Bún riêu cua Nam bộ khác hẳn Hà Nội
Vị chua chua của me, mùi thơm từ hành sim, hương vị độc đáo của mắm tôm, vị béo từ riêu cua đồng, dai dai từ ốc bươu… tạo nên món bún thơm ngon đậm chất Nam bộ.
Nồi nước bún có nhiều thành phần hơn hẳn bún riêu ở Hà Nội.
Không biết tự bao giờ món bún riêu cua lại trở nên khá thân quen với người dân ở mọi vùng miền đất nước. Nhiều người cho rằng món ăn này có nguồn gốc từ cư dân sống tại vùng châu thổ sông Hồng, sau đó theo chân những người Bắc di cư vào miền Nam.
Nếu như ở miền Bắc, món bún riêu có riêu cua đồng, cà chua chín, đậu phụ, tóp mỡ và mắm tôm, khi xuống đến một vài nơi thuộc khu vực miền Trung, món này còn cho thêm miếng chả lụa hay chả Huế.
Đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, bún riêu cua đã được biến tấu nhiều để phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây, có thêm tiết, giò hoặc sườn lợn, thêm một ít râu mực, tôm khô… Tất cả đã góp phần làm phong phú thêm món bún riêu, phù hợp khẩu vị nhiều người ở các vùng miền khác nhau.
Bát bún riêu nóng hổi của người Nam bộ kết hợp mùi mắm tôm với ớt cay nồng, nước lèo nóng hổi có vị chua của me và cà chua chín, vị thơm của hành sim, vị béo của riêu cua đồng tươi, ốc bươu, tiết lợn, đậu phụ ngon tuyệt. Chủ quán thường bán kết hợp bún riêu cua và canh bún để thêm phần thú vị và tạo nhiều sự lựa chọn cho người ăn.
Cùng đĩa rau xanh (giá, rau muống, rau thơm, xà lách…), vắt chút chanh vào bát bún, kèm một ít ớt sa tế hoặc ớt tươi là bạn có thể thưởng thức được một tô bún riêu cua ngon miệng rồi. Bún riêu Nam bộ có bán trên một số vỉa hè hay chợ trên các con đường Sài Gòn chỉ với giá bình dân khoảng 15.000 đồng.
Nếu đi trên những đường Cao Thắng (quận 3), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Âu Cơ (quận 11), bạn sẽ tìm cho mình được một quán bún riêu thơm ngon. Những quán ở đây bán tầm giữa trưa đến chiều tối, rất đông khách.
Ở Hà Nội, bạn cũng có thể thưởng thức bún riêu kiểu Nam Bộ ở ngã tư Hàng Bông – Phủ Doãn.
Video đang HOT
Bát bún riêu cua.
Trong bát bún không chỉ có riêu mà còn có cả ốc bươu, tiết lợn, râu mực, tôm khô.
Rau sống ăn kèm bún.
Bát canh bún.
Hà Lâm
Theo NS
Cay giòn bánh mì xíu mại Đà Lạt
Trong cuộc chuyện trò ngắn trên xe trung chuyển, tôi được tài xế tự hào mình là dân Đà Lạt chính gốc tư vấn địa điểm ăn sáng ngon nhưng nhanh, gọn, rẻ - bánh mì xá xíu.
Nghe tuyên bố của anh, tôi hình dung đó phải là một quán lớn, sang trọng nhưng khi xe dừng lại trước quán, tôi vừa bất ngờ, vừa xấu hổ trước ánh mắt của các thực khách. Lý do rất đơn giản, quán chỉ là một tấm bạt, vài bộ bàn ghế kê ngay góc ngã tư đường Trần Nhật Duật và Hoàng Diệu. Với chuẩn quán như thế việc một người dừng xe con trước cửa đúng là gây sốc.
Quán chỉ bán hai món là xíu mại và xíu mại thập cẩm. Cái khác nhau của hai món là xíu mại thập cẩm có thêm chả lụa, da heo... Song nếu không muốn dùng thập cẩm hay dùng xíu mại không, bạn có thể yêu cầu một trong hai món ăn kèm trên, người bán sẽ không từ chối.
Giống như tên gọi, bánh mì xíu mại đơn giản là một chén nước dùng khá trong với một ít váng mỡ cho cảm giác thanh thanh, vài cọng hành xanh bắt mắt. Nổi bật trong chén là hai viên xíu mại nhỏ xinh, miếng chả lụa vừa lột lá chuối xắt làm hai. Riêng về da heo khi tôi đến thì quán vừa hết nên không được dịp mục sở thị. Nhưng thích nhất là bánh mì vừa nóng vừa giòn.
Bẻ một miếng bánh mì nhỏ, chấm vào nước dùng, chờ bánh ngậm đủ nước từ tốn cho vào miệng. Cảm nhận đầu tiên của tôi là vị ngọt của xương, mùi thơm của gia vị, đặc biệt là cái cay nồng của ớt được người bán cho hẳn vào nước dùng trước khi đưa ra cho khách, cùng hương thơm nhẹ của hành lá khiến không khí buổi sáng của Đà Lạt như bị đẩy lùi. Xíu mại của món này do được làm hoàn toàn bằng thịt nạc nên dai ngọt, ít ngán. Có lẽ điểm nhấn chính là nước dùng và xíu mại nên chả lụa của món không thuộc dạng "đỉnh", song vẫn dai mịn, đậm đà của thứ thịt tươi quết với nước mắm ngon.
Đảo mắt nhìn quanh, tôi phát hiện chỉ một món ăn nhưng có đến 3 cách thưởng thức. Cách thứ nhất giống như tôi, bẻ bánh mì cho vào chén. Cách thứ hai là xé nguyên miếng bánh mì lớn, chấm vào nước dùng đến khi vừa ngậm đủ nước, rồi nhâm nhi phần vừa ướt nước, cứ thế lập lại cho đến khi hết miếng bánh. Cách thứ ba là xẻ đôi ổ bánh mì, nhét xíu mại vào giữa, rồi chấm với nước dùng. Mỗi cách một cảm nhận khác nhau nhưng cái nóng, vị cay của nước dùng khiến món ăn cứ lưu luyến.
Xíu mại dai ngọt...
Chả lụa dai mềm
Điểm cộng cuối cùng cho món ăn này là giá cực rẻ, một phần bánh mì xíu mại chỉ 5.000 đồng. Riêng món dùng thêm bao gồm cả ổ bánh mì thứ 2, chả lụa, thịt heo luộc, một món là 2.000 đồng. Ngoài ra, bạn còn được khuyến mãi cái không gian lạ của những thực khách kín mít trong áo len, áo khoác, khăn quàng cổ... "xì xụp" trong quán. Một nét riêng không dễ có tại bất kỳ nơi nào ngoài Đà Lạt. Một lưu ý cuối cùng là quán chỉ bán từ 6h - 9h sáng mỗi ngày.
Quán nhìn từ bên trong.
Và bên ngoài.
Địa chỉ: Quán bánh mì xíu mại, góc ngã ba Trần Nhật Duật - Hoàng Diệu, TP. Đà Lạt.
Huỳnh Hằng
Theo Bưu Điện Việt Nam
Gánh bún riêu ốc nổi tiếng ở quận 1 Chỉ là quán lề đường nhưng tất cả các nguyên liệu từ ốc, tiết canh, đậu hũ, chả lụa đều thuộc dạng "hàng khủng", mang lại cho bạn một bữa no nê. Tuy chỉ là một gánh hàng nhỏ bày bán từ khoảng 15h chiều hàng ngày trên vỉa hè Lê Thánh Tôn, góc gần ngã tư Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung...