Bức tranh di động muôn màu năm 2012
Sau một năm đầy biến động, bức tranh của các siêu di động đã được vẽ lại và năm 2012 mở ra với những màn tranh đấu nảy lửa được báo trước.
Hậu sáp nhập của các thương hiệu
Android sẽ vẫn dẫn đầu cuộc đua trong hệ sinh thái di động năm 2012.
Năm qua đánh dấu một năm đầy ngẫu hứng của những Motorola, Nokia và Sony Ericsson. Việc mở ra một thời kỳ tách-nhập đang trở thành xu hướng và có lẽ đó cũng là sự manh nha của vô vàn cạnh tranh sau này.
Canh bạc giữa Motorola và Google là một ví dụ điển hình. Mua lại Motorola, Google ngoài việc sở hữu một thương hiệu sản xuất đang hấp hối thì còn được “bán kèm” hàng chục ngàn bản quyền sáng chế – thứ vũ khí tối thượng trong cuộc chiến cùng các đại gia như Microsoft, Apple.
Ngoài ra, đứng ở góc độ khác, nhiều chuyên gia đầu ngành nhận định việc mua lại thương hiệu sản xuất thiết bị đầu cuối sẽ giúp Google chủ động hơn trong việc phát động những cuộc chiến về thị phần ở tầm cỡ toàn cầu.
Với ảnh hướng của mình trong thế giới Internet của Google, rõ ràng những chiếc điện thoại Moto-Google sẽ có lợi thế về hình ảnh, độ phủ cũng như được tối ưu trên nền HĐH Android “cây nhà lá vườn” của hãng phần mềm khổng lồ này.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc Goolge mua Motorola cũng nảy ra nhiều tranh cãi trong liên minh Android vốn đang lên như diều gặp gió với thị phần đang chiếm quá bán trong hệ sinh thái HĐH di động.
Samsung, HTC, Sony Ericsson… dù không thể hiện thái độ nhưng rõ ràng cũng chưa hẳn đã vừa ý với quyết định của Google. Sự xuất hiện của Amazon Kindle Fire như một giọt nước tràn đầy ly bởi với cách làm và phân phối thiết bị, ứng dụng và các giải pháp nội dung số như Amazon đang làm thì chắc chắn tương lai gần, để tránh đụng hàng với thương hiệu di động Moto-Google, các đại gia cũng sẽ chuyển theo hình thức này.
Cuộc chiến giữa các HĐH sẽ trở nên cao trào hơn bao giờ hết sau sự suy yếu của iOS.
Điều này dẫn tới việc sẽ hình thành nên những chợ ứng dụng, kho dữ liệu riêng chỉ chuyên phục vụ cho các thiết bị đầu cuối của hãng sản xuất và vô hình chung tạo nên tính cục bộ vốn là rào cản của một liên minh bền vững.
Ngay khi Android đang thể hiện sự phân mảnh rõ nét thì Sony gần đây cũng đưa ra một quyết định sống còn khi thâu tóm toàn bộ cổ phần của Ericsson, đưa ra lộ trình về một thương hiệu di động của riêng mình.
Rõ ràng năm 2011 là năm không thành công của Sony. Từ việc gánh chịu thảm hoạ thiên nhiên sóng thần, động đất gây ảnh hưởng tới việc sản xuất thì thị phần của hãng cũng sụt giảm liên tục với những khoản lỗ liên tục luỹ tiến lên tới 164 triệu EUR. Không còn đường lùi nhưng rõ ràng năm 2012 sẽ là năm khá khó khăn với đơn vị này trong việc phát triển thương hiệu mới.
Video đang HOT
Công nghệ tụt hậu, thiết kế không còn mang tính tiên phong, Sony sẽ phải đối mặt với khá nhiều thử thách trước các đối thủ và có lẽ trong năm tới siêu di động mang thương hiệu này vẫn khó tạo được sự đột phá cần thiết.
Gương mặt ung dung nhất giữa năm bĩ cực của nền kinh tế chính là Nokia. Xét về độ lõm nặng, các con số âm của Nokia còn gấp vài lần Sony Ericsson với mức tính hàng trăm triệu EUR về tiền mặt cũng như giá trị cổ phiếu sụt giảm.
Tuy nhiên, sau cái bắt tay với Microsoft, có vẻ như ngài CEO Stephen Elop như được tiếp thêm một liều thuốc an thần, hưng phấn với quyết định phát triển các siêu di động nền Windows Phone của mình.
