Brexit tác động thế nào tới tỷ giá VND/USD?
NHNN có thể sẽ có động thái đầu tiên với tỷ giá trung tâm vào sáng nay (27.6) sau sự kiện Brexit.
Sự kiện ngày 24.6, người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) đã làm rúng động nền kinh tế toàn cầu. Quyết định này khiến đồng Bảng Anh mất giá 8% chỉ trong một ngày và giới chuyên gia dự báo xu hướng này còn tiếp diễn trong vòng 2 năm tới cho đến khi Anh và EU đạt được thỏa thuận. Sự mất giá của đồng Bảng Anh sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới tỷ giá VND/ USD.
Hiệu ứng domino
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trung tâm đào tạo nhân lực BIDV, cho rằng sự kiện Brexit sẽ tác động tới tỷ giá VND/USD vì đồng Bảng Anh mất giá thì rổ tiền tệ của Việt Nam tham chiếu sẽ giảm một chút, khiến VND tăng giá một chút so với đồng Bảng Anh. Ngoài ra, tác động còn cả ở hiệu ứng đối với đồng Euro, đặc biệt là với đồng USD và Nhân dân tệ.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng giá trị của đồng EUR và đồng Bảng Anh đang suy giảm so với USD, chính vì thế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn vì ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá.
Ngoài ra, sự mất giá của đồng EUR sẽ kích hoạt Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ. Điều này sẽ tác động tới cả nền kinh tế và tỷ giá của Việt Nam.
“Sự mất giá của đồng EUR khiến hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ trở nên đắt đỏ, có thể buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ. Như vậy giá trị của VND với Nhân dân tệ sẽ tăng lên, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cao”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu còn cho biết, áp lực tỷ giá trong thời gian tới còn là những yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam như lạm phát đang tăng, lãi suất cũng có xu hướng tăng, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.
Video đang HOT
“Tất cả những áp lực đó lên VND ngày càng lớn và có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phá giá VND so với đồng USD và các đồng tiền khác”, ông Hiếu phân tích.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng đồng EUR mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác. “Vấn đề này cùng với việc đồng Nhân dân tệ suy yếu sẽ dẫn tới khả năng NHNN phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá”, VCBS nhận định.
VCBS cho rằng NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. “Lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối”, VCBS nhấn mạnh.
Kịch bản nào cho tỷ giá VND/USD?
Thị trường Việt Nam đã có ngày đầu tiên phản ánh tác động của sự kiện Brexit. Cuối ngày 24.6, tại Vietcombank, 1 Bảng Anh được mua bán ở 29.394 – 30.648 đồng, giảm 2.600 đồng so với cuối ngày trước đó. Tỷ giá VND/USD cũng tăng lên nhưng sau đó lại ổn định nhanh chóng vào cuối ngày.
Những diễn biến này đang được NHNN theo dõi và sẽ đánh giá tác động cụ thể của sự kiện Brexit đối với tỷ giá VND/USD để có ứng xử hợp lý.
Có lẽ, động thái đầu tiên của NHNN đối với sự kiện Brexit này sẽ được phản ánh vào tỷ giá trung tâm được công bố vào hôm nay, ngày 27.6. Vì từ ngày 4.1, NHNN đã áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Mặc dù vẫn neo với đồng USD nhưng tỷ giá trung tâm được tham chiếu dựa trên giỏ tiền tệ của Việt Nam gồm 8 đồng tiền thế giới là USD, EUR, NDT, Yên Nhật, Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), đô la Đài Loan, Bath (Thái Lan). Do vậy, sự điều chỉnh tỷ giá (nếu có) cũng sẽ từng bước nhỏ một chứ không phải là một bước nhảy lên 0,5% hay 1% như trước đây.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định áp lực tăng lên tỷ giá VND/USD là điều nhiều khả năng diễn ra. Vì sau Brexit tình hình tài chính toàn cầu sẽ trở nên diễn biến khó lường và theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Từ đó, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền bản tệ của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu. Cho nên, tỷ giá VND/USD sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên nhằm tránh gây thiệt hại cho xuất khẩu.
“Vấn đề quan trọng của Việt Nam là làm sao tăng được xuất khẩu để lấy ngoại tệ về, phá giá tiền đồng là một trong những biện pháp để giá thành trở nên cạnh tranh hơn. Do vậy, NHNN nên xem xét vấn đề điều chỉnh tỷ giá của mình cho phù hợp với thực tế hiện tại”, ông Hiếu bình luận.
Có lẽ trước mắt, NHNN sẽ thận trọng bởi ngoài giải pháp giá, NHNN có thể sử dụng hiệu quả và linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực sau sự kiện trên và từ đó giúp ổn định tỷ giá USD/VND.
Theo Danviet
Không còn nhiều dư địa để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đứng trước lựa chọn phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá.
Sau tháng 4 ít biến động, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong tháng 5 và đầu tháng 6 có nhiều biến động trồi sụt hơn. Vào cuối tháng 5, tỷ giá tại nhiều NHTM có dấu hiệu nóng lên, có thời điểm đã tỷ giá bán đạt đến 22.500 VND/USD do bối cảnh ảnh hưởng của biến động chính sách tiền tệ thế giới.
Thặng dư thương mại 5 tháng đầu năm đạt 1,64 tỷ USD; vốn FDI giải ngân tăng khá tốt (5 tháng đầu năm đạt 5,8 tỷ USD) và NHNN mua được thêm khoảng 8 tỷ USD củng cố dự trữ ngoại hối trong 6 tháng đầu năm, diễn biến của nền kinh tế trong nước vẫn đang ủng hộ cho sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi xét đến các áp lực từ phía thế giới, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng rủi ro tỷ giá vẫn cần được lưu tâm khi nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là một nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn và theo đó, khả năng chống chịu với những biến động lớn trên thế giới là không cao.
Với việc Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Châu Âu chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, những biến động của hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này sẽ có những ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường ngoại hối Việt Nam.
Đặc biệt là việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đi cùng khả năng tiếp tục giảm giá của đồng CNY và triển vọng nền kinh tế Châu Âu với tâm điểm là sự kiện trưng cầu dân ý tại Anh về quyết định rời khỏi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU).
"EUR mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác. Vấn đề này cùng với việc đồng CNY suy yếu sẽ dẫn tới khả năng NHNN phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá", VCBS nhận định.
Theo VCBS, xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá.
"Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối", VCBS nhấn mạnh.
Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.
Yếu tố này được kiểm chứng đầu tháng 6 vừa qua khi tỷ giá nóng trở lại trước đồn đoán về FED nâng lãi suất hay đồng CNY mất giá.
"Độ nhạy của tỷ giá với các tin tức tiêu cực từ thị trường thế giới mạnh lên đáng kể so với thời điểm tháng 1. Như vậy, sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá", VCBS bình luận.
Theo Danviet
Khả năng giảm lãi suất tiền đồng: Đừng kỳ vọng quá nhiều! Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ, khả năng giảm của lãi suất cho vay tiền đồng đang gặp phải nhiều áp lực từ rủi ro tỷ giá hiện hữu trở lại và lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với năm 2015. Lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây. Sự dư thừa...