Bức ảnh công nhân môi trường “còng lưng” dọn rác có khiến bạn xấu hổ?
Sau lưng đám đông đang mải mê theo dõi đoàn diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh 2/9 là hình ảnh người phụ nữ dọn vệ sinh cặm cụi thu dọn rác thải được vứt một cách vô tội vạ..
Sau hàng loạt hình ảnh về không khí hùng tráng của buổi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vừa qua, những bức ảnh đường phố tràn ngập rác thải đang được chia sẻ liên tục trên các diễn đàn mạng. Không ít người phải lắc đầu ngao ngán về ý thức của một bộ phận người dân trong ngày lễ lịch sử của đất nước.
Trong số đó, hình ảnh ghi lại cảnh một công nhân vệ sinh lặng lẽ nhặt rác đằng sau đám đông đang quay lưng lại để theo dõi đoàn diễu binh đã nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng.
Trên trang cá nhân của facebook-er T.H – một trong rất nhiều người cùng chia sẻ hình ảnh này bày tỏ sự thất vọng:
“Hình ảnh “đắt” ngày Quốc khánh.
Ai cũng chọn việc “nhẹ nhàng”, “gian khổ” cứ để phần tôi.
P.S: Chúng ta cần phải làm cái gì đó “mạnh” hơn nữa để thay đổi tình trạng này. Mọi người hãy tôn trọng và bảo vệ môi trường sống của mình, đừng xả rác một cách vô thức và ơ thờ như vậy nhé ạ”.
Dòng người bước đi bỏ lại một rừng rác dưới chân, và những công nhân môi trường lại phải “còng lưng” thu dọn. Ảnh: Otofun
Ảnh: Trần Việt.
Hình ảnh ghi lại cảnh một người phụ nữ trong trang phục công nhân vệ sinh môi trường đang cặm cụi nhặt những rác thải bên đường để cho vào túi nilon. Đối lập với cảnh tượng này là hình ảnh những người dân, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đang đứng quay lưng lại và chăm chú theo dõi màn diễu binh. Cùng với đó là hình ảnh rác thải tràn ngập đường phố, còn các bạn trẻ và người đi đường thì mặc nhiên băng qua đường mà không hề để ý rằng chỗ mình đang đi đầy rác thải.
Video đang HOT
Những hình ảnh này sau khi được chia sẻ liên tục đã nhận được nhiều ý kiến từ phía cộng đồng mạng. Trong khi nhiều người cảm thông với nỗi vất vả của nữ công nhân vệ sinh môi trường thì một số khác lại thể hiện sự thất vọng cho ý thức của người dân, nhất là đang trong ngày trọng đại của dân tộc.
Cảnh tượng như thế này không còn xa lạ sau mỗi một sự kiện lớn ở nơi công cộng.
“Giá như ai cũng có ý thức thì hôm nay cô ấy cũng được nghỉ để đón 2/9 như bao người”, một người dùng mạng bình luận.
“Ý thức kém quá, ô nhiễm đường phố mất vệ sinh”, “Buồn!”… hàng loạt người dùng mạng lên tiếng chỉ trích ý thức và sự vô tâm của những người xả rác.
Tình trạng ngập rác sau các dịp lễ lớn không còn quá xa lạ. Sau mỗi sự kiện quan trọng, những hình ảnh không đẹp tương tự thế này không ngừng được chia sẻ trên mạng xã hội và ngay lập tức trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn luận.
Lại vẫn là câu chuyện cũ về ý thức của người dân nơi công cộng, thế nhưng mỗi lần nhắc đến đều khiến không ít người giật mình, rồi lắc đầu thất vọng. Có lẽ, đã đến lúc, mỗi chúng ta phải hiểu rằng, yêu nước và mang trong mình niềm tự hào lớn lao đối với dân tộc thì nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Theo_2Sao
Hình ảnh Xác cậu bé Syria bên bờ biển gây chấn động toàn thế giới
Thứ 4 (02/09) vừa qua, một bức ảnh chụp cậu bé 3 tuổi chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bordun, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cả thế giới bàng hoàng. Tấm ảnh đã lan truyền nhanh chóng, trở thành hình ảnh đại diện cho hành trình tị nạn khắc nghiệt.
Bức ảnh một em bé chết trên bờ biển tại Bordun, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả thế giới bàng hoàng, giật mình nhìn lại, chuyện gì đang xảy ra ở vùng biên giới Châu Âu suốt thời gian qua? Liệu đó có phải chỉ là vấn đề của một vài quốc gia ngày ngày phải đối mặt với hàng chục nghìn người tị nạn cố gắng tiến vào Châu Âu, hay đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mang tính toàn cầu?