Bằng chứng là Nokia ra công bố bỏ hẳn nền tảng Symbian, thậm chí cả thương hiệu cũng dần xoá bỏ trên các dòng máy của mình. Thay vào đó, hãng sẽ chỉ tập trung cho Windows Phone và nền tảng MeeGo vốn còn đang gây nhiều tranh cãi.
Hiệu quả chưa thấy đâu mà chỉ thấy các dòng máy MeeGo N9, Lumia 800 Windows Phone bị chê tơi tả, doanh số không mấy khả quan bất kể mức giá và cấu hình khá cạnh tranh. Một điều nực cười là, trong bảng tổng sắp 10 điện thoại bán chạy nhất trên thế giới năm 2011 và tại riêng thị trường Việt Nam, Nokia lại chiếm từ 5 đến 7 model tầm thấp với doanh số bán ra vượt xa các thương hiệu khác. Phải chăng vai trò của Nokia chỉ thích hợp với thị phần tầm thấp và nên quay hướng đẩy mạnh đầu tư vào thị phần này?
Những ngày cuối năm 2011, RIM cũng là một thương hiệu đang đà lung lay. Với việc đưa ra những sản phẩm thiếu tính đột phá và chỉ hạn hẹp trong một thị phần ngách vốn đang bị nhiều dòm ngó từ các thương hiệu khác, các dòng máy BlackBerry vừa thiếu tính cạnh tranh về tính năng, vừa đắt khiến nó khó phù hợp với xu hướng mới của người tiêu dùng.
Tính tới thời điểm hiện tại, giá trị thương hiệu của RIM đã giảm tới xấp xỉ 80% và nhiều đại gia công nghệ đang đánh tiếng thâu tóm thương hiệu đình đám một thời này.
Năm 2012 – thương hiệu nào sẽ chật vật?
Theo nhiều dự báo về sức khoẻ của nền kinh tế thế giới, dễ thấy là năm tới sẽ là thời khắc không mấy suôn sẻ đối với các đại gia sản xuất thiết bị đầu cuối. Sau một năm 2011 lỗ chồng lỗ, rõ ràng năm 2012 sẽ chứng kiến sự xuống sức của nhiều thương hiệu di động và có thể lại có thêm một năm của những vụ sáp nhập đình đám.
iPhone 4S là đánh dấu sự chững lại của Apple, buộc hãng phải tạo ra sự khác biệt trong phiên bản iPhone mới.
Kẻ đầu tiên trong danh sách dự đoán là Apple với những ánh mắt đầy quan ngại từ phía chuyên gia cho tới cả người tiêu dùng. Sau màn trình diễn nghèo nàn của iPhone 4S cùng iOS5, thị phần siêu di động và các dòng máy iOS bị xâu xé một cách không thương tiếc bởi sự quay lưng của khá nhiều người dùng trung thành.
Nếu không tạo nên một sản ph ẩm thực sự nổi bật trong nửa đầu năm 2012, chắc chắn thị phần iOS sẽ còn tụt giảm hơn thay vì con số 17% trên toàn thế giới (tạm tính tới Quý III/2011).
Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chiều thì rất khó để tháng 6 năm sau Apple ra mắt iPhone mới và điều này đồng nghĩa với việc hãng tiếp tục đánh mất thị trường vào những kẻ cơ hội như Samsung hay HTC. Và đến Quý IV năm sau mới ra mắt iPhone mới thì có nghĩa là đế chế Apple đã bại trận.
Chỉ cần nhìn vào cái cách mà Samsung bứt phá cùng Galaxy S II trong năm 2011 sẽ thấy năm tới các thương hiệu siêu di động chớp thời cơ để phản pháo Apple nhanh đến mức nào. Ngay khi HĐH Android Ice Cream Sandwich ra mắt, sẽ có hàng trăm siêu di động với máy ảnh siêu chấm, hỗ trợ LTE 4G, NFC, và chipset đạt mức lõi tứ ra mắt để “kèm đầu” iPhone.
Nhiều khả năng trong năm 2012, Windows Phone sẽ không thể tạo được đột phá như mong muốn với việc HTC ngày càng rời xa HĐH này hay như Nokia vẫn còn đang chập chững với những sản phẩm thiếu đột phá.
