Bức ảnh đám đông đồng loạt quay lưng với Hillary Clinton gây bão
Bức ảnh Hillary Clinton đứng vẫy tay trong khi toàn bộ đám đông quay lưng lại để chụp selfie đang gây bão trên mạng xã hội Twitter.
Bức ảnh được coi là phản ánh tư duy của con người năm 2016, chỉ thích chụp ảnh selfie với người nổi tiếng. Ảnh: Cnet
Victor Ng, người đứng đầu nhóm thiết kế trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của bà Hillary Clinton hôm qua đăng bức ảnh gây bão trên Twitter, theo Cnet. Tác giả bức ảnh là Barbara Kinney, nhiếp ảnh gia trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Trong khi bà Clinton đứng trên bục và vẫy tay, không ai trong đám đông nhìn thẳng vào bà. Mọi người quay lưng lại, giơ điện thoại lên và cố chụp “dù chỉ một chút của mình” với hình nền là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.
Victor Ng chú thích bức ảnh rằng “Đây là năm 2016″, thời mà mọi người càng ngày càng thích được người khác nhìn thấy, thay vì nhìn vào người khác. Ngoài đăng ảnh, Victor Ng còn đăng một bức thư châm biếm gửi tới những người nổi tiếng.
“Người nổi tiếng thân mến, nếu chúng tôi muốn được nhìn thấy mình xuất hiện cạnh bạn, chúng tôi sẽ quay lưng lại với bạn. Đừng coi đây là sự xúc phạm, chỉ là vì sự nổi tiếng của bạn không còn đủ cho chúng tôi nữa. Chúng tôi cần phải đính kèm chính mình với sự nổi tiếng của bạn để đăng ảnh lên Twitter, Facebook và Snapchat”.
Tác giả viết thêm rằng bằng cách này, người chụp ảnh có thể đạt được “sự nổi tiếng nhỏ trong thời gian ngắn” hay có thể đó là “sự nổi tiếng lớn nhất” mà người chụp có thể có.
Victor Ng cho rằng trong thời đại này, người ta sống ở một nơi không phải vì nơi đó mà vì để được mọi người “nhìn thấy mình đã từng đến đó”.
Văn Việt
Theo VNE
Video đang HOT
Cỗ máy kích động thịnh nộ của Hillary Clinton
Shareblue, một tổ chức ủng hộ Hillary Clinton, sẵn sàng khuấy động cơn thịnh nộ trong dư luận khi truyền thông đưa tin chèn ép hoặc tiêu cực về bà.
Peter Daou (trái) và David Brock tại văn phòng của Shareblue ở New York. Ảnh:New York Times
Ngay trước 19h30 ngày 13/9, một dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter xuất hiện, hướng người đọc vào bài viết về phát biểu của ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump hồi năm ngoái nói rằng 50% người dân Mỹ lười biếng.
48 tiếng sau, 1.819 người đã chỉ trích các phóng viên và hãng tin vì không viết nhiều về phát biểu trên từ nhà tài phiệt New York. Họ giận dữ vì các cơ quan báo chí xoáy sâu quá mức vào phát biểu của ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Dân chủ Hillary Clinton rằng 50% người ủng hộ Trump "đáng chê trách".
"Các bạn báo chí thân mến, nếu các bạn không đưa thông tin này, các bạn đang che chở cho Trump", một người dùng Twitter viết.
"Ban chính trị của CNN đã về phe Trump trong suốt một năm! Họ từ chối đưa tin các vụ bê bối cũng như những phát biểu của Trump nói 50% người Mỹ không làm việc", một người khác bình luận.
Đến cuối tuần đó, dòng hashtag #Trump50percent đã xuất hiện trên Twitter hơn 30.000 lần.
Một số người dùng Twitter theo tư tưởng chính trị độc lập với hàng triệu người theo dõi cũng đăng đường dẫn bài viết về phát biểu của ông Trump và lan truyền lời phàn nàn giống những gì mà ban vận động tranh cử của Clinton đưa ra. Theo họ, báo chí đã ứng xử nhẹ nhàng trước nhiều phát biểu xúc phạm từ ông Trump và nhấn mạnh quá mức đến một số ít phát biểu gây tranh cãi của bà Clinton.
Thoạt nhìn, những người ủng hộ trung thành của Clinton dường như đã bộc phát cơn tức giận một cách tự nhiên. Song thực tế nơi khởi nguồn cơn thịnh nộ xuất phát từ tầng 6 một tòa nhà ở khu Flatiron, quận Manhattan, New York, theo New York Times.
Tại đây, Peter Daou và nhóm làm việc ngồi xếp hàng trên một dãy bàn gỗ dài. Nhiệm vụ họ đảm nhận là vận hành "cỗ máy thịnh nộ" của bà Clinton. Bộ máy này, với tên gọi Shareblue, đã đăng bài viết về phát biểu của Trump trên trang web shareblue.com, đồng thời tạo ra dòng hashtag #Trump50percent.
"Họ sẽ gây áp lực rất lớn lên các cơ quan báo chí", Daou, giám đốc điều hành Shareblue nói về "đội quân" Twitter lên đến hàng nghìn người đang bị kích động trước những thông tin ông tung ra.
Công kích truyền thông
Trong guồng máy vận động chính trị rộng lớn của Clinton, Shareblue là công cụ nhắm vào báo chí chính thống hoặc chỉ trích một số phóng viên cụ thể. Chỉ là một bộ phận rất nhỏ nhưng Shareblue đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi cuộc đua vào Nhà Trắng sắp cán đích và ngày càng sít sao.
