BS Phạm Quang Huy: Người “hồi sinh” cho nhiều trái tim
Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được đánh giá là một trong 4 vệ tinh chuyên về tim mạch thành công nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, nơi đây đã cứu chữa thành công cho hàng chục ngàn bệnh nhân tim mạch, trong đó có rất nhiều ca đột quỵ do nhồi máu cơ tim.
BS CKI Phạm Quang Huy, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cùng cộng sự thực hiện một ca đặt stent cho bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch vành
Để góp phần cho thành công này phải kể đến sự đóng góp quan trọng của BS CKI Phạm Quang Huy, nguyên Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Dù đã về hưu từ năm 2015 nhưng BS Huy vẫn tiếp tục được Ban giám đốc bệnh viện giữ lại làm việc với vai trò chuyên gia tim mạch can thiệp của Trung tâm Tim mạch can thiệp.
* Trăn trở từ những ca chuyển viện…
BS CKI Phạm Quang Huy nhớ lại, khi còn là Trưởng khoa Tim mạch, qua khảo sát mô hình chuyển viện hằng năm, ông nhận thấy số lượng bệnh nhân bị các bệnh lý tim mạch nặng, đặc biệt là những ca nhồi máu cơ tim liên quan đến mạch vành phải chuyển viện là rất lớn. Trong đó nhiều ca đã tử vong hoặc chịu di chứng nặng nề vì không tận dụng được “thời gian vàng” do phải đưa về các bệnh viện lớn ở TP.HCM chữa trị…
Do đó, BS Huy và Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất luôn trăn trở tìm giải pháp cứu bệnh nhân tại chỗ. BS Huy cho rằng, chỉ còn cách duy nhất là mang kỹ thuật can thiệp tim mạch về điều trị cho bệnh nhân mới có thể tận dụng được “thời gian vàng” cứu người bệnh.
Đem nỗi niềm đề xuất với TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, BS Huy được ủng hộ ngay. Bởi, từ lâu TS-BS Dũng cũng ấp ủ mong muốn thành lập Trung tâm Tim mạch can thiệp nhằm đưa kỹ thuật cao về kịp thời cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tim mạch, cũng như giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; đồng thời tạo bước ngoặt quan trọng đưa bệnh viện lên một tầm cao mới.
BS CKI Phạm Quang Huy, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ: “Hơn 10 năm về trước, mỗi năm có từ 400-500 ca bệnh lý tim mạch phải chuyển viện, chiếm 47,4% trong tổng số ca phải chuyển viện lên tuyến trên. Giờ đây bệnh nhân tim mạch hiếm khi phải chuyển viện. Điều này, với tôi là rất ngoạn mục”.
TS-BS Dũng kể lại: “Khi đem ý tưởng này bàn với các thành viên trong Ban giám đốc và các trưởng khoa, tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ủng hộ có, can gián có. Điều lo ngại của mọi người cũng đúng. Vì để thành lập và duy trì hoạt động của Trung tâm Tim mạch can thiệp, bệnh viện phải hội đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực và đặc biệt là phải làm chủ được kỹ thuật cao. Đã có lúc tôi nản chí muốn bỏ, nhưng thấy BS Huy quá tha thiết vì bệnh nhân, tôi lại cố gắng đeo đuổi vì tôi tin vào năng lực của BS Huy”.
Video đang HOT
BS Huy tâm sự, một trong những may mắn giúp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trở thành một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch là do thời điểm đó Bộ Y tế có chủ trương thành lập chuỗi bệnh viện vệ tinh trong cả nước. Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định chọn Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất làm bệnh viện vệ tinh thứ tư chuyên về tim mạch. 2 “nút thắt” khó nhất là đào tạo chuyên môn và kinh phí thành lập trung tâm giờ đây đã có… “bà đỡ” nên quá trình xúc tiến để thành lập Trung tâm Tim mạch can thiệp cũng tương đối thuận lợi.
Tháng 3-2015, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã chính thức đi vào hoạt động với nỗ lực của cả tập thể bệnh viện, trong đó có vai trò quan trọng là BS Huy.