LG sau những kỷ lục Guinness thì phía sau lưng của hãng là cả một khoảng tối của doanh số thảm bại, lỗ nối lỗ. Thiết kế xấu, công nghệ tiên phong nhưng chóng lạc hậu, giá thành thiếu tính cạnh tranh và cả việc thương hiệu chưa đủ tầm khiến LG khá lao đao trong năm 2012.
Có lẽ chúng ta nên chờ đợi một điều gì đó mới mẻ hơn như khả năng Amazon tham chiến thị phần di động sau những thành công rực rỡ của Kindle Fire; một Panasonic “tái xuất giang hồ” thị phần siêu di động thế chỗ người đồng hương Sony; hay cả một màn trình diễn hoành tráng của chiếc điện thoại đầu tiên kết tinh từ Motorola – Google.
Ai đó đã nói, thời khắc đen tối nhất cũng là lúc gần sáng. Đường dài mới hay sức ngựa và bức tranh muôn màu di động của năm tới chắc hẳn sẽ đầy những đường nét chấm phá của những hệ sinh thái mang tên siêu di động.
Theo VietNamNet
2011: Siêu di động tại Việt Nam vào cuộc đua
Thị trường Việt đã chứng kiến một năm 2011 đầy nóng bỏng của cuộc đua di động với những biến thiên cả về doanh số lẫn tâm lý tiêu dùng.
Việt Nam - điểm đến của những siêu di động
Nhiều dòng sản phẩm độc đáo chính hãng nhanh chóng có mặt tại Việt Nam với mức giá thậm chí rẻ hơn hàng xách tay.
Nếu cách đây chừng 3 năm, Việt Nam thường là quốc gia được đón nhận các sản phẩm smartphone mới một cách khá chậm chạp từ các nhà sản xuất thì chỉ trong 2 năm trở lại đây, thị trường Việt đang là một mảnh đất "hút khách" trong khu vực.
Bằng chứng là từ đầu năm trở lại đây, hàng loạt các siêu di động đều chọn Việt Nam làm điểm đến ngay khi xuất hiện hoặc chậm nhất cũng chỉ khoảng 1,2 tuần sau lễ công bố ra mắt trên toàn cầu.
Các cái tên như Nokia N9, LG Optimus 3D, Samsung Galaxy S II hay Motorola RAZR... lần lượt chạm mặt thị trường với những mức cạnh tranh cả về giá thành lẫn các chương trình "đặt trước" hoành tráng.
Anh Hoàng Hải, khách hàng mua điện thoại cho biết: "Trước đây để sở hữu những dòng máy cao cấp này mình thường phải đặt ở nước ngoài về và chờ từ 2 đến 4 tuần. Nhưng bây giờ chỉ hôm trước hôm sau là Việt Nam có máy, thậm chí giá rẻ hơn cùng với phụ kiện đi kèm đa dạng".
Lấy ví dụ LG Optimus 3D, khi ra mắt lần đầu tại Anh quốc, chiếc điện thoại 3D không cần kính này có mức giá gần 500 Bảng Anh, tức là xấp xỉ 18 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ 1 tháng sau khi có mặt tại Việt Nam, hàng chính hãng chỉ xấp xỉ 13 triệu và bao gồm các phụ kiện như dây nối HDMI và cũng được tặng kèm các game 3D độc quyền.
Điểm đến của nhà máy sản xuất smartphone
Trong một phương diện khác, Việt Nam cũng là một quốc gia đang thu hút các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối đặt nhà máy. Việc chiếc điện thoại Samsung Galaxy S II được sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam là một điểm nhấn cho thị trường trong năm vừa qua. Bỏ qua việc đâu đó vẫn còn lùm xùm về lỗi màn hình, Samsung Galaxy S II nói riêng và trình độ kỹ thuật của nhân lực Việt Nam cho thấy nước ta là mảnh đất màu mỡ cho việc thiết lập các nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao.
Cùng với cuộc đua tiên phong ra mắt thì các nhà sản xuất cũng liên tục tấn công thị phần di động bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ việc liên kết với nhà mạng để tặng SIM 3G cho tới việc trợ giá, giảm giá thiết bị đầu cuối hay thậm chí hỗ trợ tài chính với những mức trả góp lãi suất 0% cho các siêu di động đã vẽ nên diện mạo mới của cuộc cạnh tranh không đến hồi kết.
