Bún thịt nướng xứ Huế
Bún thịt nướng không xa lạ với nhiều người Việt Nam, nhưng trên đất Huế món ăn này lại có một phong vị riêng biệt. Nó được xem là một đặc sản “không nếm thử thì vô cùng thiếu sót” một khi có dịp đặt chân lên mảnh đất cố đô.
Việc chế biến món này thì đơn giản nhưng để làm đúng với khẩu vị, mang đậm chất Huế là điều không dễ.
Với riêng thịt để nướng, các bà các mệ thường chọn mua thịt ba chỉ hoặc thịt nạc. Xắt thịt mỏng rồi cho vào một tô lớn, sau đó cho gia vị gồm tiêu, mắm, muối, bọt ngọt, dầu, đường, nước sốt, lá lốt, mè trắng. Dùng tay nhồi khoảng 5 phút cho thấm gia vị vào thịt rồi trải ra vỉ. Đưa vỉ thịt vừa kẹp xong lên bếp than, dùng tay trở liên tục để lửa không làm cháy sém thịt.
Video đang HOT
Ngay trong lúc nướng thịt ta đã có cảm giác thèm ăn vì mùi hương gia vị hòa lẫn mùi thịt nướng bốc nghi ngút thơm lừng.
Xong công đoạn nướng thịt, việc khá quan trọng là làm nước lèo. Món bún có thành công hay không được quyết định bởi loại nước đặc biệt này. Đây là cũng điểm khác biệt rõ nhất so với những món bún bình thường.
Thành phần nước lèo gồm nước, bột mì, nước đậu nành đã cô đặc, một ít đậu xanh và đậu phộng, tiêu, đường, ít mè trắng, ít hạt nêm từ thịt, thật ít muối và nước mắm. Dùng đũa khuấy đều, sau đó đun sôi nhưng nhớ không để đặc quánh và vẫn còn chan được. Múc khoảng 2/3 chén nước lèo đang nóng cho vào tô bún đã bỏ thịt nướng và rau xanh để sẵn.
Việc còn lại là trộn đều, thưởng thức và cảm nhận hương vị.
Bún có vị thanh ngọt, không mặn, không nhạt rất đậm đà. Đặc biệt, thịt nướng khi trộn lẫn với nước lèo tạo ra mùi hương rất đặc biệt khó cưỡng lại. Trong lúc ăn, chúng ta dễ dàng cảm nhận cái béo tự nhiên từ những hạt mè, hạt đậu phộng, cái thơm mát của rau thơm… hòa vị béo ngậy của thịt. Ngoài ra, vài cọng cà rốt hay đu đủ bào giòn rụm cũng khiến vị béo của thịt trở nên nhẹ nhàng hơn.
Dọc đường lên chùa Thiên Mụ, có nhiều quán bún thịt nướng hoặc bánh cuốn thịt nướng đậm đà vị Huế. Du khách đến Huế sau khi xuôi đến thăm chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không, Văn Thánh, Võ Thánh khi quay ngược về thường chọn những quán ở đây làm điểm dừng chân ghé lại thưởng thức những món ngon này.
Bên bờ sông Hương, dưới ánh chiều tà, nghe trong khói mùi thơm của thịt nướng, cắn một trái ớt xanh cay đậm cay đà và nhấm nháp món bún thịt nướng, bánh cuốn thịt nướng quả sẽ là một kỷ niệm khó quên cho bất kỳ ai.
Theo Tuổi Trẻ
Ngon lạ nem măng đắng Tây Bắc
Trong những món ngon chế biến từ măng đắng của người Tây Bắc, độc đáo nhất phải kể đến món nem măng đắng.
Măng trở thành món ăn hấp dẫn và phổ biến của mọi vùng quê. Măng đắng với người Tây Bắc cũng vậy. Nào là măng đắng xào mẻ, măng đắng luộc chấm muối ớt, măng đắng hầm xương, măng đắng nấu thịt vịt hoặc thịt lợn, măng đắng nướng... Ngon và lạ nhất là món nem măng đắng.
Cái tên vừa lạ vừa quen. Người miền xuôi coi nem là món rất thông dụng, dễ làm mà lại ngon, bổ dưỡng. Nhưng nem măng đắng của người Tây Bắc lại kì công và độc đáo hơn ở chỗ họ không dùng bánh đa nem để gói mà dùng những lá măng, nhân không phải thịt lợn, tôm... mà dùng thịt gà tơ.
Muốn nem măng đắng ngon thì phải chọn măng đắng đầu mùa, vừa giòn, ngọt và hương vị thơm ngon hơn khi chế biến món ăn. Măng đắng đem về luộc chín, rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ mỏng, nhưng vừa mềm lại vừa dai để thay thế cho những chiếc bánh đa nem thông dụng.
Nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, gà đồi, thịt mới ngọt, ngon, xương mềm. Làm sạch và băm nhỏ cả xương lẫn thịt, cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Tiếp đó là công đoạn gói nem.
Cho nhân vào từng lá măng, cuốn tròn lại cho khéo để nhân không rớt ra ngoài rồi cho vào chảo mỡ rán vàng. Để nhỏ lửa để nem không bị cháy, lật lại nhiều lần. Khi nem vàng và có mùi thơm thì gắp ra đĩa. Nem măng đắng có thể dùng để nhắm rượu, ăn với cơm đều được.
Vị hơi đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ, vị béo của dầu, mùi thơm của các loại gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng riêng có của nem. Người dân Tây Bắc chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của làng bản, nhưng nay nó đã xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, chỉ riêng món nem cũng đã có vô số loại. Ba miền, mỗi miền đều có những món nem riêng, hương vị, cách chế biến và ý nghĩa riêng. Mùa xuân sắp tới, nếu có dịp lên Tây Bắc đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này.
Theo Lao Động
Đổi vị với cá kèo hấp rau răm Cá kèo là loại cá sinh sản ở vùng nước mặn, nhiều nhất là Cà Mau và Bạc Liêu. Mấy năm gần đây, con cá kèo đã trở thành đặc sản của miền Tây Nam bộ nhờ thịt ngon, ngọt, ít xương nên các đầu bếp đã chế biến thành nhiều món hấp dẫn như cá kèo kho mắm, cá kèo nấu cháo,...