Chỉ sau 2 tháng trung tâm thành lập, BS Huy đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Ban giám đốc bệnh viện xác định Trung tâm Tim mạch can thiệp không thể thiếu BS Huy, vì thế, ông vẫn được mời lại làm việc cho đến nay với tư cách là chuyên gia và là người giữ vai trò chính của trung tâm.
* Cứu sống nhiều người bị nhồi máu cơ tim
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là một trong những trung tâm can thiệp các bệnh lý tim mạch có tiếng trong cả nước với những khu giải phẫu tim, phòng can thiệp tim mạch đạt tiêu chuẩn quốc tế về thiết bị và hiện đại không kém gì trung tâm tim mạch can thiệp của những bệnh viện tuyến trung ương.
Hơn 5 năm qua, các bác sĩ của trung tâm đã cấp cứu, điều trị, can thiệp cho hơn 70 ngàn ca bệnh lý tim mạch, trong đó kỹ thuật “bắc cầu” (đặt stent) do BS Huy cùng ê-kíp thực hiện có mức độ thành công đến 98%, giúp cứu sống rất nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim qua cơn “thập tử nhất sinh”.
Điển hình như trường hợp của ông Trần Trọng Trạch (63 tuổi, ngụ xã Phước Thái, H.Long Thành) bị xơ vữa động mạch khá nặng. Tháng 5-2019, trong một lần đến TP.Biên Hòa dự đám cưới, ông Trạch bỗng nhiên bị đau tức ngực dữ dội, choáng váng và ngã ra đường. Ông được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu.
BS Huy cho biết, qua chụp mạch máu của bệnh nhân cho thấy có 1 cục máu đông từ tim trôi lên não trong bệnh cảnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), gây tắc động mạch não giữa khiến bệnh nhân đột quỵ. Sau khi hội chẩn khẩn cấp, can thiệp xử lý cục máu đông và xử lý thông tắc nhanh một số mạch máu để tưới máu cho tim, cho não…, các bác sĩ đã cứu sống ông Trạch. 3 ngày sau bệnh nhân hồi tỉnh và qua cơn nguy kịch. Nếu bệnh nhân chỉ cần vào bệnh viện trễ 1 giờ hoặc xử lý chậm nửa giờ là bệnh nhân có thể không qua khỏi hoặc sống đời thực vật.
Chia sẻ niềm vui khi có ngày càng nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch can thiệp cứu sống, BS Huy nói: “Tôi rất mừng vì giờ đây, người bệnh đã có thể thụ hưởng kỹ thuật cao tại chỗ. Chúng tôi đã có thể tận dụng được “thời gian vàng” để kịp thời cứu sống người bệnh, giữ được tính mạng cho bệnh nhân là một điều quý giá nhất của những y, bác sĩ trong ngành Y”.
Hiện Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai rất nhiều kỹ thuật cao liên quan đến bệnh lý tim mạch. Tại đây có thể chẩn đoán, cấp cứu và điều trị nội – ngoại trú bệnh nhân tim mạch can thiệp; bệnh tim mạch can thiệp qua da như: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên; tăng huyết áp do hẹp động mạch thận; hẹp van 2 lá, một số bệnh tim bẩm sinh… Trung tâm cũng thực hiện kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, máy tạo nhịp tim 1 buồng hoặc 2 buồng vĩnh viễn và liệu pháp tái đồng bộ tim; ứng dụng siêu âm nội mạch để điều trị nghẽn mạch vành tim và xác định mảng xơ vữa.
Ngoài ra, các bác sĩ của trung tâm, trong đó BS Huy là “ nhạc trưởng” cũng thực hiện được các kỹ thuật đặc biệt khó trong điều trị bệnh tim mạch như: đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ dưới để ngăn ngừa tắc động mạch phổi; kỹ thuật cắt đốt điện sinh lý tim để điều trị cho bệnh nhân có nhịp tim nhanh…
Là người từng trực tiếp đào tạo chuyên môn can thiệp tim mạch cho đội ngũ bác sĩ của Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, PGS-TS-BS Võ Thành Nhân, nguyên Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá cao chất lượng hoạt động của trung tâm và tay nghề của BS Huy.
