Brazil cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc điều trị bằng kháng thể
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 13/5, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil ( Anvisa) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc điều trị COVID-19 bằng 2 loại kháng thể có tên gọi banlanivimab và etesevimab do nhà máy của hãng dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) tại nước này sản xuất.
Biêu tương của hãng dược phẩm Eli Lilly. Ảnh: Reuters
Theo Anvisa, hai kháng thể trên sau khi được tiêm vào cơ thể với một liều duy nhất, sẽ tác động lên các kháng thể khác có trong cơ thể, giúp xác định và vô hiệu hóa các tác nhân xâm nhập có hại cho sức khỏe. Hai kháng thể này được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình, trên 12 tuổi và nặng tối thiểu 40 kg. Tuy nhiên, cơ quan trên khuyến cáo các bác sĩ không sử dụng loại thuốc nêu trên đối với những bệnh nhân phải thở bằng máy trong quá trình điều trị.
Đây là loại thuốc thứ ba được Anvisa cấp phép sử dụng khẩn cấp trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trước đó, cơ quan này cũng đã chấp thuận sử dụng 2 loại thuốc điều trị COVID-19 là Remdesivir và Regn-Cov2.
Séc, Thụy Sĩ thử nghiệm kháng thể chống các biến thể của SARS-CoV-2
Nhật báo trực tuyến Lidovky.cz ngày 25/3 dẫn nghiên cứu công bố trên tạp chí danh tiếng Nature cho biết các nhà khoa học Séc mới thử nghiệm thành công kháng thể kép, có hiệu quả chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi và Brazil.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, kháng thể này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y sinh ở Bellinzona, Thụy Sĩ và các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học CH Séc.
Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã sử dụng các kháng thể khác nhau từ huyết tương của những bệnh nhân COVID-19, thường được sử dụng để điều trị bệnh nhưng có điểm yếu lớn là virus SARS-CoV-2 đang nhanh chóng trở nên kháng thuốc. Do đó, các nhà nghiên cứu đã kết hợp hai kháng thể tự nhiên thành một phân tử gọi là kháng thể kép đặc hiệu. Trong tương lai, chế phẩm này có thể thay thế một hỗn hợp kháng thể đắt tiền hỗ trợ những nước nghèo trên thế giới.
Trưởng nhóm nghiên cứu tiền lâm sàng, Daniel Rek cho biết chế phẩm này đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột nhạy cảm với virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Phenogenomics của Séc (CCP) và Trung tâm Biocev ở Vestec gần Praha.
Ngoài các nhà khoa học Thụy Sĩ và CH Séc, các chuyên gia từ Mỹ, Italy và Thụy Điển cũng đang hợp tác nghiên cứu kháng thể kép đặc hiệu này.
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 14/5: Thế giới thêm 709.000 ca mắc mới; Ấn Độ vượt 24 triệu ca bệnh Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 709.000 ca bệnh COVID-19 và trên 12.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 161,7 triệu ca, trong đó trên 3,35 triệu ca tử vong. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil, ngày 6/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN...