Bún thối và 4 món đặc sản “ăn một lần, nhớ một đời” ở Pleiku
Dưới đây là những món đặc sản gây ấn tượng mạnh với phần đông du khách lần đầu tiên đến Pleiku. Bên cạnh những “lời khen có cánh”, nhiều người còn khẳng định đây chắc chắn là những món ăn phải thử khi tới “phố núi”.
Có thể nói, ẩm thực ở Pleiku không quá đa dạng, thế nhưng sự hấp dẫn cùng nét đặc trưng riêng có của những món đặc sản ở vùng đất này lại là điều không một ai có thể phủ nhận.
5 món đặc sản nhất định phải thử khi tới Pleiku:
Bún thối ( Bún cua thối)
Trong số tất cả những món đặc sản ở Pleiku thì bún thối (tên gọi khác là bún cua thối) có lẽ là một món ăn mang tính thử thách đối với thực khách nhất, tuy nhiên cũng là món ăn khiến nhiều du khách tò mò nhất.
Nước dùng của món ăn này được chế biến bằng cách thức khá phức tạp và mất thời gian. Những người bán bún cua thối ở Pleiku cho biết, sau khi lọc cua sạch sẽ, người ta sẽ phải ủ một ngày đêm để “tròn vị” nhất. Bởi thế mà món ăn này có mùi rất nặng, nhiều người đã phải “bỏ cuộc” khi vừa đặt chân tới quán.
Bún thối (tên gọi khác là bún cua thối) có lẽ là một món ăn mang tính thử thách đối với thực khách nhất, tuy nhiên cũng là món ăn khiến nhiều du khách tò mò nhất. (Ảnh: 24h)
Một tô bún cua thối khá đơn giản, chỉ là một nắm bún nhỏ, kèm ít măng, sau đó được chan xâm xấp nước dùng cua, rồi thêm chút tóp mỡ hành phi cùng da heo khô. Sau đó, thực khách sẽ ăn cùng rau sống tươi ngon và trứng vịt được om trong nồi nước dùng nếu bạn có nhu cầu.
Tuy là đặc sản của mảnh đất này, nhưng món ăn này cũng gây ra không ít tranh cãi bởi người ăn được thì cảm thấy đậm đà, thơm thơm, cay cay một vị rất riêng, nhưng với người không chịu được mùi của món ăn này thì cũng không thể ăn được dù chỉ là một miếng nhỏ.
Bởi thế mà món ăn này được nhiều người ví là có một nét đặc trưng giống sầu riêng. Người ăn được khen ngon, kẻ không ăn được thì đương nhiên sẽ… không bao giờ gặp lại.
Bún cua thối – món ăn đặc trưng của vùng đất Pleiku. (Ảnh: Du lịch Việt Nam)
Video đang HOT
Gà nướng – cơm lam
Gà nướng và cơm lam có lẽ là món ăn đặc trưng của hầu hết các tỉnh vùng núi. Thế nhưng, mỗi nơi lại mang một nét riêng không hề giống nhau chút nào. Bởi thế nếu đã vi vu tới Pleiku rồi mà không thưởng thức món đặc sản này của người dân tộc Jarai thì quả là thiếu sót vô cùng lớn.
Lý do là bởi ở đây gà được nướng quay tròn bên bếp nướng lộ thiên là một đống than rừng rực cháy đỏ. Xung quanh đống than là những con gà đã làm sạch cắm vào những thanh tre theo chiều thẳng đứng. Gà được nướng nóng hổi với hương vị đặc trưng, chưa kể gia vị chấm cũng rất khác biệt mà bạn khó có thể tìm được ở nơi nào khác.
Miếng thịt gà nướng ở đây ngọt vị ăn kèm với cơm lam mềm dẻo, giản đơn nhưng đảm bảo sẽ khiến bạn nhớ mãi không thôi.
Có rất nhiều quán nướng Jarai trong thành phố, nhưng hấp dẫn nhất nổi tiếng nhất phải kể đến quán Gà nướng Plei Têng kế bên Biển Hồ, thuộc làng Têng, xã Tân Sơn.
Thông thường, nhắc tới bánh xèo, người ta hay nghĩ tới các tỉnh miền Trung và miền Nam. Ấy thế nhưng đây cũng tiếp tục là một món ăn đặc biệt của nơi này.
Món bánh xèo nóng hổi, giòn rụm. Đặc biệt, ngoài kiểu đổ bánh gập đôi thông thường, người ta còn đổ bánh tròn xoe theo đúng hình lòng chảo, bên trên là tôm, thịt bò, trứng tùy khách gọi.
Bánh xèo Pleiku có giá khá rẻ, chỉ từ 5.000 – 30.000 đồng/chiếc, tùy theo kích thước bánh và nhân đi kèm.
Nếu có dịp tới thưởng thức, bạn còn có thể ngồi ngắm nhìn ngưới ta tận tay làm chiếc bánh xèo thơm nức này. Đảm bảo đây sẽ là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. (Ảnh: VNExpress)
Phở khô (Phở 2 tô)
Có thể nói, đây là món ăn nổi tiếng nhất mà ai ai cũng phải ít nhất một lần ăn thử khi đến Pleiku.
Phở khô còn gọi là phở 2 tô, nghĩa là một phần ăn sẽ gồm một tô phở đã trụng kèm chút tóp mỡ, thịt xay, và một tô nước lèo kèm thịt. Dọn kèm đó sẽ là đĩa giá trụng, đĩa húng quế, xà lách và không thể thiếu tương đen.