PGS Nhân cho biết: “Trong số 4 bệnh viện vệ tinh chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy từng hỗ trợ, thì Trung tâm Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được xem là thực hiện bài bản nhất, đội ngũ chuyên môn chuẩn bị kỹ nhất. Trong đó, BS Phạm Quang Huy còn là “đàn anh” của tôi, là “bậc thầy” về tim mạch của nhiều thế hệ bác sĩ trẻ và là tấm gương về sự tận tụy với nghề”.
Gần 10 năm xây dựng ý tưởng, 7 năm bắt tay khởi động dự án và hơn 5 năm đi vào hoạt động, cùng với tâm huyết, tay nghề của đội ngũ những thầy thuốc tận tâm của Trung tâm Tim mạch can thiệp đã giúp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lại một lần nữa khẳng định thương hiệu của mình trong hệ thống y tế của cả nước nói chung và ngành Y tế của tỉnh nói riêng.
Để tạo lên thương hiệu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng phải kể đến có sự đóng góp quan trọng của BS CKI Phạm Quang Huy với vai trò là một trong những người đầu tiên thành lập và phát triển Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Giúp bệnh nhân nghèo tiếp cận kỹ thuật cao trong điều trị
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa đưa vào sử dụng phòng phẫu thuật tim thứ 2 nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh tim tại bệnh viện.
Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân N.T.N. sau ca mổ tim miễn phí. Ảnh: H.Dung
Người đầu tiên được phẫu thuật tim tại phòng mổ này là một bệnh nhân nghèo, được phẫu thuật tim hoàn toàn miễn phí do các bác sĩ vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
* Bác sĩ đi xin tiền cho bệnh nhân làm phẫu thuật
BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh nhân là chị N.T.N. (ngụ xã Phú Vinh, H.Định Quán) bị hẹp hở van 2 lá, hở van 3 lá rất nặng gây suy dinh dưỡng, suy kiệt cơ thể. Bệnh nhân bị bệnh tim đã hơn 10 năm nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể làm phẫu thuật.
Trước Tết Nguyên đán năm 2020, bệnh nhân đã được khám và có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết do dịch bệnh Covid-19 cộng với việc bệnh nhân không có tiền làm phẫu thuật nên đành hoãn lại (chi phí khoảng 90 triệu đồng nếu có bảo hiểm y tế và 150 triệu đồng nếu bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế).
Nhận thấy bệnh tình của bệnh nhân ngày càng nặng, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm nên trong thời gian hoãn phẫu thuật, BS Đỗ Trung Dũng đã vận động các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện tài trợ tiền để bệnh nhân có cơ hội phẫu thuật và tái khám trong vòng 1 năm.
"Ngoài xin tiền làm phẫu thuật, tôi xin thêm tiền để bệnh nhân đi tái khám vì nếu bệnh nhân chỉ phẫu thuật xong mà không tái khám, bác sĩ không nắm được diễn tiến sức khỏe để có những điều chỉnh, chỉ định sử dụng thuốc phù hợp thì hiệu quả điều trị không cao" - BS Dũng cho hay.
Đến ngày 20-5, bệnh nhân N. được phẫu thuật tim bằng kỹ thuật mổ nội soi. Bác sĩ thực hiện một đường rạch khoảng 2cm ở đùi, sau đó đưa các dụng cụ chạy tim phổi nhân tạo qua đường mạch máu vùng đùi để lên tim. Đồng thời mổ một đường dài khoảng 6cm ở bên ngực phải của bệnh nhân để đưa các dụng cụ vào sâu trong tim, tiếp cận các lá van, tiến hành thay một lá van 2 lá, sửa một lá van 3 lá.
Lá van 2 lá được thay lá van sinh học. Loại van này an toàn hơn van cơ học, có thời gian sử dụng 10-20 năm. Số tiền thay van sinh học cao gấp đôi van cơ học nên bác sĩ buộc phải vận động được nhiều tiền ủng hộ hơn mới có thể thực hiện thay van này cho bệnh nhân.
