng cả gốc lẫn lãi 5 triệu đồng/tháng trong vòng 5 năm. Chỉ cần chậm 30 ngày không trả nợ là nhân viên quản lý nợ của ngân hàng sẽ tìm đến tận nhà đôn đốc, thẩm định tình trạng thực tế xem khách hàng có thể tiếp tục trả nợ được hay không để đưa ra quyết định thu xe, hoặc cho chậm trả.
Khách hết tiền, ngân hàng phải ôm ô tô
Số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, 6 tháng đầu năm, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Vì vậy, sẽ còn nhiều khách hàng vay mua ô tô khó có khả năng thanh toán đúng hạn cho ngân hàng. Chắc chắn số ô tô bị thu hồi để phát mãi sẽ còn tăng.
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP tại Đống Đa Hà Nội cho hay, theo quy định, sau khi khách hàng vay tiền, thế chấp chiếc ô tô thì đó là tài sản của ngân hàng.
"Chúng tôi có quyền thu hồi khi khách hàng không thanh toán đúng như cam kết. Những khách hàng chậm trả nợ nhiều tháng, với số tiền lên tới hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cả gốc lẫn lãi, xét thấy không còn khả năng thanh toán và trở thành nợ xấu, có nguy cơ mất vốn, thì ngân hàng phải ra tay thu hồi xe về bán", vị này nói.
Mất việc, thu nhập giảm, không có tiền trả ngân hàng nên số ô tô bị thu hồi để phát mãi sẽ còn tăng.
Một số NHTMCP cho hay, số dư nợ cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hiện tăng gấp mấy lần so với đầu năm. Quan ngại nhất chính là các khoản cho vay mua nhà, tiếp đến là cho vay mua ô tô.
Theo đại diện một ngân hàng TMCP, nợ xấu của nhà băng này tăng cao, chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Ngân hàng đang triển khai các biện pháp thu hồi nợ, nhưng việc này cũng gặp khó do khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ cuối tháng 6/2020, hàng loạt ngân hàng liên tục phát đi thông báo về việc bán thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.
Mới đây, TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia của 5 khách hàng cá nhân, có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng, với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng. Những khách hàng nói trên đều đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ, nên ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm.
Ngân hàng VIB hiện cũng rao bán 64 phương tiện vận tải, chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ của nhiều thương hiệu nổi tiếng để xử lý nợ. Trong đó, có nhiều dòng xe phổ biến hiện nay như Toyota Vios, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet Colorado,... thậm chí bao gồm cả một số dòng xe đắt tiền như Mitsubishi Pajero hay Peugeot. Các mẫu xe đang được nhà băng này rao bán có giá dao động từ 230 triệu tới hơn 1 tỷ đồng.
Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là một ô tô Mercedes Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng.
Ngân hàng Techcombank cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ôtô. Trong đó, có 2 chiếc Toyota Camry 2.4 và 2 ôtô Toyota Camry 3.5 với giá khởi điểm lần lượt từ 280 triệu và 260 triệu mỗi xe.
Giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn cho biết, xe hơi là nhóm tài sản có thanh khoản rất tốt và thường được ngân hàng xử lý dễ dàng khi đã thu giữ.
Rủi ro vay tiêu dùng: Nợ xấu tăng, đòi nợ kiểu khủng bố Dịch bệnh COVID-19 khiến hơn 5 triệu người lao động mất việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập; nhiều người trở thành khách hàng của các công ty cho vay tiêu dùng và rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí bị khủng bố tinh thần đòi nợ. Công ty Tài chính, Ngân hàng thương mại cần ân hạn, giảm, giãn nợ cho khách...