Nó đã góp phần làm nóng sự kiện lớn nhất của kỳ tranh cử tổng thống Mỹ năm nay là cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên vào đêm 26/9. Shareblue từng đăng một bài viết kêu gọi những người điều khiển cuộc tranh luận xác minh dữ liệu về tỷ phú Trump ngay lập tức và lên kế hoạch tiếp tục tập hợp sự ủng hộ trên mạng Internet dành cho bà Clinton cho đến tận đêm tranh luận với dòng hashtag #DemandFairDebates (Yêu cầu tranh luận công bằng).
Shareblue được thành lập bởi David Brock, người trước đây chỉ trích cựu ngoại trưởng Mỹ nhưng đã quay sang ủng hộ bà Clinton và nay là kiến trúc sư trưởng quản lý một nhóm các tổ chức lập ra để đáp trả các thông điệp mang tính công kích.
Mạng lưới của Brock bao gồm tổ chức giám sát truyền thông Media Matters for America (Các vấn đề truyền thông của nước Mỹ - mediamatters.org,), hai "siêu ủy ban hành động chính trị" ủng hộ bà Clinton, gồm tổ chức nghiên cứu phe đối lập American Bridge và tổ chức Correct the Record (correctrecord.org), chuyên bảo vệ ứng viên đảng Dân chủ trước những đòn tấn công vô căn cứ, cùng Shareblue. Theo Brock, các tổ chức này đã đáp ứng nhu cầu về một cơ quan truyền thông tiến bộ trực tiếp đưa tin đến người dân, đồng thời "ủng hộ Clinton mạnh mẽ và không nao núng".
Ban biên tập của Shareblue thường có chung quan điểm với ban vận động tranh cử cho bà Clinton. Ngày 1/9, báo Washington Post đăng bài viết về việc tổ chức từ thiện Donald J. Trump Foundation bị phạt do tặng trái phép 25.000 USD cho Pam Bondi, giám đốc Sở Tư pháp bang Florida, đúng lúc cơ quan này đang cân nhắc việc mở cuộc điều tra về các cáo buộc gian lận đối với Đại học Trump.
Ngay hôm sau, Jesse Lehrich, người phát ngôn chính sách ngoại giao của Clinton đã viết trên Twitter: "Hãy chờ đợi cơn thịnh nộ".
Và họ không phải chờ lâu. Daou cùng website của ông đã lập tức lên tiếng kêu gọi báo chí đưa tin về vụ bê bối liên quan tới quỹ từ thiện Trump Foundation. "Chúng tôi chỉ châm ngòi thịnh nộ", Daou nói.
'Đội quân' ủng hộ Clinton
Ngoài việc tạo ra dư luận mạnh mẽ, theo Brock, thước đo thành công thực sự của Shareblue là giúp Clinton thắng cử. Shareblue đang hoạt động dựa vào khoản ngân sách hai triệu USD nhận từ các nhà tài trợ chính trị.
Vai trò của Daou là triển khai một đội quân người theo dõi nhiệt tâm và giận dữ trên Twitter để đáp trả những đối thủ gây sức ép lên bà Clinton.
"Lớp váng bẩn của nền chính trị Mỹ", Tad Devine, chiến lược gia hỗ trợ thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đã nói như vậy khi mô tả shareblue.com vì trang web này thường xuyên công kích nhằm vào ông Sanders, đối thủ của bà Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ.
Nick Merrill, phát ngôn viên của bà Clinton, lại xem Shareblue là một tiếng nói cần thiết giữa một thế giới đầy rẫy những đài truyền thanh, kênh truyền hình, trang tin điện tử bảo thủ, kích động những người ủng hộ đảng Cộng hòa.
Ban vận động tranh cử cho bà Clinton tiết lộ họ không chính thức phối hợp hoạt động với Shareblue. Daou bên cạnh đó cũng khẳng định ông không nhận bất kỳ chỉ đạo nào từ ban vận động tranh cử của Clinton.
Daou và Shareblue mặt khác có thể tách ra hoạt động độc lập trong trường hợp cần thiết.
Khi clip quay cảnh Clinton ngất xỉu tại lễ tưởng niệm vụ tấn công khủng bố 11/9 gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông, ban vận động tranh cử của Clinton ban đầu nói bà bị sốc nhiệt nhưng về sau phải xin lỗi vì che giấu việc bác sĩ chẩn đoán bà mắc viêm phổi từ trước.
Trang correctrecord.org khi ấy hoàn toàn im lặng vì phải "chờ hướng dẫn từ ban vận động tranh cử", Brock giải thích.
Nhưng Daou đã nhanh chóng bảo vệ cựu ngoại trưởng Mỹ trước những kẻ chỉ trích trên mạng xã hội Twitter. Ngay tối hôm đó, ông đăng bài viết trên shareblue.com về sự cố của Clinton với tựa đề "Thành tích sức mạnh thể chất của Hillary Clinton đập tan thuyết âm mưu về sức khỏe kéo dài nhiều tháng".
Hai ngày sau, ban vận động tranh cử cho Clinton ra chỉ đạo các đại diện truyền thông sử dụng sự cố ngất xỉu như một cơ hội để làm bật lên khả năng chịu đựng của bà trước lịch trình làm việc dày đặc.
Hồng Vân
Theo VNE
Donald Trump dọa đưa tình cũ Bill Clinton đến buổi tranh luận trực tiếp Donald Trump dọa đưa Gennifer Flowers, người ông Bill Clinton thừa nhận có quan hệ tình ái vài thập kỷ trước, đến cuộc tranh luận với bà Hillary. Gennifer Flowers, tình cũ của Bill Clinton. Ảnh: People "Nếu gã đần Mark Cuban muốn ngồi ở hàng ghế đầu, có lẽ tôi sẽ đưa Gennifer Flowers đến ngồi cạnh ông ta!", ứng viên tổng...