Khi ăn, bạn sẽ nêm thêm tương, chanh, ớt nước lèo tuỳ ý để sợi phở thấm đều gia vị. Thưởng thức món ăn này, mọi người sẽ cảm nhận được cái thú cực lạ sợi phở dai dai, cái đậm đà của tương đen cùng cái ngọt của nước dùng.
Mức giá trung bình của món đặc sản này là từ 30.000 – 40.000 đồng nhưng hãy cứ yên tâm là lượng thịt thà đi kèm luôn rất đầy đặn và chất lượng.
Tương đen là thứ gia vị không thể thiếu của món ăn này. (Ảnh: Nhatrangholiday)
Phở hai tô có thể ăn kèm với thịt gà hoặc thịt bò nhưng phiên bản thịt bò có phần phổ biến hơn. (Ảnh: Nhatrangholiday)
Giống như nhiều tỉnh thành khác, lụi nướng là một món ăn vặt khá phổ biến. Ở Pleiku, lụi nướng đặc biệt hơn một chút là lụi ở đây là những cuốn bánh tráng nhỏ cỡ đầu ngón tay, bên trong có thịt xay và nấm mèo. Thông thường sẽ là 5 miếng một xiên. Nhỏ xinh, thơm nức.
Mỗi xiên lụi nướng có giá rất bình dân, chỉ khoảng 3.000 đồng/xiên.
Xiên lụi nướng hấp dẫn du khách. (Ảnh: Thanh Niên)
Những xiên lụi nướng thơm phức, trong giòn, ngoài mềm trên than hồng. Để món này thêm tròn vị, đừng quên chấm với nước tương me hoặc tương đậu nhé. (Ảnh: 24h)
Theo thoidai.com
Người Pleiku có món bún cua thối: vừa bịt mũi vừa ăn mà vẫn cứ hấp dẫn
Chỉ nghe tên thôi đã thấy e dè và tò mò rồi!
Hình thức và mùi vị chính là hai yếu tố quan trọng giúp thực khách đánh giá độ hấp dẫn của món ăn. Bởi thế mà đa phần đặc sản của các vùng miền đều hội tụ đủ đầy vừa hương vừa sắc để quyến rũ người ăn trong từng giác quan. Tuy nhiên, ở Pleiku (Gia Lai) lại nổi tiếng với một loại bún có cái tên nghe thôi cũng muốn "xa lánh". Đó chính là bún cua thối, món ăn chưa kịp thưởng thức cũng khiến người ta phải e dè.
Bún cua thối hay có nơi còn gọi bún cua thúi, là một đặc sản nổi bật của nền ẩm thực phố núi. Dù chưa kịp hình dung được hình thức, nguyên liệu hay hương vị nhưng chắc chắn ai cũng có ấn tượng chẳng mấy "lạc quan" với món ăn này. Cái tên đã nói lên tất cả, bạn sẽ được thưởng thức một phần bún vô cùng nặng mùi và tương đối khó ăn đấy.
Thành phần chủ chốt tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn này chính là mắm cua đồng. Người ta dùng cua sống giã nhuyễn rồi lọc lấy nước, sau đó ủ qua 1 ngày để chúng lên men và... bốc mùi thì mới mang đi chế biến. Nước dùng của được nấu từ nước cua nên có màu đen nâu lạ mắt. Chỉ cần từ xa, bạn cũng có thể ngửi được mùi thum thủm dậy lên từ làn khói nghi ngút tỏa ra. Có một số nơi còn cho thêm măng chua để món ăn có độ ngọt tự nhiên.
Tô bún cua hoàn chỉnh là tổng thể hài hòa của thịt ba chỉ, da heo chiên, bánh phồng, nem chua, chả... Nước dùng chan xăm xắp vừa đủ ngập phần ăn bên trong. Đặc biệt để tiếp thêm độ bùi béo, người ta thường cho trứng vịt luộc cùng nước dùng, chúng cũng có màu đen và mùi hương "rất lạ".
Trộn một ít rau sống, vắt chanh, thêm ớt... đấy là cách thưởng thức bún cua thối đúng chuẩn. Nhờ sự hòa quyện của cái chua chua, cay the nồng nàn này mà tôn lên "mùi thơm" đặc trưng của món ăn.
Nếu can đảm bỏ qua những nỗi nghi ngại về hình thức lẫn mùi vị, bạn sẽ nhận được một trải nghiệm vô cùng mới lạ. Điểm nhấn của món ăn nằm ở cái mằn mặn của nước dùng hòa lẫn trong miếng thịt béo béo hay chả dai giòn. Vừa cho vào miệng, mùi "thơm" đã vội xộc lên nhưng từ từ dung hòa bằng chút cay the tinh tế. Tuy món ăn gây nhiều tranh cãi vì độ nặng mùi nhưng phải công nhận bún cua thối đã góp phần tạo nên sự đặc sắc cho nền ẩm thực của Pleiku.
Theo Trí Thức Trẻ
Học người Thái cách làm phở xào chay thanh nhẹ mà ngon Trong những ngày cuối năm nhiều tiệc tùng, bạn hãy làm món phở xào chay để các thành viên trong gia đình mình được ăn nhiều rau củ hơn, nhờ đó có chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn nhé! Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm món phở xào chay: - 200g phở khô - 1/2 cây bông cải...