Đứng ở góc độ nhà phân phối, anh An, chủ cửa hàng di động lớn tại phố Thái Hà cho biết: "Xét về giá thành thì hiện nay các siêu di động tại Việt Nam đã thuộc hàng tốt gần như nhất thế giới kể cả hàng chính hãng hay hàng xách tay. Số lượng người mua các dòng điện thoại này không lớn nhưng doanh thu thì lại tương đối, bù cho doanh số nên các đơn vị phân phối hiện nay tập trung vào thị phần ngách này".
Đây cũng là nhận định chung của nhiều đại lý phân phối di động nhỏ lẻ, bởi việc đi vào các thị trường tầm trung và thấp đã không còn là miếng bánh dễ ăn trong vài năm trở lại đây. Các đại gia phân phối như Thegioididong, Viettel hay gần đây là cả VNPT đều là "chiếu trên" với số lượng nhập lớn, độ phủ rộng, nhiều hậu mãi và trường vốn, dẫn tới việc các đại lý nhỏ không thể cạnh tranh về giá cũng như khả năng truyền thông, mạng lưới bán hàng.
iPhone 4S không "làm mưa làm gió" thị trường như kỳ vọng.
iPhone lần đầu tiên "thất thủ"
Lần đầu tiên thị trường iPhone chứng kiến sự sụt giảm về doanh số ngay cả khi thời điểm cao trào của mùa mua sắm cuối năm. Sau hơn 1 năm làm mưa làm gió trên thị trường, iPhone 4 đã chạm ngưỡng bão hoà với mức giá có lúc xuống tới xấp xỉ 13,5 triệu đồng/máy 16GB bản quốc tế.
Một thực tế tréo nghoe là khi iPhone 4S ra mắt, phiên bản iPhone 4 không những không hạ giá mà còn tăng kịch trần với giá bán ra xấp xỉ 16 triệu đồng. Điều này được giới dân buôn đánh giá là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử buôn các sản phẩm Quả táo.
Sự kiện iPhone 4S ra mắt năm nay được đón nhận không mấy hồ hởi từ phía người tiêu dùng là một thực tế đã được dự báo từ rất sớm. Tuy nhiên, cũng không ai có thể ngờ rằng sản phẩm này khi được phân phối bởi nhà mạng cũng chịu cảnh "chợ chiều" khi ghi nhận tại các điểm bán của VinaPhone là khá vắng lặng.
Theo anh Tiến Dương, một chuyên gia trong lĩnh vực phân phối sản phẩm Apple cho biết: "Năm nay các nhà mạng dù đã khá nhanh chân trong việc phân phối iPhone 4S, có hàng chỉ sau 2 tháng bán ra trên toàn cầu nhưng sức cầu quá yếu khiến sản phẩm không tạo được thị trường như năm ngoái".
Điều này dẫn tới việc, một nhân viên phụ trách nhập hàng của nhà mạng tiết lộ theo kế hoạch nhập hàng đợt tới, số lượng và tần suất nhập iPhone 4S sẽ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái bất kể mùa mua sắm Tết Nguyên đán của người Việt đang đến gần.
Sự yếu thế của các dòng sản phẩm Windows Phone 7 khiến Nokia Lumia 800 rất khó có cơ hội toả sáng tại thị trường Việt.
Một điều dễ thấy là Tết năm nay sẽ khó có cảnh iPhone 4S cháy hàng hay bị thổi giá tăng vọt như năm ngoái. Thay vào đó, ngoài việc lựa chọn siêu di động của Apple, người dùng có rất nhiều sản phẩm khác để trải nghiệm với những tính năng mới mẻ và hấp dẫn từ các nhà sản xuất khác.
Theo ước đoán, từ nay đến hết tháng 1/2012, sức mua di động sẽ tăng từ 15 đến 20%. Hiện tại cho đến hết tháng 2/2012, các hãng chưa có kế hoạch ra mắt thêm các dòng sản phẩm cao cấp mới, ngoại trừ Nokia vẫn đang khá "rập rình" với Lumia 800 bởi sự thất bại của các dòng sản phẩm Windows Phone 7 tại thị trường Việt là bài học để nhà sản xuất Phần Lan này phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo VietNamNet
Những lầm tưởng của người dùng về siêu di động Cụm từ siêu di động vốn được chỉ định dùng cho các dòng smartphone cao cấp với sự đột phá về cấu hình và công nghệ tích hợp. Tuy nhiên, không phải cứ là siêu di động thì đã là số 1. Độ sáng càng cao càng tốt Thử nghiệm cho thấy chỉ số nit cao chưa phải là tất cả. Chỉ số...