Theo BS Dũng, phẫu thuật tim nội soi là một trong những kỹ thuật cao và khó trong phẫu thuật tim đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề chuyên môn cao. Đây là trường hợp thứ 2 được phẫu thuật tim nội soi tại bệnh viện trong số 41 trường hợp phẫu thuật tim trong hơn 3 năm qua. Phẫu thuật tim nội soi có rất nhiều ưu điểm. 4 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể rút nội khí quản, hồi phục nhanh.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hiện đang kêu gọi vận động hỗ trợ cho bệnh nhân Đ.T.T. (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Cách đây vài năm, ông T. bị tai biến đã được chữa khỏi nhưng gần đây phải nhập viện vì di chứng của bệnh này; đồng thời bị hẹp động mạch cảnh hai bên thận, cần được chữa trị sớm để ngăn ngừa nguy cơ suy thận mãn và phải chạy thận. Dự kiến, chi phí điều trị cho ông T. khoảng 96 triệu đồng.
* Hướng đến những điều nhân văn
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, trước đây do điều kiện chưa cho phép nên bệnh viện mới chỉ sử dụng 1 phòng phẫu thuật tim. Nay, bệnh viện được đầu tư thêm 1 phòng mổ tim với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, cần thiết để đảm bảo cho một cuộc mổ tim an toàn như: máy tim phổi nhân tạo, đèn mổ, bàn mổ, camera, hệ thống cắt, phẫu thuật, hệ thống nội soi, hệ thống hút, máy siêu âm định hình, dụng cụ mổ...
Cũng theo TS-BS Phạm Văn Dũng, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật tim dao động từ 50-400 triệu đồng tùy thuộc vào vật liệu sử dụng trong ca phẫu thuật. 41 bệnh nhân đã được phẫu thuật tim tại bệnh viện phần lớn là những bệnh nhân nghèo, bảo hiểm y tế không chi trả đủ. Do đó, có những bệnh nhân được bệnh viện hỗ trợ một phần, có những bệnh nhân được hỗ trợ toàn bộ và có những bệnh nhân được bệnh viện kết nối với các mạnh thường quân hỗ trợ làm phẫu thuật.
Điểm đặc biệt trong các ca phẫu thuật tim gần đây tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã có thể thực hiện được hầu hết các khâu trong quy trình phẫu thuật tim hở, từ phẫu thuật đến hồi sức, chạy máy, gây mê, hậu phẫu... Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hiện chỉ cần cử 1 bác sĩ phẫu thuật xuống hỗ trợ ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mà không cần phải đưa cả ê-kíp như trước kia.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, điều này chứng tỏ đề án bệnh viện vệ tinh và việc chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thành công. Bác sĩ ngoại khoa, nhất là bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tim, hồi sức của bệnh viện đã có bước trưởng thành vượt bậc.
"Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu sau ca phẫu thuật thứ 100, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có thể tự tin thực hiện ca phẫu thuật mà không còn cần đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên. Đồng thời, sẽ chủ động chào đón, hỗ trợ để phẫu thuật, chữa trị cho càng nhiều bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim càng tốt. Từ đó, giúp bản thân người bệnh và gia đình họ bớt đi gánh nặng, đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng" - TS-BS Phạm Văn Dũng nhấn mạnh.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật cao trong chỉnh hình, ngoại thần kinh, ngoại niệu, tiết niệu. Dựa vào mô hình bệnh tật và mô hình chuyển viện của bệnh viện, bệnh viện hướng tới xây dựng khoa ung bướu và triển khai các dịch vụ theo nhu cầu của bệnh nhân.
Bác sĩ ơi: Uống aspirin mỗi ngày có ngăn ngừa đột quỵ không? Tôi đọc được thông tin thuốc aspirin có khả năng ngăn ngừa đột quỵ. Thông tin này có đúng không? Nếu đúng thì tôi có thể chủ động uống aspirin để dự phòng không? ( Ngô Gia Niên, 56 tuổi, ngụ TP.HCM) Shutterstock Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Aspirin...