Bức ảnh em bé trên bờ biển Bordun, Thổ Nhĩ Kỳ.
Em bé xấu số đó là Aylan Kurdi, 3 tuổi, đến từ thị trấn Kobahi phía bắc Syria,gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang là điểm nóng chiến tranh giữa IS và lực lượng người Kurd. Em nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân, úp mặt xuống cát. Nhìn Aylan giống như một thiên thần nhỏ đang say ngủ. Nhưng thiên thần nhỏ sẽ không bao giờ tỉnh lại.
Aylan, bố mẹ, anh trai lên 2 chiếc thuyền cùng 19 con người khác rời bỏ quê hương Syria đi tìm một miền đất mới, nơi không còn chiến tranh, không phải đối diện với bom đạn mỗi ngày. Gia đình Aylan muốn tới đảo Kos, Hi Lạp. Nhưng cuộc đời không chiều ý họ, chiếc thuyền quá tải đã chìm khi đang trên đường thoát khỏi Syria, kéo theo tính mạng của 12 người trên ấy, trong đó có Aylan, anh trai Galip 5 tuổi, cả hai đều không được mặc áo phao, mẹ Rihan 35 tuổi cùng 5 đứa trẻ khác - tất cả đều được tìm thấy tại bãi biển khu nghỉ dưỡng Bordun nổi tiếng. Hiện tại, anh Abdullah Kurdi cha của Aylan và Galip vẫn còn sống, trong buổi phỏng vấn với phóng viên AP, anh Abdullah cho biết khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng đã mặc áo phao nhảy xuống biển để trốn chạy, 4 phút sau chiếc thuyền biến mất trong lòng biển, mang theo những người anh yêu thương nhất.
Tấm ảnh cuối cùng của bé Aylan Kurdi chụp trước chuyến đi định mệnh, em cười tươi trong chiếc áo đỏ, quần jean và đôi giày đáng yêu.
Anh Abdullah Kurdi khóc trong tuyệt vọng khi hay tin đã mất vợ và 2 con trai.
"Tôi cố gắng túm lấy vợ con nhưng không thể, họ lần lượt ra đi trong lòng biển khơi, giờ thì không còn ai đánh thức tôi dậy mỗi sáng nữa rồi"
Aylan bé nhỏ và anh trai Galip khi vẫn còn ở quê nhà Syria.
Bức ảnh thứ 2, chụp một sĩ quan cảnh sát bế trên tay cơ thể vô hồn của cậu bé 3 tuổi. Aylan và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Aylan bé bỏng trong chiếc áo màu đỏ, quần jeans được một vài thuyền viên phát hiện và báo cho chính quyền. Chỉ trong vài giờ, bức hình người cảnh sát bế Aylan đã gây bão trên mạng xã hội, trở thành bức ảnh nóng nhất được chia sẻ trên Twitter qua hashtag #KiyiyaVuranInsanlik ( Humanity Washed Ashore, lược dịch: Tình người trôi dạt).
Sĩ quan cảnh sát bế trên tay cơ thể không còn sức sống của cậu bé 3 tuổi.
Ngay sau đó, các họa sĩ trên khắp thế giới đã vẽ lại hình ảnh này với đầy sự thương cảm và xót xa, dành tặng những đứa trẻ đã chết trong các cuộc hành trình đi tìm miền đất hứa.
Theo thống kê, chỉ trong tháng vừa qua, có tới 2000 người mỗi ngày đặt cược mạng sống trên những chiếc thuyền cao su băng qua Địa Trung Hải với mong muốn được vào Châu Âu. Ước tính trong năm nay đã có tới 2.500 người không may mắn bỏ mạng ngay trên đại dương rộng lớn. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, lực lượng bảo vệ vùng biển đã cứu sống 42.000 người di cư trên biển Aegean 5 tháng vừa qua, và riêng tuần vừa rồi đã là 2.160 người, chủ yếu là người Afghanistan, Pakistan, Syria và Châu Phi hi vọng được đổi đời ở đất trời Âu.
Theo Trí thức trẻ
Người dân Thủ đô "chôn chân" trong mưa sau màn pháo hoa Sau khi màn pháo hoa mừng Quốc khánh 2/9 kết thúc, người dân đồng loạt ra về, khiến nhiều cung đường của Thủ đô Hà Nội rơi vào tình trạng ùn tắc kinh hoàng. Hàng vạn người phải "bò" về nhà dưới cơn mưa tầm tã. Người dân Thủ đô "bò" về nhà sau màn pháo hoa kết thúc Đường Lê Duẩn ùn...