Bún đỏ – Món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk Đắk Lắk
Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được ăn kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc.
Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún riêu hay món canh bún ở các nơi.
Tuy nhiên khác với các loại này, bún đỏ giản dị với nguyên liệu gồm bún sợi lớn, chả viên và trứng chim cút luộc. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng (chần) bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên rất đẹp.
Nhưng để làm nên bát bún đỏ ngon trứ danh phải kể đến nước dùng. Xương lợn được ninh nhừ rồi đun cùng nước cua tạo thành thứ nước dùng ngọt, thanh mát và đậm đà.
Video đang HOT
Ngoài ra, thịt ba chỉ được xay nhuyễn, trộn cùng hành khô băm, tiêu rồi nắm thành từng viên nhỏ làm chả, đun cùng nước cua cho đến khi chín mềm, ngấm gia vị.
Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút… Một số quán tùy theo sở thích của khách mà cho thêm giá đỗ hay rau cải ngọt và rưới bên trên lớp hành phi thơm cùng tóp mỡ.
Người ta thường bán bún đỏ vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi lành lạnh, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút… cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.
Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các cửa hàng trong chợ hoặc chiếc xe đẩy đơn giản, nhưng ở đường Phan Đình Giót có nhiều quán hơn cả, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát
Theo TCDL
Nhớ tô bún đỏ Ban Mê
Sài Gòn nhiều của ngon vật lạ nhưng trong tâm thức của một người con xa quê như tôi thì hương vị món bún đỏ của phố núi Buôn Ma Thuột vẫn chẳng thể phai mờ.
Những ngày đầu xa quê, tôi thèm bún đỏ đến mức nửa đêm bật tỉnh dậy, chỉ ước có một tô bún đỏ nghi ngút khói hiện ngay trước mặt để thỏa cơn thèm ăn. Tôi đã lên mạng xã hội "truy tìm tung tích" bún đỏ khắp nơi, hễ thấy ai mách ở địa chỉ này, quán nọ có món na ná bún đỏ là tôi lại đi ăn thử bằng được.
Thế nhưng, dẫu đã đi nhiều ngóc ngách, hẻm Sài Gòn, tôi vẫn chưa thể tìm lại được mùi vị thân thuộc. Bởi lẽ có một điều là ở thành phố, nhiều người nhầm lẫn giữa bún đỏ và canh bún. Và hầu hết những quán bán bún đỏ mà tôi được bạn bè giới thiệu ở Sài Gòn đều là canh bún với cách nêm nếm và gia vị ăn kèm không giống bún đỏ.
Tôi mê bún đỏ đến mức ăn bún thay cơm. Ngày còn học THPT ở Buôn Ma Thuột(còn gọi Ban Mê Thuột), tôi với nhỏ bạn ghé gánh hàng bún đỏ của cô Thu đến mức quen mặt. Nhận ra khách quen, hôm thì cô ưu ái bỏ thêm vào tô bún vài miếng huyết, hôm lại là miếng chả cua béo ngậy. Hai đứa thích thú nhìn nhau, ngồi hì hụp ăn hết cả nước lẫn cái.
Ở phố núi Ban Mê, bún đỏ là món ăn bình dị và phổ biến như món hủ tiếu ở Sài Gòn. Chiều chiều, chỉ cần chạy xe dọc các con đường của thành phố, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những xe bún đỏ đậu bên lề đường nghi ngút khói.
Mùa này, phố núi Ban Mê đang vào mùa mưa. Những ngày mưa trời se lạnh, chẳng còn gì bằng việc ngồi trong túp lều dựng bằng tấm bạt ngay đầu góc phố Lê Duẩn của cô Thu nhâm nhi tô bún đỏ, khói phả lên nghi ngút, vừa ăn vừa phải cầm tô chuyển chỗ vì nước dột.
Giờ đây, ngồi tưởng tượng ra cảm giác húp một miếng nước dùng thơm phức, cắn miếng riêu cua béo ngậy, từng sợi bún dai nhảy múa trong miệng là lòng tôi chợt cười reo thích thú, còn bụng thì réo cồn cào, chỉ muốn bắt vội một chuyến xe đêm về với núi đồi, về thưởng thức một tô bún đỏ Ban Mê.
Theo Thanhnien
Món quê tép trấu thành .... hảo hạng nhà hàng Vốn xuất hiện trong các mâm cơm đạm bạc, nhưng gần đây tép trấu lại lên đời, bước vô các nhà hàng, từ món rim, canh tập tàng cho đến bánh xèo, mắm tép... món nào cũng hảo hạng, ăn mà ghiền. Tép trấu rang với nước cốt dừa Mấy hôm trước, tôi được bạn rủ đi ăn món tép trấu lăn bột...