Bún nước lèo Sóc Trăng đậm đà ngày mưa
Tô bún có mùi thơm của sả, ngải bún, chút mằn mặn của mắm và chút giòn của thịt heo quay, dai dai của tôm, hăng hăng của rau thơm… khiến thực khách thấy ấm lòng hơn trong những ngày tháng 9.
Tọa lạc ngay mặt bằng đường Phạm Viết Chánh, thuộc trung tâm Q.1, gần kề với hàng loạt bệnh viện, trường học có tiếng của Sài Gòn, song Chân Đất lại dân dã, mộc mạc với bàn tre, ghế mây, áo bà ba, nụ cười hiền và giọng nói miền Tây ngọt lịm. Đặc biệt, tuy nằm ngay vị trí đắc địa, mặt bằng rộng, thoáng, song giá thức ăn và nước uống ở đây chỉ dao động từ 10.000 – 37.000 đồng – mức giá nhiều người nhận định “rẻ hơn chợ”.
Tô bún nước lèo Sóc Trăng đúng điệu phải có cá lóc luộc, đã bỏ hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay cắt thành từng miếng và mực tươi thái con chì.
Quán chuyên phục phục vụ những món mang đậm phong vị của vùng đất này như cháo cua đồng, cháo cá, bánh hỏi thịt nướng… song được yêu thích nhất trong những ngày gần đây là món bún nước lèo Sóc Trăng.
Nếu các loại bún nước lèo của miền Tây như bún nước lèo Trà Vinh, Kiên Giang, bún cá Châu Đốc thường được chế biến từ mắm cá linh, mắm cá sặc… thì bún nước lèo Sóc Trăng được chế biến từ mắm bò hóc, một loại mắm đặc biệt của người của người Khmer.
Là loại mắm khá đặc trưng về mùi vị, màu sắc, thế nhưng cách chế biến nước lèo của món bún này đơn giản đến khó tin. Cụ thể, người ta chỉ cần nấu mắm với nước sôi. Khi thịt mắm rã hết thỉ lọc bỏ xương. Phần nước được cho lại vào nồi, thêm gia vị là có thể dùng. Đơn giản như thế nhưng để bật lên hương vị chuẩn của món ăn thì không thể thiếu ngãi bún, một loại gia vị có nguồn gốc từ Campuchia. Chính ngãi bún tạo ra một thứ hương vị “bí ẩn” khiến nồi nước lèo có mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Góp phần vào thành công của món ăn là loại bún được làm từ loại gạo dẻo, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá.
Video đang HOT
Đó là cách chế biến nước lèo truyền thống. Riêng tại quán, để món bún ngon và trọn vị hơn, nước lèo được chia làm hai công đoạn khác nhau. Công đoạn một là hầm nước dùng với xương ống, xương sườn hoặc tôm. Trong quá trình nấu, nồi súp cũng được hớt bọt để cho nước lèo có độ trong và ngọt. Sau khi có nước dùng, đầu bếp mới nấu chung với nước mắm đã lọc xương ở trên, rồi mới cho thêm sả, ngãi bún đập dập vào, nêm nếm vừa ăn.
Không chỉ mê hoặc thực khách với loại nước lèo có mùi thơm của sả, của ngãi bún, mằn mặn của mắm, tô bún nước lèo Sóc Trăng còn “quyến rũ” với miếng cá lóc luộc đã bỏ hết xương trắng phau, mực tươi xắt con chì, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay cắt thành từng miếng. Đi cùng món ăn là đĩa rau đa dạng về màu sắc, hương vị như rau muống bào, bắp chuối thái mỏng, giá, hẹ sống, rau húng, rau quế, chanh, ớt và chén muối ớt thơm đậm.
Sương sa hột lựu với những miếng thạch sương sa giòn rụm do được nấu hoàn toàn bằng rau chân vịt.
Yaourt Phô mai thơm đậm, ngọt nhẹ.
Tuy thành phần cơ bản là bột gạo, bột năng, lá mơ, song bánh lá mít đủ sức mê hoặc tất cả các thực khách với vị ngon dân dã của nó.
Sau khi dùng xong món “nặng mùi” này, quán có hàng loạt món tráng miệng ngon, lạ, rẻ để bạn thưởng thức như chè khoai cao, chè đậu đen, chè bông lau, sương sa hột lựu, yaourt phô mai…
Lạ nhất là món bánh bạn có thể nghe nhiều nhưng chưa có dịp thưởng thức, bánh lá mít lá mơ. Do hạn chế về việc vận chuyển, những chiếc bánh lá mít khi đến tay bạn không còn là những “lát giấy mỏng” dính trên chiếc lá mít, mà đã được bóc ra, cho vào đĩa.
Dù vậy, khi thưởng thức, vị ngon của loại gạo mới gặt, vị thơm, màu đậm của chiếc lá mơ, cái béo của nước cốt dừa, cái thơm giòn của đậu phộng cũng đủ khiến bạn lưu luyến và nhớ mãi.
Địa chỉ: Quán Chân Đất, 14 Phạm Viết Chánh, Q. 1, TP. HCM. Quán mở cửa từ 7h – 22h hàng ngày.
Theo Tapchiamthuc
Vị đậm đà trong tô bún nước lèo Sóc Trăng
Tô bún nước lèo nóng hổi, hòa lẫn mùi thơm của sả với ngải bún, vị mặn ngọt của mắm, mùi hăng của các loại rau mùi cùng với vị cay cay của ớt...
Món ăn thơm ngon đậm đà nhờ kết hợp nhiều loại gia vị trong quá trình nấu nước lèo.
Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ có nhiều món ăn ngon từ bún, có thể kể đến bún nước lèo Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh... nhưng ngon và nổi tiếng phải nhắc tới bún nước lèo Sóc Trăng. Món ăn đặc trưng giàu đạm, ăn kèm các loại rau như húng lủi, rau thơm... nên có nhiều chất xơ. Đây còn được xem là một đặc sản ẩm thực có xuất xứ từ người Khmer, bởi vì yếu tố đặc sắc của món bún này là mắm. Món mắm này xuất phát từ người Khmer, Campuchia và nó đã trở thành gia vị làm nên món ăn ngon của vùng Sóc Trăng.
Để nấu món này, trong thành phần gia vị nên có cây ngải bún vì đây là gia vị khử mùi tanh của mắm và làm thơm nước lèo. Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo, bởi nó được nấu bằng một công thức khá lạ. Chị Ngọc Liên, chủ quán bún nước lèo Sóc Trăng, cho biết, khi nấu nước lèo người Sóc Trăng không cho trực tiếp các nguyên liệu vào nồi như thông thường, mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến khi cốt tan ra. Đặc biệt, nước lèo được nấu cùng nước dừa tươi nên có vị ngọt thanh tự nhiên. Chính vì thế mà nước lèo mới trong, ngọt thanh, rất ngon.
Chị Liên còn cho rằng, món ăn sẽ trở nên ngon hơn nhờ vào cọng bún, bởi cọng bún nước lèo Sóc Trăng được làm từ loại gạo dẻo, tốt nhất là gạo mùa, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Bột lại được nhồi thật dẻo và nắm thành từng cục, sau đó cho vào khuôn bún và vặn để bột tạo sợi qua khuôn. Các sợi bún rơi xuống nồi nước sôi và được làm chín tại đây. Người làm bún vớt bún đã chín trong nồi nước sang một nồi nước thật trong, pha âm ấm, sau đó bắt thành từng con bún để lên thúng tre đã lót lá chuối tươi.
Nước lèo được nấu bằng xương ống, xương sườn lợn, tôm thẻ ninh nhỏ lửa trong nước, hớt bọt để lấy nước dùng trong, ngọt hoặc có thể nấu từ củ cải trắng và thêm nước dừa tươi cho có độ ngọt thanh. Sau đó gia thêm mắm bằng cách: mắm cá sặc nấu với nước, sôi hớt bọt kỹ, lọc bỏ xương lấy nước. Cho nước mắm vào nấu chung với nước hầm xương, cá, nước dừa xiêm và thêm nước lã. Kế đến mới cho ngải bún, sả cây vào nấu sôi. Đây là giai đoạn quan trọng phải hớt bọt thật kỹ thì nồi nước lèo mới trong. Nêm nếm lại cho vừa ăn là dùng được.
Bún nước lèo còn được ăn kèm chung với một số loại thực phẩm khác như thịt lợn quay, cá, thịt, tôm tươi và các loại rau... Cá thì dùng thịt cá lóc đã xử lý hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt lợn quay cắt vừa ăn... Rau sống thì có rau muống bào, hoa chuối thái mỏng, giá hẹ, rau húng quế, chanh và ớt. Đặc biệt, chính nước chấm được nấu từ me, nước mắm ngon, hòa cùng đường tạo nên hỗn hợp nước chấm ngon và hấp dẫn.
Cho bún đã chần vào tô, xếp cá đã gỡ bỏ xương, thịt quay cắt miếng vừa ăn, tôm tươi, cho thêm hẹ cắt khúc và vài lá rau thơm lên trên mặt. Sau đó, bạn nhẹ nhàng múc nước lèo sôi cho vào tô ăn kèm với rau ghém, chanh, ớt và nước chấm mắm me.
Vị mằn mặn thơm phức của mắm, thơm giòn của thịt quay, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo đã làm nên một món ăn đậm chất Tây Nam bộ.
Trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa và Khmer, bún nước lèo trở thành món ăn không chỉ của riêng người dân Sóc Trăng, mà còn là món ăn phổ biến của các dân tộc miền Nam.
Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé ngay lòng chợ Bàn Cờ, quận 3 để tìm đến và thưởng thức món ăn ngon này. Giá một tô bún chỉ có 20.000 đồng.
Tô bún nước lèo Sóc Trăng gồm có tôm tươi, lợn quay, thịt cá hấp...
Các nguyên liệu tươi sẽ góp phần làm cho món ăn thêm ngon hơn.
Đầu cá hấp nếu như bạn có nhu cầu dùng thêm.
Rau dùng bún gồm rau muống, hoa chuối, giá, hẹ...
Nước chấm được nấu từ nước mắm ngon, đường và me chua.
Thư Kỳ
Theo ngôi sao
Ngày mưa thưởng thức 3 món ốc lạ vừa 'du nhập' Sài Gòn Lạ nhất là Tài xỉu, một loại ốc có xuất xứ từ vùng biển Campuchia với chiếc vòi thon dài chìa ra khỏi vỏ ốc cùng phần thân mảnh, trắng phau, thơm lừng, béo ngậy. Không sai khi nói thực khách Sài Gòn mười người thì tám người là tín đồ của ốc, hay các quán ốc của Sài Gòn không chỉ mọc...