Brazil ấn tượng với thành tựu và tiềm năng phát triển khoa học – công nghệ của Việt Nam
Phát biểu trong buổi làm việc với Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Brazil Luciana Santos mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị khẳng định hợp tác khoa học – công nghệ là một trong những lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước, đặc biệt là viễn thông, công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, khoa học lượng tử, hàng không vũ trụ và máy bay.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị và Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Luciana Santos tại buổi làm việc. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, tại cuộc làm việc, Đại sứ Bùi Văn Nghị nhấn mạnh cần thiết lập và đưa vào hoạt động Ủy ban hỗn hợp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Brazil trong công nghệ sinh học ethanol, công nghiệp chế biến nông sản, khai khoáng, chống biến đổi khí hậu, công nghệ vũ trụ trong thời gian tới. Trong bối cảnh Việt Nam đưa ra Chiến lược phát triển vùng và thúc đẩy du lịch, Đại sứ Bùi Văn Nghị đánh giá cao công nghệ hàng không của Brazil, trong đó có các máy bay thân hẹp do hãng Embraer sản xuất, phù hợp với nhu cầu phát triển vận tải hàng không và du lịch của Việt Nam.
Đại sứ Bùi Văn Nghị cũng thông tin về việc Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao, chính quyền bang Rio Grande do Sul và gia đình các nạn nhân trong trận lũ lụt lịch sử hiện nay tại Brazil, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Đại sứ nhấn mạnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm và sát cánh với bạn bè Brazil trong khoảng thời gian khó khăn này.
Về phần mình, Bộ trưởng Luciana Santos khẳng định Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển mạnh mẽ, nhiều tiềm năng để hợp tác về khoa học – công nghệ. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp và công ty nước ngoài về sản xuất chip và chất bán dẫn, do đó tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Bà phát biểu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Lula da Silva và Brazil đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện các hiệp định đã được ký kết với Việt Nam. Theo kế hoạch, một đoàn chuyên gia Brazil sẽ sang làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào cuối tháng này.
Bộ trưởng Luciana Santos cũng bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển khoa học – công nghệ của Việt Nam qua chuyến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hồi tháng 11/2023.
Trung Quốc và Mỹ nhất trí hợp tác giảm phát thải khí methane
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn truyền thông sở tại cho biết Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí hợp tác về biến đổi khí hậu, bao gồm triển khai các công nghệ giảm phát thải để kiểm soát và giảm phát thải khí methane, sau cuộc đàm phán mới đây giữa Đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Lưu Chấn Dân và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Podesta tại Mỹ.
Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc thảo luận chuyên sâu tập trung vào các lĩnh vực, bao gồm chuyển đổi năng lượng, khí methane và các loại khí nhà kính không chứa CO2 khác, kinh tế tuần hoàn, hiệu quả tài nguyên, nạn phá rừng, cùng với các tỉnh, bang và thành phố carbon thấp và bền vững, cũng như hợp tác về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy thành công Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan. Hai bên cũng chia sẻ kinh nghiệm về chính sách khí hậu và các hành động liên quan.
Cụ thể, sau cuộc gặp, hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác song phương và tiến hành xây dựng năng lực liên quan đến triển khai các công nghệ giảm phát thải, cũng như phát triển và cải thiện các hệ thống và tiêu chuẩn MRV (giám sát, báo cáo và xác minh) tương ứng nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải khí methane đáng kể trong những năm 2020.
Trung Quốc và Mỹ dự định tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh về khí methane và khí nhà kính không CO2" lần thứ hai trong khuôn khổ COP 29. Hai bên cũng lưu ý đến Hệ thống ứng phó và cảnh báo khí methane được Cơ quan giám sát phát thải khí methane quốc tế thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) sử dụng. Họ cũng sẽ tham gia hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực về các giải pháp đo lường và giảm phát thải các loại khí nhà kính không chứa CO2 khác, bao gồm khí N2O công nghiệp cũng như tiền chất ozone tầng đối lưu.
Đại diện đàm phán hai bên đều trông đợi Sự kiện cấp cao Mỹ - Trung về Hành động vì khí hậu địa phương (High-Level Event on Subnational Climate Action), dự kiến diễn ra tại Berkeley, Mỹ trong các ngày 29-30/5 tới.
Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor...